“Tôi từng làm đến quên ăn quên ngủ, ngày làm việc 20 tiếng”
Từng bước mở rộng quy mô, khẳng định chất lượng
Sau nhiều ngày liên lạc không thành, phải quá trưa ngày cuối tháng 8 phóng viên mới liên lạc được với nông dân sản xuất kinh doanh giỏi Nguyễn Thị Khang. Bà Khang năm nay 54 tuổi, sống tại huyện Bắc Quang (Hà Giang).
Bà hiện là Giám đốc của Hợp tác xã Hải Phong, hợp tác xã chuyên sản xuất, cung cấp thực phẩm bản địa của địa phương.
Là phụ nữ dân tộc Mông, gia đình vốn có truyền thống làm sản phẩm cổ truyền địa phương nên từ trẻ bà Nguyễn Thị Khang đã nhen nhóm ý tưởng khởi nghiệp và lập HTX. “Sinh ra ở vùng đất nhiệt đới, địa phương có rất nhiều sản vật, nông sản ngon, ví dụ như: Gạo Séng Cù; thịt lợn đen, bánh chưng gù... nên tôi mong muốn sẽ góp nhặt lại để có thể mang sản phẩm này ra cho nhiều người ở nhiều vùng miền được thưởng thức”, bà Khang nói.
Bà Khang cho biết, mô hình sản xuất của HTX là mô hình chế biến thực phẩm khép kín. HTX tự chăn nuôi, trồng trọt và thực hiện thêm các liên kết để thu nhập nguyên liệu sạch. Các sản phẩm chủ lực của HTX là thịt trâu gác bếp; bánh chưng gù; giò chả, xúc xích cốm...
Hiện tại HTX đã có 10 sản phẩm OCOP. Quy trình chế biến thực phẩm đều được kiểm nghiệm đánh giá đảm bảo chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm.
Hiện nay, ngoài việc tự sản xuất nguyên liệu thì HTX Hải Khang còn có vùng liên kết để cung cấp nguyên liệu. HTX có: Đàn lợn có quy mô lên tới 1.000 con; đàn trâu quy mô cũng lên tới gần 500 con. Về quy hô HTX có 6 hộ liên kết với 10 nông dân, trong đó có 2 hộ liên kết trồng lúa nếp, và làm cốm, có 3 đơn vị nuôi gà và trâu.
Tuy chủ động về vùng nuôi trồng, liên kết nông dân nhưng có thời điểm đơn đặt hàng tăng cao, HTX vẫn phải thu mua thêm nguyên liệu từ bà con nông dân trong vùng. Tuy nhiên việc này được làm thận trọng, theo quy trình.
“Với lợn, chúng tôi thường thu mua về cơ sở sau đó tự nuôi tiếp để kiểm soát chất lượng thịt, loại bỏ hàm lượng thuốc kháng sinh, hay thuốc tăng trọng nếu có trong con lợn đó, sau đó mới đưa đi giết mổ”, bà Khang chia sẻ.
“Đến nay sau hơn 17 năm hình thành và phát triển, quy mô sản xuất của HTX ngày càng rộng hơn. HTX có 13 lao động làm việc thường xuyên, ngoài ra còn có hàng chục lao động tự do làm các công việc thời vụ như: chăn nuôi; đóng gói; thị trường... Vào thời gian cao điểm HTX còn thuê từ 30-50 lao động thời vụ. Thu nhập của lao động thời vụ có thể rơi vào từ 6 -12/triệu đồng người/tháng. Thậm chí có lao động 1 ngày còn làm được từ 1-2 triệu đồng/ngày vào dịp Tết”, bà Khang nói.
Trải qua quá trình dài, xuất phát từ ý tưởng muốn lưu giữ những sản phẩm truyền thống của gia đình, nhưng sau hơn chục năm xuất hiện, HTX Hải Khang đã dẫn đầu các HTX ở Hà Giang trong việc làm kinh tế. Nhờ có sự cố gắng nỗ lực đó, thời gian qua người tiêu dùng càng ngày càng tin dùng các sản phẩm của Hải Khang. Khi nhắc đến du lịch Hà Giang là du khách lại nhắc tới thịt trâu gác bếp; bánh trưng gù...
Với tư cách là một chủ tịch HTX, giám đốc, chủ tịch Hội đồng quản trị, bà Khang thường xuyên thức khuya, dậy sớm. Có lúc cao điểm phải làm việc lên tới 18-20 tiếng/1 ngày. Không chỉ đóng vai trò là người quản lý, bà Khang còn tham gia trực tiếp vào các khâu kiểm soát từ đầu ra, đầu vào của sản phẩm, khi sản phẩm tới tận tay người tiêu dùng mới thôi.
Đối mặt với nhiều khó khăn thách thức
Mặc dù đạt được một số những thành tựu cơ bản nhưng HTX Hải Khang nói chung và giám đốc HTX nói riêng cũng từng chịu không ít khó khăn vất vả. Nói như vị giám đốc “có lúc ngỡ rằng mất trắng, làm không đủ ăn”.
Nhớ lại những quãng thời gian khó khăn, bà Khang không khỏi buồn lòng. “Năm 2029-2021 dịch Covid -19 đã khiến chúng tôi lao đao. Dù các sản phẩm của HTX là thực phẩm - mặt hàng thiết yếu nhưng việc tiêu thụ chậm đã làm giảm đáng kể doanh thu”.
Đó là chưa kể tới khoảng thời gian năm 2017-2018, HTX Hải Khang cũng đối mặt với đợt khủng hoảng trầm trọng do dịch tả lợn châu Phi gây ra. Hàng loạt các đàn lợn của HTX và đàn lợn trong diện liên kết bị chết. Thua lỗ có lúc lên tới hàng tỷ đồng.
“Khó khăn lớn nhất là thuê đất. Thời hạn thuê ngắn hạn, không đủ thời gian để tái tạo sản xuất, quay vòng sản xuất, tạo lợi nhuận. Hiện nay, chúng tôi đã có nhiều kiến nghị mong được địa phương và nhà nước quan tâm hơn”, bà Khang nói.
Mặc dù còn nhiều khó khăn xong qua nhiều năm phát triển, HTX đã xây dựng được nhiều sản phẩm có thương hiệu. “Sản phẩm của chúng tôi là các sản vật truyền thống của địa phương bắt buộc phải sản xuất thủ công, quy mô nhỏ chứ không thể mang ra sản xuất hàng hóa, đại trà. Ví dụ như: Thị gà đồi, thịt lợn đen... đây đều là các sản phẩm có giá trị kinh tế cao. Sản phẩm này không chỉ mang lại thu nhập cao mà còn mang lại thương hiệu cho huyện Bắc Quang nói riêng và tỉnh Hà Giang nói chung”.
Qua thời gian dịch bệnh HTX cũng rất lo lắng để có thể khôi phục sản xuất. Nhiều lần HTX cũng đã phải vay vốn tín dụng để đầu tư cho bà con, giúp bà con có động lực đảm bảo vùng nguyên liệu.
Để khắc phục những khó khăn, bà Khang đã tham gia rất nhiều lớp tập huấn, khởi sự kinh doanh, kinh doanh online, kế toán, lập phương án kinh doanh... theo chuỗi.
“Nhờ vậy mà tôi học được nhiều biện pháp sản xuất kinh doanh theo chuỗi cũng như cách tính toán rủi ro, đầu vào, đầu ra... làm gia tăng lợi nhuận”.
Chia sẻ về cảm xúc khi lần đầu tiên được nhận danh hiệu “Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi”, bà Khang cho biết, bà khá tự hào khi biết sắp được tôn vinh với danh hiệu đặc biệt này.
Bà nói: Tôi cảm thấy càng phải cố gắng nỗ lực nhiều hơn nữa để xây dựng, mở rộng phát triển HTX quy mô, nhằm nâng cao năng suất, chất lượng tăng thu nhập cho bà con”.
Bà Khang cũng mong muốn được huyện, tỉnh, các cấp, ban, ngành tiếp tục có những nguồn hỗ trợ thêm cho các HTX nói chung và HTX Hải Khang nói riêng về: Giống; vốn tín dụng ưu đãi; đào tạo... để mở rộng quy mô sản xuất, nâng cao chất lượng sản phẩm.
Sau 17 năm hoạt động, doanh thu của HTX ước đạt 14 tỷ/năm, có năm cao hơn được khoảng 15-16 tỷ. Lợi nhuận trước thuế đạt 15-10%, lợi nhuận sau thuế đạt được từ 10-13%.