Thành tỷ phú nhờ cây nghệ
Gian nan khởi nghiệp
Xã Chí Tân được biết đến là vùng đất trồng nghệ lâu đời, vùng nghệ truyền thống mà theo Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam đánh giá là có hàm lượng curcumin cao nhất cả nước.
Sinh năm 1980 ở thôn Tân Hưng, ngay từ khi còn nhỏ, cây nghệ đã trở nên thân quen với anh Đông bởi trong vườn, ngoài đồng, ngoài bãi đâu đâu người dân cũng trồng nghệ. Học hết phổ thông, anh Đông làm qua nhiều nghề như làm gạch, lái máy xúc, lái xe tải chở hàng thuê từ các tỉnh miền núi về miền xuôi. Trong những chuyến hàng xa, sản phẩm mà anh Đông chở nhiều nhất là củ sắn sấy khô, anh liền nghĩ ngay đến ý tưởng áp dụng cách sấy củ sắn để sấy nghệ. Nghĩ là làm, năm 2008, anh thuê 2 mẫu ruộng trồng nghệ, rồi sắm máy móc, xây dựng nhà xưởng...
Sau 9 tháng chờ đợi, anh thu hoạch nghệ và thu mua của bà con xung quanh, hồ hởi những mẻ nghệ chế biến đầu tiên. Nhưng sản phẩm nghệ sấy khô không như ý muốn, có mẻ cháy, mẻ xém, các lát nghệ dày mỏng không đồng đều. Lò của anh đập đi đập lại cải tiến, sửa chữa, sau đó anh mới cho ra lò sản phẩm được như ý muốn. Nhưng sản phẩm làm ra không phải bán được luôn. Do hàng mới, tên tuổi còn mới mẻ, không ai biết nên nghệ sấy của anh không bán được hàng, ế ẩm, có lúc tồn đọng đến 2 tấn. Cộng với vay vốn ngân hàng lãi suất khá cao, anh điêu đứng, gặp khó khăn và bế tắc.
Thế nhưng với suy nghĩ củ nghệ rồi sẽ có chỗ đứng trên thị trường nên anh kiên trì theo đuổi con đường mình đã chọn. Không chỉ nghệ thái lát, anh tiếp tục làm bột nghệ, tinh bột nghệ và tìm thị trường cho sản phẩm, quyết tâm làm nghệ sạch chất lượng cao.
Cùng với đó anh kiên trì tìm kiếm thị trường, đích thân đi đến tận nơi, giới thiệu với các cửa hàng dược, cửa hàng tạp hóa, kí gửi sản phẩm… Lâu dần mọi người biết đến sản phẩm, được công nhận chất lượng và đặt mua.
May mắn đến với anh Đông vào năm 2010 khi anh ký được hợp đồng xuất khẩu trên 80 tấn nghệ khô thái lát sang Ukraina. Rồi những chuyến đi đến các nước Ấn Độ, Đông Âu… nơi người dân sử dụng nghệ mỗi ngày, anh mới thấy củ nghệ có nhiều giá trị dinh dưỡng, chứ không đơn thuần chỉ là một loại gia vị nấu ăn. Năm 2011, anh Đông vay vốn ngân hàng thành lập Công ty TNHH Hoàng Minh Châu Hưng Yên và đầu tư, mua sắm máy móc, dây chuyền sản xuất tinh bột nghệ sạch.
Khi các sản phẩm nghệ của anh Đông bắt đầu có chỗ đứng trên thị trường và ngày càng nhận được nhiều đơn đặt hàng thì một biến cố nữa lại xảy ra. Năm 2015, xưởng sản xuất và nhà kho chứa hơn 30 tấn nghệ khô thái lát của anh Đông bị cháy rụi, thiệt hại gần 1,5 tỷ đồng.
Liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm từ nghệ
Một lần nữa, anh Đông tái khởi nghiệp từ nghệ bằng việc vay mượn, xây dựng lại nhà xưởng sản xuất rộng 700m2 với hệ thống máy móc sản xuất nghệ hiện đại. Anh Đông tập trung sản xuất 3 mặt hàng chủ lực là: Nghệ khô thái lát, nghệ bột khô và tinh bột nghệ..
Đối với tinh bột nghệ, sau khi rửa sạch, nghệ tươi sẽ qua máy nghiền chuyên dụng, bã nghệ và tinh nghệ được tách riêng hoàn toàn giúp thời gian thu được tinh bột nghệ được rút ngắn, bảo đảm lượng chất curcumin quý giá trong nghệ không bị hao hụt nhiều. Sau đó, tinh bột nghệ sẽ được lắng lọc và đưa vào phòng sấy lạnh ở nhiệt độ 16 -18 độ C rồi đưa vào tủ sấy ở nhiệt độ từ 25 - 27 độ C rồi mới đóng gói và đưa đi tiêu thụ.
Năm 2021, công ty của anh Đông cho ra thị trường khoảng 300 tấn nghệ khô và 20 tấn tinh bột nghệ. Ngoài tiêu thụ trong nước, sản phẩm còn được xuất sang Đông Âu, Ấn Độ, Pháp, Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, các quốc gia Trung Đông... Với giá bán trung bình 80.000 đồng/kg nghệ khô và 800.000 - 1.000.000 đồng/kg tinh bột nghệ, doanh thu mỗi năm của công ty khoảng 40 - 50 tỷ đồng, sau khi trừ mọi chi phí cho lãi trên 3 tỷ đồng.
Nếu như đa số nông dân trồng nghệ vẫn chỉ dừng lại ở việc cung cấp nghệ tươi cho các thương lái và các nhà máy sản xuất với giá từ 10.000 - 20.000 đồng/kg thì bằng cách tạo ra tinh bột nghệ, anh Đông có thể thu về giá cao gấp nhiều lần từ 800.000 - 1.000.000 đồng/kg. Anh luôn chú trọng chất lượng của sản phẩm từ nguồn nước rửa nghệ đến lọ đựng thủy tinh mờ để sản phẩm giữ được hàm lượng curcumin cao nhất. Mỗi năm cung cấp 400 - 500 tấn tinh bột nghệ ra thị trường, cơ sở của anh thu lợi nhuận 3 tỷ đồng/năm.
Tại buổi gặp mặt và dự Lễ Tôn vinh 63 Nông dân Việt Nam Xuất sắc năm 2021 do Trung ương Hội NDVN tổ chức vào đầu tháng 12 vừa qua, anh Hoàng Quang Đông chia sẻ: “Công ty chúng tôi chuyên trồng, chế biến và xuất khẩu các sản phẩm từ cây nghệ sang Nhật Bản, châu Âu, Ấn Độ... Trải qua nhiều đợt dịch Covid - 19 vừa qua chúng ta đã thấy mọi thứ đều xáo trộn, các ngành, các lĩnh vực đều gặp quá nhiều khó khăn, thách thức. Các mặt hàng nông sản do nông dân tại các tỉnh, thành làm ra đều gặp khăn trong khâu tiêu thụ, ứ đọng. Tuy nhiên, đơn vị của chúng tôi gặp may mắn hơn là vẫn kết nối và xuất khẩu được sản phẩm nghệ sang thị trường Nhật Bản. Tuy nhiên, doanh nghiệp chúng tôi gặp khó khi xuất khẩu sản phẩm sang châu Âu vì giá cước tăng cao, thiếu container rỗng... Chúng ta tiếp cận vấn đề thu mua container rỗng quá chậm khiến các doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn trong tiêu thụ, xuất khẩu nông sản và các mặt hàng khác”.
Theo anh Đông, thời điểm trước dịch giá cước vận tải biển chỉ khoảng 80 triệu đồng/container nhưng đến giờ đã tăng lên trên 350 triệu đồng những vẫn không có vỏ container để đóng hàng xuất khẩu, đơn vị chúng tôi và các doanh nghiệp khác ở các lĩnh vực khác đều gặp khó khăn.
Nói về kế hoạch sắp tới, anh Đông hào hứng chia sẻ: “Trong thời gian tới tôi sẽ tiếp tục mở rộng quy mô sản xuất các sản phẩm từ củ nghệ, đồng thời đẩy mạnh việc quảng bá sản phẩm nghệ đến người tiêu dùng trong nước và quốc tế. Để đáp ứng quy mô sản xuất ngày một mở rộng, ngoài việc mỗi năm nhập 200 - 300 tấn nghệ cho người dân Chí Tân, tôi còn hỗ trợ nông dân các huyện khác trong tỉnh và nông dân một số tỉnh như Thanh Hóa, Bắc Ninh về nghệ giống, khoa học kỹ thuật trồng nghệ và bao tiêu đầu ra cho sản phẩm nghệ tươi”.
“Trong thời gian qua, giá vật tư nông nghiệp, nhất là giá phân bón, thuốc bảo vệ thực vật tăng cao liên tục làm cho nông dân điêu đứng. Nguyên nhân chính là do chúng ta phụ thuộc qua nhiều vào nguồn nhập khẩu nước ngoài. Chúng tôi rất mong Bộ Công thương, Bộ NN&PTNT, T.Ư Hội NDVN phối hợp với các bộ ngành liên quan sớm có giải pháp căn cơ giúp người dân giảm bớt chi phí trong sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm”.
Anh Hoàng Quang Đông.