Học hỏi làm giàu

Đa cây, đa con - bí quyết làm giàu

Nguyễn Quang Vinh - 07:18 09/08/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - (Tapchinongthonmoi) Dù nhiều lần thất bại trong hành trình phát triển kinh tế gia đình nhưng nhờ sự chăm chỉ, ham học hỏi, nỗ lực hết mình, ông Nguyễn Trọng Duy ở xã Quảng Tâm (huyện Tuy Đức, tỉnh Đăk Nông) đã thành công với mô hình đa cây, đa con. Với diện tích canh tác trên 10ha, mỗi năm gia đình ông thu lãi khoảng 1,2 tỷ đồng.
Ông Nguyễn Trọng Duy trong trang trại của gia đình.

Vượt lên số phận để làm giàu

Với những bước đi chậm rãi trên đôi chân bị dị tật bẩm sinh lên sân khấu để nhận danh hiệu Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2021 do Hội Nông dân Việt Nam tổ chức, hình ảnh ông Nguyễn Trọng Duy khiến nhiều người xúc động, cảm mến bởi đó là người nông dân luôn nỗ lực, cố gắng, khát vọng vươn lên làm chủ cuộc sống.... 

Trò chuyện với chúng tôi, ông Nguyễn Trọng Duy cho biết: Ông sinh ra và lớn lên ở Hải Dương, không được may mắn như những người bình thường, đôi chân của ông bị dị tật bẩm sinh nên gặp nhiều khó khăn trong việc đi lại, sinh hoạt hàng ngày. Nhà nghèo lại ít ruộng sản xuất nên năm 1988, ba mẹ con ông Duy rời quê Hải Dương vào Đồng Nai làm ăn, đến năm 1990 lại chuyển đến Đăk Nông. “Khi lên đây lập nghiệp, tôi luôn tự nhủ bản thân mình phải cố gắng, nỗ lực để có thể tự lo cho cuộc sống của chính mình và nghĩ rằng dù là ở đâu thì cũng phải có đất để canh tác. Chính vì vậy, tôi làm được đồng nào đều dành dụm để mua đất”. 

Năm 2002, ông xây dựng gia đình, hai vợ chồng bảo ban nhau quyết tâm chăm chỉ làm ăn để cuộc sống ấm no, con cái được học hành tốt hơn. “Mong muốn là vậy, nhưng không phải làm là được ngay, những ngày đầu, gia đình tôi gặp không ít khó khăn trên vùng đất mới do thiếu kinh nghiệm, kiến thức cũng như kỹ thuật trong trồng trọt và chăn nuôi” - ông Nguyễn Trọng Duy chia sẻ.

Thời gian đầu, được Hội Nông dân xã hỗ trợ kỹ thuật, ông Duy trồng khoai lang giống Nhật, tiêu… Mặc dù năng suất đạt cao nhưng thời điểm thu hoạch giá cả xuống thấp nên vụ đầu tiên bị thua lỗ. Vấp phải khó khăn chung của nhiều nông dân khi “được mùa lại mất giá”, ông không chịu đầu hàng, lại tìm cách khác để làm giàu. Để có vốn tiếp tục đầu tư phát triển kinh tế, ông vay vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội để chăn nuôi bò, nhưng cũng chỉ thuận lợi được một thời gian ngắn thì dịch bệnh lở mồm long móng bùng phát tại địa phương, khiến đàn bò của ông mắc bệnh. Cùng thời điểm đó, vườn tiêu của ông bị chết, giá cả các loại nông sản xuống thấp, nên cuộc sống gia đình ông gặp nhiều khó khăn.

Chỉ sau có mấy năm, vốn đầu tư sản xuất không còn, rơi vào cảnh nợ nần khiến ông Duy thất vọng và chán nản. Ông Duy tâm sự: “Làm gì cũng thất bại, lúc đó tôi thất vọng vô cùng, rất buồn. Ngẫm lại suốt quá trình làm, những thất bại đó là do cách làm sai. Từ đó, tôi đã dừng lại việc đầu tư để đi học hỏi thêm kinh nghiệm sản xuất”. 

Ông mày mò tìm hiểu qua sách vở, tìm những người nông dân trên địa bàn để học hỏi kinh nghiệm, cách làm, cách chọn giống cây, phòng trị bệnh, kỹ thuật chăm sóc bò lai Sind…. Nắm được những kỹ thuật cơ bản, ông cũng nhận thấy những loại vật nuôi gần gũi như bò, ngan, gà thích nghi tốt với điều kiện địa phương mình, phù hợp với loại thức ăn sẵn có như cỏ, ngô, khoai, mì…

Bên cạnh đó, được Hội Nông dân các cấp tỉnh Đăk Nông kết nối, ông Duy cùng nhiều hội viên, nông dân đi Đà Lạt và một số tỉnh khác để thăm quan mô hình sản xuất, học hỏi kinh nghiệm. Ông còn được các cấp Hội Nông dân tạo điều kiện cho vay vốn sản xuất, hỗ trợ về kỹ thuật… Khi đã tự tin hơn, ông quyết định xây dựng trang trại nuôi bò lai Sind, ngan, gà và trồng khoai lang, chanh dây, ngô, mì, hoa lay ơn lấy củ cung cấp cho thương lái ở Đà Lạt….

Với phương châm lấy ngắn nuôi dài, ông dùng tiền lãi từ trồng cây ngắn ngày và nuôi ngan, gà… đầu tư trồng thêm tiêu, cà phê. Sau 3 năm gây dựng, đến nay, diện tích trang trại sản xuất đa cây, đa con của gia đình ông đã lên đến trên 10ha trong đó, 3 sào chăn nuôi bò, gà, ngan…; 1,5ha cà phê, 2ha tiêu, 1ha bơ, 1ha sầu riêng; 4,5ha luân canh cây trồng hoa lay ơn lấy củ, khoai lang, chanh dây… Mỗi năm, sau khi trừ chi phí, ông thu về khoảng 1,2 tỷ đồng. Trang trại của gia đình ông tạo việc làm thường xuyên và theo thời vụ cho 10 - 15 lao động địa phương với mức thu nhập là 5 triệu đồng/người/tháng.

Ông Nguyễn Trọng Duy (người thứ 4 từ bên phải sang) chụp ảnh kỷ niệm cùng Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ và Chủ tịch Hội Nông dân Việt Nam Lương Quốc Đoàn. Ảnh: Viết Niệm.

Thu tiền tỷ hàng năm

Thành công của ông Nguyễn Trọng Duy khiến nhiều người nể phục nhưng ít ai biết được rằng để trở thành tỷ phú nông dân ông đã phải nỗ lực, cố gắng rất nhiều.

Chia sẻ về bí quyết làm kinh tế giỏi, ông Duy cho rằng muốn làm tốt thì cần phải học hỏi, tìm hiểu kiến thức để áp dụng vào sản xuất. Chính vì vậy, ông luôn chú trọng tìm hiểu, áp dụng kỹ thuật mới để giảm công sức lao động. Toàn bộ diện tích trang trại hơn 10ha trồng cà phê, hồ tiêu, bơ, sầu riêng, vú sữa, khoai lang, chanh dây, hoa… đều được áp dụng kỹ thuật tiên tiến, lắp đặt hệ thống tưới tiết kiệm tự động theo công nghệ Isarel nên việc tưới tiêu rất nhàn, không tốn nhiều công sức. Ngoài ra, ông còn kết hợp chăn nuôi thêm bò, gia cầm để vừa kinh doanh, vừa tận dụng nguồn phân bón cho cây trồng.

“Nhờ mô hình sản xuất, đa cây, đa con đã tạo ra nhiều nguồn thu nhập khác nhau, nhờ vậy trong hơn 2 năm ảnh hưởng của dịch bệnh Covid -19, giá cả cà phê, tiêu xuống thấp nhưng kinh tế của gia đình tôi vẫn trụ được” - ông Nguyễn Trọng Duy chia sẻ thêm. 

Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Nguyễn Trọng Duy còn tích cực tham gia phong trào do Hội Nông dân ở cơ sở và các đoàn thể trong thôn, xã phát động, đặc biệt là phong trào “Nông dân thi đua sản xuất kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”, có nhiều đóng góp cho phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Với những kiến thức, kinh nghiệm tích lũy được trong quá trình sản xuất, ông Duy thường chia sẻ, hướng dẫn, giúp đỡ bà con, hội viên nông dân trên địa bàn về kiến thức trồng trọt, chăn nuôi. Đặc biệt, ông còn cho các hộ khó khăn vay vốn hàng trăm triệu đồng để phát triển kinh tế.

 Ngoài ra, năm 2019, ông Duy đã hiến 900m2 đất trị giá hàng trăm triệu đồng cho thôn 2, xã Đắk Búk So để xây dựng hội trường thôn góp phần vào chương trình xây dựng nông thôn mới tại địa phương.

 Nhờ những nỗ lực trong phát triển kinh tế hộ gia đình và cống hiến cho sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, ông Nguyễn Trọng Duy đã nhận được nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp, các ngành, đặc biệt ông là một trong 63 nông dân được Hội Nông dân Việt Nam tặng danh hiệu “Nông dân Việt Nam xuất sắc năm 2021”.  

“Người có sức khỏe tốt cũng phải làm việc cật lực mới có kinh tế khấm khá. Do đó, với người khuyết tật đôi chân như anh Duy mà vươn lên làm giàu thì sự phấn đấu càng cao gấp nhiều lần. Điều đó giúp gia đình không những thoát nghèo mà còn vươn lên làm giàu trên chính mảnh đất Tây Nguyên này. Anh Duy xứng đáng là tấm gương đời thực để những người trẻ lập nghiệp học hỏi, noi theo”.
Ông Đoàn Lê Anh, Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tuy Đức.
 

Tin cùng chuyên mục
Tin khác