Vượt qua rào cản tâm lý khi chẳng may mắc bệnh bạch biến
Cô gái trẻ N.T.L.N. 25 tuổi, quê Thanh Hóa mắc bệnh bạch biến từ nhỏ. Ngày còn đi học, N. thường bị bạn bè trêu ghẹo với cái tên “bò sữa”. Với đốm da khác màu xuất hiện trên gương mặt khiến N. rất tự ti.
“Đi đâu tôi cũng đeo khẩu trang. Tôi sợ mọi người nhìn thấy gương mặt của mình. Cũng may là đốm da lệch màu đó ở má trái, nên tôi nuôi tóc thật dài để cố tình xõa xuống che đi nửa khuôn mặt đó”, L.N. nói.
Căn bệnh bạch biến mặc dù không ảnh hưởng đến sức khỏe của cô gái 25 tuổi, nhưng nó lại là trở ngại lớn trong cuộc sống của cô. Dù đã đến độ tuổi kết hôn, nhưng L.N. lại không có mong muốn đó.
Bản thân cô luôn khao khát có thể điều trị bệnh khỏi hoàn toàn. Ngoài ra, trong N. luôn thường trực nỗi sợ hãi là bệnh có thể di truyền đến thế hệ con cái sau này.
Có những người trẻ mắc bệnh bạch biến rất “ngại” lập gia đình, bởi họ lo sợ bệnh này sẽ di truyền đến thế hệ tiếp theo. Tuy nhiên bác sĩ Hoàng Văn Tâm, Giảng viên Bộ môn Da liễu, Trường Đại học Y Hà Nội cho biết, bệnh bạch biến không phải di truyền gen trội hay gen lặn, mà nó có yếu tố về gia đình.
“Tỷ lệ con mắc bệnh đột biến từ bố mẹ bị bệnh này chỉ khoảng dưới 10%. Đây là tỷ lệ không quá cao. Chính vì vậy chúng ta không quá lo lắng bởi bệnh không ảnh hưởng đến việc kết hôn và sinh con”, bác sĩ Tâm chia sẻ.
Nguyên nhân khiến bệnh bạch biến khởi phát
Liên quan đến căn bệnh này, bác sĩ Hoàng Văn Tâm cho biết rằng, hiện ở Việt Nam chưa có thống kê chính xác về tỷ lệ mắc bệnh bạch biến. Còn ở trên thế giới, tỷ lệ mắc bệnh này phụ thuộc vào chủng tộc, trung bình khoảng từ 0.5 đến 1 hoặc 2% dân số mắc bệnh, trong đó ở Ấn Độ chiếm tỉ lệ lớn hơn cả.
Bác sĩ Hoàng Văn Tâm cho biết, hiện vẫn chưa xác định được nguyên nhân gây nên bệnh bạch biến, nhưng có một số yếu tố khiến bệnh xuất hiện.
“Thứ nhất là yếu tố về gia đình, tức là có gen dễ mắc bệnh bạch biến. Thứ 2 là yếu tố về tự miễn, tự cơ thể sinh ra kháng thể chống lại tế bào hắc tố. Các yếu tố khác đó là về môi trường, virus, hóa chất, stress cũng là 1 trong những nguyên nhân khiến bạch biến khởi phát”, bác sĩ Tâm chia sẻ.
Chưa có phương pháp điều trị dứt điểm bạch biến
Về cơ bản, bạch biến đơn thuần sẽ không ảnh hưởng đến sức khỏe của bệnh nhân mà chỉ ảnh hưởng đến mặt thẩm mỹ. Tuy nhiên bạch biến có thể liên quan tới những bệnh lí rối loạn về tự miễn khác như lupus, rụng tóc vùng, bệnh lý về mắt, hay bệnh tuyến giáp tự miễn và những bệnh lý về chuyển hóa ví dụ như bệnh tiểu đường…Với những bệnh nhân bị bạch biến, đặc biệt với những bệnh nhân bạch biến ở lứa tuổi trung niên thì chúng ta cần loại trừ những bệnh lý có thể kèm theo.
Theo bác sĩ Tâm, vì cơ chế chính xác 100% của bạch biến chưa được biết rõ, chính vì vậy việc điều trị dứt điểm hoàn toàn bạch biến là chưa có phương pháp nào.
“Song chúng ta có thể kiểm soát và điều trị bệnh bằng các phương pháp như dùng thuốc bôi, thuốc uống, ánh sáng trị liệu, lazer, phẫu thuật. Một số thể bạch biến đặc biệt ví dụ như bạch biến thể đoạn khi được điều trị có thể cho khỏi được trong một khoảng thời gian dài.
Có những thể bạch biến thể đoạn ổn định nếu được điều trị đúng bằng phương pháp phẫu thuật, ghép tế bào thượng bì, ghép da có thể cho kết quả khỏi hoàn toàn được. Tuy nhiên đa phần bệnh nhân mắc bệnh bạch biến sẽ phải điều trị liên tục kéo dài cả đời. Bệnh sẽ trải qua giai đoạn có những đợt tăng, giảm và tái phát”, bác sĩ Hoàng Văn Tâm nói.
Vượt qua rào cản tâm lý khi mắc bệnh bạch biến
Theo bác sĩ Hoàng Văn Tâm, bệnh bạch biến gây ảnh hưởng tâm lý rất lớn, đặc biệt với những em bé, hay những cô gái tuổi thanh niên. Do đó với những gia đình, các bậc phụ huynh có con mắc bệnh này, việc đầu tiên là phải hết sức bình tĩnh và tìm hiểu kiến thức về bệnh.
“Đầu tiên gia đình cần có những kiến thức về bệnh, bởi khi có kiến thức sẽ có sự đồng hành với con tốt nhất được. Và khi con mình bị bạch biến, cần nói chuyện với con nhiều hơn, truyền cho con động lực, cảm hứng. Đồng thời nói chuyện với cô giáo và bạn học của con rằng bạch biến chỉ như những bông hoa trên cơ thể của con và con vẫn tỏa sáng, con vẫn làm được mọi việc mà con muốn. Khi có sự đồng hành thì bạch biến không còn là nỗi lo lắng của người bệnh”, bác sĩ Tâm chia sẻ.
Theo VOV