Phát triển vùng đồng bằng sông Hồng còn nhiều tồn tại hạn chế, nhiều vấn đề mới phát sinh
Chiều ngày 17/5, Hội nghị lần thứ nhất Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án “Tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54 ngày 14/9/2005 của Bộ Chính trị khóa IX về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020; Kết luận số 13 ngày 28/10/2011 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 54” diễn ra tại Hà Nội.
Hội nghị đã công bố các quyết định thành lập Ban Chỉ đạo xây dựng Đề án Tổng kết thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW và Kết luận số 13-KL/TW; công bố danh sách thành viên Ban Chỉ đạo; Báo cáo công tác chuẩn bị và triển khai Đề án.
Đồng chí Trần Tuấn Anh phát biểu tại hội nghị.
Phát biểu tại hội nghị, đồng chí Trần Tuấn Anh - Ủy viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, Trưởng Ban Chỉ đạo cho biết, thực hiện ý kiến chỉ đạo của đồng chí Thường trực Ban Bí thư về việc tổng kết các nghị quyết của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế - xã hội và đảm bảo quốc phòng, an ninh các vùng kinh tế, Bộ Chính trị giao Ban Kinh tế Trung ương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành và địa phương liên quan triển khai Đề án “Tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW, ngày 14/9/2005 của Bộ Chính trị khóa IX về phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Hồng đến năm 2010 và định hướng đến năm 2020; Kết luận số 13-KL/TW, ngày 28/10/2011 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW”, báo cáo Bộ Chính trị trong Quý III năm nay.
Đồng chí Trần Tuấn Anh nhấn mạnh, Vùng đồng bằng sông Hồng là một trong 6 vùng kinh tế - xã hội của cả nước, gồm có 11 tỉnh, thành phố, trong đó có Thủ đô Hà Nội là trung tâm đầu não chính trị - hành chính quốc gia, trung tâm lớn về văn hóa, khoa học, giáo dục, kinh tế và giao dịch quốc tế của cả nước. Vùng đồng bằng sông Hồng là địa bàn đặc biệt quan trọng về chính trị, kinh tế - xã hội, quốc phòng an ninh của cả nước; sau 16 năm thực hiện Nghị quyết 54 tốc độ tăng trưởng kinh tế của toàn Vùng đạt khá cao, quy mô kinh tế đứng thứ 2 trong 6 vùng và ngày càng đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế - xã hội của cả nước. Tuy nhiên, phát triển vùng đồng bằng sông Hồng còn nhiều tồn tại, hạn chế; nhiều vấn đề mới phát sinh và được đặt ra đối với phát triển Vùng trong bối cảnh, tình hình mới của đất nước.
Chính vì vậy, việc tổng kết thực hiện Nghị quyết số 54-NQ/TW có ý nghĩa và tầm quan trọng đặc biệt. Kết quả tổng kết Nghị quyết là cơ sở quan trọng để Ban Chỉ đạo tham mưu với Bộ Chính trị, Ban Bí thư ban hành Nghị quyết mới về phát triển Vùng nhằm cụ thể hoá các quan điểm và định hướng của Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm 2021 - 2030 của cả nước, Nghị quyết Đại hội đảng các địa phương, nhiệm kỳ 2020 - 2025; đưa ra các quan điểm và nhiệm vụ, giải pháp phát triển Vùng phù hợp với chủ trương, định hướng của Đảng và thực tiễn phát triển vùng.
Tại hội nghị, các thành viên Ban chỉ đạo tham gia ý kiến đối với Kế hoạch xây dựng Đề án; phân công nhiệm vụ Ban Chỉ đạo, dự thảo Đề cương Báo cáo Tổng kết và Đề cương Báo cáo của các Bộ, ngành, địa phương. Bên cạnh đó, các thành viên Ban Chỉ đạo đã thảo luận một số vấn đề quan trọng của vùng đồng bằng sông Hồng như quốc phòng, an ninh, công thương, giao thông, y tế, giáo dục, phát triển đô thị, liên kết vùng…; thảo luận về tình hình thực hiện Nghị quyết 54-NQ/TW ở các địa phương. Các thành viên Ban Chỉ đạo cơ bản đều thể hiện sự đồng tình, nhất trí cao với những nội dung và kế hoạch xây dựng Đề án; cho rằng việc tổng kết Nghị quyết 54-NQ/TW có ý nghĩa rất quan trọng cho phát triển Vùng trong thời gian tới.
Theo VOV
- Cà Mau: GRDP nông, lâm, ngư nghiệp tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước
- Bình Dương phấn đấu trở thành đô thị loại I và thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030
- Đến năm 2030, phấn đấu trên 90% diện tích lúa, rau màu, cây ăn trái áp dụng IPHM
- Vĩnh Long: Định hướng cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới