Hỗ trợ nông dân

“Vốn vay từ Quỹ là phao cứu sinh của chúng tôi”

Đồng Xuân - 07:31 21/01/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi) Đó là lời chia sẻ cởi mở, chân tình của anh Lê Giang Phong, Giám đốc HTX sản xuất nấm Đức Nhuận, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi với chúng tôi trong chuyến đi thực tế tham quan những sản phẩm OCOP tiêu biểu của nông dân huyện Mộ Đức vào cuối năm 2022 vừa qua.
Anh Lê Giang Phong, Giám đốc HTX sản xuất nấm Đức Nhuận, huyện Mộ Đức, tỉnh Quảng Ngãi.

Câu chuyện về “người đi tìm thần dược”

Trò chuyện với chúng tôi, anh Lê Giang Phong cho biết, anh sinh năm 1977, vì kinh tế gia đình khó khăn phải nghỉ học sớm và làm đủ nghề để kiếm kế sinh nhai. Năm 2007, anh lập gia đình thì phát hiện mình bị “gan nhiễm mỡ” và “thiếu máu cơ tim”. Hết chữa thuốc Tây, lại chuyển sang Đông y mà bệnh tình cũng không thuyên giảm. Tình cờ đọc báo có nói về Tiến sĩ Nguyễn Thị Chính ở Hà Nội đã nghiên cứu trồng được loại nấm linh chi, loại nấm này có thể chữa được một số bệnh hiểm nghèo, trong đó có bệnh của anh Phong đang mắc phải… Vợ chồng anh Phong gom góp tiền để mua nấm linh chi về sắc uống. 

Sau hơn 1 tháng dùng dược liệu này, anh Phong thấy khoẻ hơn, các mạch máu trong người anh như thông suốt. Nhưng, 1kg nấm linh chi lúc đó có giá 2,1 triệu đồng, trong khi thu nhập của 2 vợ chồng không đủ ăn mà vợ lại sắp đến kỳ sinh nở…  Anh Phong khát khao nghĩ cách, phải làm gì để trồng được loại nấm này không chỉ để chữa bệnh cho riêng mình mà còn cho nhiều người khác giống như mình nữa… 

Mùa Hè năm 2008, anh Phong quyết định tìm đến Trung tâm Nghiên cứu phát triển nấm và sản phẩm sinh học ở Hà Nội với hy vọng được học cách trồng nấm linh chi. Câu chuyện giữa một anh nông dân và một tiến sĩ gây được sự chú ý bởi một bên là khát khao được sống, một bên là tấm lòng thương cảm trước nghị lực của một thanh niên nông dân nghèo. Thế là từ đó một lớp học “đặc biệt” diễn ra tại nhà TS. Nguyễn Thị Chính, chỉ có mỗi mình anh đi học nghề trồng nấm linh chi, chứ không phải như những người khác để được hướng dẫn luận án thạc sĩ, tiến sĩ…. Ngoài học lý thuyết, anh thường xuyên lên trại nấm ở vùng ngoại ô Hà Nội để cùng nhóm công nhân thực hành cách pha chế, ủ nguyên liệu, đến việc ươm phôi nấm… Anh Phong rất cẩn thận, tất cả những điều anh học được, thấy được đều ghi vào sổ nhật ký học nghề. Ngoài ra, anh Phong còn học kỹ thuật làm nấm bào ngư, nấm sò, nấm đầu khỉ với suy nghĩ trở về nhà sẽ vừa trồng nấm linh chi để chữa bệnh và trồng các loài nấm khác để kiếm sống.

Lao động làm việc tại HTX sản xuất nấm Đức Nhuận.

“Phao cứu sinh” cho khát vọng làm giàu

Sau khi học xong, anh Phong trở về quê, vay mượn vốn liếng từ gia đình, bè bạn để thực hành trồng nấm. Nhiều lần thất bại vì phòng cấy phôi chưa đảm bảo tiêu chuẩn, nấm không mọc được. Anh lại khăn gói lên đường học tiếp để tìm ra nguyên nhân. Năm 2009, một mầm linh chi mạnh mẽ nẩy chồi tại căn nhà thí nghiệm mà anh đã từng thất bại. 

Để phát triển nấm linh chi tại quê hương, anh Phong bàn bạc với vợ rồi đi đến quyết định vay mượn kinh phí đầu tư thuê đất mở trang trại nấm 1.000m2 trồng nấm bào ngư, nấm sò. 

Sau 2 năm trang trại đi vào ổn định, anh lại muốn đầu tư quy mô hơn thì lại thiếu vốn. Vì thế anh quyết định thành lập HTX để huy động vốn trong bà con địa phương. Năm 2011, Hợp tác xã sản xuất nấm Đức Nhuận được thành lập với 12 thành viên do anh Phong làm Giám đốc. Năm 2013, được sự trợ giúp của Quỹ HTND tỉnh (Hội Nông dân các cấp tỉnh Quảng Ngãi), HTX được cho vay 300 triệu đồng để đầu tư mua nguyên vật liệu.

Rồi tiếng lành đồn xa về mô hình mở ra hướng đi mới cho nông dân ở địa phương, HTX lại tiếp tục được Sở Khoa học - công nghệ Quảng Ngãi hỗ trợ dự án sản xuất nấm ăn và nấm dược liệu với lô thiết bị trị giá 1,1 tỉ đồng. Có hệ thống thiết bị khoa học, anh Phong như có thêm cánh, anh sản xuất thêm phôi giống và cung cấp cho nhiều tỉnh như  Bình Định, Phú Yên, Gia Lai,... 

Khi hoạt động của HTX ổn định, vốn vay đều được sử dụng đúng mục đích và hiệu quả, đến năm 2020, anh Phong tiếp tục được Quỹ HTND tỉnh giải ngân 500 triệu đồng để mở rộng và liên kết sản xuất theo chuỗi: sản xuất phôi nấm để bán cho nông dân trong huyện về chăm sóc, thu hoạch nấm tươi để HTX thu mua về chế biến thành các sản phẩm công nghiệp cung ứng cho thị trường.

Hiện tại, HTX sản xuất nấm Đức Nhuận đã và đang hoạt động rất hiệu quả, thu hút 29 thành viên tham gia sản xuất và có hơn 30 thành viên góp vốn; đã có hàng trăm hộ nông dân trong và ngoài tỉnh theo về HTX học nghề làm nấm, đã có nhiều hộ trồng nấm linh chi thành công. Anh Phong còn tổ chức chuyển giao công nghệ và kỹ thuật trồng nấm linh chi cho nhiều xã viên trong HTX và người dân trong xã.

Sản phẩm của HTX được chứng nhận OCOP 4 sao.

Anh Lê Giang Phong chia sẻ: Nguồn vốn Quỹ HTND tỉnh giống như “chiếc phao cứu sinh” cho HTX trong những năm đầu thành lập cũng như khi liên kết sản xuất. Tuy số tiền giải ngân không lớn (tính trên mỗi thành viên HTX chỉ được vay từ 30 - 50 triệu đồng/người) nhưng đấy là nguồn vốn trao tay đúng thời điểm để các thành viên trong HTX duy trì hoạt động khi thị trường bất ổn. Vì giá cả thị trường bấp bênh, có lúc sản phẩm làm ra bị ứ đọng nên rất cần nguồn vốn để đầu tư sản xuất theo chuỗi như: tẩm, ướp để chế biến thành thức ăn nhanh (nấm khô sợi ăn liền, trà thảo dược linh chi, bột nêm nấm,….

“Nhờ linh hoạt trong nghiên cứu, chế biến các loại sản phẩm từ nấm dược liệu và nấm ăn như: Rượu nấm linh chi, trà thảo dược linh chi, nấm lương khô sợi (tẩm, ướp gia vị làm thức ăn nhanh), hạt nêm nấm,… các sản phẩm của HTX đã có mặt trên khắp các thị trường siêu thị, chợ, cửa hàng trong và ngoài tỉnh. Đặc biệt HTX sản xuất nấm Đức Nhuận có 6 loại sản phẩm đạt chuẩn OCOP, trong đó có 1 sản phẩm đạt chuẩn 4 sao; 5 sản phẩm đạt chuẩn 3 sao và chiếm lĩnh thị trường nông nghiệp số trên các sàn giao dịch thương mại điện tử như: Shoppe, Vỏ Sò, Saely…” - anh Lê Giang Phong, Chủ nhiệm HTX cho biết thêm. 


 

Tin cùng chuyên mục
Tin khác