Góc nhìn

Giúp nhà nông thông minh hơn khi tiếp cận truyền thông xã hội:

“Sứ mệnh” của người làm báo thời số hoá

Đức Cảnh - 14:55 21/06/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Công nghệ thông tin phát triển, mạng xã hội ra đời cùng các thiết bị di động là cơ hội cho người nông dân được chủ động nắm bắt, kết nối và toả sáng. Nhà báo với chức nghiệp của mình, là người đi trước, người có lợi thế kiểm chứng thông tin, có diễn đàn rộng lớn, cần phải lĩnh nhận vai trò trợ giúp độc giả, nhất là đối với đông đảo độc giả hội viên nông dân còn chưa có nhiều kinh nghiệm trong sử dụng mạng xã hội.
Ứng dụng truyền thông xã hội để kết nối tiêu thụ sản phẩm bưởi Phúc Trạch được người dân huyện Hương khê, tỉnh Hà Tĩnh khai thác hiệu quả trong những năm qua.

Có lẽ chưa bao giờ các thiết bị công nghệ, mạng xã hội bùng nổ như hiện nay. Đó giống như một lời thú nhận việc chủ động đưa sản phẩm “trí tuệ” lên ngôi, khẳng định tầm cao của văn minh thời đại. Mặt khác, cho thấy nhu cầu làm chủ công nghệ của con người hiện nay là tất yếu, trong đó truyền thông xã hội là phương thức không thể thiếu để “toả sáng”.

Hiện nay, tham gia vào mạng lưới truyền thông không chỉ có các cơ quan thông tin đại chúng được cấp phép mà còn có các trang mạng xã hội, những người thường xuyên sử dụng tiktok, facebook, youtube… Chỉ cần sở hữu chiếc điện thoại cảm ứng thì cả thể giới được thu nhỏ trong bàn tay của bạn. Điều này tạo ra lợi ích lớn nhưng cũng gây không ít hệ lụy, mà theo phân tích của cơ quan quản lý Nhà nước: Ứng dụng cần tỉnh táo để khai thác hiệu quả nếu không muốn thành trở ngại, thậm chí là nạn nhân.

Đồng hành với nhà nông, báo chí đóng vai trò quan trọng trong việc nâng cao năng lực tiếp cận truyền thông xã hội trong thời gian qua. Có thể thấy mức độ phủ sóng rộng khắp và nhanh nhạy trong thông tin, chuyển tải những thông tin mới nhất về khoa học, kỹ thuật trong nông nghiệp, cách làm mới. Như việc ứng dụng công nghệ 4.0 vào sản xuất; kết nối, chia sẻ sáng kiến giúp nông dân học hỏi, sáng tạo; hình ảnh về sản phẩm nông nghiệp, nông dân, nông thôn trên các nền tảng truyền thông xã hội đang thực sự là sân chơi để nông dân chủ động nắm bắt cơ hội.

Bên cạnh đó, nhìn lại những vụ việc xảy ra hàng ngày liên quan tới vấn nạn tin giả trên nền tảng truyền thông xã hội, mà nhà nông là đối tượng dễ bị lợi dụng cho thấy cách thức đã xuất hiện mối nguy, cần phải có giải pháp đối phó. Qua truyền thông xã hội mà điển hình là facebook và youtube, tiktok... loại tin không đúng sự thật, tin có nội dung bịa đặt, mang tính vu khống xuất hiện khá nhiều, như: Từ tin giả về dịch bệnh đối với vật nuôi; lừa bán sản phẩm, giống không đảm bảo đến những loại tin đồn không được kiểm chứng gây ảnh hưởng xấu, thiệt hại cho nhà nông.

Cách lan truyền thông tin “độc hại” dễ dàng nhờ truyền thông xã hội, người nông dân vì thế cần được trang bị kỹ năng nhận diện tin giả, thận trọng khi tiếp nhận, đăng tải trên các trang xã hội để tránh hệ lụy đáng tiếc xảy ra. Mặc dù pháp luật đã có quy định về hình phạt đối với hành vi thông tin và phát tán tin giả, thông tin nhằm mục đích trục lợi, vu khống, bôi nhọ cá nhân, tổ chức. Đã có nhiều người bị phạt hành chính, thậm chí bị xử lý hình sự về hành vi này nhưng cho tới nay, việc thông tin và tiếp tay lan truyền thông tin độc hại, tin giả vẫn không thuyên giảm.

Trong bối cảnh đó, báo chí hay nói cách khác là cơ quan truyền thông đại chúng được nhà nước cấp phép vẫn luôn là chỗ dựa tin cậy để công chúng đón nhận thông tin. Ngoài ra, với người làm báo nói chung, những nhà báo chuyên về lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn nói riêng được nhận nhiệm vụ như một “sứ mệnh”- người dẫn đường giúp nhà nông tiếp cận truyền thông xã hội thông minh hơn trong thời số hoá. Để làm được điều đó, bản thân mỗi nhà báo phải tự học hỏi nâng cao kỹ năng sử dụng an toàn, hiệu quả mạng xã hội và ý thức trách nhiệm của mình trước bạn đọc, đồng thời giữ được mối liên hệ gần gũi với cộng đồng nông dân, nông thôn. 

Tin cùng chuyên mục
Tin khác