Bà Rịa-Vũng Tàu: Nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân giúp hội viên vươn lên làm giàu
Điểm tựa giúp hội viên nông dân mở rộng sản xuất, kinh doanh
Vì chăn nuôi gà không hiệu quả, ông Đỗ Thanh Quang ở huyện Đất Đỏ đã mạnh dạn chuyển sang nuôi bò thịt 3B, giống bò có nguồn gốc tại Bỉ. Để hỗ trợ mô hình, Quỹ HTND tỉnh Bà Rịa –Vũng Tàu cho ông vay 50 triệu đồng. Từ nguồn vốn này, cộng với chăm chỉ làm ăn, sau 2 năm, đàn bò của anh phát triển gấp 10 lần, lên 60 con. Với giá bán từ 45 đến 60 triệu đồng/con, trung bình mỗi năm sau khi trừ chi phí, ông thu nhập trên 300 triệu đồng.
Thời gian qua, các cấp Hội Nông dân trong tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu đã tích cực khai thác nguồn vốn vay từ Quỹ HTND để giúp nông dân phát triển kinh tế.
Chỉ tính riêng từ đầu năm đến nay, Quỹ đã giải ngân gần 29 tỷ đồng cho 57 dự án, trồng trọt, chăn nuôi với 577 hộ vay. Hiện dư nợ cho vay tính đến tháng 9/2024 là hơn 88,2 tỷ đồng, với hơn 1.800 hộ vay. Nhờ nguồn quỹ này nhiều nông dân đã mạnh dạn xây dựng các mô hình kinh tế phù hợp để tăng thu nhập, ổn định cuộc sống.
Đặc biệt, Hội Nông dân các cấp còn phối hợp với ngân hàng Chính sách xã hội, ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn giúp cho hội viên, nông dân tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi để phát triển, mở rộng sản xuất, kinh doanh. Các cấp Hội cũng phối hợp với Bưu điện tỉnh, Viettel Post đưa sản phẩm nông nghiệp của nông dân lên sàn thương mại điện tử của tỉnh để hỗ trợ nông dân quảng bá và tiêu thụ sản phẩm.
Các cấp Hội chủ động phối hợp với các sở, ngành hỗ trợ nông dân phát triển sản xuất, quảng bá thương hiệu; định hướng cho hội viên mở rộng quy mô sản xuất, đa dạng các ngành nghề; hình thành vùng sản xuất hàng hóa tập trung, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ 4.0, hình thành các mối liên kết trong sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm; thúc đẩy sản xuất nông nghiệp theo chuỗi giá trị, theo hướng hữu cơ, thân thiện với môi trường. Qua đó, Hội giúp cho nhiều nông dân đã tự tin làm chủ những mô hình nông nghiệp hiện đại, những mô hình nông nghiệp theo hướng hữu cơ, nông nghiệp xanh, sạch; làm chủ mô hình nông nghiệp đô thị với diện tích canh tác nhỏ, song vẫn tạo ra được các sản phẩm với sản lượng và giá trị lớn.
Một số hội viên, nông dân còn năng động kết hợp giữa nông nghiệp gắn với phát triển du lịch, biến mô hình ruộng, vườn, ao, đầm thành nơi trải nghiệm sinh thái, điểm vui chơi, giải trí của du khách, qua đó từng bước nâng cao giá trị kinh tế của mô hình sản xuất nông nghiệp.
Thu hút đông đảo nông dân tham gia vào tổ chức Hội
Ông Vòng A Mền - nông dân trồng bưởi da xanh tại xã Sông Xoài (TX.Phú Mỹ) đang thu hoạch những trái cuối vụ từ hơn 2ha bưởi của mình. Cách đây 2 năm, được Hội Nông dân tư vấn, ông quyết định chuyển đổi từ phương pháp canh tác thông thường sang hướng hữu cơ.
Ông chia sẻ: “Trước đây, nông dân làm theo cách riêng của mình. Từ khi tham gia HTX, chúng tôi được hướng dẫn sản xuất theo quy trình VietGAP, đảm bảo chất lượng cho sản phẩm và giảm chi phí canh tác. HTX còn thu hoạch bưởi tận vườn”.
HTX Bưởi da xanh Hắc Dịch (TX.Phú Mỹ) hiện có 40 thành viên với tổng diện tích 38ha. HTX đã liên kết với 30 hộ nông dân trồng bưởi tại các xã Láng Lớn, Sông Xoài và phường Hắc Dịch, mở rộng diện tích canh tác lên khoảng 25ha. Ông Nguyễn Trọng Trung- Giám đốc HTX cho biết, sau khi thành lập vào năm 2022, HTX đã nhanh chóng chuyển sang canh tác bưởi theo hướng hữu cơ, đầu tư vào hệ thống tưới và phương tiện vận chuyển. Đến nay, HTX đã có 38ha bưởi da xanh canh tác theo quy trình VietGAP, với năng suất ổn định đạt 35 tấn/ha/năm.
Hội Nông dân thị xã còn hỗ trợ HTX liên kết với các siêu thị tại TP.Hồ Chí Minh và các tỉnh, thành khác trong nước, đồng thời mở rộng thị trường xuất khẩu sang Trung Quốc và EU. Bên cạnh đó, HTX hỗ trợ các thành viên mua vật tư, phân bón chất lượng với giá thấp hơn thị trường.
Những năm gần đây, nhiều hộ dân ở Thị trấn Long Hải mạnh dạn đầu tư trồng hoa kiểng và có thu nhập khá từ nghề này. Chị Nguyễn Thị Xuân, Tổ hợp tác sản xuất, kinh doanh cây cảnh là một điển hình.
Với niềm đam mê sinh vật cảnh, những năm trước đây, tranh thủ thời gian nhàn rỗi, chị Xuân trồng vài chậu hoa lan, vài chậu mai vàng chủ yếu để trang trí trong gia đình và thư giãn sau những giờ lao động. Nhờ biết chăm sóc, cắt tỉa, tạo dáng thành những sản phẩm cây cảnh đẹp, được nhiều khách trong và ngoài huyện ưa chuộng. Năm 2023, chị Xuân được Hội Nông dân thị trấn tạo điều kiện cho vay 60 triệu đồng từ nguồn vốn Quỹ HTND để mở rộng hoạt động sản xuất kinh doanh hoa cảnh. Hiện mỗi tháng, gia đình chị Xuân bán ra thị trường hơn 500 chậu hoa các loại, lợi nhuận đem về gần 25 triệu đồng.
Ông Huỳnh Văn Sơ, Phó Chủ tịch Hội Nông dân huyện Long Điền cho biết, trên địa bàn huyện Long Điền hiện có 9 chi hội nghề nghiệp với 398 thành viên; 81 tổ hội nghề nghiệp với 575 thành viên. Từ đầu năm 2024 đến nay, Quỹ HTND huyện đã giải ngân 350 triệu đồng cho 7 hộ hội viên thực hiện dự án trồng trọt, chăn nuôi; Quỹ HTND tỉnh đã thẩm định, giải ngân 28 dự án/275 hộ vay với tổng số tiền 13,76 tỷ đồng.
“Nguồn Quỹ HTND đã giúp nhiều hộ hội viên khó khăn có thêm nguồn vốn để phát triển sản xuất. Đặc biệt, với phương thức cho vay theo các dự án, nhóm hộ, Quỹ HTND đã kết nối từng hộ sản xuất, kinh doanh nhỏ lẻ thành các tổ hợp tác, xóa bỏ dần tập quán làm ăn manh mún, từng bước hình thành mô hình sản xuất theo chuỗi, nâng cao giá trị sản phẩm. Qua hoạt động của Quỹ HTND, Hội Nông dân các xã, thị trấn đã đổi mới nội dung, phương thức hoạt động theo hướng thiết thực, hiệu quả, tạo niềm tin và thu hút đông đảo nông dân tham gia vào tổ chức Hội” - ông Sơ nói.
Thời gian tới, Hội Nông dân tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu tiếp tục phối hợp với Hội ND các cấp cơ sở khảo sát nhu cầu sử dụng vốn của hội viên, nông dân, xây dựng các mô hình, dự án cho vay vốn Quỹ HTND. Hội lựa chọn những mô hình vay vốn phù hợp, có tính khả thi, đảm bảo phát huy hiệu quả nguồn vốn và có khả năng nhân rộng.
Ông Bùi Đình Nam, Phó Giám đốc Quỹ HTND tỉnh Bà Rịa-Vũng Tàu nhận định, nguồn vốn Quỹ HTND hiện nay rất cần thiết để hỗ trợ cho nông dân, đặc biệt là sau dịch COVID-19 đã hỗ trợ nông dân phục hồi kinh tế, kết hợp với nguồn vốn và mô hình có sẵn của bà con nông dân đã mang lại hiệu quả kinh tế, nâng cao đời sống cho bà con nông dân.
Để nguồn vốn phát huy hiệu quả, Hội Nông dân tỉnh tiếp tục định hướng cho hội viên sử dụng nguồn vốn đúng mục đích. Song song với đó, Hội tổ chức các lớp tập huấn, chuyển giao KHKT giúp nông dân vận dụng khai thác, mang lại hiệu quả cao trong quá trình sản xuất, kinh doanh./.
- Hà Giang: Kết nối, tiêu thụ sản phẩm OCOP và sản phẩm tiêu biểu tại Thủ đô
- Hà Giang: Nuôi dê Bách Thảo - sinh kế lâu dài cho nông dân vùng cao
- Thanh Hoá: Nông dân được học tập, chia sẻ kinh nghiệm xử lý rác thải thân thiện với môi trường
- Lào Cai: Hỗ trợ hơn 1 tấn cá giống giúp nông dân khôi phục sản xuất sau bão Yagi