Mạnh dạn chuyển đổi sản xuất nhờ vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân
Phát triển nhiều mô hình sản xuất, kinh doanh
Các dự án vay vốn Quỹ Hỗ trợ nông dân (HTND) đã tạo điều kiện giúp các hội viên mở rộng quy mô, xây dựng các mô hình kinh tế theo hướng liên kết, tiếp cận với các nguồn vốn, kỹ thuật trong trồng trọt, chăn nuôi.
Theo ông Sùng Mí Thề - Phó Chủ tịch Hội ND tỉnh Hà Giang, Quỹ HTND thành lập với mục đích giúp nông dân có thêm nguồn lực đầu tư, xây dựng và nhân rộng các mô hình kinh tế, nâng cao quy mô sản xuất, hướng tới mục tiêu xóa đói giảm nghèo. Quỹ được triển khai theo các dự án vay vốn theo nhóm hộ với mức vay trên 50 triệu đồng/hộ và quy mô là từ 200 triệu đồng đến 750 triệu đồng/dự án. Các hội viên vay vốn chủ yếu đầu tư vào lĩnh vực chăn nuôi, trồng trọt và hiện nay hướng đến cả du lịch phù hợp với đồng bào vùng cao.
Hiệu quả của nguồn Quỹ HTND trước mắt là thay đổi tư duy của nông dân từ sản xuất nông nghiệp đơn thuần sang tư duy kinh tế nông nghiệp. Thứ hai là chuyển dịch cơ cấu kinh tế và phát triển kinh tế tập thể ở nông thôn, tạo việc làm và ứng dụng tiến bộ KHKT vào sản xuất nông nghiệp để khai thác được tiềm năng thế mạnh của từng vùng, tạo ra những loại nông sản hàng hóa có giá trị. Đặc biệt là tạo điều kiện cho Hội Nông dân các cấp hoạt động, tuyên truyền và vận động nông dân thực hiện thắng lợi các chương trình kinh tế gắn với phát triển nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới.
Các mô hình tiêu biểu như: Trồng và chăm sóc cam theo hướng VietGAP tại các xã Vĩnh Phúc, Đồng Yên, Tiên Kiều, Vĩnh Hảo (huyện Bắc Quang); xã Yên Hà, Hương Sơn (huyện Quang Bình); chăn nuôi trâu tại các xã Vĩ Thượng, thị trấn Yên Bình (huyện Quang Bình); trồng “na núi đá” phường Quang Trung (TP. Hà Giang); mô hình “Nông dân làm du lịch” - nhà nghỉ homestay xã Lũng Cú (huyện Đồng Văn).
Để quản lý nguồn vốn Quỹ HTND, Ban Thường vụ, Ban Điều hành Quỹ HTND tỉnh đã sâu sát, cụ thể, tuân thủ các quy định của điều lệ quỹ và pháp luật của Nhà nước; thực hiện tốt các khâu từ lựa chọn mô hình đầu tư, hộ vay, thẩm định dự án, giải ngân cho vay; kết hợp tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện dự án tại cơ sở; đặc biệt là phân cấp, phân quyền, giao trách nhiệm cho Hội cấp dưới và các cá nhân trong thực hiện nhiệm vụ. Nhờ vậy, hầu hết các hộ hội viên vay vốn đều sử dụng đúng mục đích, đảm bảo hiệu quả đồng vốn.
Các cấp Hội ND trong tỉnh còn chỉ đạo, đôn đốc, hướng dẫn các gia đình thực hiện tốt phong trào thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, giúp nhau xóa đói giảm nghèo, góp phần tăng thu nhập, cải thiện đời sống cho nhân dân. Cùng với đó, Hội ND các cấp đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Trung tâm Khuyến nông mở được 1.300 lớp tập huấn kỹ thuật nông, lâm nghiệp cho 53.000 lượt hội viên nông dân; hướng dẫn và hỗ trợ các hội viên nông dân xây dựng 433 mô hình thâm canh mẫu về lúa, ngô, trồng rừng kinh tế và phát triển chăn nuôi theo hướng hàng hóa.
Trong năm 2023, Quỹ HTND tỉnh Hà Giang đã giải ngân trên 12 tỷ đồng cho hội viên, nông dân vay vốn phát triển kinh tế.
Tạo điều kiện cho nông dân vươn lên
Trong giai đoạn 2021-2025, Hội ND tỉnh hỗ trợ hội viên phát triển 5 loại cây, 3 loại con trở thành sản phẩm nông nghiệp đặc trưng theo chuỗi giá trị. 5 loại cây gồm: Cây ăn quả ôn đới, chè San tuyết, cây dược liệu, lúa đặc sản chất lượng cao và tam giác mạch; 3 loại con là bò vàng, lợn đen, mật ong bạc hà.
Không chỉ hỗ trợ hội viên nông dân phát triển kinh tế thông qua nguồn Quỹ HTND mà hiện nay để bắt nhịp với xu thế thời đại 4.0, Hội ND tỉnh Hà Giang cũng đã và đang tiến hành hỗ trợ, hướng dân hội viên nông dân từng bước ứng dụng công nghệ số trong sản xuất. Qua đó góp phần quan trọng vào từ đột phá năng suất, chất lượng và khả năng cạnh tranh cho nông dân.
Ngoài ra, Hội còn triển khai chương trình truyền thông về chuyển đổi số nông nghiệp nông thôn cho hội viên. Qua đó, hỗ trợ chuyển đổi số, tham gia sàn thương mại điện tử để kết nối, quảng bá, giới thiệu sản phẩm, chủ động tìm kiếm thị trường, mở rộng thị trường trong nước và quốc tế...
Tại huyện Đồng Văn, phát triển nông nghiệp số đang được huyện tích cực đẩy mạnh, xây dựng và truyền thông số nhằm quảng bá sâu rộng nông sản đặc trưng, đặc hữu của huyện, hỗ trợ xúc tiến thương mại, nâng cao năng suất, chất lượng sản phấm, thực hiện kiểm nghiệm đảm báo các tiêu chuẩn về an toàn vệ sinh thực phẩm. Nhiều sản phẩm được nhiều người tiêu dùng đánh gia cao như mật ong, ớt gió ngâm dấm, thịt bò khô, dược liệu. Trong giai đoạn từ 2018 đến nay, huyện có 65 sản phẩm của 5 chủ thể tham gia đánh giá OCOP. Kinh tế nông nghiệp ứng dụng công nghệ số đã được các nhà sản xuất nông nghiệp, hộ dân ở Đồng Văn khai thác để bán hàng trên mạng.
Với mục tiêu phấn đấu đến năm 2025, tốc độ tăng giá trị sản xuất nông lâm thủy sản đạt 5,5%/năm. Giá trị sản phẩm trồng trọt bình quân trên 1ha đất canh tác đạt 63 triệu đồng. Hội ND tỉnh tiếp tục tuyên truyền, hỗ trợ nông dân phát triển nông nghiệp đặc trưng theo chuỗi, phát triển cây trồng vật nuôi thế mạnh đặc trưng của tỉnh. Trong đó việc đẩy mạnh ứng dụng chuyển giao khoa học kỹ thuật, quy trình sản xuất cho người dân; xây dựng các vùng sản xuất nông nghiệp đặc trưng dựa trên lợi thế về tiểu vùng khí hậu; hướng dẫn các vùng sản xuất thực hiện theo tiêu chuẩn VietGAP phù hợp với yêu cầu của thị trường trong nước hướng tới thị trường xuất khẩu được Hội ND đặc biệt quan tâm.
Đến nay, trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã chuyển đổi gần 7.900ha đất trồng ngô kém hiệu quả sang cây trồng khác có giá trị kinh tế cao hơn. Trong các chuỗi liên kết này, doanh nghiệp sẽ đầu tư giống, vật tư nông nghiệp và bao tiêu sản phẩm. Đồng thời, người dân cũng thay đổi tư duy sản xuất theo nhu cầu của thị trường, tránh tình trạng chạy theo lợi ích trước mắt. Các sản phẩm được thu mua với giá cả ổn định. Hiệu quả sản xuất nông nghiệp gắn với chuyển đổi số đã tăng lên gấp nhiều lần so với sản xuất truyền thống.
- Hà Giang: Kết nối, tiêu thụ sản phẩm OCOP và sản phẩm tiêu biểu tại Thủ đô
- Hà Giang: Nuôi dê Bách Thảo - sinh kế lâu dài cho nông dân vùng cao
- Thanh Hoá: Nông dân được học tập, chia sẻ kinh nghiệm xử lý rác thải thân thiện với môi trường
- Lào Cai: Hỗ trợ hơn 1 tấn cá giống giúp nông dân khôi phục sản xuất sau bão Yagi