Thông tin từ cơ sở

Dạy nghề đan nhựa giả mây lưu động cho hội viên nghèo

Đào Minh Trung - 07:06 20/12/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - (Tapchinongthonmoi-vn) - Với phương châm đem nghề đến với người nghèo, tạo cho họ có sinh kế, tăng thu nhập, Hội Nông dân huyện Tây Sơn (Bình Định) phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên và UBND xã Bình Thành tổ chức dạy nghề lưu động đan nhựa giả mây.
Ông Lê Đình Vinh - Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định ( bìa trái ) trao Chứng chỉ đào tạo nghề đan nhựa giả mây cho các học viên ở xã Bình Thành.

Lớp dạy nghề đan nhựa giả mây gồm có 30 học viên thuộc diện hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn xã Bình Thành. Thời gian học kéo dài 3 tháng thực hiện ngay trên địa bàn xã.

Nhằm giúp người nghèo có nghề, tạo cho họ có sinh kế, tăng thu nhập, phù hợp với phát triển kinh tế ở địa phương và đáp ứng nguyện vọng học nghề của người lao động nông thôn nên Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Tây Sơn đã lên kế hoạch dạy nghề lưu động, tạo điều kiện thêm thuận lợi nhiều mặt cho học viên.

Để hỗ trợ cho học viên thực hành, Trung tâm còn đem máy móc, thiết bị, dụng cụ và vật liệu đến lớp. Đều đặn 3 ngày mỗi tuần, 30 học viên của lớp nghề tập trung tại trụ sở thôn Kiên Long, xã Bình Thành để được giáo viên giảng lý thuyết về nghề và hướng dẫn kỹ năng đan các mặt hàng thủ công như bàn, ghế, khay từ dây nhựa giả mây theo mẫu mã các loại.

Chị Dương Thị Huỳnh Dung - thôn Phú Lạc, xã Bình Thành chia sẻ : “Học viên trong lớp được kỹ thuật viên đứng lớp tận tình hướng dẫn, từ việc giải thích về các kiểu đan cho từng loại sản phẩm như : Đan lóng mốt, lóng đôi, lóng ba, kỹ thuật tết các hoa văn như : Mắt cáo, chữ thập, ca rô, hoa thị, đến các thao tác đan sợi dây đầu tiên trên các khung sắt theo quy trình hoàn thiện sản phẩm. Được thực hành, tôi đã thành thạo về kỹ thuật bắn giăng ( dùng súng hơi bắn đinh vít cố định các mối dây nhựa). Kỹ thuật này khó nhất, đòi hỏi người làm nghề phải cẩn thận, nếu không sẽ bị đinh bắn vào tay. Tôi rất vui vì mình đã có nghề để kiếm thêm thu nhập trong cuộc sống. Gia đình tôi cũng đã đầu tư 5 triệu đồng, mua máy nén hơi và súng để làm nghề. Trong quá trình học nghề miễn phí, các học viên chúng tôi còn được Trung tâm hỗ trợ tiền đi lại, uống nước mỗi ngày”.

Chị Dương Thị Huỳnh Dung  (thôn Phú Lạc, xã Bình Thành) với sản phẩm bàn nhựa giả mây.

Anh Phạm Hữu Mười - học viên của lớp nghề đan nhựa giả mây cũng bộc bạch: “Lúc đầu tham gia học nghề cũng chỉ xác định đây là nghề phụ, tuy nhiên đây lại là nghề tạo cho tôi nguồn thu nhập chính và ổn định. Tôi nhận đơn hàng làm tại nhà, tận dụng thời gian nhàn rỗi. Ngoài ra, tôi cũng đã làm đại lý cho các công ty, tập hợp bà con lối xóm vào làm, thu nhập của nhân công lành nghề được tính theo sản phẩm, từ 40 - 60 ngàn đồng/cái, tùy kích cỡ”.

Ông Võ Song Hào, Giáo viên Trường Cao đẳng Kỹ thuật Công nghệ Quy Nhơn, tỉnh Bình Định nhận định: “Những người đi học lớp nghề này đều có hoàn cảnh khó khăn và họ cũng có ý chí muốn vươn lên. Học viên lúc đầu vào thực hành cũng vất vả lắm, do chưa quen, nhưng vài ngày thì quen việc. Thao tác sai ở đâu thì tôi chỉ ở đó để dạy kỹ năng nghề cho học viên. Nhiều học viên đã quyết tâm theo học, kiên trì và dần dần khéo léo, thành thạo các thao tác và đã tự sáng tạo, nâng cao thêm tay nghề đan ra những sản phẩm chất lượng cao. Ngoài ra, tôi còn giới thiệu địa chỉ các Công ty chuyên kinh doanh mặt hàng đan nhựa giả mây trong và ngoài tỉnh Bình Định để các học viên có thể liên hệ nhận mang đơn hàng, vật liệu về nhà làm”.

Ông Lê Đình Vinh - Phó Giám đốc Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định cho biết:  “Dạy nghề lưu động cho lao động nông thôn còn phải phụ thuộc vào thời vụ sản xuất nông nghiệp, việc bố trí giảng viên và cán bộ quản lý lớp học theo kế hoạch. Vì vậy, Trung tâm đã phối hợp với Hội Nông dân huyện Tây Sơn, cấp ủy, chính quyền xã Bình Thành, các hội đoàn thể ở địa phương sắp xếp, bố trí lớp học và đã tổ chức thành công lớp học nghề ở đây.

Khóa học kết thúc vào ngày 15/12/2023, 100% học viên đạt yêu cầu và đủ điều kiện được Trung tâm cấp chứng chỉ đào tạo nghề đan nhựa giả mây.

Ông Trần Văn Lượng - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định cho biết: Thời gian qua, công tác dạy nghề cho hội viên nông dân và hỗ trợ việc làm bền vững cho người nghèo trên địa bàn huyện Tây Sơn thông qua tư vấn, giới thiệu việc làm được cấp ủy, chính quyền các địa phương quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo triển khai thực hiện tích cực. Đây cũng là giải pháp quan trọng giúp Tây Sơn thực hiện tốt công tác giảm nghèo bền vững.

“Qua tổng kết công tác Hội và phong trào nông dân năm 2023 của Hội Nông dân huyện, cho thấy BCH Hội Nông dân đã nỗ lực phối hợp với Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên, các phòng chuyên môn của huyện Tây Sơn và các xã, thị trấn trên địa bàn huyện đã tổ chức thành công 15 lớp nghề nông nghiệp và nghề phi nông nghiệp với hình thức lưu động, phục vụ cho 400 học viên tham gia học, mỗi Hội cơ sở mở từ 1 - 2 lóp nghề. Với thành tích dạy nghề đã đạt được và hoàn thành và vượt các chỉ tiêu khác, Hội Nông dân huyện được Ban Thường vụ Huyện ủy Tây Sơn và Hội Nông dân tỉnh Bình Định đánh giá xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2023 và hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ 4 năm liền ( từ 2020 - 2023)” – ông Trần Văn Lượng thông tin.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác