Góc nhìn

Canh tác lúa thông minh chất lượng cao phục vụ xuất khẩu

Chu Khôi - 07:11 03/03/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Trong bối cảnh hiện nay với những biến chuyển của thị hiếu tiêu dùng, những thách thức mới đòi hỏi ngành hàng lúa gạo cần có sự thích ứng để nâng cao chất lượng lúa gạo, giảm chí phí đầu vào, giảm phát thải khí nhà kính để xây dựng thương hiệu gạo bền vững trên thị trường quốc tế. Canh tác lúa thông minh, chất lượng cao phục vụ xuất khẩu là một trong những giải pháp trọng tâm được đề ra trong Đề án Phát triển 1 triệu hec- ta lúa chất lượng cao.

Nông dân tham quan mô hình trình diễn canh tác lúa thông minh thích ứng với biến đổi khí hậu ứng dụng giải pháp giảm giống bằng máy sạ cụm và quản lý dịch hại theo Much More rice tại huyện Tri Tôn (An Giang) Ảnh Lê Hoàng Vũ.

Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Đồng bằng sông Cửu Long là vựa lúa của cả nước, những năm gần đây sản lượng lúa của vùng đạt khoảng 24-25 triệu tấn/năm. Giai đoạn từ năm 2010 – 2022 diện tích gieo trồng lúa giảm nhưng sản lượng không giảm và có mức gia tăng đáng kể. Vụ Đông Xuân ở Đồng bằng sông Cửu Long năng suất lúa đạt hơn 7tấn/ha, cao nhất trong khu vực ASEAN và trong top đầu của thế giới. “Tuy nhiên, nếu muốn duy trì năng suất lúa lâu dài không suy giảm, cần chuyển đổi mạnh mẽ sản xuất lúa sang hướng bền vững và tăng trưởng xanh", ông Hoàng Trung, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chia sẻ.
Trồng lúa ứng phó xâm nhập mặn và biến đổi khí hậu
Đồng đất của xã Phong Thạnh A nằm cách biển khoảng 35km, xưa kia ruộng “ngọt” nên canh tác được 2-3 vụ lúa. Thế nhưng từ khoảng 15 năm trở lại đây, do biến đổi khí hậu, cùng với hiện tượng suy giảm mực nước các con sông (những nhánh rẽ từ sông Hậu đổ ra biển), dẫn đến xâm nhập mặn ngày càng khốc liệt. Từ 10 năm nay, độ nhiễm mặn ngày càng cao, nên không thể trồng được 2-3 vụ lúa như trước đây mà phải chuyển đổi sang nuôi hai vụ tôm và trồng một vụ lúa.
Chị Đỗ Thị Điệp - xã viên Hợp tác xã Thành Công 1, ấp 18, xã Phong Thạnh A, thị xã Giá Rai, tỉnh Bạc Liêu, cho biết gia đình chị có 12ha ruộng, trong đó có 4ha nằm trong vùng đê bao ven sông, giảm được độ mặn, nên còn sản xuất được một vụ lúa. Từ cuối tháng 8 trở đi, do mưa nhiều, độ mặn giảm xuống dưới 2‰ nên mới gieo trồng được lúa, cho đến đầu tháng 12 thì thu hoạch. Mỗi khi có mưa xuống, nước trong ruộng sẽ được ngọt hóa, nhưng chỉ một ngày sau, muối ở trong đất sẽ hòa tan vào nước khiến độ mặn tăng lên. Những năm trước đây, cả trồng lúa và nuôi tôm trong ruộng lúa đều gặp thất bại, năng suất lúa thấp, tôm lại thường xuyên bị chết do độ mặn trong ruộng thay đổi thất thường. 
Từ gần 2 năm nay, chị Điệp cũng như các xã viên Hợp tác xã Thành Công 1 được tham gia dự án “Thúc đẩy chuỗi giá trị tôm - lúa theo hướng chứng nhận quốc tế”, được hướng dẫn kỹ thuật canh tác mới ứng phó với nhiễm mặn. Với quy trình canh tác mới, thường xuyên bơm nước từ ruộng ra kênh, làm khô ruộng lúa. 

Chị Điệp trên cánh đồng tôm - lúa ở xã Phong Thạnh A (Bạc Liêu).
Theo chị Điệp, trước đây vẫn sử dụng phân hóa học và thuốc trừ sâu cho lúa, các hóa chất này tồn dư trong ruộng, làm cho tôm chết hàng loạt. Từ khi được tập huấn kỹ thuật canh tác mới, không bón phân và thuốc hóa học nữa mà thay bằng phân lợn, phân gà, thuốc trừ sâu sinh học. Từ khi có dự án về, nông dân được hướng dẫn quy trình kỹ thuật nuôi tôm quảng canh theo hướng hữu cơ, hiện nay với 4ha tôm - lúa của gia đình tham gia mô hình, mỗi vụ thu về 160-200 triệu đồng tiền bán tôm, sau khi trừ đi các khoản chi phí, lợi nhuận còn khoảng 120 triệu đồng”, chị Điệp cho biết.
Ông Nguyễn Văn Hưng, Trưởng phòng Kỹ thuật, Trung tâm Khuyến nông tỉnh Bạc Liêu cho biết, trên vùng đất nhiễm mặn của tỉnh, Dự án “Thúc đẩy chuỗi giá trị tôm - lúa theo hướng chứng nhận quốc tế” do Chương trình Phát triển Liên Hiệp quốc (UNDP) chủ trì thực hiện đang được triển khai với tổng diện tích 190ha, gồm 50ha tôm - rừng và 150ha tôm - lúa. “Kết quả triển khai cho thấy phát triển “nuôi tôm ôm cây lúa” theo hướng hữu cơ, truy xuất dấu chân carbon trong chuỗi giá trị tôm và chuỗi giá trị lúa gạo đã chứng minh giảm phát thải khí nhà kính gần chạm đến ngưỡng Net Zero… “, ông Nguyễn Văn Hưng khẳng định.
Kinh nghiệm trong sản xuất xanh, ứng phó biến đổi khí hậu
Ông Nguyễn Như Cường, Cục trưởng Cục Trồng trọt (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) cho hay, nông dân trồng lúa vẫn phụ thuộc nhiều vào đầu vào phân bón, thuốc trừ sâu. Các lợi thế của gạo, sản phẩm chế biến sâu từ gạo, tận dụng phế phụ phẩm từ gạo vẫn chưa được khai thác triệt để. Các nghiên cứu đã chỉ ra nhiều nguyên nhân chính làm tăng phát thải khí nhà kính trong sản xuất lúa gạo: Tỷ lệ bón phân và mức độ sử dụng nước cho tưới tiêu cao; quản lý không đúng cách, các tàn dư lúa như rơm rạ, trấu; sử dụng năng lượng kém hiệu quả trong nông nghiệp... 
“Trong bối cảnh an ninh lương thực toàn cầu đang bị đe dọa, Việt Nam vẫn giữ được sản lượng lúa gạo lớn, xuất khẩu hơn 8 triệu tấn gạo trong năm 2023 đã đóng góp rất lớn vào an ninh lương thực trên thế giới. Hiện nay, tỷ trọng gạo phẩm cấp cao đã chiếm 50% trong tổng lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên trong bối cảnh hiện nay với những biến động của thị trường thế giới, biến chuyển của thị hiếu tiêu dùng cộng với biến đổi khí hậu, những thách thức mới đòi hỏi ngành hàng lúa gạo cần có sự thích ứng để nâng cao chất lượng lúa gạo, giảm chí phí đầu vào, giảm phát thải khí nhà kính để xây dựng thương hiệu gạo bền vững trên thị trường quốc tế”, ông Cường chia sẻ.

Mô hình cánh đồng lớn tại TP. Cần Thơ sử dụng máy cấy và cơ giới hóa các khâu khác trong sản xuất. Ảnh Hà Văn

Theo ông Nguyễn Như Cường, nhiều năm qua, Việt Nam đã xây dựng được những quy trình canh tác lúa tiến bộ, thông minh, bền vững với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu, giảm phát thải khí nhà kính. Trong đó, phải kể đến như các quy trình canh tác: SRI, “3 giảm 3 tăng"; "1 phải 5 giảm"… Trong đó, SRI là phương pháp canh tác lúa thân thiện với môi trường sinh thái, giảm chi phí đầu vào như giảm giống, phân bón, thuốc trừ sâu, nước tưới, trong khi đó năng suất lại tăng, từ đó tăng hiệu quả kinh tế so với phương pháp sản xuất lúa truyền thống. Quy trình thâm canh lúa cải tiến SRI đã được Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn công nhận là một tiến bộ kỹ thuật, được nhiều tỉnh áp dụng rất thành công trên diện rộng. Quy trình thâm canh lúa cải tiến có nhiều ưu điểm: Tiết kiệm được giống (60-80%), nước tưới (40-50%), giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật (50-100%), tăng năng suất (10-30%), cải thiện đáng kể thành phần cơ giới của đất. 
Cùng với đó, Quy trình canh tác “3 giảm, 3 tăng” là: Giảm lượng giống gieo, giảm lượng phân bón, giảm thuốc trừ sâu; tăng năng suất, tăng chất lượng và tăng hiệu quả. Mô hình “1 phải 5 giảm”, với quy trình: “1 phải” là phải sử dụng giống lúa xác nhận và “5 giảm” là giảm lượng giống gieo sạ, giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật, giảm lượng phân đạm, giảm lượng nước (tiết kiệm nước), giảm thất thoát sau thu hoạch.
Ông Li Guo, Điều phối viên Chương trình quốc gia về nông nghiệp, Ngân hàng Thế giới (World Bank) cho biết Dự án Chuyển đổi nông nghiệp bền vững tại Việt Nam (Dự án VnSAT) được xem là “cuộc cách mạng xanh” làm thay đổi nhanh chóng tư duy sản xuất, đổi mới phương thức canh tác của nông dân theo hướng bền vững và nâng cao chuỗi giá trị cho ngành hàng lúa gạo tại Đồng bằng sông Cửu Long. 
Dự án VnSAT được triển khai từ năm 2017, Hợp phần lúa gạo được triển khai tại Đồng bằng sông Cửu Long có 8 tỉnh, thành tham gia gồm: An Giang, thành phố Cần Thơ, Đồng Tháp, Hậu Giang, Kiên Giang, Long An, Sóc Trăng và Tiền Giang. Nông dân tham gia Dự án VnSAT được cán bộ kỹ thuật tập huấn về kỹ thuật canh tác lúa tiến tiến “3 giảm, 3 tăng” và “1 phải, 5 giảm”. Dự án đã thay đổi thói quen, tập quán sản xuất lúa của nông dân Đồng bằng sông Cửu Long, dấu ấn rõ nét nhất là việc giảm lượng lúa giống trong gieo sạ, kéo theo đó là giảm phân bón, thuốc bảo vệ thực vật trong canh tác. Qua đó, góp phần hạ giá thành sản xuất lúa, nâng cao giá trị hạt gạo hàng hóa, tăng thu nhập cho người trồng lúa.
Lũy kế từ đầu Dự án cho đến nay, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long đã đào tạo kỹ thuật “3 giảm, 3 tăng” cho 155.780 nông dân với diện tích 213.663ha. Qua đánh giá thực tế sau đào tạo, diện tích được nông dân áp dụng đủ 4 tiêu chí của quy trình “3 giảm, 3 tăng” đạt khoảng 175.442ha, vượt so với mục tiêu Dự án đề ra đến cuối kỳ là 150.000ha. Việc đào tạo về quy trình canh tác lúa tiên tiến "3 giảm 3 tăng" và "1 phải 5 giảm" đến nay đã vượt khá xa mục tiêu đề ra và được WB đánh giá rất cao, trở thành dự án điển hình. Sau khi Dự án VnSAT kết thúc, giá trị gia tăng đối lúa gạo là 25% so với trước Dự án.
Ông Cao Thăng Bình, chuyên gia của WB cho biết trồng lúa là nguồn phát thải khí nhà kính lớn nhất trong ngành Nông nghiệp, với lượng phát thải khoảng 49,6 triệu tấn CO2 mỗi năm. Bài học từ dự án VnSAT cho thấy việc áp dụng "1 phải 5 giảm" trong canh tác lúa có thể tăng năng suất lên 5%, tăng 28,6% lợi nhuận ròng, và giảm CO2e ("lượng khí thải tương đương cacbon đioxit") ở mức khoảng 8 tấn CO2/ha/năm.
Trồng lúa không chỉ lấy gạo, mà có thể bán tín chỉ carbon
Vào tháng 12/2023 tại tỉnh Hậu Giang, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã tổ chức lễ phát động triển khai Đề án “Phát triển bền vững 1 triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với với tăng trưởng xanh vùng Đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030”. Tại đây, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Lê Minh Hoan nhận định: Vị thế của ngành sản xuất lúa gạo Việt Nam đang ngày càng được củng cố và nâng cao hơn, không chỉ là những con số ấn tượng về sản lượng và giá trị xuất khẩu trong những năm gần đây mà còn thể hiện ở những phản hồi tích cực của người tiêu dùng thế giới. Thời gian gần đây, yêu cầu của thị trường ngày càng cao, quy định của các nước nhập khẩu ngày càng nghiêm ngặt, đòi hỏi chất lượng gạo phải được nâng cao, phải đảm bảo an toàn thực phẩm, trong đó có việc giảm thiểu sử dụng đầu vào sản xuất có nguồn gốc hóa học, sản xuất giảm phát thải. Bên cạnh đó, tại COP26, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký cam kết phấn đấu đạt phát thải ròng bằng 0 vào năm 2025.
Trước bối cảnh trên, Chính phủ đã phê duyệt Đề án "Phát triển bền vững một triệu hecta chuyên canh lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với với tăng trưởng xanh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030".
Đề án gắn với tổ chức lại hệ thống sản xuất theo chuỗi giá trị, áp dụng các quy trình canh tác bền vững nhằm gia tăng giá trị, phát triển bền vững của ngành lúa gạo, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh, thu nhập và đời sống của người trồng lúa, bảo vệ môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và giảm phát thải khí nhà kính, góp phần thực hiện các cam kết của Việt Nam với quốc tế.
“Trong quá trình triển khai Đề án, sẽ có một số chính sách mới, phù hợp với xu hướng toàn cầu được thực hiện thí điểm như chi trả tín chỉ carbon dựa vào kết quả cho một triệu hecta lúa chất lượng cao và phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh, sản xuất tuần hoàn, khai thác đa giá trị trong sản xuất lúa với các chính sách cơ chế về đầu tư hoặc tín dụng với mục tiêu thu hút các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất, chế biến lúa gạo”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan nhấn mạnh.
Bà Carolyn Turk, Giám đốc Quốc gia WB tại Việt Nam Carolyn Turk đánh giá cao Chính phủ Việt Nam phê duyệt và triển khai Đề án sản xuất lúa chất lượng cao, phát thải thấp gắn với tăng trưởng xanh, và khẳng định “Ngân hàng Thế giới cam kết đồng hành và hỗ trợ Chính phủ Việt Nam trong quá trình triển khai đề án này; hỗ trợ Việt Nam tham gia thị trường carbon tự nguyện để có được nguồn tài chính bền vững cho phát triển kinh tế”, bà Carolyn Turk khẳng định. Giám đốc Quốc gia WB thông tin: WB sẽ có khoảng 120 triệu USD hỗ trợ Việt Nam thực hiện đề án 1 triệu hecta lúa chất lượng cao. Trong đó, WB đã huy động 40 triệu USD để hỗ trợ các hoạt động liên quan đến tín chỉ carbon cho đề án 1 triệu hecta lúa. Nếu triển khai tốt đề án, nông dân trồng lúa sẽ không chỉ bán lúa gạo, mà còn có thể bán tín chỉ carbon, qua đó gia tăng lợi nhuận. 
Nhiều tiêu chí cho canh tác lúa thông minh, chất lượng cao
Ông Trần Thanh Nam, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho biết, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã xây dựng những tiêu chí cơ bản về vùng nguyên liệu lúa chuyên canh 1 triệu hecta chất lượng cao, giảm phát thải khí nhà kính. Theo đó, quy chuẩn cho sản xuất lúa gạo chất lượng cao gắn với tăng trưởng xanh hướng vào nhiều yếu tố. 
Thứ nhất, sử dụng giống lúa xác nhận cho chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu ngày càng cao của người tiêu dùng trong nước và thế giới, có thể hướng tới sử dụng các giống lúa đáp ứng cho nhu cầu dinh dưỡng của người tiêu dùng và nhu cầu chế biến sâu, tạo ra các sản phẩm có giá trị gia tăng từ hạt gạo.
Thứ hai, áp dụng quy trình canh tác bền vững, giảm phát thải khí nhà kính. Những vùng lúa chất lượng cao sẽ phải được áp dụng các quy trình canh tác bền vững hơn, sử dụng nguyên liệu đầu vào theo hướng giảm phân bón hóa học, thuốc bảo vệ thực vật, giống…. Với hệ thống canh tác này, sản xuất lúa sẽ tiết kiệm tài nguyên, ít gây ô nhiễm môi trường và giảm phát thải.

Thứ ba, vùng lúa chất lượng cao sẽ được tổ chức lại sản xuất theo hướng đẩy mạnh hợp tác, liên kết để giảm chi phí sản xuất, gia tăng giá trị từ các khâu liên kết sản xuất, chế biến, tiêu thụ sản phẩm. Các hộ nông dân sẽ được tổ chức lại thành các tổ hợp tác, hợp tác xã và sẽ được liên kết chặt chẽ hơn với các doanh nghiệp kinh doanh cung cấp nguyên liệu đầu vào và doanh nghiệp bao tiêu đầu ra theo hướng nông dân được cung cấp đầu vào bảo đảm chất lượng với giá thấp hơn, đồng thời bán lúa với giá ổn định, cao hơn.
Thứ tư, các vùng lúa chất lượng cao quy mô lớn sẽ được cơ giới hóa, đầu tư hệ thống hạ tầng đồng bộ hơn, được số hóa vùng trồng, truy xuất nguồn gốc và được tích hợp các công nghệ thông minh, kiểm soát dịch bệnh, tưới nước tự động…
Thứ năm, vùng sản xuất lúa chuyên canh chất lượng cao phải được đầu tư phát triển bền vững, tạo niềm tin và thu nhập cao hơn cho người trồng lúa, giúp nông dân yên tâm đầu tư sản xuất lúa gạo, đồng thời ở những vùng chuyên canh lúa chất lượng cao sẽ tạo ra những giá trị tăng thêm do góp phần giảm phát thải khí nhà kính, tiết kiệm nguồn tài nguyên, tái sử dụng phụ phẩm từ trồng lúa theo mô hình kinh tế tuần hoàn, xây dựng thương hiệu gạo. 

Tin cùng chuyên mục
Tin khác