Tìm giải pháp tiếp cận và khai thác hiệu quả thị trường Halal toàn cầu
Theo thống kê của Tổng cục Hải quan Việt Nam, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sang các quốc gia Hồi giáo trong khu vực ASEAN trong 9 tháng đầu năm 2023 đạt trên 26,37 tỷ USD trong đó Burei 143 triệu USD, Indonesia 10,18 tỷ USD, Malaysia 9,31 tỷ USD, Singapore 6,7 tỷ USD, đây là những con số còn khá khiêm tốn so với tiềm năng của vùng.
Việt Nam là quốc gia có thế mạnh về xuất khẩu nông, thuỷ sản lớn trên thế giới, lại có vị trí địa lý gần những thị trường tiêu dùng sản phẩm Halal và là một nước hội nhập sâu với việc tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA) như: Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA), Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) và Hiệp định Đối tác kinh tế toàn diện khu vực (RCEP), nhưng mức độ và hiệu quả tham gia thị trường Halal (thị trường hàng hoá, dịch vụ dành cho người theo đạo Hồi) toàn cầu chưa tương xứng với tiềm năng của Việt Nam.
Hiện nay, ở Việt Nam, cộng đồng Islam (Hồi giáo) có khoảng hơn 32.000 tín đồ tập trung ở 14 tỉnh, thành phố trong đó có TP. HCM. Việt Nam chỉ có khoảng 20 mặt hàng xuất khẩu sang thị trường Halal,một con số rất thấp, có tới 40% các địa phương Việt Nam chưa có sản phẩm xuất khẩu có chứng nhận Halal hay nói cách khác Việt Nam mới chỉ bước đầu tiếp cận thị trường Halal.
Ông Võ Văn Hoan, Phó Chủ tịch UBND TP. HCM cho biết: Với vị trí là một đô thị đặc biệt, một trung tâm lớn về kinh tế và là đầu tàu có sức thu hút, sức lan tỏa của vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, UBND TP. HCM đang tiến hành triển khai các hoạt động nhằm định hướng phát triển ngành công nghiệp Halal gắn với sản xuất – tiêu dùng xanh và xuất khẩu bền vững theo như định hướng đã đề ra của UBND Thành phố và luôn có các chính sách để phát triển ngành công nghiệp Halal
TP. HCM luôn có các chính sách để phát triển ngành công nghiệp Halal đặc biệt là đối với lĩnh vực thực phẩm một trong 4 ngành công nghiệp trọng điểm của TP. HCM và các ngành phụ trợ, hậu cần như logistics, kho bãi… Hiện nay, TP. HCM đã có thêm nhiều các tổ hợp dịch vụ dịch vụ đạt chuẩn Halal phục vụ cho người theo Hồi giáo, số lượng doanh nghiệp thành phố đạt tiêu chuẩn xuất khẩu Halal ngày càng tăng cả về chất lượng lẫn số lượng.
Thông qua Diễn đàn, doanh nghiệp có cơ hội gặp gỡ, kết nối giao thương và cập nhật thêm về thông tin, tiềm năng thương mại giữa Việt Nam và Indonesia, Malaysia, Singapore. Từ đó giúp doanh nghiệp có cơ sở hoạch định kế hoạch mở rộng thị trường, đồng thời tìm được những đối tác đầu tư và kinh doanh tại các nước Hồi giáo, góp phần củng cố mối quan hệ giao thương truyền thống, tin cậy giữa Việt Nam và các quốc gia Hồi giáo.
Thời gian qua, Tổng Công ty thương mại Sài Gòn (Satra) đã đưa vào hoạt động Cửa hàng thực phẩm tiện lợi Satrafoods Halal tại Q.1, TP. HCM từ năm 2019. Đây là cửa hàng đầu tiên tại TP. HCM phục vụ trên 300 loại sản phẩm đạt chuẩn Halal như: Trái cây và thực phẩm chế biến, các loại thức ăn nhanh, hàng tiêu dùng, thời trang và quà lưu niệm. Hiện nay, Satra đang lên kế hoạch mở thêm hai cửa hàng tiện lợi dành cho người theo đạo Hồi tại TP. HCM.
Để thực hiện Đề án "Tăng cường hợp tác quốc tế để xây dựng và phát triển ngành Halal Việt Nam đến năm 2030" theo Quyết định số 10/QĐ-TTg ngày 14/2/2023 của Thủ tướng Chính phủ, ông Võ Văn Hoan đề nghị Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư Thành phố tiếp tục phối hợp Sở Công Thương và Lãnh sự quán các nước triển khai các chương trình hội thảo, diễn đàn, nghiên cứu và tìm hiểu các tiêu chuẩn xuất khẩu Halal vào các quốc gia Hồi giáo trên thế giới. Từ đó tham mưu đề xuất UBND Thành phố các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp mở rộng thị trường xuất khẩu Halal, hỗ trợ doanh nghiệp trong nước tận dụng hiệu quả chính sách thuế nhập khẩu từ các hiệp định thương mại tự do, các hiệp định tự do thương mại thế hệ mới CPTPP, EVFTA...
Phát biểu tại Diễn đàn, bà Cao Thị Phi Vân, Phó Giám đốc Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP. HCM (ITPC) chia sẻ: Cơ hội cho doanh nghiệp Việt Nam khi tham gia vào thị trường Halal toàn cầu là rất lớn, không chỉ đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, phát triển du lịch, mà còn mở ra việc xuất khẩu các sản phẩm Việt Nam có thế mạnh như: Nông sản, thực phẩm chế biến, dược phẩm, mỹ phẩm… thu hút đầu tư vốn, tài chính của các tập đoàn quốc tế, khu vực vào Việt Nam, góp phần giúp doanh nghiệp Việt Nam nâng cao năng lực, khả năng cạnh tranh, chất lượng nguồn nhân lực và thúc đẩy chuyển giao công nghệ, nhất là công nghệ sản xuất, chế biến, bảo quản, vận chuyển đạt tiêu chuẩn Halal. Tuy nhiên, điểm hạn chế là hiện naykhông có nhiều doanh nghiệp Việt Nam hiểu biết rõ về Halal, việc cấp chứng nhận Halal còn khó khăn, doanh nghiệp để được cấp chứng nhận còn cần đầu tư nhiều chi phí.
Để hỗ trợ phát triển và đưa các sản phẩm đạt chứng nhận Halal của doanh nghiệp vào các thị trường Halal cần tập trung vào các định hướng cụ thể như: Tập trung vào công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức về ngành Halal, văn hóa Hồi giáo cho người dân, doanh nghiệp và các sở, ban, ngành các tỉnh thành; đẩy mạnh quảng bá hình ảnh, thương hiệu các sản phẩm, dịch vụ Halal Việt Nam với thị trường toàn cầu; xây dựng và hoàn thiện cơ chế quản lý phù hợp, từng bước hướng tới việc hoàn thiện hành lang pháp lý trong chứng nhận, quản lý, phát triển tiêu chuẩn Halal.
Ngoài ra, để thuận lợi trong xúc tiến quảng bá sản phẩm, và đẩy mạnh xuất khẩu sang thị trường Halal, doanh nghiệp xuất khẩu Việt Nam nên chủ động tìm hiểu và xin chứng nhận Halal. Chứng nhận Halal là điều kiện tiên quyết của bất cứ nhà nhập khẩu, phân phối của các nước Hồi giáo như Brunei, Indonesia, Malaysia, UAE... Bên cạnh việc chủ động tham gia xúc tiến thương mại, tìm kiếm đối tác, mở rộng xuất khẩu sang các nước Hồi giáo, doanh nghiệp cần lưu ý về các tiêu chuẩn Halal của từng thị trường, các biện pháp phòng vệ thương mại tại các quốc gia này.
Ông Agustaviano Sofjan, Tổng lãnh sự Cộng hòa Indonesia tại TP. HCM cho biết: Với tư cách là các quốc gia thành viên của ASEAN, các nước nên tìm kiếm các cơ hội tại thị trường Halal trong khu vực và trên toàn cầu nhằm đóng góp vào sự phát triển kinh tế và thịnh vượng chung của ASEAN. Hợp tác trong ngành công nghiệp này cần có tính bao trùm và không bỏ lại bất kỳ ai phía sau với mục tiêu nhằm biến ASEAN trở thành Tâm điểm của Tăng trưởng, một khu vực có khả năng phục hồi, bền vững và bao trùm.
Ông Jason Yeo – Phó Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp Singapore tại Việt Nam chia sẻ: Hiệp hội Thương mại Singapore tại Việt Nam (SCCV) được thành lập với nhiệm vụ giúp kết nối doanh nghiệp Singapore với các đối tác Việt Nam trong nhiều lĩnh vực khác nhau. Hai bên đã ký một Biên bản hợp tác vào năm 2022 để giúp phân phối các sản phẩm thực phẩm trên các thị trường tương ứng. Bên cạnh việc ký kết Biên bản hợp tác, còn tạo điều kiện kết nối kinh doanh và chuyển giao công nghệ thực phẩm cho Việt Nam. SCCV đã hợp tác chặt chẽ với Hiệp hội doanh nghiệp và Liên đoàn doanh nghiệp Singapore để giúp thiết lập các cuộc đối thoại và tăng cường hợp tác với các doanh nghiệp Việt Nam.