Tài chính – Ngân hàng

Thị trường chứng khoán: Phục hồi nhanh và cơ hội cho ngành nông sản, năng lượng

Tú San - 07:33 22/05/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Với mức tăng gần 58 điểm và kéo chỉ số VN-Index lên 1.240 điểm, có thể nói tuần thứ 3 của tháng 5.2022 đã mang lại tín hiệu phục hồi tích cực cho tâm lý nhà đầu tư. Một số mã ngành đang trên đà kéo lên, đặc biệt là các ngành như nông sản, năng lượng đang nhận được nhiều thông tin tốt từ thị trường khiến giá cổ phiếu đang phục hồi tích cực.
TIN LIÊN QUAN

Thị trường đang phục hồi, nhưng …

Thị trường tuần qua đã có 1 nhịp phục hồi tốt sau 6 tuần giảm điểm liên tiếp, VN-Index bật tăng gần 60 điểm so với tuần trước đó. Đặc biệt, chỉ số đã có phiên giao dịch lịch sử khi tăng gần 5% vào ngày thứ ba 17/5, đây được ghi nhận là mức tăng cao nhất của chỉ số trong gần 2 năm qua.

Ông Nguyễn Trung Dũng – Giám đốc Công ty CP chứng khoán Funan chi nhánh miền Trung

Nhận định diễn biến của thị trường tuần qua ông Nguyễn Trung Dũng – Giám đốc Công ty CP chứng khoán Funan chi nhánh miền Trung cho rằng: “Sau những chuỗi ngày tăm tối kéo dài với rất nhiều biến động từ tình hình kinh tế vĩ mô cũng như chính trị xã hội thì VN-INDEX những phiên gần đây đã bắt đầu xuất hiện những tín hiệu tích cực trở lại, thể hiện rõ ở phiên giao dịch ngày 17/5. Chỉ số có phiên tăng kỷ lục kể từ năm 2005: +56.42 điểm, với rất nhiều các cổ phiếu tăng hết biên độ (riêng nhóm VN30 có 13 trên 30 mã tăng trần), sắc xanh và tím lan tỏa đồng đều gần như toàn bộ các nhóm ngành trên thị trường. Cảm xúc của nhà đầu tư đã phần nào được giải tỏa khi Chính phủ liên tục đưa ra các biện pháp góp phần làm bình ổn thị trường chứng khoán. Khả năng cao thị trường sẽ tạo đáy trong giai đoạn này và hồi phục dần với mức thanh khoản kỳ vọng ngày càng được cải thiện. Tuy nhiên, thị trường chứng khoán Việt Nam điều chỉnh trong giai đoạn vừa qua chỉ mang tính chất tạm thời khi Chính phủ đang nỗ lực làm trong sạch thị trường chứng khoán tiến đến nâng hạng trong năm 2023”.

Còn ông Lê Hoàng Tân – Phó Tổng Giám Đốc Công ty chứng khoán Asean nhận định: “Thị trường trong tuần phục hồi khá mạnh khi tăng 57,94 điểm lên mức 1.240,71 điểm sau khi chạm ngưỡng hỗ trợ kỹ thuật 1.150, tương ứng mức tăng 4,89%. Sự phục hồi diễn ra trên diện rộng ở hầu hết các nhóm cổ phiếu với sự dẫn dắt của nhóm ngân hàng, chứng khoán và các cổ phiếu vốn hóa vừa phải. Điều này cho thấy dòng tiền bắt đáy mang tính chất đầu cơ cao khi tập trung vào nhóm cổ phiếu đã giảm sâu và có thị giá vừa phải. Các nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn dòng tiền tỏ ra thận trọng đặc biệt có sự bán ròng của nhóm nhà đầu tư nước ngoài và tự doanh các công ty chứng khoán trong phiên giao dịch cuối tuần”.

…vẫn chưa có nhiều tín hiệu bền vững

Với số liệu khả quan là vậy, nhưng cá nhân ông Nguyễn Hoàng Tùng – Giám đốc Công ty chứng khoán Agribank miền Nam cho biết: “Mặc dù điểm số có sự đi lên trong tuần vừa qua, tuy nhiên thanh khoản lại duy trì ở mức khá thấp, cho thấy tâm lý thận trọng vẫn đang bao phủ dòng tiền. Tính riêng sàn Hose, tổng giá trị giao dịch tuần qua chỉ đạt khoảng 13.500 tỷ đồng, thấp hơn 10% so với tuần trước đó và là tuần thấp nhất ( không tính những tuần có ngày nghỉ lễ ) trong vòng 1 năm qua. Về VN30, mặc dù là trụ đỡ chính của thị trường nhưng dòng tiền lại đang có sự thoái lui khỏi nhóm này để dịch chuyển sang nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ. Tỷ trọng giá trị giao dịch của nhóm VNMID và VNSML trong tuần đã tăng lần lượt khoảng 10% và 7%, trong khi -11% là con số được ghi nhận tại nhóm VN30. Điều này cho thấy dòng tiền đang kỳ vọng nhóm cổ phiếu vốn hóa vừa và nhỏ sẽ có sự phục hồi nhanh hơn so với các mã vốn hóa lớn.

Ông Nguyễn Hoàng Tùng – Giám đốc Công ty chứng khoán Agribank miền Nam.

Cùng quan điểm trên, ông Tân nhận xét thêm: “ Xét về mặt kỹ thuật thì đây chỉ là sóng hồi trong 1 chu kỳ giảm điểm và thường kéo dài từ 2 đến 3 tuần sau đó khả năng sẽ quay lại “test đáy”. Như vậy, trong ngắn hạn thị trường nhiều khả năng sẽ còn tiếp tục tích cực từ 1 đến 2 tuần tới mặc dù sẽ có những phiên tăng giảm đan xen và tăng điểm trong nghi ngờ. Về dài hạn, thị trường vẫn đang trong 1 chu kỳ “downtrend” kéo dài khi các yếu tố kinh tế vĩ mô đang không thuận lợi cho thị trường chứng khoán. Trên thế giới, các ngân hàng trung ương đồng loạt tăng lãi suất trong bối cảnh lạm phát tăng cao ở hầu hết các nước do đứt gãy chuỗi cung ứng bởi cuộc chiến Nga - Ucraina lẫn việc Trung Quốc vẫn đang thực hiện phong tỏa theo chiến lược “zero covid”. Tại Việt Nam, lãi suất cho vay chưa tăng nhưng khả năng là khó tránh khỏi khi hàng loạt các ngân hàng đã bắt đầu tăng lãi suất huy động”.

Cơ hội cho cổ phiếu ngành nông sản, năng lượng

Các biến cố giữa Nga và Phương Tây đã khiến kinh tế thế giới đối mặt với nhiều rủi ro và thách thức. Các mặt hàng chế biến từ thực phẩm thay thế gạo đang gặp nhiều khó khăn vì đứt gãy nguồn cung ứng, bên cạnh đó, việc biến đổi khí hậu cũng ảnh hưởng rất nhiều đến việc trồng trọt. Chính vì vậy mà trong năm 2022, ngành lúa gạo Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội phát triển.

Biểu đồ xuất khẩu lúa gạo qua các năm

Riêng với các cổ phiếu mã ngành nông, lâm, thuỷ sản, đặc biệt là gạo với giá trị xuất khẩu lớn trong 3 tháng đầu năm nay đạt gần 1,48 triệu tấn, tương đương 715 triệu USD, tăng 24% về khối lượng và tăng 10,5% về giá trị so với cùng kỳ năm ngoái, ông Nguyễn Trung Dũng khá lạc quan khi trao đổi với PV Tạp chí Nông Thôn Mới: “Tôi đánh giá cao tiềm năng tăng trưởng của các nhóm sản xuất hàng hóa, xuất khẩu, logistic, năng lượng với bối cảnh vĩ mô đang ủng hộ. Nhóm ngành sản xuất lúa gạo sẽ là điểm sáng trong năm nay và đặc biệt đến từ mảng xuất khẩu sang thị trường như Mỹ, châu Âu (EU), Nhật Bản, Hàn Quốc... Các mã cổ phiếu của những doanh nghiệp đầu ngành như TAR, LTG sẽ là điểm đến của dòng tiền khi thị trường hồi phục trong thời gian đến”.

Ông Lê Hoàng Tân - Phó TGĐ Công ty chứng khoán Asean.

Nhóm cổ phiếu ngành năng lượng, ngân hàng cũng là tâm điểm khi các tín hiệu cho thấy ngành năng lượng trong bối cảnh kinh tế phục hồi, nhu cầu năng lượng tăng cao nhưng khả năng đáp ứng đang hạn chế từ nhóm nhiệt điện than do thiếu nhiên liệu đầu vào. Ông Lê Hoàng Tân đưa ra ví dụ: "Giá điện trên thị trường cạnh tranh đã tăng lên gần 1.800 đồng/kwh trong tháng Tư, đưa giá điện bình quân toàn phần (FMP) trong 4 tháng đầu năm đạt khoảng 1.600 đồng/kwh, cao hơn mức bình quân năm 2021 khoảng 60%. Xét trên khía cạnh về giá và sản lượng huy động, thì nhóm thủy điện và nhiệt điện khí sẽ được hưởng lợi tương đối lớn. Các doanh nghiệp tiêu biểu trong nhóm này bao gồm: REE, POW, NT2, PGV… khả năng sẽ sớm phục hồi trở lại". Theo đó, ông Tân cũng đưa ra dự báo: “ Ngoài nhóm ngành trên, các cổ phiếu chứng khoán, ngân hàng sau khi giảm sâu cũng đang xuất hiện hồi ngắn hạn cho nhà đầu tư lướt sóng ngắn hạn”.

Và dự báo diễn tiến thị trường…

Về diễn tiến của thị trường trong gian đoạn tới, ông Nguyễn Hoàng Tùng cho rằng: “ Trên đồ thị kỹ thuật, tại khung đồ thị tuần VN-Index đang có tín hiệu tích cực khi xuất hiện cây nến xanh rút chân, cho thấy có lực cầu bắt đáy đang hiện hữu quanh vùng dưới của chỉ số. Chỉ báo RSI tại khung này cũng đã thoát khỏi vùng 30 điểm (vùng quá bán) và hướng lên trên. Tuy nhiên tại khung đồ thị ngày chỉ số lại đang có tín hiệu suy yếu khi điểm số tăng nhưng khối lượng giao dịch lại sụt giảm, ngụ ý nỗ lực và kết quả của thị trường đang không tương xứng. Điều này báo hiệu một nhịp điều chỉnh để kiểm định lại nguồn cung có thể xảy ra trong tuần tới. Do đó, tôi dự báo biên độ giao dịch của VN-Index sẽ trong khoảng 1.220-1.280 điểm”.

Ông Nguyễn Trung Dũng còn chia sẽ thêm: “ Thị trường trong giai đoạn vừa qua đã chiết khấu về mức hấp dẫn để đầu tư, các cổ phiếu trên sàn có mức điều chỉnh trung bình tầm 30-40%. Đây được coi là cơ hội cho các nhà đầu tư mới tham gia thị trường có thể giải ngân vào các nhóm ngành tiềm năng, phù hợp với bối cảnh vĩ mô như hàng hóa, năng lượng, đầu tư công, khu công nghiệp... để nắm giữ cho trung và dài hạn. Đối với những nhà đầu tư đang nắm giữ lượng cổ phiếu nhiều thì có thể tận dụng các nhịp điều chỉnh mua trung bình giá xuống, hạ giá vốn xuống mức thấp”.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác