Quy định về bồi thường thu hồi đất
Bạn đọc Nguyễn Văn Thái (Gia Lai): Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất mà không có giấy tờ về quyền sử dụng đất có được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (Giấy CNQSDĐ), quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất không?
Theo quy định tại Điều 101 Luật đất đai năm 2013 thì đối với hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất mà không có giấy tờ về quyền sử dụng đất thì được cấp Giấy CNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất, với các điều kiện cụ thể như sau:
1. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất trước ngày Luật này có hiệu lực thi hành mà không có các giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này, có hộ khẩu thường trú tại địa phương và trực tiếp sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản, làm muối tại vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn, nay được UBND cấp xã nơi có đất xác nhận là người đã sử dụng đất ổn định, không có tranh chấp thì được cấp Giấy CNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất và không phải nộp tiền sử dụng đất.
2. Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất không có các giấy tờ quy định tại Điều 100 của Luật này nhưng đất đã được sử dụng ổn định từ trước ngày 01 tháng 7 năm 2004 và không vi phạm pháp luật về đất đai, nay được UBND cấp xã xác nhận là đất không có tranh chấp, phù hợp với quy hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn đã được cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt đối với nơi đã có quy hoạch thì được cấp Giấy CNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
Những vấn đề trên được hướng dẫn cụ thể từ Điều 20 đến Điều 23 Nghị định 43/2014/NĐ-CP, theo đó quy định rõ việc: Cấp Giấy CNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất mà không có giấy tờ về quyền sử dụng đất và không vi phạm pháp luật đất đai (Điều 20); căn cứ xác định việc sử dụng đất ổn định (Điều 21); căn cứ xác định việc sử dụng đất ổn định (Điều 22); việc cấp Giấy CNQSDĐ, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất cho hộ gia đình, cá nhân đã được giao không đúng thẩm quyền (Điều 23). Để biết thông tin chi tiết, các bạn tham khảo các điều luật đó.
Bạn đọc Phạm Thanh Hải (TP. Hồ Chí Minh): Việc bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất được pháp luật quy định thế nào?
Đây là vấn đề lớn, phức tạp vì vậy Luật Đất đai 2013 đã dành Mục 2, Mục 3, Chương 6 với 21 Điều và ban hành riêng một Nghị định số 47/2014/NĐ-CP để quy định về vấn đề này. Trong phạm vi bài viết này, tôi không thể nêu hết được những quy định đó, mà chỉ nêu một số quy định mang tính nguyên tắc và có tính xuyên suốt. Trên cơ sở đó để các bạn định hướng tham khảo, nghiên cứu những điều luật và văn bản đã nêu trên.
Điều 74. Luật Đất đai 2013 quy định “Nguyên tắc bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất” như sau:
1. Người sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi đất nếu có đủ điều kiện được bồi thường quy định tại Điều 75 của Luật này thì được bồi thường.
2. Việc bồi thường được thực hiện bằng việc giao đất có cùng mục đích sử dụng với loại đất thu hồi, nếu không có đất để bồi thường thì được bồi thường bằng tiền theo giá đất cụ thể của loại đất thu hồi do UBND cấp tỉnh quyết định tại thời điểm quyết định thu hồi đất.
3. Việc bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất phải bảo đảm dân chủ, khách quan, công bằng, công khai, kịp thời và đúng quy định của pháp luật.
Như vậy, theo quy định trên thì người sử dụng đất khi Nhà nước thu hồi đất được bồi thường, nhưng phải đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 75 của Luật Đất đai 2013. Việc bồi thường đó bao gồm: Bồi thường chi phí đầu tư vào đất còn lại khi Nhà nước thu hồi đất vì mục đích quốc phòng, an ninh; phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng (Điều 76); bồi thường về đất, chi phí đầu tư vào đất còn lại khi Nhà nước thu hồi đất nông nghiệp của hộ gia đình, cá nhân (Điều 77); bồi thường về đất khi Nhà nước thu hồi đất ở (Điều 79); hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất (Điều 83); hỗ trợ đào tạo, chuyển đổi nghề, tìm kiếm việc làm cho hộ gia đình, cá nhân khi Nhà nước thu hồi đất (Điều 84)...
Bạn đọc Nguyễn Xuân Khôi (Hà Nội): Đề nghị cho biết Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng trong những trường hợp nào?
Việc thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng được quy định tại Điều 62, Luật Đất đai 2013. Theo đó:
Nhà nước thu hồi đất để phát triển kinh tế - xã hội vì lợi ích quốc gia, công cộng trong các trường hợp sau đây:
- Thực hiện các dự án quan trọng quốc gia do Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư mà phải thu hồi đất;
- Thực hiện các dự án do Thủ tướng Chính phủ chấp thuận, quyết định đầu tư mà phải thu hồi đất, bao gồm: Dự án xây dựng khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế; khu đô thị mới, dự án đầu tư bằng nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA);…
- Thực hiện các dự án do Hội đồng nhân dân cấp tỉnh chấp thuận mà phải thu hồi đất bao gồm: Dự án xây dựng trụ sở cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội; công trình di tích lịch sử - văn hóa, danh lam thắng cảnh được xếp hạng, công viên, quảng trường, tượng đài, bia tưởng niệm, công trình sự nghiệp công cấp địa phương;…
Bạn đọc Lò Văn Quang (Sơn La): Khi nào được tách thửa đất, hợp thửa đất và diện tích bao nhiêu thì được tách thửa?
Khoản 23, Điều 1, Nghị định số 148/2020/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 43/2014/NĐ-CP quy định. Bổ sung Điều 75a như sau:
“Điều 75a. Quy định điều kiện tách thửa đất, hợp thửa đất và diện tích tối thiểu được tách thửa.
UBND cấp tỉnh căn cứ quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất, quy hoạch chi tiết xây dựng và điều kiện cụ thể tại địa phương để quy định cụ thể điều kiện tách thửa đất, điều kiện hợp thửa đất theo từng loại đất và diện tích tối thiểu được tách thửa đối với từng loại đất.”
Riêng trường hợp ở Hà Nội thì tham khảo quy định của UBND TP.Hà Nội.
Mặc dù Luật Đất đai 2013 có nhiều tiến bộ, tuy nhiên đến nay không theo kịp với tình hình phát triển kinh tế của đất nước; quá trình thực hiện đã bộc lộ một số hạn chế, và đây cũng là một trong những nguyên nhân dẫn đến những tiêu cực trong quản lý đất đai, khiếu kiện… Hội nghị Trung ương 5 vừa qua đã thống nhất sửa đổi Luật Đất đai, hy vọng những sửa đổi này sẽ khắc phục được hạn chế của Luật Đất đai 2013, góp phần tích cực thúc đẩy kinh tế- xã hội phát triển.
Lê Chiên (ghi)