Báo chí với vai trò dẫn dắt công cuộc chuyển đổi số trong tam nông
Trong chuyển đổi số cũng vậy. Chuyển đổi số tác động sâu rộng, bao trùm lên tất cả các ngành, các lĩnh vực kinh tế - xã hội, trong đó có tam nông. Trong đó, báo chí – truyền thông luôn giữ vai trò là kênh thông tin chính xác, kịp thời, hữu hiệu trong việc định hướng, dẫn dắt, tạo nên sự thành công của quá trình chuyển đổi số tam nông, chuyển đổi số quốc gia.
Chuyển đổi số trong tam nông
Chuyển đổi số mang ý nghĩa quan trọng với tất cả các ngành trong thời đại 4.0, là xu thế toàn cầu và ngành Nông nghiệp Việt Nam cũng không ngoại lệ. Sau hơn 15 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 7 khoá X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, bộ mặt nông thôn và lĩnh vực nông nghiệp, đời sống nông dân cả nước đã có những bước phát triển vượt bậc với nhiều thay đổi ngày càng sâu sắc, văn minh, hiện đại.
Bước vào thời kì mới, để Việt Nam hòa nhập xu thế phát triển của kinh tế số, xã hội số trên thế giới, lĩnh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn được Đảng, Nhà nước đặc biệt quan tâm. Trong đó, có việc xây dựng Chương trình chuyển đổi số trong linh vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn đến năm 2025, định hướng đến năm 2030. Chương trình đã và đang được các cấp uỷ, chính quyền, các ngành chức năng và người dân các địa phương tích cực thực hiện.
Chuyển đổi số trong nông nghiệp phổ biến là áp dụng công nghệ IoT và cảm biến trên cánh đồng Ảnh minh họa
Chuyển đổi số nông nghiệp là quá trình ứng dụng các công nghệ kỹ thuật số từ sản xuất đến chế biến, phân phối, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp. Giữa nông nghiệp số và nông nghiệp truyền thống có điểm khác biệt cơ bản chính là ở việc áp dụng các công nghệ kỹ thuật số (dữ liệu lớn, điện toán đám mây,…) vào toàn bộ hoạt động của ngành nông nghiệp, làm thay đổi cách thức quản lý, sản xuất và tiêu thụ sản phẩm từ truyền thống sang hiện đại và thông minh hơn. Chuyển đổi số ngành Nông nghiệp bao gồm các hoạt động cơ bản như áp dụng công nghệ hiện đại trong canh tác, liên kết chuỗi giá trị và thay đổi phương thức quản lý.
Một ví dụ tiêu biểu trong việc chuyển đổi số ngành Nông nghiệp thành công chính là Công ty Vinamilk. Công ty này đã ứng dụng công nghệ IoT vào việc giám sát chăn nuôi. Từ chế độ ăn đến mọi khâu chăm sóc đều được theo dõi cẩn thận theo chuẩn nông nghiệp thông minh. Nhờ đó, khối lượng sữa thu được lên tới 23 lít/con/ngày. Trang trại cũng đã được chứng nhận là trang trại hữu cơ theo chuẩn châu Âu. Hay nền tảng trực tuyến Made in Farm của Bayer kết nối trực tiếp nông dân sản xuất nhỏ với người tiêu dùng hoặc thương nhân, giúp nông dân và người mua gặp gỡ, thương lượng, giao dịch trực tuyến…
Có thể tóm lược chương trình Chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp, nông dân và nông thôn với những nội dung cơ bản sau:
Thứ nhất, xây dựng và phát triển nền tảng phục vụ chuyển đổi số nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đó là việc chuẩn hóa tài liệu lưu trữ; số hóa tài liệu, từng bước xây dựng kho dữ liệu số tập trung của ngành NN&PTNT, hình thành các nguồn dữ liệu mở phục vụ công tác quản lý, điều hành và khai thác dữ liệu của công dân, doanh nghiệp. Các cơ quan, đơn vị chức năng cũng tiến hành xây dựng, cập nhật, quản lý, khai thác hiệu quả các cơ sở dữ liệu nền tảng ngành Nông nghiệp, nông thôn, nông dân phù hợp với danh mục cơ sở dữ liệu của Bộ NN&PTNT và Đề án Phát triển ứng dụng Công nghệ thông tin, xây dựng chính quyền số các địa phương giai đoạn 2021-2025. Khai thác, vận hành có hiệu quả hệ thống thông tin dùng chung của tỉnh, Bộ NN&PTNT, các bộ, ngành liên quan và quốc gia.
Thứ hai, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào phát triển kinh tế nông nghiệp, nông dân, nông thôn. Đây là nhiệm vụ then chốt cần tổ chức triển khai thực hiện trong Chương trình phát triển kinh tế số và xã hội số. Tổ chức lại sản xuất nông nghiệp; hình thành, phát triển vùng nguyên liệu, vùng nuôi tập trung đối với các nhóm sản phẩm chủ lực, OCOP, bản địa; thực hiện cấp mã số vùng trồng; cấp giấy chứng nhận vùng, cơ sở an toàn dịch bệnh động vật trên cạn, động vật thủy sản.
Ưu tiên, hỗ trợ thúc đẩy sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn, có chứng nhận, đặc biệt là áp dụng quy trình kỹ thuật, quy trình thực hành sản xuất tốt và tương đương;… Đồng thời, ứng dụng công nghệ số để số hóa quy trình sản xuất, chế biến, xây dựng nhật ký điện tử, truy xuất nguồn gốc. Tập trung phát triển mạnh liên kết sản xuất, hình thành chuỗi giá trị nông sản gắn với vùng nguyên liệu, tạo động lực thu hút doanh nghiệp đầu tư ứng dụng công nghệ số vào các khâu trong chuỗi giá trị, giúp tập trung được nguồn lực cả về vốn, nhân lực, tài nguyên (đất đai) để hình thành nên một chuỗi giá trị nông sản đủ mạnh về chất lượng và sản lượng.
Xây dựng thương hiệu cho nông sản thông qua việc đăng ký bảo hộ, khai thác, quản lý, phát triển chỉ dẫn địa lý, nhãn hiệu chứng nhận, nhãn hiệu tập thể trong nước và quốc tế; gắn với đăng ký mã số vùng trồng, an toàn thực phẩm, chứng nhận chất lượng và xác thực, truy xuất nguồn gốc sản phẩm được bảo hộ theo hướng hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ sản phẩm.
Đầu tư, phát triển thương mại điện tử, nhất là đẩy mạnh các hoạt động hỗ trợ xúc tiến thương mại theo sản phẩm chủ lực và đặc trưng của địa phương trong tình hình mới trên nền tảng số, sàn giao dịch điện tử.
Thứ ba, triển khai có hiệu quả Chương trình Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh. Trong đó, thúc đẩy kinh tế số trong phát triển kinh tế nông thôn như: Đẩy mạnh quá trình số hóa, xây dựng bản đồ số nông nghiệp nông thôn, cơ sở dữ liệu đồng bộ, thực hiện quản lý mã số vùng trồng, truy xuất nguồn gốc đối với các sản phẩm nông nghiệp, nông thôn; tăng cường ứng dụng công nghệ trong công tác quảng bá, xúc tiến thương mại, thương mại điện tử cho các sản phẩm nông nghiệp, nông thôn...
Đối với nông thôn, tập trung phát triển xã hội số trong xây dựng nông thôn mới thông qua việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong hoạt động lấy ý kiến sự hài lòng của người dân về kết quả xây dựng nông thôn mới; triển khai nền tảng địa chỉ số quốc gia gắn với bản đồ số, đảm bảo từng địa chỉ hộ gia đình, cơ quan, tổ chức, khu di tích được gắn biển địa chỉ số; tuyên truyền, hướng dẫn và khuyến khích người dân sử dụng các nền tảng, dịch vụ số và kỹ năng an toàn, trọng tâm là dịch vụ công trực tuyến, dịch vụ y tế số, giáo dục số, sử dụng các mạng xã hội, mua bán trực tuyến, thanh toán điện tử và khai thác tiện ích, tài nguyên số trên Internet.
Xây dựng thí điểm các mô hình xã nông thôn mới thông minh gắn với lĩnh vực nổi trội ở các địa phương về y tế, giáo dục, văn hóa, an ninh trật tự, môi trường, cải cách hành chính, an ninh trật tự, du lịch nông thôn… và các mô hình thôn nông thôn mới thông minh để nhân rộng … gắn với việc thực hiện tiêu chí thôn nông thôn mới kiểu mẫu.
Một số khó khăn khi thực hiện chuyển đổi số ngành Nông nghiệp: Nhận thức và trình độ của nông dân còn hạn chế. Quy mô sản xuất nông nghiệp còn nhỏ và phân tán. Nhiều người dân và cả doanh nghiệp thiếu vốn để ứng dụng chuyển đổi số. Cơ sở dữ liệu khoa học đồng bộ về môi trường, thị trường, công nghệ còn thiếu. Việc tổng hợp dữ liệu cũng gặp nhiều khó khăn.
Vai trò của báo chí trong quá trình chuyển đổi số
Trong quá trình chuyển đổi số, ở nước ta đặt ra nhiều vấn đề mới, như: Cơ hội và thách thức, vấn đề chuyển đổi nhận thức của toàn xã hội về sự cần thiết cấp bách của chuyển đổi số; yêu cầu đổi mới thể chế theo hướng khuyến khích các sản phẩm, giải pháp, dịch vụ, mô hình kinh doanh số, phương thức quản lý mới trên nền tảng số; vấn đề phát triển hạ tầng số; phát triển doanh nghiệp số; phát triển sản phẩm nội dung số, truyền thông số, quảng cáo số, phát triển công nghiệp sáng tạo, thương mại điện tử, ứng dụng công nghệ số trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập hoặc quản trị xã hội; vấn đề bảo đảm an ninh mạng, chống nạn tin giả; thách thức từ mạng xã hội đối với báo chí chính thống trong việc cung cấp thông tin…
Do tính chất đặc thù nghề nghiệp của một nghề quan sát, phản ánh và giám sát, phản biện xã hội một cách nhanh nhất, rộng rãi và hiệu quả nhất, báo chí chịu tác động trực tiếp và mạnh mẽ của chuyển đổi số.
Chuyển đổi số không chỉ là số hóa toàn bộ dữ liệu, mà còn là việc sử dụng công nghệ số để thay đổi mô hình quản lý, sản xuất, kinh doanh… tạo ra những sản phẩm mới, giá trị mới, đưa nhân loại từ thế giới thực sang thế giới số. Trong sự chuyển đổi đó, công nghệ số, báo chí – truyền thông có vai trò đặc biệt quan trọng. Trong khi thực hiện chức năng thông tin, phản ánh công cuộc chuyển đổi số - chức năng tự thân của báo chí với đời sống xã hội, báo chí giữ vai trò là kênh thông tin chủ đạo, hữu hiệu, rộng khắp, tin cậy, kịp thời, đúng lúc, trong việc dẫn dặt, định hướng dư luận xã hội, dẫn dắt công cuộc chuyển đổi số. Điều này được thể hiện ở vai trò của báo chí trong truyền thông chính sách công (chính sách chuyển đổi số quốc gia).
Một số xu hướng toàn cầu về tương lai của báo chí
Theo một nghiên cứu gần đây (2019) của Viện Báo chí Reuters (Anh quốc), báo chí đang trở nên quan trọng hơn, nhưng lại kém mạnh mẽ hơn trước sự cạnh tranh thông tin ngày càng gay gắt với mạng xã hội.
Với tiêu đề “Quan trọng hơn nhưng ít mạnh mẽ hơn? Năm điều mọi người cần biết về tương lai của báo chí”, báo cáo nêu rõ những rủi ro do bất bình đẳng thông tin ngày càng tăng, mô hình kinh doanh báo chí đang gặp khó khăn và vai trò không thể phủ nhận của các nền tảng truyền thông xã hội. Phương tiện truyền thông kỹ thuật số đang thúc đẩy cách sử dụng tin tức đa dạng hơn và cho rằng, mặc dù có những thách thức, báo chí tốt nhất là hãy làm tốt hơn bao giờ hết.
Nghiên cứu đã chỉ ra năm xu hướng toàn cầu về tương lai của báo chí và tác động tiềm năng của báo chí đối với xã hội, phản ánh những thay đổi về cách mọi người tiếp cận tin tức, những thay đổi trong báo chí chuyên nghiệp và kinh doanh tin tức, cũng như thay đổi môi trường chính trị ở một số nơi trên thế giới. đó là:
1. Chúng ta đã chuyển từ một thế giới - nơi các tổ chức truyền thông là những người gác cổng, sang một thế giới - nơi truyền thông vẫn tạo ra chương trình tin tức, nhưng các công ty nền tảng lại kiểm soát quyền tiếp cận công chúng.
2. Việc di chuyển này sang phương tiện kỹ thuật số, nói chung không tạo ra bộ lọc thông tin như truyền thông vốn có. Thay vào đó, sự tình cờ và tiếp xúc ngẫu nhiên đưa mọi người đến với các nguồn thông tin ngày càng đa dạng hơn.
3. Báo chí thường thua cuộc vì sự tập trung chú ý của người dân và ở một số quốc gia vì sự tin tưởng của cộng đồng (tức sự kỳ vọng quá lớn vào báo chí).
4. Các mô hình kinh doanh tài trợ tin tức bị thách thức, làm suy yếu báo chí chuyên nghiệp và khiến truyền thông tin tức dễ bị tổn thương hơn trước áp lực thương mại và chính trị.
5. Tin tức đa dạng hơn bao giờ hết, và báo chí tốt nhất trong nhiều trường hợp, hãy đề cập tất cả mọi tầng lớp trong xã hội, từ các chính trị gia quyền lực nhất đến các công ty tư nhân lớn nhất.
Phương tiện truyền thông kỹ thuật số mang lại nhiều thách thức cho báo chí và cho xã hội của chúng ta, nhưng cũng là cơ hội thực sự cho cả phương tiện truyền thông và công chúng.
Vai trò, trách nhiệm của báo chí với việc dẫn dắt công cuộc chuyển đổi số trong tam nông
Nói báo chí có vai trò dẫn dắt công cuộc chuyển đổi số trong tam nông ở đây, là tiếp cận từ vai trò báo chí trong truyền thông chính sách công. Vai trò này được thể hiện ở các góc độ:
Vai trò trong xây dựng, hoạch định chính sách chuyển đổi số trong tam nông: Báo chí không chỉ có chức năng thông tin, giáo dục, mà còn có chức năng tổ chức và quản lí xã hội. Thông qua việc thực hiện các chức năng này – được thể hiện ở chính tôn chỉ, mục đích của mỗi cơ quan báo chí - báo chí tham gia tuyên truyền chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước trong chiến lược phát triển đất nước nói chung, cũng như trong từng lĩnh vực đời sống xã hội thông qua sự quản lí của các bộ, ngành…
Trong xây dựng, hoạch định chính sách, báo chí thể hiện vai trò bằng việc tham gia lấy ý kiến của người dân, của chính các cơ quan báo chí, đóng góp vào những dự thảo hoạch định chính sách, dự thảo chính sách cụ thể, cho đến khi chính sách được các cơ quan công quyền ban hành.
Thúc đẩy chuyển đổi số ngành nông nghiệp sẽ góp phần nâng cao năng suất, hiệu quả của ngành và bảo đảm phát triển bền vững. Ảnh minh họa
Báo chí có vai trò quan trọng tác động tới việc hoạch định chính sách. Những vấn đề dư luận quan tâm được thể hiện trên báo chí, đã tạo ra áp lực đến quá trình xây dựng chính sách của Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành. Báo chí có ảnh hưởng gián tiếp xây dựng chính sách. Báo chí có tác động lớn đến ý kiến công chúng và những ý kiến của công chúng lại là một trong những yếu tố quan trọng, ảnh hưởng đến các nhà hoạch định chính sách.
Vai trò trong thực thi và đánh giá chính sách chuyển đổi số trong tam nông: Trong thực thi chính sách và đánh giá chính sách chuyển đổi số trong tam nông, báo chí có vai trò tuyên truyền, giới thiệu, phổ biến chính sách của Chính phủ ban hành tới người dân, giám sát việc thực hiện chính sách, phát hiện những vấn đề bất cập của chính sách, phát hiện việc lợi dụng chính sách, đánh giá hiệu quả chính sách thông qua dư luận công chúng xã hội và thông qua chính sự thăm dò, khảo sát, đánh giá của cơ quan báo chí.
Vai trò, trách nhiệm báo chí dẫn dắt công cuộc chuyển đổi số trong tam nông: Căn cứ nội dung chuyển đổi số trong tam nông, báo chí dẫn dắt dư luận, định hướng dư luận ở các nội dung cụ thể sau:
- Tuyên truyền nhanh, chính xác chương trình chuyển đổi số trong tam nông;
- Tuyên truyền việc xây dựng và phát triển nền tảng phục vụ chuyển đổi số nông nghiệp, nông dân, nông thôn;
- Tuyên truyền việc đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số vào phát triển kinh tế nông nghiệp, nông dân, nông thôn;
- Tuyên truyền việc triển khai có hiệu quả Chương trình Chuyển đổi số trong xây dựng nông thôn mới, hướng tới nông thôn mới thông minh. Trong đó, thúc đẩy kinh tế số trong phát triển kinh tế nông thôn…
- Tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới trong quá trình chuyển đổi số với vai trò trọng tâm là người nông dân thời nay.
Chuyển đổi số trong tam nông là quá trình lâu dài và đòi hỏi nhiều nguồn lực, trong đó có nguồn lực tinh thần to lớn từ các cơ quan báo chí, các nhà báo. Thực hiện vai trò và trách nhiệm của báo chí, của nhà báo trong công cuộc chuyển đổi sâu sắc này, đòi hỏi ở nhà báo không chỉ nhận thức, kĩ năng, mà còn cả đạo đức nghề nghiệp trong sáng. Viết về chuyển đổi số trong tam nông, nhân vật trọng tâm là người nông dân thời đại 4.0 và một môi trường nông thôn mới thông minh, nền nông nghiệp chất lượng cao, nhà báo và cơ quan báo chí trước hết phải đi trước trong chuyển đổi số hoạt động báo chí, để có thể dẫn dắt chuyển đổi số trong tam nông, định hướng dư luận một cách tốt nhất, hiệu quả nhất.
- Cà Mau: GRDP nông, lâm, ngư nghiệp tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước
- Bình Dương phấn đấu trở thành đô thị loại I và thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030
- Đến năm 2030, phấn đấu trên 90% diện tích lúa, rau màu, cây ăn trái áp dụng IPHM
- Vĩnh Long: Định hướng cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới