Thảo luận

Dự thảo Luật đất đai (sửa đổi): Đã cụ thể hơn chính sách đất đai cho đồng bào dân tộc thiểu số

11:05 30/07/2023 GMT+7
Sau 2 lần thảo luận tại Quốc hội và lấy ý kiến nhân dân, đến nay dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã quy định rõ chính sách bảo đảm đất sinh hoạt cộng đồng cho đồng bào dân tộc thiểu số và chính sách giao đất, cho thuê đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số.

Sau nhiều lần chỉnh sửa, đến nay điểm đáng chú ý trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã quy định rõ chính sách bảo đảm đất sinh hoạt cộng đồng cho đồng bào dân tộc thiểu số và chính sách giao đất, cho thuê đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số thuộc diện hộ nghèo tại địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn để đảm bảo cuộc sống. Đây là điều mà đồng bào dân tộc thiểu số chờ đợi, kỳ vọng. Nhiều ĐBQH cho rằng, việc sửa đổi này sẽ giải quyết được tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất, giúp nâng cao đời sống của người dân.

Bộ trưởng Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh.

Tại Kỳ họp thứ 5, Quốc hội Khóa XV vừa qua, khi chất vấn Bộ trưởng Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh, các đại biểu chỉ rõ tình trạng thiếu đất ở, đất sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số là vấn đề nhức nhối từ nhiều năm nay nhưng chưa được giải quyết dứt điểm. Bộ trưởng Hầu A Lềnh thừa nhận thực tế nhiều hộ đồng bào dân tộc thiếu đất ở, đất sản xuất. Theo thống kê, đến năm 2019, nhu cầu về đất ở của vùng đồng bào dân tộc thiểu số khoảng 24 nghìn hộ gia đình và đất sản xuất là trên 43 nghìn của hộ gia đình.

Nghị quyết 18, Hội nghị Trung ương 5 khóa XIII về “tiếp tục đổi mới, hoàn thiện thể chế, chính sách, nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý và sử dụng đất, tạo động lực đưa nước ta trở thành nước phát triển có thu nhập cao”, đã đề ra mục tiêu giải quyết cơ bản tồn tại, vướng mắc liên quan đến đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số nói chung.

Đưa Nghị quyết vào cuộc sống, mới đây, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai đặc biệt lưu ý quan tâm đến đất ở, đất sản xuất, chăm lo đời sống, vật chất và tinh thần cho nhân dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số, đồng thời khẳng định, nếu không có chính sách tốt trong đất đai, đồng bào tiếp tục chịu thiệt thòi và không giải quyết được đất ở, đất sản xuất. Vì vậy, tiếp tục quan tâm lưu ý đời sống người làm rừng, chủ yếu là đồng bào dân tộc thiếu số. Bà Trương Thị Mai đề nghị Chính phủ, Quốc hội và các ban đảng hết sức quan tâm. Liên quan đến đường lối, quan điểm của Đảng chỗ nào chưa thể chế phải nỗ lực quan tâm sửa đổi.

"Lần này tôi muốn Luật đất đai (sửa đổi) những điều liên quan đến đất ở, đất sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số phải được quan tâm. Đời sống là cốt tử, khi đời sống tốt thì không ai kích động được, an ninh đảm bảo, giảm nghèo phải bền vững”- bà Trương Thị Mai nói.

Thường trực Ban Bí thư, Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Trương Thị Mai

Cụ thể hóa Nghị quyết của Trung ương, điểm đặc biệt đáng chú ý, sau 2 lần thảo luận tại Quốc hội và lấy ý kiến nhân dân, đến nay dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) đã quy định rõ chính sách bảo đảm đất sinh hoạt cộng đồng cho đồng bào dân tộc thiểu số và chính sách giao đất, cho thuê đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số thuộc diện hộ nghèo tại địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn để đảm bảo cuộc sống. Đối với chính sách giao đất ở, đất sản xuất, dự thảo Luật quy định rõ giao đất, cho thuê đất lần đầu và tiếp tục giao đất, cho thuê đất cho đồng bào dân tộc thiểu số không còn đất hoặc thiếu đất nông nghiệp so với hạn mức sau khi đã được giao đất, cho thuê đất lần đầu.

Để khắc phục những hạn chế, bất cập thời gian qua, Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân cho biết, dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cũng đã quy định cụ thể các hành vi bị nghiêm cấm: “Hành vi tổ chức, cơ quan nhà nước có thẩm quyền trong việc giao đất, cho thuê đất, chuyển mục đích sử dụng đất đối với quỹ đất mà đã xác định đó là quỹ đất phục vụ cho chính sách đồng bào dân tộc thiểu số mà giao không đúng đối tượng. Thứ hai là nghiêm cấm chuyển nhượng đất nếu đã được giao đất, cho thuê đất lần thứ hai. Thứ ba, nghiêm cấm các đối tượng không phải là người đồng bào dân tộc, không phải là đối tượng nhận chuyển nhượng đối với quỹ đất này mà lại nhận chuyển nhượng”.

Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Lê Minh Ngân. Ảnh: SGGP

Đồng tình với dự thảo Luật đất đai đã sửa đổi theo hướng có chính sách đất đai cho đất ở, đất sinh hoạt của đồng bào dân tộc thiểu số phù hợp với điều kiện, tập quán, bản sắc văn hóa và điều kiện thực tế của từng vùng và có chính sách tạo điều kiện cho đồng bào dân tộc thiểu số trực tiếp sản xuất nông nghiệp ở nông thôn có đất để sản xuất nông nghiệp, tuy nhiên, đại biểu quốc hội Ma Thị Thúy, đoàn Tuyên Quang kiến nghị dự thảo Luật bổ sung thêm đối tượng được bảo đảm đất sinh hoạt là hộ “cận nghèo” ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi:

Đại biểu Ma Thị Thuý cho rằng, giữa hộ nghèo và hộ cận nghèo cách nhau đúng một "sợi chỉ" mong manh: "Chúng tôi muốn bổ sung thêm một đối tượng là hộ nghèo và hộ cận nghèo. Vì hộ cận nghèo thì rất đông, khó khăn không khác gì nhau. Nội dung thứ hai là xác định địa bàn đặc biệt khó khăn, thì đồng bào dân tộc thiểu số, hộ nghèo rất nhiều, đặc biệt là các vùng 1 vùng 2 vẫn còn nhiều. Chúng tôi cũng mong muốn thiết kế lại quy định để làm sao cho đỡ bỏ lọt các đối tượng hộ nghèo, hộ đồng bào dân tộc thiểu số”.

Đại biểu Quàng Văn Hương, đoàn Sơn La nêu ý kiến, nên khoanh ở trong vùng nông thôn chúng ta sợ mở rộng quá thì khoanh là “vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi”: "Cái này đã xác định rõ, 3.434 xã đã được xác định. Như thế là địa bàn rất rõ. Khoanh vùng này, thì địa bàn đặc biệt khó khăn, hàng năm thu hẹp rất nhanh theo chương trình mục tiêu quốc gia. Tôi đề nghị sửa theo hướng là “vùng đồng bào dân tộc thiểu số miền núi” thì rõ ràng địa bàn và được xác định theo cái tiêu chí tỷ lệ dân số”.

Đại biểu Quốc hội Trương Xuân Cừ - Đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội

Dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) cũng chỉnh sửa quy định về trường hợp thực hiện quyền sử dụng đất có điều kiện. Theo đó, đồng bào dân tộc thiểu số được tặng cho người thuộc hàng thừa kế và để thừa kế; được để lại cho thành viên trong hộ gia đình tiếp tục sử dụng đất sản xuất được giao, cho thuê. Ngoài ra không được chuyển nhượng, góp vốn, tặng cho, thừa kế quyền sử dụng đất đối với các trường hợp khác.

Theo đại biểu Trương Xuân Cừ, đoàn ĐBQH thành phố Hà Nội, cần tiếp tục quy định rõ chính sách quản lý việc cấp đất, hỗ trợ người dân: “Phải làm rõ quản lý. Đất của Nhà nước hỗ trợ cho các hộ dân, đồng bào dân tộc không được mua bán, ghi vào trong Luật như thế. Giao 1-2 năm, bằng hình thức này, hình thức khác các chủ kinh doanh lại hợp thức hóa đất thì không được. Tôi nghĩ rằng, đưa vào trong Luật này về cách thức quản lý. Diện tích đất cấp và hỗ trợ cho nông dân theo tôi phải có một chính sách quản lý đặc biệt. Nếu không sử dụng nữa thì trả lại cho Nhà nước. Nếu không cuối cùng là Nhà nước cũng chạy theo dân cũng không thể được”.

Các chính sách được ban hành phải phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương, phù hợp với nhu cầu của đồng bào, khi ấy chính sách ấy mới thực sự đi vào cuộc sống. Việc quy định rõ chính sách bảo đảm đất sinh hoạt cộng đồng cho đồng bào dân tộc thiểu số và chính sách giao đất, cho thuê đất ở, đất sản xuất cho đồng bào dân tộc thiểu số thuộc diện hộ nghèo tại địa bàn có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn để đảm bảo cuộc sống trong dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) lần này sẽ giải quyết được bài toán thiếu đất ở, đất sản xuất của đồng bào dân tộc thiểu số khi Luật có hiệu lực thi hành. Đây sẽ là tiền đề để bảm bảo an ninh trật tự và giảm nghèo phải bền vững.

Theo VOV

Tin cùng chuyên mục
Tin khác