Làng nghề

Rêu phong hồn ngói

15:21 30/07/2017 GMT+7

Kể từ khi phát minh ra cách sử dụng đất sét để lợp nhà, con người ta đã trở nên gắn bó với ngói. Biết bao kiếp đời đã sinh ra dưới mái ngói, và rồi hạnh phúc chính là được chết đi dưới mái ngói, trong chính ngôi nhà của mình, trên chính chiếc giường của mình.

Người dân tộc Tày, Nùng có câu “Mừng chắc, câu chắc, pài ngọa chắc” nghĩa là “Mày biết, tao biết, mái ngói biết”, nghĩa là sống để bụng, chết mang đi. Nghĩa là mái ngói, như một nhân chứng lặng thầm, không chỉ chở che cho con người những ấm lạnh mà còn cả những vui buồn theo tháng năm…

Ngói mộc chưa nung.

Một trong hai mươi di tích kiến trúc nghệ thuật – tôn giáo tín ngưỡng đình làng còn tồn tại ở Bắc Sơn (Lạng Sơn) chính là đình Nông Lục. Đình Nông Lục được xây dựng từ thời Nguyễn (năm 1927), diện tích đình khoảng 180 m2. Kiến trúc đình Nông Lục là sự kết hợp giữa kiểu đền truyền thống đồng bằng Bắc Bộ với kiến trúc nhà sàn của người Tày Lạng Sơn. Đình Nông Lục là nơi diễn ra cuộc họp quyết định phát động khởi nghĩa Bắc Sơn (tháng 10/1940). Năm 1993, đình Nông Lục đã được Bộ Văn hóa Thông tin xếp hạng là di tích quốc gia. Với người dân Bắc Sơn, niềm tự hào còn nằm ở chỗ, hầu như tất cả những vật liệu xây đền đều được khai thác từ chính vùng đất bản địa, đặc biệt là phần mái ngói, với nét đặc trưng mà ai cũng có thể cảm nhận được khi bước chân vào ngôi đình, đó là sự dịu mát tức thì về nhiệt độ, ngoài ra còn là độ bám chắc của các viên ngói, tránh xô lệch qua thời gian, mưa bão.

Xóm Ta Nâm, xã Long Đống, huyện Bắc Sơn ngày nay vẫn còn tồn tại làng sản xuất ngói nung thủ công với bốn lò ngói và khoảng hơn hai mươi “nhà làm ngói”. Hội Ngói máng của xã Long Đống và xã Quỳng Sơn của huyện Bắc Sơn cũng đã được thành lập và quy tụ khoảng hơn bảy mươi hộ dân tham gia. Hội Ngói máng Bắc Sơn họp thường niên vào ngày hai mươi tháng Chạp hằng năm, để “tổng kết công tác” theo như cách nói vui của những người làm ngói.

Bên những khối đất sét đang ủ nước, dẻo quánh, mịn màng như có thể ăn được, ông Hoàng Công Ngọc đã kể cho tôi nghe về nghề làm ngói ở Bắc Sơn. Theo ông Hoàng Công Ngọc, nghề làm ngói du nhập vào Bắc Sơn từ cuối thế kỷ mười chín, đầu thế kỷ hai mươi. Người có công mang nghề làm ngói về Bắc Sơn là ông Lý Khoát, người xã Quỳnh Sơn. Xuất phát từ nhu cầu cá nhân, ông Khoát đã đón hai người thợ ở Cao Bằng về Bắc Sơn tìm đất để xây lò làm ngói. Thật may mắn là vùng đất thuộc khu giáp ranh hai xã Long Đống và Quỳnh Sơn có loại đất sét phù hợp với yêu cầu làm ngói nên lò ngói đầu tiên đã được gây dựng tại nơi này. Kể từ đó đến nay, lò ngói không biết đã bao lần đỏ lửa để không biết bao nhiêu ngàn vạn viên ngói ra lò và rồi nằm bên nhau ngay ngắn, che phủ cho biết bao nếp nhà sàn của đồng bào các dân tộc huyện Bắc Sơn và các vùng phụ cận.

Thế nhưng nghề làm ngói, không phải không có lúc đã từng bị đứt đoạn. Người làm ngói, cũng đã từng trải qua biết bao câu chuyện buồn vui, theo những thăng trầm lịch sử của vùng đất chiến khu Bắc Sơn.

Ông Dương Công Ngọc thực hiện công đoạn tước đất, lọc sỏi.

Ông Hoàng Công Ngọc sinh năm 1938, năm 1940, cha ông là Hoàng Công Đằng bị giặc Pháp giết hại. Theo lời mẹ ông và những người già trong làng kể lại, thì ngày hai mươi sáu tháng tám âm lịch năm 1940, một tên Đại úy Pháp, trên đường rút chạy về Thái Nguyên đã phải bỏ lại chiếc ô tô do không qua được cầu Rá Riềng. Ông Hoàng Công Đằng đã cùng với ông Dương Doàn Giỏng và ông Dương Công Lằn đi phá xe ô tô của Pháp và thu về chiến lợi phẩm là một hòm đạn. Đến ngày mùng hai tháng chín âm lịch năm 1940, quân Pháp quay trở lại và bắt cả ba ông. Chúng giết ông Dương Công Lằn ngay tại cầu Rá Riềng, còn ông Đằng và ông Giỏng bị chúng bắt mang đi. Đến ngày mùng ba tháng chín, gia đình hay tin chúng đã giết ông Đằng và ông Giỏng và đến ngày mùng bốn tháng chín năm 1940, chúng đem đầu hai ông về bêu tại cầu Rá Riềng. Ông Hoàng Công Đằng còn có một người em ruột là ông Hoàng Công Ươm, năm 1946 ông Ươm đã xung phong đi bộ đội với nguyện vọng được chiến đấu để trả thù cho anh trai. Năm 1947, ông Ươm hy sinh ở đồn Bản Sầm (thuộc Châu Điềm He), ông Ươm được công nhận là liệt sĩ.

Những biến cố lớn xảy ra ở Bắc Sơn cuối năm 1940 đã trở thành ngọn lửa soi đường dẫn lối để cho nhân dân các dân tộc Bắc Sơn nói riêng và nhân cả nước nói chung, bước vào thời kỳ võ trang cách mạng. Ở những năm tháng nước sôi lửa bỏng ấy, nghề làm ngói đứt đoạn một thời gian. Cho tới những năm 1960, do nhu cầu của người dân, lò ngói được tu sửa và đốt lửa trở lại. Kể từ đó đến nay, thêm ba lò ngói nữa được xây lên ở đất Ta Nâm này.

Nghề làm ngói ở Bắc Sơn, giống như bao nghề thủ công khác, vừa mang mục đích kinh tế vừa là bản sắc cá biệt mang tính truyền thống của địa phương. Trải qua nhiều năm sản xuất, người làm ngói Bắc Sơn cũng có những cải tiến nhất định, chẳng hạn như việc thiết kế khuôn phẳng, sau đó mới dùng “nấm” để tạo độ cong cho viên ngói. Còn lại, những công đoạn khác thì vẫn giữ nguyên như truyền thống cổ xưa.

Nhìn đống đất xốp màu nâu nhạt bên cạnh rìa nhà làm ngói, tôi ngạc nhiên hỏi, “Đây là đất sét hả bác?”. “Đất sét mua ở Bình Gia đấy, Bắc Sơn giờ hết rồi.” Nói rồi ông Dương Công Ngọc một tay cầm gầu nước một tay xách cái xẻng, đoạn, ông đổ nước vào một điểm trên đống đất, rồi dùng xẻng trộn đều. Đất khô, tơi nhưng gặp nước bỗng mềm và dẻo quẹo như đất nặn. Ông Ngọc bảo, “thử đất bằng cách này đấy, cũng cần phải xem đất có đều không, có mịn không? Đất phải ít sỏi và không có ốc nhỏ, nhìn kỹ, đất ánh lên như có mỡ thì mới tốt. Giá bây giờ là một triệu ba một xe bảy khối”.

Lò ngói của gia đình ông Dương Công Ngọc.

Làm ngói chẳng có mùa, chủ yếu là tranh thủ lúc nông nhàn và nhân lực dôi dư. Người già, phụ nữ, trẻ con đều có thể trở thành thợ ngói hoặc góp công vào từng công đoạn làm ngói. Đất sét mua về, vun đống để giành, có thời gian là tưới nước để ủ. Khi nước đã ngấm đều thì dùng cung chân sắn ra từng khoanh nhỏ, mang đặt ra một chỗ khác, dùng chân nhẫm đi nhẫm lại khoanh đất để tạo độ dẻo. Hết một lượt, lại lượt khác, hết một lần lại lần khác. Những khối đất sét sau khi chia nhỏ để nhào lại dồn thành đồng to, rồi lại chia nhỏ… cho đến khi chúng thật sự dẻo, mềm như miếng bánh thì bắt tay vào công đoạn lọc sỏi. Người làm ngói dùng cung tay như một lưỡi dao, tước mỏng từng lớp đất để lọc bỏ từng viên sỏi nhỏ. Lúc này đất đã đạt độ kết dính, người ta có thể cầm trên tay miếng đất mỏng như tờ giấy mà không rơi. Xong công đoạn lọc sỏi, ủ nước lần cuối cùng là đất vào khuôn được. 

Riêng công đoạn vào khuôn, cần người khỏe mạnh để vác miếng đất, đập vào khuôn gỗ. Tro bếp được dùng rắc một lượt mỏng lên khuôn để chống dính vào khuôn và dính giữa các viên ngói. Cố định viên ngói rồi, chỉ cần cắt bỏ phần đất thừa là ta được một miếng đất có độ dày gần một phân, rộng mỗi chiều lần lượt là hai mươi mốt và hai mươi phân. Nhẹ nhàng đặt miếng đất lên “nấm” để tạo độ cong, là viên ngói đã thành hình. Ngói mộc được xếp chồng lên nhau thành hàng ngay ngắn trong nhà làm ngói chờ cho khô hẳn mới đem nung. Mỗi lò ngói, mỗi mẻ nung được bốn vạn đến năm vạn viên ngói. Không phải nhà nào làm ngói cũng đều xây lò vì chi phí xây lò không hề nhỏ nên những nhà làm ít, mỗi năm chỉ một đến hai lò thì đem ngói đi mướn lò để nung. Ngày ngói vào lò, là một ngày quan trọng. Hơn mười ngày đỏ lửa, chờ cho ngói nguội, là người làm ngói hân hoan đón ngói ra lò. Với những nhà ít nhân công, cả một năm trời hì hục bên những đống đất sét, thành quả của họ đặt cược cả vào một mẻ ngói trong lò.

Cuối con đường làm ngói, là địa phận xã Quỳnh Sơn, tôi ghé vào nhà làm ngói của gia đình anh chị Dương Công Hùng, Dương Thị Hiền. Anh Hùng đang vào khuôn ngói, chị Hiền thì tước đất, lọc sỏi. Chị cười bảo, mấy năm nay, thi thoảng lại có từng tốp khách ghé thăm làng ngói, chắc làng ngói Long Đống, Quỳnh Sơn đã nhiều người biết đến. Nhìn những nhà làm ngói đầy ắp ngói mộc hàng hàng, lớp lớp xếp dọc con đường cái, tôi chợt nghĩ, giá làng nghề làm ngói máng Bắc Sơn trở thành điểm tham quan du lịch với chương trình bài bản, cho khách được trải nghiệm quy trình làm ngói để tận tay đùa nghịch với những khối đất sét nâu óng, dẻo mát… thì chắc có thể, sẽ giúp tăng thêm chút ít thu nhập cho người làm ngói. Chứ còn trông chờ vào ngói để làm giàu, thì cũng vất vả lắm thay. Chị Hiền bảo, hai vợ chồng hì hụi mút mùa, cả năm cũng chỉ đủ nung một mẻ. Tiền học của hai con, trông cả vào lò ngói duy nhất ấy. Có những năm lũ về, nhà ngói bị ngập nước, đêm nằm nghe những chồng ngói đổ “ụp”, “ụp” mà ứa nước mắt. Công sức cả năm trời, thành ra công cốc. Mà ngói đã khô, khi ngấm nước lại bở tơi ra, không còn độ dẻo nữa. Lũ qua, lại phải ủ nước, làm lại từ đầu, ấy là chưa kể, lũ về mang theo nhiều tạp chất, đất ấy, coi như bỏ đi. Nghề làm ngói, lấy công làm lãi, chứ hạch toán kinh tế, chỉ cần tính đến chuyện phải thuê người làm, thì coi như chả còn lời lãi gì.

Ấy thế nhưng người Long Đống, Quỳnh Sơn vẫn giữ nghề làm ngói. Cứ ra đến nhà làm ngói là bất kể già trẻ, gái trai, lớn bé đều biết làm ngói. Anh Dương Công Vừng, con trai ông Dương Công Ngọc còn hóm hỉnh nói với tôi “Vợ em từ nơi khác về đây làm dâu, cũng thành thợ ngói. Nhưng con gái làng này, đi nơi khác lấy chồng, là không mang nghề đi được đâu!”. Không phải chỉ có Hội Ngói máng tự hào vì nghề truyền thống của làng mà ngói máng thủ công đã trở thành niềm từ hào của tất cả những người dân Bắc Sơn. Tất cả những nhà sàn ở Bắc Sơn đều lợp ngói máng của người Bắc Sơn, thứ ngói ấy, sẽ bị bạc màu bởi thời gian và rêu phong bởi tháng năm nhưng ăn đứt ngói máy ở độ bền, ở chỗ không bị vênh, xô lệch. Đặc biệt, ngói ấy, ủ ấm những phận người trong những mùa đông buốt lạnh của xứ núi mà vào mùa hè, lại mát đến lạ thường. Điều ấy, chỉ những người sống dưới ngói máng Bắc Sơn mới cảm nhận nó đáng quý biết chừng nào.

Quẩn quanh bên những khối đất sét, tự mình cầm lấy chiếc cung tay, tước từng lớp đất mỏng mềm, điều làm tôi xúc động, không phải là nghề làm ngói cổ xưa vẫn còn được lưu giữ đến ngày hôm nay, mà chính là khí phách hiện hữu của người Bắc Sơn. Kể cho tôi nghe về những năm tháng bi thương và những mất mát, hy sinh của gia đình mình, của người thân mình, mà đôi mắt của người Bắc Sơn cứ rực lên một niềm tự hào quá đỗi thật thà. Chính là những con người, những tấm lòng chân chỉ, sắt son ấy đã góp phần giữ yên bờ cõi. Những câu chuyện dưới mái ngói, là minh chứng cho một Bắc Sơn trầm tích những oai hùng.

Trọng Nhân

Tin cùng chuyên mục
Tin khác