Chuyển đổi số góp phần thúc đẩy sản phẩm OCOP phát triển
Để giải quyết vấn đề này, Văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương đã kết hợp với Văn phòng IFAD thực hiện Dự án “Tăng cường tiếp cận thị trường cho người dân nông thôn thông qua mạng lưới thông tin thị trường dựa trên nền tảng công nghệ thông tin trong xây dựng nông thôn mới” (Grant No.2000002467).
Song song với việc thực hiện dự án này cùng đồng thời xây dựng làng thông minh ở các vùng nông thôn có sử dụng các giải pháp trên nền tảng công nghệ kỹ thuật số, tận dụng các thế mạnh và cơ hội của địa phương để phát triển bền vững, từng bước cải thiện các điều kiện kinh tế, xã hội và môi trường của khu vực nông thôn. Từ đó, hướng đến trọng tâm phát triển sản phẩm chủ lực gắn với địa danh vùng miền.
Nông nghiệp vẫn đang là ngành kinh tế quan trọng của Việt Nam, các sản phẩm từ nông nghiệp khá đa dạng và phong phú. Do đó, việc tập trung nhiều giải pháp cho ngành Nông nghiệp là việc làm cần được chú trọng. Theo báo cáo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Việt Nam, hiện nay cả nước đã có 62 tỉnh, thành phố tổ chức đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình OCOP; Công nhận 5.401 sản phẩm OCOP đạt 3 sao trở lên, trong đó có 62,6% sản phẩm 3 sao, 35,8% sản phẩm 4 sao và 1,6% sản phẩm tiềm năng 5 sao. Hiện có hơn 2.944 chủ thể tham gia OCOP, trong đó có 38,8% là hợp tác xã, 24,7% là doanh nghiệp còn lại là các hộ kinh doanh. Trong năm 2022, cả nước phấn đấu có khoảng 6.500 sản phẩm được chuẩn hóa theo Bộ tiêu chí sản phẩm OCOP.
Chia sẻ tại hội thảo tổng kết Dự án Grant No.2000002467 TS. Nguyễn Anh Phong, Giám đốc Trung tâm thông tin phát triển nông nghiệp nông thôn, cho biết: Đến tháng 1/2022, cả nước có 6.010 sản phẩm OCOP đạt từ 3 sao trở lên. Trong đó, thực phẩm chiếm 81%, đồ uống 6%, thảo dược chiếm 3%, đồ lưu niệm nội thất chiếm 8%, còn lại là nhóm sản phẩm may mặc và dịch vụ du lịch mỗi loại chiếm 1%.
Mặc dù hơn 2 năm qua tình hình dịch bệnh có nhiều diễn biến phức tạp và có ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình sản xuất của các loại ngành nghề. Tuy nhiên, để vượt qua khó khăn tạm thời đó, cả hệ thống chính trị, các tổ chức và mỗi người dân đều nỗ lực không ngừng để khắc phục những lực cản trước mắt.
Tiêu biểu như ở tỉnh Nghệ An sau thời gian thực hiện Chương trình “mỗi xã một sản phẩm” (Ocop) đến cuối năm 2021 trên địa bàn tỉnh đã có 113 sản phẩm được đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP, trong đó có 87 sản phẩm được công nhận 3 sao và 26 sản phẩm được công nhận 4 sao.
Để khuyến khích và tạo điều kiện cho các chủ thể triển khai Chương trình OCOP trên địa bàn toàn tỉnh, UBND tỉnh Nghệ An đã có một số chính sách hỗ trợ thực hiện Chương trình OCOP trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025; trong đó, có 4 nội dung hỗ trợ từ ngân sách tỉnh, gồm máy móc thiết bị, nhãn mác, bao bì, điểm giới thiệu quảng bá và bán hàng, tiền thưởng. Đặt mục tiêu đến năm 2025, Nghệ An phấn đấu có ít nhất 300 sản phẩm OCOP, tiếp tục phát triển mới ít nhất 86 tổ chức kinh tế tham gia Chương trình OCOP và có 5 đến 8 sản phẩm đạt hạng 5 sao có thể xuất khẩu sang thị trường các nước.
Tại hội thảo tổng kết Dự án Grant No.2000002467, ông Trần Nhật Lam - Phó Chánh Văn phòng Văn phòng điều phối nông thôn mới Trung ương cho biết: Việc đưa sản phẩm lên môi trường số giúp cắt bớt các khâu trung gian, nên doanh thu của hợp tác xã, tổ hợp tác sẽ tăng lên, giá trị các mặt hàng OCOP được nâng cao.
Để việc chuyển đổi số thức đẩy phát triển các sản phẩm OCOP đạt hiệu quả cao nhất thì chính quyền địa phương, người dân cũng cần bắt nhịp với sự phát triển của khoa học và công nghệ để có những phương pháp truyền thông mới, truyền thông thông minh, có tương tác giữa chính quyền và người dân (Facebook, Zalo,…) hướng đến một cộng đồng thông minh ngay tại cơ sở.
Cùng với đó, việc phát triển hạ tầng và kết nối mạng internet đến cấp xã, thôn bản, nâng cao năng lực tiếp cận dịch vụ viễn thông của người dân; hạ tầng công nghệ để phát triển hệ thống thông tin điện tử trên các lĩnh vực nông nghiệp nông thôn cũng là điều kiện cần thiết phải được thực hiện ngay từ đầu. Đồng thời đẩy mạnh cung cấp, hỗ trợ nhằm đảm bảo mỗi hộ dân nông thôn có ít nhất một thiết bị thông minh theo hình thức xã hội hóa.