Thoát nghèo, làm giàu từ cây “ quốc bảo”
Được định hướng kịp thời và dám nghĩ, dám làm
Hưởng ứng phong trào “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi” (SXKDG), những năm qua trên địa bàn tỉnh Quảng Nam đã có nhiều tấm gương điển hình nông dân vượt khó vươn lên làm giàu, tạo việc làm cho nhiều lao động tại địa phương. Bên cạnh đó, nhờ được định hướng phát triển đúng đắn, có sự hỗ trợ kịp thời về nguồn vốn cũng như sự tận tình chỉ đạo sát sao từ các cấp Hội Nông dân, nhờ đó đã có nhiều gương mặt nông dân SXKDG nổi lên và anh Hồ Văn Bên là một trong những điển hình như thế. Với thành công trong nghề trồng và sản xuất sâm ngọc linh, anh Bên vinh dự đại diện cho nông dân tỉnh Quảng Nam sánh vai cùng 100 nông dân xuất sắc trong cả nước nhận danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2022”.
Xuất phát từ thực tiễn của vùng đất Quảng Nam có điều kiện thời tiết, thổ nhưỡng phù hợp để trồng cây sâm Ngọc Linh. Một trong những điều rất đặc biệt của loại này sâm phải được trồng trong rừng nguyên sinh, ở độ cao 1.000 đến 2.500m so với mực nước biển. Để trồng sâm đúng theo yêu cầu của nó là phải đào sới đất rừng lên khoảng 30 - 40cm, sau đó rải phần mùn lá cây lên. Trồng sâm ngọc Linh không được bón phân hóa học vì như vậy cây sẽ bị mục và hư. Cũng không cần tưới nước để nó sinh trưởng tự nhiên. Trồng sâm Ngọc Linh khá vất vả trong khâu chăm sóc, đặc biệt là thời gian gieo hạt xuống đất, nếu không có kỹ thuật hạt dễ bị sâu đục và không thể phát triển được. Hơn nữa, quá trình trồng phải có người canh giữ vì giá trị kinh tế của nó cao, nên rất dễ bị nhổ trộm.
Anh Hồ Văn Bên chia sẻ: Gia đình anh thuộc diện khó khăn ở xã Trà Linh và nhận thấy được giá trị kinh tế từ mô hình trồng cây sâm Ngọc Linh mang lại.
“Tôi quyết tâm học hỏi rút kinh nghiệm từ các mô hình đi trước trong địa phương và nhiều nơi qua kênh thông tin, truyền thông với hi vọng làm ăn có hiệu quả. Năm 2004 bản thân tôi mạnh dạn vay nguồn vốn vay chính sách tín dụng ưu đãi Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Nam Trà My qua kênh Hội Nông dân và đầu tư trồng cây sâm Ngọc Linh với số lượng ban đầu 500 cây. Dù thời gian đầu rất vất vả nhưng bằng nỗ lực của bản thân tôi đã đạt được như những gì mong muốn từ cây sâm Ngọc Linh dù cũng có những năm thất bát do nhiều nguyên nhân khác nhau mang lại”, anh Bên cho biết.
Có thể nói, nhờ vào điều kiện tự nhiên “trời phú” cộng với những hỗ trợ đắc lực từ các cấp Hội, chính quyền mà cây sâm Ngọc Linh đã lọt vào tầm ngắm đầu tư dài hạn của các nhà doanh nghiệp và trong suy nghĩ, hành động của người dân. Có những doanh nghiệp lớn thuê và sẵn sàng xây dựng nhà máy tại Nam Trà My để chế biến thành phẩm từ sâm.
Tạo việc làm cho hàng chục lao động
Có thể nhận thấy, người dân Quảng Nam nói chung và huyện Nam Trà My nói riêng đã vô cùng tự hào khi vùng rừng núi ở đây đã cho ra một loại cây dược liệu vô cùng quý hiếm và được công nhận là sản phẩm quốc gia, đặc sản của vùng đất Quảng Nam. Cũng chính loại cây này đã tạo cú hích giúp nhiều nông dân thoát khỏi cảnh nghèo đói, đổi đời vươn lên làm giàu.
Diện tích, quy mô sản xuất khoảng 3,5ha với số lao động trong hộ gia đình 4 lao động, thời gian đầu mới bắt tay vào thử thách với loại cây này, anh Bên cùng với gia đình lao động không có thời gian nghỉ ngơi. Ban ngày làm, ban đêm canh cây nên rất vất vả nhưng không vì thế mà anh chùn bước. Qua nhiều năm cố gắng phấn đấu và nhân rộng mô hình đã mang lại hiệu quả rõ rệt.
Trước hết, cây sâm đã cho gia đình anh thu nhập cao. Bình quân mỗi năm doanh thu từ trồng sâm Ngọc Linh khoảng 50 tỷ, sau khi trừ chi phí anh thu lãi ròng gần 20 tỷ. Từ đó, anh có điều kiện giúp đỡ những hộ khó khăn hơn. Đặc biệt, anh tạo việc làm ổn định cho bà con, hội viên nông dân khác trên địa bàn xã và các địa phương khác trong huyện, không những thế bản thân anh còn tạo điều kiện hỗ trợ bà con về cây giống sâm để cùng nhau nhân giống phát triển kinh tế, tạo thu nhập. Hiện tại, vườn sâm của anh đã tạo việc làm cho hơn 40 lao động/năm; Hàng năm hướng dẫn hơn 20 lao động, trong đó có 5 hộ khó khăn; Giúp đỡ có hiệu quả 10 hộ khó khăn về vốn, vật tư, kỹ thuật; Hướng dẫn phổ biến kiến thức, kinh nghiệm sản xuất cho 20 lao động.
Cùng với đó, gia đình anh đã có những đóng góp xây dựng nông thôn mới và đóng góp vận động xã hội hóa của xã và ngày công lao động tham giam cuộc vận động hiến công xây dựng cơ sở hạ tầng do xã vận động. Những nỗ lực của gia đình anh mà 12 năm liền từ năm (2010-2022) được công nhận gia đình văn hóa.
Hiện nay, anh không còn phải mua hạt về gieo trồng mà hàng năm anh nhân giống từ chính vườn sâm của anh. Những hạt giống này không chỉ phục vụ cho diện tích trồng sâm của gia đình mà còn bán ra thị trường với giá rất cao, mỗi lon hạt (một lon khoảng 1.000 hạt) có giá 110 triệu đồng.
Anh Bên cho biết: “Người dân trồng sâm Ngọc Linh ưa trỉa (gieo) hạt hơn bởi cây sâm trồng từ hạt có tỷ lệ nảy mầm, ra hoa, kết quả, năng suất cao. Đặc biệt, cây sâm trồng có rễ và thân rễ phát triển tốt. Hạt thu hái từ cây sâm 3 tuổi trở lên khi gieo trở lại có tỷ lệ nảy mầm hơn 80% và cho cây sâm phát triển tốt. Củ sâm Ngọc Linh hiện nay rất được giá và được phân ra nhiều loại, loại 1 của củ sâm có giá hơn 200 triệu đồng/kg nhưng loại này hiếm khi có được, loại 2 có giá khoảng 200 triệu đồng/kg, …loại 5 khoảng 70 triệu đồng. Lá sâm Ngọc Linh họ thu mua về để làm thuốc, nếu bán lá tươi có giá 10,5 triệu đồng/kg còn nếu phơi khô hơn 30 triệu đồng/kg”.
Nắm bắt kịp thời từ những chủ trương đúng đắn, sự hỗ trợ đắc lực của chính quyền các cấp và Hội Nông dân chính là cơ hội đã đưa anh Hồ Văn Bên đến với thành công như hôm nay. Giờ đây anh Bên không chỉ có thêm việc làm, thu nhập ổn định mà còn trở thành tỷ phú trồng cây dược liệu sâm Ngọc Linh.