Đề xuất các giải pháp dạy nghề cho lao động nông thôn
Thực trạng lao động nông thôn
Nông nghiệp, nông thôn và nông dân có vị trí đặc biệt quan trọng trong sự nghiệp cách mạng và công cuộc đổi mới nền kinh tế - xã hội của đất nước. Đảng và Nhà nước ta chủ trương đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước trong đó lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn được đặc biệt coi trọng. Từ năm 2007, Việt Nam đã chính thức trở thành thành viên của tổ chức Thương mại Thế giới WTO, nền kinh tế nói chung và sản xuất nông nghiệp của Việt Nam nói riêng đang phải đương đầu với cuộc cạnh tranh quyết liệt, trong đó có nhiều cơ hội để phát triển đi kèm những thách thức mà Việt Nam phải đối mặt. Chất lượng nguồn nhân lực vốn là khâu then chốt để phát triển kinh tế xã hội nhưng vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập chưa đáp ứng được nhu cầu phát triển của nền kinh tế trong thời kỳ hội nhập.
Tình trạng thiếu việc làm đang là vấn đề thời sự đối với LĐNT. Khu vực nông thôn tập trung đại bộ phận lực lượng lao động của cả nước. Tốc độ tăng khoảng hơn 2,5%/năm. Thời gian lao động trung bình chưa sử dụng của cả nước có xu hướng giảm xuống, hàng năm lại có thêm gần 1 triệu người đến tuổi lao động bổ sung vào đội ngũ lực lượng lao động[1]. Trong khi đó, vấn đề đào tạo nghề và sử dụng lao động đã được đào tạo đang còn nhiều bất cập: Các trường đại học, cao đẳng ồ ạt mở rộng đào tạo nghề nhưng hầu hết trang thiết bị của các trường nghề đều rơi vào tình trạng lạc hậu. Có những trường nghề hiện nay còn dùng các loại máy móc những năm 60-70 của thế kỷ 20 được nhập từ các nước Đông Âu; đội ngũ giáo viên cũng chưa thật sự đủ mạnh để có thể truyền nghề cho học sinh của mình. Tình trạng “thừa thầy, thiếu thợ” vẫn đang là vấn đề nổi cộm đối với học sinh, sinh viên tốt nghiệp khi tiếp cận thị trường lao động hiện nay.
Tình hình nông nghiệp, nông thôn Việt Nam đã có nhiều chuyển biến trong những năm gần đây: Nông nghiệp phát triển với nhịp độ khá cao theo hướng tăng năng suất, chất lượng và hiệu quả; kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tăng nhanh; Chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa lớn, gắn với công nghiệp chế biến và thị trường; kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội ở nông thôn được quan tâm xây dựng; ứng dụng các thành tựu khoa học, công nghệ nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh của nông sản hàng hóa trên thị trường trong nước và quốc tế; công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn góp phần nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của người dân ở nông thôn[2].
Chính phủ đã phê duyệt Chiến lược phát triển nguồn nhân lực đến năm 2020, đặc biệt là phát triển nguồn nhân lực nông thôn nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Việt Nam, với chỉ số ước đạt 55% lao động có tay nghề cao, nhằm đáp ứng được thách thức của nền kinh tế thị trường trong hiện tại và tương lai; Ban hành Quyết định số 673/QĐ-TTg ngày 10/5/2011 về việc Hội ND trực tiếp thực hiện và phối hợp thực hiện một số chương trình đề án phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nông thôn giai đoạn 2011-2020: “Tổ chức các lớp bồi dưỡng, đào tạo nghề nông (trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản…) theo tiêu chuẩn học nghề ngắn hạn (trình độ sơ cấp, dạy nghề dưới 3 tháng hoặc dạy nghề tại chỗ theo hình thức “cầm tay chỉ việc”) cho các đối tượng là hội viên, nông dân trực tiếp làm nông nghiệp. Tham gia dạy nghề, liên kết dạy nghề và phối hợp đào tạo liên thông giữa các trình độ nghề cho LĐNT, góp phần đáp ứng nhu cầu thị trường lao động”; Quyết định số 516/QĐ-TTg ngày 01/4/2021 của Thủ tướng Chính phủ về việc tiếp tục thực hiện quyết định số 673/QĐ-TTg ngày 10/5/2011; Quyết định số1956/QĐ-TTg, ngày 27/11/2009, phê duyệt đề án “Dạy nghề cho LĐNT đến năm 2020”; Quyết định số 971/QĐ-TTg ngày 01/7/2015 về việc sửa đổi, bổ sung Quyết định số 1956/QĐ-Ttg tiếp tục thực hiện các mục tiêu của Đề án; Quyết định 899/QĐ-TTg ngày 10/6/2013 về việc phê duyệt đề án tái cơ cấu ngành Nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và phát triển bền vững trong đó chỉ rõ “Mở rộng các hình thức đào tạo nghề gắn với chuyển giao công nghệ mới, chuyển giao các kỹ thuật sản xuất mới cho hộ nông dân, nhân rộng các mô hình tốt trong đào tạo nghề cho LĐNT, đào tạo nghề cho các làng nghề, các vùng chuyên canh, tạo cơ hội việc làm cho lao động nông thôn”. Quyết định số: 678/QĐ-TTg ngày 19/5/2017 ban hành bộ tiêu chí giám sát, đánh giá về cơ cấu lại ngành Nông nghiệp đến năm 2020… Ngoài ra, các Bộ, ngành liên quan đã ban hành nhiều văn bản, quy phạm luật về hoạt động đào tạo nghề cho LĐNT: Thông tư liên tịch số 30/2012/TTLT ngày 12/12/2012; Quyết định số 1952/QĐ-BLĐTBXH ngày 19/12/2017...
Nghị quyết số 11-NQ/HNDTW ngày 26/02/2021 Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành T.Ư Hội NDVN khoá VII đã nêu rõ “Sản xuất nông nghiệp vẫn tăng trưởng theo hướng nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị và phát triển bền vững; đời sống của hội viên, nông dân được đảm bảo; Các cấp Hội tích cực tổ chức các hoạt động dịch vụ, tư vấn, đào tạo nghề, hỗ trợ cho nông dân”.
Tại các địa phương, chủ trương đẩy mạnh hoạt động đào tạo nghề cho LĐNT, xã hội hóa hoạt động đào tạo nghề, thực hiện liên kết đào tạo nghề, chú trọng đào tạo nghề theo nhu cầu doanh nghiệp và đào tạo nghề theo địa chỉ. Kinh phí đào tạo nghề cho LĐNT được giao cho các huyện, thị trực tiếp tổ chức triển khai. Tổ chức tuyên truyền cho người dân đăng ký học nghề và đào tạo tại chỗ, đào tạo nghề gắn với giải quyết việc làm và phát huy các thế mạnh tại địa phương. Tuy nhiên, một bộ phận không nhỏ người lao động chưa được tập huấn về kỷ luật lao động công nghiệp, thậm chí khi được tập huấn rồi nhưng việc tuân thủ các quy định, quy trình công nghiệp hiện đại của người lao động còn thấp. Phần lớn lao động xuất thân từ nông thôn, mang nặng tác phong của một nền sản xuất nông nghiệp tiểu nông. Đây là một trong những khó khăn khi người lao động dịch chuyển từ khu vực nông nghiệp sang khu vực phi nông nghiệp, đặc biệt là sang các ngành nghề đòi hỏi tính quy chuẩn cao. Ngoài ra, nhận thức về thị trường lao động chưa đầy đủ, quản lý thị trường lao động kém hiệu quả, dự báo cung - cầu lao động chưa được quan tâm đúng mức dẫn tới tình trạng thiếu việc làm và di dân thời vụ ở nông thôn ra thành thị ngày càng có xu hướng tăng, gây nên sức ép lớn về dịch vụ nhà ở, chăm sóc sức khỏe, nước sạch, vệ sinh môi trường, giao thông…
Một số giải pháp nâng cao hiệu quả đào tạo nghề cho LĐNT
Giải pháp tổng quát về công tác đào tạo nghề cho LĐNT thời gian tới là nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo nghề nhằm tạo việc làm, tăng thu nhập cho LĐNT; tập trung đào tạo nghề phi nông nghiệp cho LĐNT đủ trình độ, năng lực vào làm việc ở các cơ sở công nghiệp, thủ công nghiệp, dịch vụ, làng nghề, các khu kinh tế, khu công nghiệp và đi làm việc ở nước ngoài; đào tạo nghề nông nghiệp cho một bộ phận LĐNT để thực hành sản xuất nông nghiệp tiên tiến, hiện đại, xây dựng xã hội nông thôn văn minh; góp phần nâng cao chất lượng lao động, chuyển dịch cơ cấu lao động và cơ cấu kinh tế, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn, thực hiện hiệu quả tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và giảm nghèo bền vững.
Chuyển mạnh đào tạo nghề cho LĐNT từ đào tạo theo năng lực sẵn có của cơ sở đào tạo sang đào tạo theo nhu cầu học nghề của LĐNT và yêu cầu của thị trường lao động; gắn đào tạo nghề với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, từng vùng, từng ngành, từng địa phương;
Phát triển đào tạo nghề cho LĐNT theo hướng nâng cao chất lượng, hiệu quả đào tạo và tạo điều kiện thuận lợi để LĐNT tham gia học nghề phù hợp với trình độ học vấn, điều kiện kinh tế và nhu cầu học nghề của mình; thay đổi nội dung chương trình đào tạo nghề cho LĐNT theo hướng thiết thực, hiệu quả: Chú trọng phát triển các ngành nghề thủ công. Đó là những ngành nghề có thể tự đào tạo, bồi dưỡng tại địa phương. Thí dụ một số nghề thủ công, mỹ nghệ truyền thống cần được bảo tồn và có khả năng phát triển, như: Chế biến gỗ, sơn mài, chạm, khảm; làm đồ gốm, đồ đồng; nghề mây tre đan, nghề thêu ren, nghề dệt, lụa, thổ cẩm...
Đẩy mạnh hoạt động tuyên truyền, tư vấn học nghề; tăng cường công tác tuyên truyền, tư vấn học nghề cho LĐNT, bằng nhiều hình thức và phương pháp thích hợp để đạt hiệu quả cao. Tạo mọi điều kiện để cho người dân, đặc biệt là LĐNT nắm được các kế hoạch phát triển kinh tế xã hội của địa phương, nhận thức được các ngành nghề ưu tiên phát triển, khả năng tạo việc làm và thu nhập sau đào tạo nghề, các chính sách của Nhà nước giành cho người học nghề.
Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ và giáo viên dạy nghề, nâng cao chất lượng, đảm bảo cơ cấu và số lượng; chuẩn hoá trong công tác tuyển chọn, sử dụng cán bộ quản lý, giáo viên dạy nghề; thực hiện tốt các chính sách đối với nhà giáo, cán bộ quản lý dạy nghề; thu hút cán bộ kỹ thuật, kỹ sư, người lao động có tay nghề, nông dân sản xuất giỏi... tham gia dạy nghề cho LĐNT. Liên tục đổi mới nội dung, phương pháp linh hoạt, gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm, gắn đào tạo nghề với nhu cầu thực sự vừa giải quyết việc làm tại chỗ, vừa phục vụ nhu cầu nhân lực tại địa phương, các khu công nghiệp cũng như phục vụ đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài.
Thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ đào tạo các cấp trình độ cho LĐNT gắn với chương trình xây dựng nông thôn mới, trong đó phát huy vai trò chủ động, sáng tạo của các cấp Hội trong các hoạt động như: Tổ chức tuyên truyền, phổ biến nâng cao nhận thức của cán bộ, hội viên, nông dân; thông tin, tư vấn, hướng nghiệp và giải quyết việc làm cho nông dân; Vận động nông dân tham gia học nghề; tư vấn miễn phí về việc làm, thành lập doanh nghiệp, trang trại và cơ sở sản xuất, kinh doanh.
Tiếp tục xây dựng và nâng cao năng lực của các cơ sở đào tạo nghề (chương trình giáo trình, đội ngũ nhà giáo, trang thiết bị dạy học, cơ sở vật chất...) phục vụ phát triển nông nghiệp công nghệ cao, tiên tiến hiện đại; gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm. Tăng cường công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ giáo viên dạy nghề. Chú trọng bồi dưỡng kiến thức sư phạm tăng khả năng truyền đạt kiến thức, kỹ năng nghề. Xây dựng hệ thống giáo trình, chương trình học liệu phục vụ dạy nghề của các cơ sở đào tạo nghề. Các chương trình đào tạo, giáo trình xây dựng đúng quy định, sát với yêu cầu thực tế. Tiến hành đào tạo nghề theo mô đun do Tổng cục Dạy nghề đã xây dựng để tạo thuận lợi cho người học, đảm bảo liên thông giữa các trình độ đào tạo nghề và với các trình độ đào tạo khác trong hệ thống giáo dục quốc dân. Đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị phục vụ dạy nghề đáp ứng yêu cầu học nghề trên địa bàn. Chú trọng đầu tư thiết bị đặc biệt là những máy móc, thiết bị thực hành trong dạy nghề. Tăng cường liên kết với các cơ sở sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp để dạy nghề và giải quyết việc làm.
Rà soát, quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đảm bảo cân đối giữa các cấp trình độ đào tạo, các địa phương, giữa các nhóm nghề đào tạo: Xây dựng Quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp, đảm bảo cân đối giữa các cấp trình độ đào tạo, các địa phương, giữa các nhóm nghề đào tạo; phối hợp, lồng ghép có hiệu quả việc sử dụng các nguồn lực, đẩy mạnh công tác xã hội hoá trong hoạt động dạy nghề; thực hiện rà soát, kiểm tra, đánh giá việc sử dụng của thiết bị dạy nghề được đầu tư, xây dựng các phương án đảm bảo sử dụng thiết bị dạy nghề có hiệu quả.
Nâng cao chất lượng, hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước về dạy nghề: Tăng cường sự phối hợp, chỉ đạo của các cơ quan chuyên môn và chính quyền các cấp từ tỉnh đến cơ sở; đẩy mạnh cải cách hành chính trong lĩnh vực dạy nghề; tích cực ứng dụng công nghệ thông tin, xây dựng cơ sở dữ liệu về dạy nghề.
Hỗ trợ đầu tư cơ sở vật chất, thiết bị đào tạo; Tăng cường năng lực của các Trung tâm Hỗ trợ nông dân; hỗ trợ đầu tư mua sắm trang thiết bị đào tạo nghề đối với các nghề trọng điểm của Trường Trung cấp Nông dân Việt Nam gồm: Kỹ thuật máy nông nghiệp, cơ điện nông thôn, chăn nuôi gia súc, gia cầm...
Thực hiện có hiệu quả chương trình kiểm tra, giám sát, đánh giá kết quả đào tạo nghề: Duy trì thường xuyên các hoạt động kiểm tra đánh giá định kỳ. Các hoạt động kiểm tra, giám sát, đánh giá phải đảm bảo đồng bộ từ huyện đến cơ sở và triển khai giám sát, đánh giá tất cả các khâu của quá trình đào tạo nghề. Kết quả kiểm tra giám sát, đánh giá nhằm giúp cho người học nghề, địa phương nơi tổ chức đào tạo nghề, cơ sở đào tạo nghề, doanh nghiệp tuyển dụng lao động phát huy được những ưu điểm, khắc phục kịp thời các nhược điểm để nhằm nâng cao chất lượng công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn.
Thực hiện tốt các chính sách xã hội đối với nông dân như chương trình giảm nghèo bền vững, bình đẳng giới, phòng chống tệ nạn xã hội và các chương trình khác; góp phần thúc đẩy nâng cao chất lượng đào tạo nghề cho LĐNT.
Đào tạo nghề cho LĐNT gắn với Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021-2025, tập trung hỗ trợ tạo sinh kế gắn với đào tạo nghề, nâng cao thu nhập cho hộ nghèo, hỗ trợ đào tạo nghề có địa chỉ, chuyển một bộ phận lao động có đủ điều kiện đi làm việc tại các doanh nghiệp, khu công nghiệp, đi lao động ở nước ngoài; hỗ trợ lao động tại chỗ tham gia chuỗi liên kết thông qua tổ, nhóm, kết nối với doanh nghiệp để tổ chức sản xuất, khai thác thế mạnh của địa phương về cây trồng, vật nuôi, phù hợp với văn hóa, tập quán của từng nhóm dân tộc.
Đẩy mạnh gắn kết chặt chẽ nguồn vốn hỗ trợ, tạo điều kiện để LĐNT tiếp cận các nguồn vốn như: Quỹ Hỗ trợ Nông dân; Ngân hàng Chính sách xã hội; Tạo thêm nguồn lực hỗ trợ đủ độ cho hộ nghèo, thoát nghèo bền vững.
Đào tạo nghề cho LĐNT trong tình hình hiện nay phải gắn đào tạo nghề với giải quyết việc làm, phát huy vai trò của các cấp Hội ND tại địa phương, dựa vào các thế mạnh sẵn có tại địa phương, cần phải có hoạt động hướng nghiệp theo độ tuổi nhằm phát huy tối đa khả năng của người lao động. Góp phần giải quyết việc làm tạo thu nhập, ổn định cuộc sống cho người dân địa phương. Thực hiện đồng bộ các giải pháp trên sẽ góp phần thực hiện có hiệu quả công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm, nhằm cải thiện và nâng cao đời sống của người lao động ở nông thôn hiện nay.
Giai đoạn 2010-2018, cả nước có trên 18 triệu người được đào tạo trình độ cao đẳng, trung cấp, sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác, trong đó: Trình độ cao đẳng hơn 1 triệu người (chiếm 5,7%); trung cấp hơn 1,6 triệu người (chiếm 8,7%); đào tạo trình độ sơ cấp và các chương trình đào tạo nghề nghiệp khác hơn 15 triệu người (chiếm 85,4%). Riêng Hội NDVN đã phối hợp xây dựng trên 10 ngành mô hình trình diễn sản xuất nông nghiệp theo tiêu chuẩn VietGAP; tổ chức xây dựng được trên 67.393 mô hình, trong đó: Gần 37 nghìn mô hình trồng trọt, gần 23 nghìn mô hình chăn nuôi, trên 4 nghìn mô hình nuôi trồng thủy, hải sản; gần 1.500 mô hình chế biến; trên 530 mô hình khuyến công, cho gần 632.045 nghìn lượt hội viên, nông dân tham gia.
Theo Tổng cục Giáo dục Nghề nghiệp - Bộ Lao động Thương binh và Xã hội.
TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Bộ Lao động Thương binh và Xã hội - Viện Khoa học lao động và Xã hội (2008,2009), Xu hướng lao động và xã hội Việt Nam
2. Nguyễn Thị Ánh (2020), Phát triển nông nghiệp, nông thôn bền vững ở nước ta; Trựctuyến:https://www.tapchicongsan.org.vn/web/guest/kinh-te/2018/819844/phat-trien-nong-nghiep%2C-nong-thon-ben-vung-o-nuoc-ta.aspx