Sự ra đời Quốc ca Việt Nam
Bài “Tiến quân ca” vốn được nhạc sĩ Văn Cao sáng tác vào cuối năm 1944 tại căn gác nhà số 171 phố Mongrand - Hà Nội (nay là nhà số 45 phố Nguyễn Thượng Hiền - Hà Nội) và được in lần đầu trên trang văn nghệ của báo Độc lập tháng 11/1944. Ngay khi mới ra đời, bài hát đã được đội ngũ chiến sĩ cách mạng nồng nhiệt đón nhận, rồi trở thành bài hát chính thức của Mặt trận Việt Minh, góp phần quan trọng cổ vũ nhân dân khởi nghĩa giành chính quyền trong Cách mạng tháng Tám. Tháng 8/1945, Quốc dân Đại hội (tiền thân của Quốc hội Việt Nam) họp ở Tân Trào (Tuyên Quang), bàn về kế hoạch tổng khởi nghĩa và mẫu Quốc kỳ, Quốc huy, Quốc ca khi Việt Nam độc lập. Nhạc sĩ Nguyễn Đình Thi được giao nhiệm vụ tham khảo ý kiến các đại biểu, lựa chọn một số bài hát đặc sắc để trình lên Bác Hồ và Quốc dân Đại hội quyết chọn làm Quốc ca. Ba bài hát được trình lên là “Cùng nhau đi hồng binh” của Đỗ Nhuận, “Diệt phátxít” của Nguyễn Đình Thi và “Tiến quân ca” của Văn Cao. Cuối cùng, bài “Tiến quân ca” được chọn làm Quốc ca vì vừa thể hiện được ý chí, khát vọng dân tộc, hợp cảnh hợp thời, vừa ngắn gọn, dễ thuộc lời, dễ phổ cập mà giai điệu lại hùng tráng… Trong những ngày tổng khởi nghĩa từ 17 đến 19/8/1945 ở Hà Nội, bài hát đã vang lên tại các cuộc tuần hành, biểu tình và mít tinh của quần chúng cách mạng. Những chiến sĩ của chiến khu Đông Triều (Quảng Ninh) dọc đường hành quân về giải phóng Hải Phòng cũng ca vang bài hát này. Tiếp theo là Sài Gòn và cả nước vang lên bài “Tiến quân ca”…
Ngày tuyên bố độc lập 2/9/1945, “Tiến quân ca” được cử hành, hàng triệu người hát vang lời ca theo tiếng nhạc của hành khúc hùng tráng đó. Quốc hội khóa I của nước ta đã quyết định lấy bài “Tiến quân ca” do nhạc sĩ Văn Cao sáng tác làm Quốc ca Việt Nam. Trong Hiến pháp năm 1946 tại Điều 3 cũng ghi rõ: “Quốc ca là bài Tiến quân ca”. Kỳ họp thứ năm Quốc hội khoá I (năm 1955) đã quyết định giữ nguyên nhạc, chỉ sửa đôi chút về lời của bài Quốc ca và tác giả cùng đóng góp việc sửa lời. Từ tháng 4/1981 đến tháng 6/1983, Hội đồng Nhà nước đã tổ chức quy mô một cuộc thi sáng tác Quốc ca mới, nhưng cuối cùng đã không thể tìm chọn được bài hát nào có thể thay thế bài “Tiến quân ca”. Năm 1993, Quốc hội một lần nữa khẳng định vị thế thiêng liêng cao quý bất di bất dịch của Quốc ca Việt Nam. Khoản 3 Điều 13 Hiến pháp năm 2013 hiện hành tiếp tục quy định: “Quốc ca nước Cộng hòa Xã hội chủ nghĩa Việt Nam là nhạc và lời của bài Tiến quân ca”.
Bài “Tiến quân ca” ban đầu có những điểm khác so với bài “Tiến quân ca” hiện nay do có một số sửa đổi cả về lời và nhạc. Về lời, câu đầu tiên trong các bản đầu của “Tiến quân ca” là “Đoàn quân Việt Minh đi” thì khi trở thành Quốc ca từ năm 1945 sửa thành “Đoàn quân Việt Nam đi”. Đến năm 1955, theo sự góp ý của các đại biểu Quốc hội khóa I, tác giả Văn Cao đã sửa câu “Thề phanh thây uống máu quân thù” thành “Đường vinh quang xây xác quân thù”. Câu cuối “Tiến lên! Cùng thét lên! Chí trai là nơi đây ước nguyền!” được tác giả sửa thành “Núi sông Việt Nam ta vững bền” nhưng đến khi xuất bản thành Quốc ca lại được ban biên tập sửa thành “Nước non Việt Nam ta vững bền”.
Về nhạc, cũng có một số sửa đổi, chẳng hạn bài “Tiến quân ca” trước khi được cất lên trong lễ chào cờ sáng ngày 2/9/1945 đã được tác giả cùng các nhạc sĩ Nguyễn Hữu Hiếu, Đinh Ngọc Liên bàn bạc, thống nhất sửa 2 từ: rút ngắn độ dài của nốt “rê” đầu tiên ở từ “Đoàn” và nốt “mi” ở giữa từ “xác” để làm cho tiết tấu của bản nhạc khỏe và hùng tráng hơn. Theo những đánh giá chung, ưu điểm nổi bật nhất của “Tiến quân ca” là chất mạnh mẽ, oai hùng của nhạc. Tháng 4/2011, trang cracked.com - trang thông tin điện tử về kiến thức có uy tín của Mỹ thu hút hàng trăm triệu người xem trên toàn cầu - đã thực hiện khảo sát qua bạn đọc, thống nhất bình chọn Quốc ca Việt Nam là bài quốc ca hào hùng nhất thế giới (xếp theo sau lần lượt là quốc ca của các nước Pháp, Thổ Nhĩ Kỳ, Hungary, Ý, Algeria…).
Nhạc sĩ Văn Cao (1923-1995) là một nghệ sĩ đa tài với các tác phẩm nổi tiếng về nhạc, họa, văn, thơ. Năm 1944, ông bắt đầu tham gia hoạt động cách mạng, rồi trở thành đảng viên Đảng Cộng sản và là một trong những người sáng lập Hội Văn nghệ Việt Nam. Ông là một trong các nhạc sĩ tiên phong của nền tân nhạc nước nhà, là tác giả của nhiều bài hát quen thuộc với người dân Việt Nam như: Buồn tàn thu, Thiên Thai, Đêm xuân, Gió núi, Đàn chim Việt, Suối mơ, Cung đàn xưa, Bắc Sơn, Tiến về Hà Nội, Trường ca Sông Lô, Ngày mùa, Mùa xuân đầu tiên… Ông từng được tặng thưởng nhiều huân, huy chương cao quý và được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về văn học nghệ thuật năm 1996.
- Hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn in sâu trong tâm thức người dân Lào
- Thông tư hướng dẫn thực hiện mức lương, chế độ và trợ cấp theo Nghị định 73/2024/NĐ-CP và Nghị định 73/2024/NĐ-CP
- Bài 3: Hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi
- Bài 2: Phát triển thị trường sản phẩm chăn nuôi