Bản đồ số - Lời giải cho bài toán tiêu thụ nông sản chủ lực Thái Nguyên
Chuyển đổi số là xu thế tất yếu trong mọi lĩnh vực, tạo động lực mới trong thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội
Đại hội Đảng bộ tỉnh Thái Nguyên lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra mục tiêu xây dựng Thái Nguyên trở thành một trong những trung tâm kinh tế công nghiệp hiện đại của khu vực trung du, miền núi phía Bắc và vùng Thủ đô Hà Nội vào năm 2030. Bên cạnh việc tập trung vào phát triển công nghiệp thì lĩnh vực nông nghiệp cũng được cấp ủy, chính quyền rất quan tâm, chú trọng. Với quyết tâm chính trị rất cao nhằm phát triển nông nghiệp theo hướng hiện đại, bền vững, phát triển đồng bộ nông nghiệp với công nghiệp, thương mại, dịch vụ để nâng cao giá trị thương hiệu sản phẩm.
Trong thời gian qua, tỉnh Thái Nguyên đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách hết sức quan trọng trong lĩnh vực nông nghiệp như: Nghị quyết số 10-NQ/TU ngày 21/10/2019 của BCH Đảng bộ tỉnh về phát triển nông nghiệp tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2019 - 2025, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 15/2020/NQ-HĐND ngày 11/12/2020 của HĐND tỉnh Thái Nguyên đã thông qua Đề án phát triển sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh Thái Nguyên giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; Nghị quyết số 01-NQ/TU ngày 31/12/2020 của BCH Đảng bộ tỉnh về Chương trình chuyển đổi số tỉnh Thái Nguyên, giai đoạn 2021-2025 định hướng đến năm 2030… Có thể nói chưa bao giờ nông nghiệp Thái Nguyên được quan tâm và có được nhiều cơ hội để vươn lên phát triển như giai đoạn hiện nay.
Tuy nhiên, trên bình diện cả nước nói chung và tỉnh Thái Nguyên nói riêng, đại dịch Covid-19 đã tác động tới mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội trong đó có lĩnh vực nông nghiệp, đã ảnh hưởng không nhỏ tới thu nhập và đời sống của người nông dân. Bên cạnh đó, cơ quan quản lý thiếu thông tin và năng lực dự báo, đo dung lượng thị trường còn yếu dẫn đến việc thiếu định hướng trong tổ chức sản xuất, người nông dân thì sản xuất tự phát. Chưa trả lời được các câu hỏi: Nuôi con gì? Trồng cây gì? Quy mô thế nào? Bán như ra sao? Bán ở đâu? thì câu chuyện được mùa mất giá, được giá mất mùa hay câu chuyện giải cứu nông sản vẫn luôn là bài toán chưa có lời giải cho chính quyền và người nông dân.
Hiện nay, theo Đề án sản phẩm nông nghiệp chủ lực của tỉnh Thái Nguyên định hướng đến năm 2025 sẽ phát triển 06 sản phẩm nông nghiệp chủ lực gồm: chè (diện tích 23.500ha, sản lượng 273.000 tấn búp tươi); cây ăn quả gồm Na (diện tích: 1530ha, sản lượng: 13.300 tấn), Nhãn (diện tích: 2.360 ha, sản lượng: 9.850 tấn); Bưởi (diện tích:2.370 ha, sản lượng: 21.500 tấn); Thịt lợn (tổng đàn: 750.000 con; sản lượng thịt hơi: 110.000 tấn); Thịt gà và trứng gà (đàn gà: 15 triệu con, sản lượng thịt hơi: 52.515 tấn; trứng gà: 450 triệu quả); Sản phẩm gỗ (giá trị sản phẩm gỗ 2.435 tỷ đồng); Quế (diện tích: 6.500 ha, giá trị đạt 1.261 tỷ đồng). Ngoài ra, từ năm 2019 triển khai thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP), đến nay toàn tỉnh đã có 129 sản phẩm OCOP.
Với quy mô và định hướng sản xuất như vậy, các cấp chính quyền cần phải đề ra chiến lược, tầm nhìn và những giải pháp căn cơ lâu dài trong việc tìm kiếm thị trường, tiêu thụ sản phẩm một cách chủ động. Như chúng ta đã thấy, chuyển đổi số là xu thế tất yếu trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội, chuyển đổi số tạo động lực mới trong thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội. Đó là cơ sở dữ liệu về đất đai, khí hậu, diện tích, sản lượng, năng suất, thị trường, năng lực sản xuất, chế biến, bảo quản… Đây là việc không dễ làm những không vì khó mà không thể không làm.
Xem xét những lý do sau đây để thấy được đòi hỏi ra đời của chuyển đổi số với nông dân là tất yếu:
Những loại nông sản đòi hỏi sơ chế nhưng với đặc điểm công nghệ sau thu hoạch chưa phát triển, nông sản thời gian thu hoạch ngắn, không lưu giữ được lâu cần có thị trường tiêu thụ sớm, đây là bài toán khó trong điều kiện thiếu thông tin việc cân bằng cung cầu không đạt được phương án tối ưu. Tuy nhiên nếu ngay lập tức có thông tin về các mối cung cầu chính xác, bài toán cân bằng hai nguồn này rất dễ giải, bản đồ số làm được việc này.
Nông sản cần quy hoạch kiểu đón đầu vì nó có độ trễ lớn, cây trồng vật nuôi chỉ cho thu hoạch sau một vài năm khi nhu cầu thị trường đã biến đổi so với khi ra quyết định canh tác. Một mặt bản đồ số cho phép xây dựng các mô hình dự báo phục vụ quy hoạch vùng canh tác dựa trên sản lượng hiện có, mặt khác nó giúp tìm kiếm vùng tiêu thụ tức thời một cách tối ưu khi cấu trúc thị trường đã thay đổi.
Việc khởi nghiệp với nông dân dễ thực hiện nhất là làm theo các mô hình thành công, tuy nhiên nếu dịch chuyển một mô hình thành công từ địa phương này sang địa phương khác không tương đồng về thổ nhưỡng, khí hậu sẽ không cho sản lượng hoặc chất lượng như mong muốn, để ra quyết định, thông tin của bản đồ số mang tính mấu chốt trong trường hợp này. Việc bổ sung cơ sở khoa học này tránh được quá trình canh tác, nuôi trồng thử nghiệm mất nhiều năm mới cho ra kết luận thay vì chỉ cần vài thao tác tra cứu dựa trên GIS (Geographic Information System - Tạm dịch: Bản đồ số) ai cũng làm được. Như vậy câu hỏi lớn nhất với nông dân là trồng cây gì, nuôi con gì, quy mô ra sao, tiêu thụ ở đâu dường như tự họ trả lời được. Ở khía cạnh này nếu mô hình dịch chuyển sản xuất từ địa phương này sang địa phương khác thành công có nghĩa là GIS đã góp phần tạo ra giá trị mới.
Trong thời đại mà nguồn gốc thực phẩm là yếu tố mang tính quyết định việc mua hay không mua của người tiêu dùng có nhiều người đã mua nông sản từ khi táo mới ra hoa hay xoài vừa đậu quả trong nông trại. Người nông dân chăm sóc cái cây của khách hàng và GIS cập nhật tình trạng nông sản cho khách hàng từng ngày, từng giờ cho đến ngày thu hoạch.
Người đi du lịch cần biết chính xác thung lũng có những loại hoa gì, nở lúc nào, khi nào lúa chín để đi du lịch, khi nào có mây để săn mây, chụp ảnh, khi nào tuyết rơi… tất cả các thông tin này đều nằm trong một ứng dụng duy nhất trên điện thoại thông minh của khách hàng còn ở Việt Nam, số người dùng mạng internet chiếm 44.9% dân số với 43.7 triệu người thì việc GIS lo cái ăn,việc chơi cho khách hàng, GIS giúp nông dân thoát khỏi câu hỏi bao đời nay về canh tác là một tất yếu không thể chối cãi.
Nếu như trước kia có nhiều địa phương tách địa giới hành chính thành các tỉnh nhỏ để thuận tiện cho quản lý thì những năm gần đây các bộ, ban, ngành bắt đầu quan tâm đến kinh tế liên vùng. Đặc điểm của mô hình này là đem các nguồn lực riêng lẻ hình thành các chuỗi giá trị dựa trên thế mạnh của từng địa phương. Mô hình này trở lại do có sự trợ giúp của các công cụ số trong đó có GIS. GIS giống như một công cụ điều phối nguồn lực hiệu quả mà không vấp phải các vấn đề về quy mô, giúp cho việc quản lý có các cơ sở khoa học vững chắc để tạo ra các quyết định đột phá nhưng không mạo hiểm. Nhờ có chuyển đổi số mà các mô hình sản xuất không cứng nhắc từ năm này qua năm khác, nó cho người ta thời gian chuẩn bị chủ động trước hầu hết các biến cố từ tự nhiên tới xã hội. Đây chính là chức năng tạo ra môi trường mới trong quản trị nông nghiệp thông minh của GIS.
Làm thế nào để hoàn thiện một cơ sở dữ liệu lớn như GIS, đây là bước thứ nhất trong chuyển đổi số. Cơ sở dữ liệu có rất nhiều mức độ hoàn thiện khác nhau nhưng về cơ bản đây là việc của các cấp chính quyền. Không giống như hệ thống GPS là cơ sở dữ liệu toàn cầu, GIS mang tính địa phương cao, vì vậy nó cần được hoàn thiện bởi mỗi địa phương. Chi phí cho việc xây dựng GIS bao gồm chi phí khảo sát lấy mẫu các thông số phục vụ cho số hóa như thổ nhưỡng, khí hậu, nguồn nước… và chi phí mã hóa chúng lên bản đồ số thuần túy.
Các công nghệ ngày nay cho phép các trường đại học có thể tiến hành được việc này không mấy khó khăn trong khi Thái Nguyên có sẵn nguồn lực cho bước này. Một trong những khó khăn của các trường đại học là tăng cường tỉ lệ các nghiên cứu khoa học có tính ứng dụng nhưng trong trường hợp của bản đồ số nông nghiệp dường như người nông dân đã phải chờ đợi quá lâu. Có thể nói rằng, với nông thôn ngày nay, việc tăng cường xây dựng điện – đường – trường – trạm chưa chắc tính cấp bách đã cao hơn đòi hỏi ngay lập tức phải có bản đồ số.
Bản đồ số là một phần nhỏ trong chuyển đổi số nông nghiệp nhưng là phần quan trọng nhất, trực tiếp quan hệ với cuộc sống của người nông dân hơn bất cứ cơ sở hạ tầng nào khác ngày nay. Việc xây dựng một tầm nhìn tương lai không thể không nhắc tới điều này khi mà tỉ trọng GDP trong đóng góp từ nông nghiệp của Việt Nam vẫn chiếm 14.85% vào năm 2020. Israel trở thành quốc gia nông nghiệp công nghệ cao có một bài học vô cùng quan trọng đó là nhờ có chuyển đổi số mà người nông dân đủ sức tự tổ chức riêng cho mình một chuỗi giá trị, ở đó, họ là người quản trị thông minh với hệ thống trợ giúp thông tin từ GIS cho mỗi quyết định sản xuất hay bán hàng.
Tuy mỗi quốc gia có điều kiện khác nhau nhưng việc xem chuyển đổi số ở Việt Nam như một điều kiện hạ tầng trong nông nghiệp lúc này là cần thiết và Thái Nguyên không phải ngoại lệ. Trong cuộc chạy đua này ai đi trước người ấy có cơ hội lớn hơn, nền tảng số hóa cho phép giới thiệu sản phẩm toàn cầu qua internet và hình thành các thói quen tiêu dùng mới, cho phép định hình các thị trường mới trên cơ sở giá trị hàng hóa truyền thống của địa phương. Nếu chuyển đổi số thành công việc giải cứu nông sản chỉ còn trong dĩ vãng vì với môi trường internet không chỉ là trăm người bán, vạn người mua mà là bán cho cả thế giới, ở góc độ này GIS đã tạo ra thị trường mới.
Giống như một trợ lý ảo của người nông dân, Bản đồ số là hiện thân của KHCN ứng dụng trong nông nghiệp. Thái Nguyên với những điều kiện chín muồi chính là lúc để thực hiện chuyển đổi số, đây là cơ hội lớn tạo ra bước đột phá mới trong lĩnh vực nông nghiệp nếu chuyển đổi thành công.
- Cà Mau: GRDP nông, lâm, ngư nghiệp tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước
- Bình Dương phấn đấu trở thành đô thị loại I và thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030
- Đến năm 2030, phấn đấu trên 90% diện tích lúa, rau màu, cây ăn trái áp dụng IPHM
- Vĩnh Long: Định hướng cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới