Sản phẩm – Dịch vụ

Sản phẩm dừa Việt Nam có tiềm năng rất lớn

Ái Vân - 07:18 26/02/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Ngày 25/2, tại TP. HCM, Hiệp hội Dừa Việt Nam tổ chức Hội nghị xúc tiến thương mại ngành Dừa và các ngành liên quan đến dừa lần thứ nhất năm 2023.

Hiện nay, Việt Nam đã có hơn 90 doanh nghiệp xuất khẩu sản phẩm từ dừa ra thị trường thế giới, trong đó có 40 doanh nghiệp đã khẳng định được thương hiệu riêng, góp phần nâng cao uy tín cho ngành dừa Việt Nam.

Hiện ngành Dừa Việt Nam đứng thứ tư châu Á về năng lực sản xuất, xuất khẩu. Năm 2022, xuất khẩu dừa và các sản phẩm từ dừa đã đạt trên 900 triệu USD. Hoạt động sản xuất, kinh doanh ngành Dừa Việt Nam ngày càng bài bản và chú trọng ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ mới hơn. Các doanh nghiệp đã đầu tư những vùng nguyên liệu riêng, đạt các tiêu chuẩn quốc tế.

Tại Hội nghị xúc tiến thương mại ngành Dừa , các doanh nghiệp ngành Dừa và liên quan đến dừa đã giới thiệu nhiều sản phẩm được sản xuất, chế biến từ các bộ phận của cây dừa. Các doanh nghiệp và các đối tác, nhà đầu tư tiềm năng đã có buổi giao lưu, trao đổi nhằm tìm hướng hợp tác để cùng phát triển.

Đại diện Trung tâm Phát triển kinh tế nông thôn (CRED) đã giới thiệu những ưu đãi từ dự án Biotrade, do Cục Kinh tế của Liên bang Thụy Sỹ tài trợ dành cho ngành Dừa và các ngành liên quan cây dừa ở Việt Nam. Đây là dự án hỗ trợ các hoạt động thu hái, sản xuất và kinh doanh, buôn bán hàng hóa và dịch vụ có nguồn gốc từ đa dạng sinh học tự nhiên, theo các tiêu chuẩn bền vững về môi trường, xã hội và kinh tế.

Các đại biểu dự Hội nghị xúc tiến ngành Dừa. Ảnh: Ái Vân

Bà Nguyễn Thị Trúc Liên, Giám đốc Khối nguyên liệu của Công ty Cổ phần Xuất nhập khẩu Bến Tre (Betrimex) chia sẻ: Sản phẩm dừa Việt Nam có tiềm năng rất lớn, nhất là các sản phẩm chế biến sâu, áp dụng công nghệ cao, sản xuất theo hướng hữu cơ … Các sản phẩm từ dừa của Betrimex  với thương hiệu Cocoxim hiện đã xuất khẩu được tới hơn 60 thị trường, trong đó có những thị trường rất khó tính như Nhật Bản, Đức …

Thời gian qua, Công ty Betrimex đã hợp tác và có nhiều chính sách hỗ trợ bà con nông dân để phát triển lâu dài vùng nguyên liệu dừa hữu cơ đạt chuẩn quốc tế ở hai tỉnh Bến Tre và Trà Vinh với tổng diện tích gần 8.000 ha. Sản phẩm kẹo dừa và các sản phẩm thủ công mỹ nghệ nay đã được các doanh nghiệp đầu tư dây chuyền sản xuất tự động khép kín thay cho cách sản xuất thủ công truyền thống trước kia. Đầu tư công nghệ sản xuất được các dòng sản phẩm tinh dầu dừa để phục vụ cho phân khúc thị trường cao cấp, gỗ dừa cũng được khai thác, xuất khẩu.

Theo ông Cao Bá Đăng Khoa, Quyền Tổng Thư ký VCA cho biết: Ngành Dừa Việt Nam đang có những điều kiện thuận lợi cho phát triển như đã được Chính phủ tạo điều kiện xây dựng bộ nhận diện thương hiệu quốc gia cho ngành thực phẩm từ dừa; Chính phủ tin tưởng trao trọng trách cho VCA đại diện ngành Dừa Việt Nam tại Cộng đồng dừa Thế giới – ICC; được Bộ NN&PTNT đưa cây dừa vào Đề án phát triển cây công nghiệp chủ lực đến năm 2030 .

Ông Hoàng Hải, Giám đốc các kênh phân phối sản phẩm tài chính dịch vụ doanh nghiệp vừa và nhỏ của UOB, chia sẻ, các sản phẩm dừa rất nổi tiếng trên thị trường, nhất là ở khu vực Đông Nam Á. Vì vậy UOB muốn hợp tác với VCA để cùng đưa ra những giải pháp, những hành động nhằm hỗ trợ Việt Nam phát triển ngành Dừa và các ngành liên quan tới dừa.

Dịp này, Ngân hàng United Overseas Bank Việt Nam (UOB) đã ký biên bản ghi nhớ với Hiệp hội Dừa Việt Nam về việc hỗ trợ các doanh nghiệp ngành Dừa và liên quan dừa tiếp cận nguồn vốn tín dụng và các dịch vụ khác để phục vụ sản xuất, kinh doanh trong tình hình mới.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác