Làng nghề

Về nơi “Có sông tắm mát có nghề làm tranh”

05:34 29/07/2017 GMT+7

Tranh dân gian Đông Hồ là số ít dòng tranh dân gian của Việt Nam còn gìn giữ lại được đến bây giờ. Dù thời gian đã khiến cho nghề làm tranh dần mai một nhưng những giá trị to lớn của dòng tranh vẫn còn đó, như là một chứng tích của xã hội Việt Nam một thời và sẽ vẫn mãi là di sản của dân tộc.

Làng Đông Hồ (xã Song Hồ, Thuận Thành, Bắc Ninh) nằm trên bờ nam con sông Đuống là một làng nghề làm tranh dân gian nổi tiếng của Việt Nam. Nghề làm tranh nơi đây ra đời từ khoảng thế kỉ 17 và phát triển cho đến nửa đầu thế kỉ 20 và đang suy tàn dần.

Trước đây, tranh Đông Hồ thường được đem bán ngoài chợ vào mỗi dịp Tết, người dân mua về treo trong nhà, đến khi hết năm lại gỡ bỏ, mua tranh mới đem về treo.

Tranh Đông Hồ rất phong phú về đề tài, chủ yếu phản ánh những gì diễn ra trong cuộc sống, sinh hoạt thường ngày cũng như những mối quan hệ xã hội ở miền nông thôn Bắc Bộ thời xưa. Từ những gì dân dã nhất như hái dừa, đánh ghen, gà trống,… cho tới những bức tranh thờ: Phú Quý, Nhân Nghĩa…

Cũng do tranh giản dị, gần gũi với đời sống nên đã được đón nhận và sớm đi vào đời sống văn hoá của nhân dân và trở thành dòng tranh dân gian được biết đến nhiều nhất.

Tranh dân gian Đông Hồ đã được công nhận là “Di sản văn hóa phi vật thể” cấp Quốc gia vào tháng 3/2013 và đang được đệ trình lên UNESCO để được công nhận là di sản của thế giới.

Bức tranh "Đám cưới chuột", biểu tượng cho giá trị văn hóa của dòng tranh dân gian được nhiều người biết đến nhất.
Bức tranh “Đám cưới chuột”, biểu tượng cho giá trị văn hóa của dòng tranh dân gian được nhiều người biết đến nhất.
Những bức tranh phản ánh đời sống xã hội nông thôn Bắc Bộ từ thế kỉ 17 đến đầu thế kỉ 20 đã trở nên thân thuộc với người dân Việt Nam.
Nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế đang miệt mài tô màu cho những bức tranh. Ông cho biết, công việc gìn giữ nghề truyền thống này đang gặp nhiều khó khăn, thời gian cực thịnh của dòng tranh này cả làng có 17 dòng họ làm tranh nhưng giờ chỉ còn lại có hai nhà.
Tranh dân gian Đông Hồ sử dụng những bản khắc bằng gỗ thị để in tranh lên giấy. Người thợ đang cẩn thận khắc theo mẫu in sẵn để có một bản khắc vừa ý.
Công việc lên màu cho từng tranh được làm rất tỉ mỉ. Những màu thường được sử dụng cho tranh Đông Hồ là màu vàng, đỏ, xanh… lần lượt được in lên giấy dó. Màu đen dùng để vẽ những đường nét thường được sử dụng sau cùng để hoàn tất tranh.
Mỗi bản khắc gỗ chỉ dùng để in một màu, thường thì mỗi bức tranh sử dụng khoảng bốn bản khắc. Có những “mộc bản” có từ lúc khởi đầu dòng tranh vẫn đang còn được các nghệ nhân lưu giữ làm kỉ niệm.
Nhiều bạn sinh viên đến thăm làng tranh Đông Hồ rất hứng thú nghe nghệ nhân Nguyễn Đăng Chế giới thiệu về cách làm ra một bức tranh cũng như tìm hiểu ý nghĩa được gửi gắm trong đó.
Cũng có những lời tâm huyết của những người đến thăm làng tranh. Hầu hết trong số họ đều chúc cho những nghệ nhân làng Đông Hồ gìn giữ và phát triển nghề làm tranh đã trở thành di sản văn hóa của dân tộc.
Hoàng Long

Tin cùng chuyên mục
Tin khác