Góc nhìn

Bổ sung, sửa đổi luật để hợp tác xã là điểm đến giúp nông dân làm giàu

Hoàng Trọng Thuỷ* - 07:15 11/06/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Từ kinh tế hộ đến kinh tế thị trường, từ chuyến xe chở nông sản chạy quanh co trên phố làng, đường huyện rồi gia nhập vào con đường cao tốc, tới bến cảng, với những chuyến tàu đi muôn nơi vẫn là một khoảng trống lớn về tri thức, năng lực, thể chế trong sản xuất, kinh doanh nông nghiệp ở nước ta. Để rút ngắn khoảng cách đó - một đòi hỏi khách quan và bức thiết phải có Hợp tác xã (HTX), liên minh HTX vững mạnh, phát huy được tinh thần dân chủ, tự lực, tự cường, đoàn kết, s

HTX là điểm đến giúp nông dân làm giàu
Do vậy, việc lấy ý kiến bổ sung, sửa đổi Luật Hợp tác xã lần này, cần bám sát 4 yêu cầu chính: Hợp với Hiến pháp; không tạo ra “kẽ hở” bị lợi dụng trong quá trình thực hiện; có tính thi hành cao và hợp với xu thế hội nhập quốc tế. Từ bốn yêu cầu nêu trên vấn đề đáng quan tâm là, sau khi có Luật HTX – năm 2012, đã có nhiều văn bản quy phạm pháp luật của Nhà nước được sửa đổi, bổ sung như Bộ luật Dân sự năm 2015; Luật Ðất đai năm 2013; Luật Chuyển giao công nghệ; Luật Doanh nghiệp; Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa…rọi chiếu nội dung các luật trên thì thấy có nhiều điểm không tương thích với luật HTX, một số quy định đã lạc hậu, gây mâu thuẫn, chồng chéo, cản trở sự phát triển kinh tế tập thể ở nông thôn và sự vận hành của HTX nông nghiệp. 
Rọi chiếu trong thực tiễn thấy rằng, năng lực nội tại của HTX còn yếu, hiệu quả hoạt động chưa cao, mô hình tổ chức lỏng lẻo, chưa phù hợp, trình độ cán bộ quản lý HTX còn hạn chế. Phần lớn HTX, tổ hợp tác có quy mô nhỏ, vốn ít, phạm vi hoạt động hẹp, năng lực cạnh tranh, lợi ích mang lại cho thành viên thấp; tính liên kết trong nội bộ HTX còn rất yếu; vấn đề nợ của HTX, tình trạng chiếm dụng vốn chưa được xử lý dứt điểm. Các hoạt động liên doanh, liên kết giữa các HTX và giữa HTX với các tổ chức kinh tế khác chưa phổ biến. Số lượng liên hiệp hợp tác xã ít; tổ chức và hoạt động của tổ hợp tác thiếu ổn định; nhiều HTX chuyển đổi, tổ chức lại mang tính hình thức, chưa thực sự chuyển biến về chất. Cùng với đó, các tổ chức kinh tế hợp tác và các tổ chức đại diện HTX chưa được quy định thống nhất trong một luật chung. Nhiều Tổ hợp tác hoạt động kinh tế, đông thành viên, được hưởng chính sách hỗ trợ của Nhà nước như các HTX nhưng không phải đăng ký thành lập, không thuộc phạm vi điều chỉnh của Luật HTX mà theo Bộ Luật Dân sự, gây khó khăn trong quản lý nhà nước và thiếu định hướng phát triển. 

Phần lớn HTX, tổ hợp tác có quy mô nhỏ, vốn ít, phạm vi hoạt động hẹp, năng lực cạnh tranh, lợi ích mang lại cho thành viên thấp... Ảnh Lê Hiếu

Ðồng thời đối tượng Liên đoàn HTX tồn tại phổ biến trên thế giới nhưng chưa được quy định trong Luật HTX ở nước ta, chưa phù hợp với xu hướng phát triển của phong trào HTX trên thế giới. Vị trí, vai trò của Liên minh HTX chưa rõ ràng. Nhiều quy định hạn chế sự gia nhập, hoạt động và mở rộng thị trường của HTX; quy định về kiểm toán HTX chưa rõ ràng, chưa cụ thể nên hầu như chưa được triển khai trên thực tế; chính sách hỗ trợ của Nhà nước cho khu vực kinh tế tập thể chưa hiệu quả thể hiện ở việc đóng góp vào tổng sản phẩm nội địa (GDP) của nền kinh tế thấp và giảm liên tục (từ 4,03% năm 2013 xuống 3,62% năm 2020). Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong giai đoạn 2013-2020, đóng góp của khu vực kinh tế tập thể gồm HTX, liên hiệp HTX, không bao gồm cá nhân, hộ gia đình, tổ hợp tác vào GDP của cả nước trung bình chỉ khoảng 3,84%năm. Và chính những số liệu thống kê này cũng cho thấy sự bất cập khi GDP khu vực kinh tế tập thể hiện nay không tính đến phần đóng góp vào khu vực kinh tế cá thể, hộ gia đình. 
Sự yếu kém này, không chỉ trong bản thân nông hộ sinh ra vì quy mô sản xuất nhỏ, mà quan trọng nhất là nó không có các thể chế khác hỗ trợ, ví dụ như kinh tế tập thể hợp tác xã, các hội nghề nghiệp, tổ chức khuyến nông, giáo dục đào tạo... cho nên, khi thay đổi thể chế là tổ chức lại sản xuất, trong đó phải xác định rõ vai trò của hộ gia đình, doanh nghiệp, mối quan hệ giữa doanh nghiệp và nông dân, tổ chức kinh tế hợp tác... 
Nghị quyết số 20 – NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII đã nêu “Phát triển kinh tế tập thể năng động, hiệu quả, bền vững, cùng với kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân với nhiều mô hình hợp tác, liên kết trên cơ sở tôn trọng bản chất, giá trị và nguyên tắc của kinh tế tập thể, thu hút ngày càng nhiều nông dân, hộ gia đình, cá nhân và tổ chức tham gia; góp phần nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của các thành viên, hộ gia đình, thực hiện tiến bộ, công bằng xã hội, thúc đẩy phát triển nhanh, bền vững đất nước, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ vững chắc Tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa”. 
Đặt trong tư duy, lợi thế phát triển, Việt Nam có vùng cây công nghiệp thực phẩm, cây ăn trái ở cao nguyên Tây Nguyên, Mộc Châu; nuôi trồng thủy sản trên 3.200km bờ biển từ Bắc tới Nam và Đồng bằng sông Cửu Long có đất đai màu mỡ, cây lúa 4 mùa tươi tốt – điều kiện tự nhiên phú quý được “trời đất” ban tặng cho Việt Nam đã trở thành niềm mơ ước của không ít quốc gia trong khu vực. Với tất cả những điều kiện ấy đã đặt ra những cơ hội, thách thức rất lớn cho Việt Nam trong quá trình xây dựng nền nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân giàu có, văn minh.
Bổ sung, sửa đổi Luật HTX cần hướng đến 5 nội dung 
Để HTX phát triển theo đúng tiềm năng và lợi thế, đảm bảo thể chế nội bộ HTX đồng sở hữu thoát khỏi sự lúng túng trong vận hành, trong phân chia lợi ích nội bộ HTX, người nông dân với các tác nhân trong chuỗi giá trị nông sản… thiết nghĩ, việc bổ sung, sửa đổi Luật HTX lần này đối với tổ chức Hội Nông dân Việt Nam các ý kiến đóng góp cần hướng mạnh:
Một là, bổ sung đối tượng áp dụng, mở rộng phạm vi điều chỉnh để đảm bảo quyền tự nguyện của nông dân tham gia vào xây dựng HTX, nhất là đất đai, vốn tài chính để tăng nguồn lực đáp ứng sản xuất, kinh doanh ở hai thị trường: Thị trường nội bộ HTX, thị trường ngoài HTX theo chiều liên kết ngang (mở rộng quy mô), liên kết dọc theo đường đi của nông sản để tăng hàm lượng khoa học kỹ thuật và giá trị sinh lời.
Hai là, thiết lập, sử dụng cơ chế đồng sở hữu, đồng trách nhiệm trong vay vốn, sử dụng vốn vay, trách nhiệm hoàn trả, đồng thời làm rõ giao dịch nội bộ, thu nhập nội bộ- từ đó, người nông dân mới nhận ra được lợi ích tham gia HTX và Nhà nước mới có căn cứ pháp lý để giảm hoặc bãi bỏ thuế thu nhập của HTX.
Ba là, HTX là tổ chức kinh tế - xã hội của người nông dân; trong đó, tính xã hội rất cao trong đoàn kết tương trợ lẫn nhau giảm nghèo, làm giàu, cùng phát triển. Do vậy, cần có tổ chức kiểm toán riêng cho phù hợp với vai trò, chức năng HTX, góp phần nâng cao hoạt động quản trị, dự báo các rủi ro có thể phát sinh để có giải pháp ứng phó kịp thời, hiệu quả.
Bốn là, quy định và bổ sung Hội Nông dân là tổ chức có trực tiếp thực hiện và tham gia thực hiện hoạt động giáo dục, huấn luyện các thành viên HTX, bởi muốn có đông người nông dân chuyên nghiệp họ phải hiểu biết và thành thục trong: quản lý kép, giám sát kép và hạch toán kép trong mua chung, bán chung sản phẩm. 
Năm là, xây dựng, quản lí và vận hành Hệ thống thông tin quốc gia về tổ chức kinh tế hợp tác hướng đến mục tiêu quản lí toàn diện và hiệu quả các khía cạnh của tổ chức kinh tế hợp tác cũng như góp phần nâng cao tiềm lực cũng như khả năng phát triển của các tổ chức này trong bối cảnh hiện nay. 
Chủ tịch Hồ Chí Minh từng chỉ dẫn: “Nông dân muốn giàu, nông nghiệp muốn thịnh, thì cần phải có hợp tác xã”. Học và làm theo chỉ dẫn của Người, chúng ta có quyền hy vọng Luật HTX được bổ sung sửa đổi lần này sẽ tạo ra đột phá mới và đi vào cuộc sống.

* Nguyên Tổng Biên tập Tạp chí Nông Thôn Mới

Tin cùng chuyên mục
Tin khác