Góc nhìn

ESG - Tiêu chuẩn xanh cho ngành Lương thực, thực phẩm

Vân Nguyễn - 07:19 21/12/2023 GMT+7
(Tapchinongthomoi.vn) Ngày 20/12, tại TP. Hồ Chí Minh (HCM), Trung tâm Xúc tiến Thương mại và Đầu tư TP. HCM (ITPC) phối hợp với Hội Lương thực Thực phẩm TP. HCM (FFA) tổ chức Hội thảo “ESG - Tiêu chuẩn xanh cho ngành Lương thực, thực phẩm”.

Chương trình Hội thảo “ESG - Tiêu chuẩn xanh cho ngành Lương thực, thực phẩm” là cơ hội để các doanh nghiệp tiếp cận được nhiều thông tin bổ ích đồng thời giải đáp được các khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp trong việc triển khai ESG vào hoạt động sản xuất xuất, kinh doanh nhằm nâng cao hiệu quả sản xuất và khả năng cạnh tranh của hàng Việt Nam trên thị trường thế giới.

Hiện nay, bộ tiêu chuẩn ESG còn khá mới với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam. Năng lượng xanh, sản xuất xanh, tăng trưởng xanh là yếu tố quan trọng trong việc tăng chỉ số ESG để giúp doanh nghiệp tăng sức cạnh tranh trong lĩnh vực xuất khẩu. Trên thế giới, áp dụng ESG đang là xu hướng của các doanh nghiệp. Ngày càng có nhiều doanh nghiệp đã và đang tiếp tục nỗ lực trong việc giảm thải khí carbon và rác thải, sử dụng nguồn đầu vào có trách nhiệm xã hội, nhằm đáp ứng các tiêu chí ESG đang ngày càng trở nên quan trọng trong mắt nhà đầu tư và người tiêu dùng.

Ông Trần Phú Lữ, Giám đốc ITPC phát biểu tại Hội thảo. Ảnh: ĐVCC

Không nằm ngoài xu hướng áp dụng ESG của các doanh nghiệp trên toàn cầu, nhiều doanh nghiệp Việt Nam đã có những thay đổi trong tư duy quản trị về phát triển bền vững và đưa ESG vào trong chiến lược kinh doanh. Tuy nhiên, việc phát triển ESG của doanh nghiệp Việt Nam đang gặp nhiều khó khăn do liên quan đến chi phí, nguồn nhân lực, cách thức áp dụng ESG vào sản xuất…

Phát biểu tại Hội nghị, ông Trần Phú Lữ, Giám đốc ITPC cho biết: ESG đang dần trở thành một trong những thước đo tiêu chuẩn để đánh giá tính bền vững của doanh nghiệp. Ba khía cạnh “môi trường – xã hội – quản trị” của ESG là trọng tâm của đầu tư bền vững và ESG hiện nay được xem là chìa khóa phát triển mạnh mẽ và dài hạn trong mọi lĩnh vực. Tuy nhiên, bộ tiêu chuẩn ESG này còn khá mới với cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam và đang gặp nhiều khó khăn.

Liên quan đến song hành có nhiều bộ tiêu chuẩn và các chỉ số đang được một số tổ chức sử dụng để đánh giá phát triển bền vững của doanh nghiệp tại Việt Nam như: Chỉ số doanh nghiệp bền vững CSI; Bộ tiêu chuẩn ISO26000; Bộ chỉ số Phát triển Bền vững (VNSI)… Do đang song hành có nhiều bộ tiêu chuẩn gồm các tiêu chí khác nhau được một số tổ chức đưa ra để đánh giá và xếp hạng về phát triển bền vững đối với các doanh nghiệp đã tạo ra những khó khăn nhất định cho doanh nghiệp trong việc lựa chọn và áp dụng.

Ngoài ra, chi phí nguồn lực doanh nghiệp, việc đánh giá và công bố báo cáo ESG theo quy định sẽ phải thực hiện hàng năm. Hơn nữa, để thực hiện hiệu quả chương trình ESG cần thực hiện việc theo dõi và đánh giá thường xuyên các chỉ số hoạt động để nhằm xác định vị trí của doanh nghiệp trên biểu đồ ESG. Nhiều doanh nghiệp Việt Nam có mong muốn thay đổi theo hướng phát triển bền vững song vẫn còn bị hạn chế về công nghệ sản xuất cũ hiện đang sử dụng và khó có thể thay thế công nghệ mới ngay được. Đây là nguyên nhân doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam mới chỉ quan tâm và tập trung thực hiện một số hoạt động liên quan đến quản trị công ty, một số hoạt động xã hội vẫn còn nhiều hạn chế.

Các doanh nghiệp có thể gặp rủi ro nếu quản lý chương trình ESG không được tốt do còn thiếu kinh nghiệm và hạn chế về kỹ năng. Kế hoạch triển khai ESG cần được phối hợp đồng bộ trong toàn doanh nghiệp, nếu hỏng hoặc có trục trặc bất cứ một khâu có thể dẫn đến thiếu nhất quán và ảnh hưởng lớn đến doanh nghiệp. Đây là một khó khăn và chứa đựng nhiều rủi ro cho doanh nghiệp trong khi kinh nghiệm còn thiếu cũng như kỹ năng quản lý ESG còn hạn chế.

Hội thảo đã triển khai các nội dung hữu ích đến các doanh nghiệp về xu thế ESG toàn cầu, mức độ ảnh hưởng và chiến lược chính cho ngành thực phẩm thực hiện ESG; công cụ hỗ trợ doanh nghiệp kiểm kê khí nhà kính và xuất báo cáo; giải pháp tối ưu hóa quy trình vận chuyển và quản lý chuỗi cung ứng một cách bền vững thông qua các chứng chỉ Carbon, ESG; bao bì thực phẩm xanh, thân thiện với môitrường…

Tin cùng chuyên mục
Tin khác