Chiến thắng Điện Biên Phủ trên không: Gần 6 năm chuẩn bị cho 12 ngày đêm tỏa sáng
Để chuẩn bị cho trận quyết chiến chiến lược trên bầu trời Hà Nội, Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng đã được Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh chỉ đạo từ rất sớm. Năm 1962, khi máy bay B.52 còn chưa tham chiến ở Việt Nam, với nhãn quan chính trị nhạy bén và tầm nhìn chiến lược, trên cơ sở nghiên cứu tìm hiểu âm mưu, thủ đoạn, quy luật sử dụng lực lượng không quân Mỹ, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dự báo đế quốc Mỹ sẽ sử dụng loại máy bay này ở Việt Nam và căn dặn: "…phải theo dõi chặt chẽ và thường xuyên quan tâm đến loại máy bay B.52 này".
Đúng như dự báo của Người, ngày 18/6/1965, lần đầu tiên đế quốc Mỹ sử dụng B.52 ném bom khu vực Bến Cát (tây bắc thành phố Sài Gòn). Người đã khẳng định ý chí sắt đá của Đảng và cả dân tộc: "Dù đế quốc Mỹ có lắm súng nhiều tiền, dù chúng có B.57, B.52 hay “bê” gì đi nữa ta cũng đánh, từng ấy máy bay, từng ấy quân Mỹ chứ nhiều hơn nữa ta cũng đánh mà đánh là nhất định thắng".
Ngay sau khi đế quốc Mỹ sử dụng máy bay B52 đánh ra Quảng Bình (4/1966), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giao nhiệm vụ cho Quân chủng Phòng không - Không quân: “B.52 đã ném bom miền Bắc, phải tìm cách đánh cho được B.52. Trách nhiệm này Bác giao cho các chú phòng không, không quân”. Đến cuối năm 1967, với tầm chiến lược, sáng suốt, Người khẳng định: "Sớm muộn đế quốc Mỹ cũng sẽ đưa B.52 ra đánh Hà Nội, rồi có thua mới chịu thua... Ở Việt Nam, Mỹ nhất định thua, nhưng nó chỉ chịu thua sau khi thua ở đây” (Hà Nội).
Thực hiện chỉ thị, lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh, công tác chỉ đạo chuẩn bị lực lượng, xây dựng thế trận phòng không, không quân của Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng được tiến hành từ rất sớm. Trước khi đế quốc Mỹ tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại miền Bắc (2/1965), Quân chủng Phòng không - Không quân chỉ có 12 trung đoàn pháo cao xạ, 1 trung đoàn không quân chiến đấu và 3 trung đoàn radar với tổng quân số 18.244 người, trang bị chủ yếu là các loại vũ khí, khí tài cũ; đến năm 1972, Quân chủng Phòng không - Không quân đã có đầy đủ 4 binh chủng: Không quân, Tên lửa, Radar, Pháo phòng không, với tổng quân số 68.393 người, được trang bị nhiều loại vũ khí, khí tài hiện đại, có thể bắn rơi được tất cả các máy bay của quân đội Mỹ tham chiến ở Việt Nam.
Cùng với đó, lực lượng phòng không tầm thấp của các đơn vị binh chủng hợp thành và hàng chục vạn dân quân, tự vệ được trang bị súng, pháo phòng không. Lực lượng phòng không, không quân phát triển nhanh chóng đã tạo điều kiện để Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng chỉ đạo xây dựng thế trận phòng không nhân dân nhiều tầng, nhiều lớp, có thể đánh địch từ xa đến gần ở mọi hướng, mọi độ cao, tập trung trên hướng chủ yếu, bảo vệ mục tiêu chủ yếu, đặc biệt là bảo vệ Thủ đô Hà Nội.
Thực hiện tư tưởng chỉ đạo của Chủ tịch Hồ Chí Minh: "Muốn bắt cọp phải vào tận hang, từ giữa năm 1966, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu đã chỉ đạo Quân chủng Phòng không - Không quân đưa các đơn vị tên lửa, radar, không quân, trinh sát điện tử, cùng các "Đoàn công tác B" của Bộ Quốc phòng vào chiến trường Quân khu 4 để phối hợp chiến đấu và cùng nghiên cứu cách đánh B.52.
Những kinh nghiệm thực tiễn quý báu đánh B.52 đã giúp cho lực lượng phòng không, không quân nắm rõ hơn về quy luật hoạt động, tìm ra nguyên nhân cơ bản ta chưa bắn rơi tại chỗ B.52. Đây là những kinh nghiệm vô cùng quý giá sau nhiều năm chiến đấu với không quân địch để Quân chủng Phòng không - Không quân nghiên cứu biên soạn tài liệu “Cách đánh B.52".
Tháng 1/1969, Quân chủng Phòng không - Không quân đã biên soạn tài liệu “Dự thảo cách đánh máy bay chiến lược B.52". Mặc dù tài liệu còn đơn giản, nhưng bước đầu đã giúp các đơn vị hiểu biết về tính năng, kỹ chiến thuật và những quy luật hoạt động của B.52, cách đánh B.52 trong điều kiện thông thường.
Sau đó, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng tiếp tục chỉ đạo và tăng cường nhiều cán bộ tác chiến, huấn luyện để cùng Quân chủng không - Không quân nghiên cứu, chỉnh sửa, bổ sung.
Tháng 10/1972, tài liệu "Cách đánh B.52 (Cẩm nang bìa đỏ) được biên soạn xong và thông qua Bộ Tư lệnh Quân chủng. Tài liệu đã đi sâu giải quyết những nội dung cơ bản về xạ kích, về cách đánh B.52 đạt hiệu quả cao nhất.... làm cho cán bộ, chiến sĩ tín tưởng vào khí tài, cách đánh và khả năng bắn rơi tại chỗ B.52, từ đó nâng cao chất lượng huấn luyện.
Cùng với chỉ đạo Quân chủng Phòng không - Không quân nghiên cứu cách đánh máy bay B.52, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng sớm chỉ đạo ngành Tình báo quân sự tìm hiểu về âm mưu, thủ đoạn, phương thức tác chiến bay B.52 đánh phá miền Bắc.
Cùng với tin tức của điệp báo chiến lược, lực lượng trinh sát kỹ thuật thu thập được nhiều thông tin quan trọng về hoạt động của không quân địch trong quá trình chuẩn bị đưa B.52 đánh ra Hà Nội (12/1972). Những tin tức tình báo tin cậy, quan trọng trên là cơ sở để Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu chỉ đạo lực lượng phòng không, không quân biên soạn tài liệu, xây dựng kế hoạch, sớm chuyển cấp sẵn sàng chiến đấu đón đánh B.52 địch.
Cuối năm 1971, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương nhận định “Năm 1972 hoặc là địch sẽ rút nếu đạt được giải pháp; nếu chưa được chúng có thể tập trung không quân đánh phá. Ta cần có biện pháp đề phòng”. Ngày hôm sau, Đại tướng Võ Nguyên Giáp, Bí thư Quân ủy Trung ương, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng chỉ thị “B.52 không chỉ đánh ở miền Nam. Đến mức độ nào đó cũng có thể đánh vào Thủ đô Hà Nội. Quân chủng Phòng không - Không quân phải nghiên kỹ đối tượng này”.
Đầu năm 1972, quân và dân ta mở cuộc tiến công chiến lược trên chiến trường miền Nam và giành được những thắng lợi to lớn, làm thất bại chiến lược "Việt Nam hóa chiến tranh" của đế quốc Mỹ. Chính quyền Nixon phải “Mỹ hóa trở lại", tiến hành cuộc chiến tranh phá hoại lần thứ hai ra miền Bắc.
Ngày 16/4/1972, đế quốc Mỹ mở đầu bước leo thang chiến tranh phá hoại bằng việc sử dụng không quân đánh phá Hà Nội, Hải Phòng. Đặc biệt, chúng sử dụng cả máy bay B.52 đánh phá Hải Phòng. Trước tình hình trên, Quân ủy Trung ương đã ra chỉ thị kiên quyết đánh bại cuộc chiến tranh phá hoại mới của đế quốc Mỹ đối với miền Bắc.
Ngày 28/6, sau khi nghe Đại tá Lê Văn Tri, Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân báo cáo tình hình chiến đấu, Đại tướng Võ Nguyên Giáp chỉ thị: “Sắp tới, địch đánh mạnh hơn, ác liệt hơn... B.52 sẽ đánh đêm, gây nhiễu nặng. Vừa qua, ta mới đánh được những trận riêng lẻ, nay ta phải kiên quyết tổ chức những trận hiệp đồng nhiều binh chủng, đánh địch đau hơn nữa, nhất là vào những thời gian cao điểm...”.
Đầu tháng 7/1972, Bộ Tổng Tham mưu mở hội nghị (phạm vi hẹp) bàn chuyên đề về đánh B.52. Kết luận hội nghị, Phó Tổng Tham mưu trưởng Phùng Thế Tài nhấn mạnh: "Bộ đã sớm có chỉ thị nghiên cứu đánh rơi B.52. Nay tuy giặc lái lo sợ phải bay ra phía Bắc, nhưng Mỹ sẽ đem B.52 đến ném bom ngoài Bắc, kể cả Hà Nội, Hải Phòng...
Đối với ta, đánh trúng, đánh rơi B.52 là nhiệm vụ cấp bách, là một yêu cầu cao về quân sự, chính trị, ngoại giao... Khi B.52 ra ngoài Bắc này thì tên lửa, không quân đều đánh tốt hơn, còn dùng cả pháo phòng không 100mm. Radar phát hiện được B.52; cần dùng cả các loại máy cũ như P8 hay 406...".
Ngay sau đó, Bộ Tổng Tham mưu chỉ thị Quân chủng khẩn trương bổ sung hoàn thiện phương án tác chiến, huấn luyện bộ đội đánh B.52 trong các tình huống phức tạp.
Đây là những chỉ thị, hướng dẫn rất quan trọng để Quân chủng Phòng không - Không quân bổ sung vào tài liệu "Cách đánh B.52" và xây dựng kế hoạch tác chiến. Được sự chỉ đạo, giúp đỡ của Bộ Tổng Tham mưu, tháng 9/1972, Quân chủng Phòng không - Không quân đã hoàn thành việc xây dựng “Kế hoạch Tác chiến phòng không sẵn sàng đánh bại địch tập kích chiến lược bằng máy bay B.52 vào Hà Nội, Hải Phòng”.
Cùng với chỉ đạo nghiên cứu cách đánh máy bay B.52, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng còn chỉ đạo việc tổ chức sử dụng lực lượng, bố trí đội hình chiến đấu tập trung để đánh đối tượng chủ yếu là máy bay B.52. Do vậy, khi triển khai đội hình chiến đấu bảo vệ Hà Nội, ta đã cơ động toàn bộ lực lượng tên lửa vào vòng trong theo phương pháp “chốt vòng trong đánh địch trực tiếp bảo vệ mục tiêu" để tập trung nhiều tiểu đoàn tên lửa cùng đánh địch trên một đường bay.
Đây là một trong những yếu tố quyết định để Bộ đội Tên lửa bắn rơi 36/81 máy bay các loại, trong đó có 29 chiếc B.52. Toàn bộ 16 chiếc máy bay B.52 rơi tại chỗ đều do Bộ đội Tên lửa bắn.
Ngày 24/11/1972, Thượng tướng Văn Tiến Dũng, Tổng Tham mưu trưởng đã ký phê chuẩn “Kế hoạch Tác chiến phòng không chống cuộc tập kích đường không bằng máy bay chiến lược B.52 vào Hà Nội, Hải Phòng và các vùng phụ cận" và chỉ thị cho Bộ Tư lệnh hoàn thành mọi công tác chuẩn bị chiến đấu trước ngày 3/12/1972.
Ngay sau khi Tổng Tham mưu trưởng phê chuẩn kế hoạch, ngày 25/11/1972, Quân ủy Trung ương ra Chỉ thị Tăng cường sẵn sàng chiến đấu. Chỉ thị nêu rõ: "... Sắp tới chúng ta cần đề phòng địch có thể có những hành động phiêu lưu quân sự mới. Chúng có thể ném bom bắn phá trở lại từ vĩ tuyến 20 trở ra với mức độ ác liệt hơn trước. Chúng có thể liều lĩnh dùng máy bay B.52 đánh phá các trọng điểm Hà Nội, Hải Phòng, các chân hàng, đầu mối giao thông... Các đơn vị phải hết sức đề cao cảnh giác, kiểm tra và hoàn chỉnh thêm công tác sẵn sàng chiến đấu".
Ngày 27/11/1972, Bộ Quốc phòng nhận định: Địch có nhiều khả năng đánh lại miền Bắc với mức độ ác liệt hơn, kể cả dùng B.52 đánh Hà Nội, Hải Phòng và ra lệnh cho các lực lượng vũ trang tăng cường chuẩn bị chiến đấu. Bộ Tổng Tham mưu chỉ thị: "Nhiệm vụ trọng tâm đột xuất trước của Quân chủng Phòng không - Không quân là tập trung mọi khả năng nhằm đối tượng chính là máy bay B.52 mà tiêu diệt".
Ngày 6/12/1972, Bộ Tổng Tham mưu họp với các quân khu, quân chủng, binh chủng, các cơ quan, nhà trường kiểm tra mọi công tác chuẩn bị cho tác chiến phòng không sẵn sàng chiến đấu bảo vệ miền Bắc, kể cả khi địch sử dụng máy bay B.52 đánh phá Hà Nội, Hải Phòng.
Theo dõi sát các hoạt động đấu tranh chính trị, quân sự, ngoại giao và thông qua các tin tức tình báo, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã phán đoán chính xác thời điểm đế quốc Mỹ sử dụng máy bay B.52 ném bom Hà Nội.
Ngày 17/12/1972, Bộ Tổng Tham mưu lệnh cho Quân chủng Phòng không Không quân và các lực lượng phòng không miền Bắc chuyển lên trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao nhất. Đến 16h30 ngày 18/12/1972 (3 giờ trước khi B.52 dội bom xuống Hà Nội), Bộ Tổng Tham mưu đã thông báo cho Quân chủng "có nhiều tốp B.52 đã cất cánh từ sân bay Anderson, đảo Guam đến đánh miền Bắc".
Toàn bộ lực lượng của Quân chủng Phòng không - Không quân và lực lượng vũ trang miền Bắc được lệnh báo động chiến đấu. Trước khi chiến dịch bắt đầu, các đồng chí chỉ huy cao nhất của Bộ Quốc phòng đã có mặt tại Tổng hành dinh để trực tiếp chỉ đạo chiến dịch.
Quá trình tác chiến chiến dịch, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng, Bộ Tổng Tham mưu luôn tổ chức theo dõi chặt chẽ hoạt động của địch, của ta để kịp thời chỉ đạo, hướng dẫn các lực lượng tham gia chiến dịch chiến đấu đạt hiệu quả cao.
Ngay sau khi ta giành thắng lợi lớn trong trận then chốt mở đầu đêm 18/12, Thường vụ Quân ủy Trung ương đã họp và quyết nghị: “... Mỹ đã mở cuộc tập kích lớn bằng không quân vào Hà Nội, Hải Phòng. Chúng đã sử dụng máy bay chiến lược B.52, đánh ồ ạt, quy mô lớn, ác liệt và sẽ đánh phá liên tục trong một thời gian ngắn. Nhiệm vụ của các lực lượng vũ trang ta, đặc biệt là bộ đội phòng không, không quân phải cùng toàn dân quyết tâm đánh bại bước leo thang rất nghiêm trọng của địch...”.
Tiếp đó Bộ Tổng Tham mưu chỉ thị cho Bộ Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân: “Bộ đội phòng không, không quân phải kiên quyết đánh thắng, bắn rơi tại chỗ nhiều máy bay B.52, trước mắt phải nhanh chóng rút kinh nghiệm, khẩn trương khắc phục mặt còn yếu, phát huy sức mạnh của không quân, quyết tâm tạo thời cơ và bảo đảm tốt cho không quân ta bắn rơi máy bay...
Sáng 21/12/1972, Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp chỉ thị: “Thắng lợi của chúng ta trong những ngày qua là rất lớn, cần phải phát huy hơn nữa; từ hôm nay trở đi, địch sẽ tìm và đánh trận địa tên lửa ác liệt, ta phải tìm mọi cách bảo vệ tên lửa để tiêu diệt B.52, phải bảo đảm cho tên lửa đánh liên tục, cố gắng phát huy tác dụng của không quân”.
Sáng 26/12, khi làm việc với Đại tá Lê Văn Tri, Tư lệnh Quân chủng Phòng không - Không quân, Thượng tướng Văn Tiến Dũng - Tổng Tham mưu trưởng kết luận: “... Tuy chúng có bị tổn thất, nặng nhất là B.52, bọn giặc lái có hoang mang, lo sợ nhưng bọn cầm đầu chưa chịu thất bại, mà liều lĩnh hơn, tập trung lực lượng đánh lớn hơn vào Hà Nội, Hải Phòng”.
Đêm 27, 28/12/1972, Phó Tổng Tham mưu trưởng Phùng Thế Tài trực tiếp xuống Sở Chỉ huy Quân chủng cùng Bộ Tư lệnh chỉ đạo Bộ đội Không quân đánh máy bay B.52. Sự chỉ đạo của Phó Tổng Tham mưu trưởng đã giúp lực lượng không quân bắn rơi liên tiếp 2 máy bay B.52.
Tối 29/12/1972, Đại tướng Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp đến Sở Chỉ huy Quân chủng Phòng không - Không quân động viên cán bộ, chiến sĩ và nhân viên: “Các anh em đánh giỏi lắm! Bị thất bại nặng nề thế này, Nixon sẽ không chịu nổi và sẽ phải sắp ngừng cuộc”. Đại tướng cũng chỉ đạo Bộ Tư lệnh Quân chủng tập trung đạn tên lửa đánh một trận quyết định buộc địch phải ngừng cuộc tập kích vào Hà Nội.
Được sự chỉ đạo của Đại tướng Tổng Tư lệnh, Bộ Tư lệnh Phòng không - Không quân chỉ thị Sư đoàn phòng không 361 đánh những trận cuối cùng, không hạn chế số lượng đạn tên lửa để bắn rơi nhiều B.52 địch. Đúng như chỉ đạo của Tổng Tư lệnh Võ Nguyên Giáp, bằng trận đánh tiêu diệt chiếc B52 cuối cùng đêm 29/12/1972, đế quốc Mỹ đã phải tuyên bố chấm dứt cuộc tập kích đường không chiến lược, ngừng ném bom từ vĩ tuyến 20 trở ra. Chiến dịch phòng không Hà Nội - Hải Phòng 1972 giành thắng lợi to lớn.
Như vậy, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo kịp thời, đúng đắn của Quân ủy Trung ương và Bộ Quốc phòng trong công tác chuẩn bị, thực hành Chiến dịch phòng không Hà Nội - Hải Phòng 1972, quân và dân ta bước vào trận quyết chiến chiến lược với lực lượng không quân hùng mạnh của đế quốc Mỹ trong tâm thể chủ động và tự tin.
Ta chủ động, tự tin vì đã có thời gian dài tìm hiểu về địch, tiến hành các công tác chuẩn bị về xây dựng lực lượng, thế trận, phương án chiến đấu, nghiên cứu cách đánh B.52, huấn luyện cho bộ đội..., vì đã dự kiến chính xác về thời gian, khu vực, mục tiêu đánh phá của địch nên đã chuyển cấp kịp thời đưa toàn bộ lực lượng phòng không, không quân miền Bắc vào trạng thái sẵn sàng chiến đấu cao nhất để đánh địch./.
Thượng tướng, Tiến sĩ Lê Huy Vịnh
Lược trích từ cuốn “Chiến thắng Hà Nội - Điện Biên Phủ trên không 1972” - Sức mạnh Việt Nam và tầm vóc thời đại”.
Theo VOV
- Hình ảnh Chủ tịch Hồ Chí Minh luôn in sâu trong tâm thức người dân Lào
- Thông tư hướng dẫn thực hiện mức lương, chế độ và trợ cấp theo Nghị định 73/2024/NĐ-CP và Nghị định 73/2024/NĐ-CP
- Bài 3: Hỗ trợ di dời cơ sở chăn nuôi ra khỏi khu vực không được phép chăn nuôi
- Bài 2: Phát triển thị trường sản phẩm chăn nuôi