Từ vốn Quỹ, hình thành nhiều mô hình kinh tế tập thể
Phát triển nguồn Quỹ và nâng cao công tác quản lý
Tính đến ngày 31/5/2022 tổng nguồn vốn Quỹ HTND tỉnh Nghệ An quản lý là 84, 669 tỷ đồng, trong đó, nguồn T.Ư ủy thác là 17,7 tỷ đồng; tỉnh 37,565 tỷ đồng; huyện là 29,404 tỷ đồng. Các dự án vay gắn với thành lập chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp, phát huy tốt hiệu quả và phù hợp với xu thế phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.
Bên cạnh việc tập trung cho vay và phát triển nguồn Quỹ HTND, Hội Nông dân Nghệ An tiếp tục tập trung thu hồi đầy đủ, kịp thời 28 dự án đến hạn của 213 hộ với tổng số tiền 5.720 triệu đồng, không có nợ quá hạn, đạt tỷ lệ 100%. Nhờ công tác quản lý, giám sát chặt chẽ nên nguồn vốn cho vay không xuất hiện nợ xấu, nợ đọng trong năm và các chương trình cho vay đều phát huy tốt, mang lại hiệu quả kinh tế cho người sử dụng vốn.
Hiện Qũy HTND Nghệ An đang triển khai cho vay 394 dự án cho 2.058 hộ với tổng dư nợ 76.370 triệu đồng được phân bổ đều trên các huyện, thị, thành. Thời gian tới để phát triển nguồn Quỹ, Hội tiếp tục chỉ đạo các huyện, thành, thị Hội làm tốt công tác tham mưu để UBND cùng cấp cấp ngân sách bổ sung xây dựng Quỹ HTND.
Đồng thời với phát triển nguồn Quỹ HTND, Hội ND Nghệ An tăng cường công tác tuyên truyền về mục đích và ý nghĩa của Quỹ HTND đối với hoạt động Hội và phong trào nông dân, từ đó vận động cán bộ, hội viên nông dân, các tập thể và cá nhân khác ủng hộ xây dựng quỹ đạt chỉ tiêu theo kế hoạch đề ra.
“Hội ND tiếp tục chỉ đạo xây dựng và nhân rộng các mô hình kinh tế tập thể theo chuỗi giá trị từ sản xuất đến bao tiêu sản phẩm cho chi hội nông dân nghề nghiệp, tổ hội nông dân nghề nghiệp, tổ hợp tác, hợp tác xã. Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hoạt động Quỹ HTND, đặc biệt là việc sử dụng vốn của các hộ vay vốn, kịp thời phối hợp với cấp có thẩm quyền xử lý các thiếu sót, sai phạm nếu có. Cùng với đó, xây dựng phần mềm kế toán thống nhất trong hệ thống Quỹ HTND từ Trung ương đến địa phương”, ông Nguyễn Quang Tùng - Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Nghệ An cho biết.
Xây dựng và nhân rộng các mô hình kinh tế tập thể theo chuỗi giá trị
Qua việc tiếp sức, hỗ trợ nguồn Quỹ cho hội viên, nông dân phát triển kinh tế đã làm tiền đề cho nhiều mô hình kinh tế tập thể ra đời với hy vọng từng bước thay đổi tư duy, thói quen sản xuất cũ để xây dựng liên kết sản xuất, nâng cao giá trị cho ngành Nông nghiệp. Đồng thời, đây cũng là cơ hội để các hội viên, nông dân ngồi lại chia sẻ kinh nghiệm với nhau dưới hình thức “Nông dân dạy nông dân” cách phát triển kinh tế.
Các loại hình cho vay chủ yếu như: Chăn nuôi trâu bò sinh sản, chăn nuôi trâu bò hàng hóa, chăn nuôi dê sinh sản; Trồng cây có múi như cam, bưởi; Nuôi trồng thủy sản, nuôi tôm, cá; Chế biến nước mắm; sản xuất mỹ nghệ mộc dân dụng….
Các mô hình vay vốn Quỹ HTND đã góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập, ổn định cuộc sống cho bà con nông dân. Đặc biệt trong bối cảnh đại dịch Covid-19 bùng phát mạnh, số lao động làm việc trong các nhà máy, xí nghiệp, các ngành du lịch, dịch vụ bị mất việc đã trở về quê hương sinh sống rất nhiều, Quỹ HTND triển khai kịp thời đã góp phần giúp cho họ có công ăn việc làm, sớm ổn định cuộc sống, thu nhập bình quân của mỗi lao động thường xuyên từ 5-7 triệu đồng/tháng, lao đồng thời vụ cho thu nhập từ 200- 300 nghìn đồng/ngày công, đã góp phần thực hiện thành công chủ trương giảm nghèo bền vững của địa phương.
Điển hình như mô hình Tổ hội nghề nghiệp nuôi cá nước ngọt ở xã Tràng Sơn (Đô Lương) với 27 thành viên trong đó có 13 thành viên vay vốn quỹ tổng 650 triệu, tổng diện tích nuôi trồng 13ha mặt nước. Mô hình này đã giải quyết việc làm thuờng xuyên cho 13 lao động. Thu nhập bình quân trên 5 triệu đồng/tháng. Tiêu biểu như gia đình anh Phan Thắng, Lê Đình Ngọc, Nguyễn Trọng Khương, Dương Đình Tuấn, Nguyễn Hữu Hồng… mỗi năm thu nhập từ 120 -150 triệu. Nhờ đó, tổ hội đã cùng chung tay xây dựng quỹ Hội ở mức 500.000 đồng/tháng.
Việc đặt ra yêu cầu khi tiếp cận nguồn vốn phải là mô hình phát triển kinh tế gắn với thành lập chi, tổ hội nông dân nghề nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác ứng dựng tiến bộ KHKT, công nghệ cao; sản xuất theo chuỗi giá trị, sản phẩm tạo ra phải đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm góp phần xây dựng thương hiệu, sản phẩm đạt chuẩn OCOP địa phương. Nhờ đó, 6 tháng đầu năm đã góp phần thành lập được 10 tổ hội nông dân nghề nghiệp. Đây là một trong những yếu tố góp phần phát triển hội viên nhằm xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh và phát triển; cũng là tiêu chí quan trọng mà chương trình xây dựng nông thôn mới Nghệ An đang hướng đến để đưa ngành Nông nghiệp ở một tầm cao mới.
“Thông qua việc xây dựng các mô hình, công tác tuyên truyền về chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước, nhất là các chủ trương, chính sách liên quan trực tiếp đến nông nghiệp, nông dân và nông thôn được đẩy mạnh; từ đó góp phần nâng cao hiểu biết, ý thức chấp hành pháp luật cho hội viên nông dân, tạo sự đồng thuận, đoàn kết, phát huy tình làng, nghĩa xóm, giữ gìn an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở nông thôn, củng cố niểm tin của nông dân đới với Đảng, Nhà nước”.
Ông Nguyễn Quang Tùng – Chủ tịch Hội Nông dân tỉnh Nghệ An.
- Hà Giang: Kết nối, tiêu thụ sản phẩm OCOP và sản phẩm tiêu biểu tại Thủ đô
- Hà Giang: Nuôi dê Bách Thảo - sinh kế lâu dài cho nông dân vùng cao
- Thanh Hoá: Nông dân được học tập, chia sẻ kinh nghiệm xử lý rác thải thân thiện với môi trường
- Lào Cai: Hỗ trợ hơn 1 tấn cá giống giúp nông dân khôi phục sản xuất sau bão Yagi