Còn sức khỏe là còn lao động và cống hiến
Từ cơ hàn vươn lên thành tỷ phú
Sinh ra trong gia đình nông dân, ông Phan Văn Mật từng nếm trải những năm tháng vất vả cơ hàn. Bởi vậy, ông luôn thôi thúc ý chí làm giàu. Đến nay đã ngoài 70 tuổi nhưng ông vẫn làm việc không ngơi nghỉ. Hiện ông có 3 khu ương cá giống và nuôi cá thịt với diện tích gần 9,5ha. Trang trại ương cá giống của ông Phan Văn Mật đang ương nuôi đàn cá bố mẹ, trong đó có nhiều loài cá quý hiếm, cá đặc hữu của đồng bằng song Cửu Long, sông Mê Kông như cá hô, cá tra dầu, cá vồ đém (cá tra bần)...
Ông Mật cho biết, gia đình trước đây sống với nghề trồng lúa. Năm 1990, ông bắt đầu đào ao trên 1.000m2 để nuôi cá thịt thử nghiệm. Do tích cực học hỏi kỹ thuật nuôi cá từ sách, báo và cán bộ kỹ thuật của Trung tâm khuyến nông xã nên đàn cá nuôi chóng lớn và đạt hiệu quả cao. Sau đó, được sự hỗ trợ của Ủy hội sông Mê Kông và Trung tâm khuyến ngư tỉnh Tiền Giang, ông mạnh dạn đào thêm ao rộng 3 công đất ruộng để thực hiện thêm mô hình ương ép các loại cá giống phục vụ cho nhu cầu nuôi cá của nông dân địa phương.
Nông dân Phan Văn Mật cho cá ăn trong trang trại.
Với bản tính siêng năng, lam lũ trong lao động, chịu học hỏi kỹ thuật nên mô hình nuôi cá thương phẩm của nông dân Phan Văn Mật thành công nối tiếp thành công. Tích lũy được kỹ thuật và nguồn vốn khá, từ năm 2005 ông bàn với gia đình tiếp tục mở rộng mô hình nuôi cá thương phẩm với quy mô lớn. Ngoài 4 công đất của gia đình, ông thuê thêm 8ha ao ở huyện Tân Phước, tỉnh Tiền Giang và tỉnh Đồng Tháp để đầu tư nuôi cá nước ngọt.
Ông Tư Mật cho biết, trong ao nhà ông đang có những con cá hô quý hiếm nặng đến 25kg. Hiện nay, gia đình ông có 3 trang trại nuôi khoảng 10 chủng loại cá; trong đó có nhiều loại cá dạng “khủng” quý hiếm có trọng lượng đến vài chục kilôgam mà ít có trang trại nào trong khu vực có được như cá hô, cá tra dầu, cá vồ đém (cá tra bần), cá hồng vĩ...
Đối với các loại cá “độc lạ” này, gia đình ông đã chịu khó đi sưu tầm các con giống từ các địa phương trong cả nước thậm chí ở nước ngoài. Ngoài ra, ông còn liên kết với 10 nông dân khác trong khu vực để nuôi khoảng 50ha mặt nước với các loại cá “khủng”.
“Lúc trước mình làm ruộng thấy vất vả mà thu nhập không khá sau mới chuyển qua nghề nuôi trồng thủy sản. Nhờ cán bộ, kỹ sư của Trung tâm khuyến ngư tập huấn, chuyển giao nhiều mô hình hay, từ đó mình yêu nghề nuôi cá. Cá nước ngọt rất thích hợp với vùng Tiền Giang, nếu biết và am hiểu kỹ thuật sẽ có hiệu quả rất cao, đầu ra ổn định. Mình còn sức thì còn lao động và cống hiến”, ông Phan Văn Mật chia sẻ.
Gần đây, do tuổi cao sức khỏe cũng hạn chế nên người con trai của ông là anh Phan Minh Luận hỗ trợ cha chăm sóc các trang trại cá. Nhờ “tiếng lành đồn xa”, và thiết lập nhóm thông tin trên Zalo, Facebook... nên cộng đồng mạng biết nhiều đến trang trại cá này. Đặc biệt, dù gặp dịch bệnh Covid -19 bùng phát trong những năm qua nhưng đối với đàn cá quý, lạ của ông Phan Văn Mật vẫn tiêu thụ bình thường và có nguồn thu nhập cao. “Trong nuôi cá, chi phí thức ăn chiếm phần lớn. Nếu giá thức ăn ổn định, thấp thì người nuôi có lời. Tuy nhiên, hiện giá thức ăn cho cá tăng khá cao, tăng khoảng 20%, nên doanh thu của người nuôi giảm đáng kể”- ông Tư Mật cho biết.
Dù đối mặt với khó khăn, nhưng những năm gần đây, mỗi năm doanh thu từ nuôi và ương cá giống của ông Tư Mật vào khoảng 1 tỷ đồng, lời 10 - 15%.
Tạo sinh kế cho nhà nông
Ông Tư Mật bộc bạch, ông cảm ơn nghề ương cá giống. Nhờ nghề này mà gia đình ông đổi đời, con cái học hành đến nơi đến chốn. Cũng nhờ nghề ương cá giống từ những năm xa xưa, đến nay ông Tư Mật có thể hãnh diện, tự hào, ông là một trong những nông dân đang có đóng góp vào việc nhân nuôi, bảo tồn nhiều loài cá quý hiếm, cá đặc hữu của sông Mê Kông, của ĐBSCL. Nhiều loài cá quý hiếm gần như bị tuyệt chủng.
Trong khi, ông Tư Mật cảm ơn đời, thì bà con xóm giềng cảm ơn ông. Từ đồng lời của nghề ương cá, ông Tư Mật san sẻ với mọi người, xã hội. Theo Hội Nông dân xã Long Định, hàng năm trại nuôi, ương cá giống của ông Tư Mật giải quyết 21 lao động thường xuyên tại địa phương, với thu nhập ổn định 4,5 – 5 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh đó, ông Tư Mật còn hỗ trợ cá con giống cho 10 - 15 hộ nghèo gặp khó khăn để có điều kiện cải thiện đời sống.
Ông Nguyễn Thanh Sơn, Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Định, huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang cho biết, mô hình nuôi cá thương phẩm của ông Phan Văn Mật là “có một không hai” tại địa phương. Mô hình này rất có triển vọng, có thể giúp nông dân địa phương nhân rộng.
Ngoài việc bán con giống, nhà ông Phan Văn Mật còn là địa chỉ cung ứng các loại cá thịt “khủng” cho các siêu thị, nhà hàng khắp khu vực phía Nam với giá từ 200.000 – 300.000 đồng/kg. Tính trung bình mỗi năm, ông Tư Mật đã bán ra thị trường hơn 10 tấn cá các loại có trọng lượng lớn. Từ đó, gia đình ông thu lãi gần 2 tỷ đồng/năm.
“Mô hình của ông Tư Mật hiện nay phát triển bền vững, ở thời điểm này dù ảnh hưởng dịch bệnh nhưng đầu ra sản phẩm rất ổn định. Đây cũng là mô hình khá đặc biệt của tỉnh khi nuôi cá với diện tích rất rộng, nên rất mong có điều kiện nhân rộng ra, giúp cho nông dân khu vực xung quanh tiếp cận, được giúp đỡ con giống để bà con có thể làm theo, nâng cao thu nhập”, ông Sơn cho biết.
Từ ngày gắn bó với mô hình nuôi cá thương phẩm, cuộc sống gia đình người nông dân này trở lên khá giả. Tại địa phương ông đã tích cực đóng góp xây dựng nhà tình thương cho nông dân nghèo, xây dựng đường giao thông nông thôn.
Với những phấn đấu, nỗ lực của bản thân, thời gian qua, ông Phan Văn Mật đã được UBND tỉnh Tiền Giang tặng 4 Bằng khen. Năm 2019, ông vinh dự nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ về thành tích xuất sắc trong sản xuất. Năm 2021, ông Phan Văn Mật được Hội Nông dân Việt Nam chọn là một trong 63 gương mặt nhà nông tiêu biểu trong cả nước và trao danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc”.