Giáo hội Phật giáo Việt Nam cùng nhân dân cả nước biến đau thương thành sức mạnh đại đoàn kết của toàn dân tộc
Việt Nam là một quốc gia đa tín ngưỡng, tôn giáo; các tôn giáo đều bình đẳng trước pháp luật. Các nghiên cứu đều chỉ ra rằng, Phật giáo là một tôn giáo có mặt ở Việt Nam sớm nhất với lịch sử gần hai nghìn năm. Suốt gần 20 thế kỷ hiện diện trên đất nước Việt Nam, đạo Phật đã trở thành một tôn giáo của dân tộc. Suốt chiều dài lịch sử dựng nước và giữ nước, trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, thống nhất đất nước cũng như xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam XHCN ngày nay, Phật giáo luôn đồng hành cùng dân tộc, và có nhiều đóng góp trong khối đại đoàn kết toàn dân tộc, đóng góp tích cực trên tất cả các mặt hoạt động kinh tế - xã hội, chung sức, chung lòng cùng toàn dân xây dựng và phát triển đất nước.
Tin Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần đã khiến cả dân tộc Việt Nam bàng hoàng, tiếc thương vô hạn. Các tổ chức tôn giáo trên cả nước đã có các nghi thức phù hợp với tôn giáo của mình, tưởng niệm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, trong đó có Giáo hội Phật giáo Việt Nam. Khó khăn lắm, phóng viên Tạp chí Nông thôn mới mới có thể được cuộc gặp gỡ với Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch thường trực Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam trong lúc Hòa thượng đang bận rộn với lịch trình kín mít trong hai ngày diễn ra Lễ quốc tang Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.
Phóng viên:
Thưa Hòa thượng, những ngày qua, nhiều chùa trên cả nước đã tổ chức lễ cầu siêu, lập ban thờ để Phật tử và nhân dân tới thắp nén hương tưởng nhớ, tỏ lòng biết ơn Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đây là hoạt động tự phát của các Tăng, Ni và Phật tử hay có sự cho phép của Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam?
Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu:
Vừa qua, ngài Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, Ngài là một học trò xuất sắc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Qua các cương vị lãnh đạo như Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch Nước, Tổng Bí thư, Ngài luôn gần gũi với nhân dân, gần gũi với các tổ chức tôn giáo, là một tấm gương để các cán bộ, chiến sĩ, đồng bào cả nước học tập. Với tinh thần hết lòng, hết sức vì nhân dân phục vụ ấy, Ngài luôn được nhân dân Việt Nam trong và ngoài nước, bà con Phật tử kính mến và giành được sự kính trọng của bạn bè Quốc tế. Ngay khi hay tin Ngài từ trần, như chúng ta thấy trong ngày đầu Lễ Quốc tang đang diễn ra, các lãnh đạo các nước quốc tế đều đến viếng, chia buồn sâu sắc tới Đảng, Chính phủ và nhân dân Việt Nam tại Đại sứ quán Việt Nam hay tại Liên Hiệp quốc.
Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu, Phó Chủ tịch Thường trực Trung ương Giáo hội Phật giáo Việt Nam cùng Chư Tôn Đức Hội đồng Trị sự TƯGHPG VN vào kính viếng Linh cữu Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và chia buồn cùng gia quyến tại Nhà tang lễ Quốc gia chiều 25/7/2024.
Toàn Đảng, toàn quân và nhân dân, phật tử cả nước đều xúc động, đau buồn và tiếc thương vô hạn trước sự ra đi của Ngài. Nhiều Chùa cả trong nước và ngoài nước đều lập ban thờ ngài Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng để nhân dân và các Phật tử đến dâng hương, tưởng niệm và cầu siêu cho Ngài. Trước tấm lòng đó của nhân dân, Phật tử, Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam đã có các hướng dẫn cụ thể tới các Chư tôn đức Ban, Viện Trung ương, Ban Trị sự GHPGVN các tỉnh, thành phố về việc tổ chức lễ tưởng niệm, thiết lập ban thờ di ảnh Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại nơi tôn nghiêm để Tăng, Ni, Phật tử và nhân dân tụng kinh siêu tiến, thắp hương tưởng niệm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Về thời gian, đúng 07:00 ngày 25/7/2024 và 13:00 ngày 26/7/2024 thỉnh ba hồi chuông, trống Bát nhã, tụng kinh hồi hướng cầu siêu theo nghi thức truyền thống Phật giáo. Các nghi thức trên để bày tỏ lòng tiếc thương vô hạn trước sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, nhà lãnh đạo lỗi lạc, một trí tuệ lớn và là nhà tư tưởng, nhà văn hóa kiệt xuất của đất nước ta, đã hiến dâng trọn cả cuộc đời phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân. Ban Thường trực Hội đồng Trị sự Giáo hội Phật giáo Việt Nam kính đề nghị Chư tôn đức Tăng, Ni, Phật tử nhất tâm cầu nguyện hồi hướng và thành kính tưởng niệm để linh hồn Ngài Tổng Bí thư về với cõi lành.
Phật tử thực hiện nghi thức tụng kinh siêu tiến, dâng hương tưởng niệm Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trước ban thờ được thiết lập tại Chùa Quán Sứ, Hà Nội sáng ngày 26/7/2024.
Phóng viên:
Trong Lễ Quốc tang, các Chùa không chỉ ở Việt Nam mà còn trên thế giới đều có lập bàn thờ, tụng kinh cầu siêu; đồng loạt thỉnh chuông, trống Bát nhã… Xin Hòa thượng cho biết về lý do, ý nghĩa của hoạt động này?
Hòa thượng Thích Thanh Nhiễu:
Phật giáo có nhiều bộ kinh, tụng kinh cho người mất, tụng kinh cho người ốm… Tụng kinh cầu siêu là một nghi thức của Phật giáo giành cho người đã khuất, mong cho người mất đi nhanh trở về cõi lành, được vãng sanh về cõi nước Cực Lạc của đức Phật A Di Đà.
Hiện nay cũng là bước vào mùa An cư kiết hạ kéo dài trong ba tháng. Quãng thời gian này chư Tăng, Ni dành trọn thời gian cho việc tu học tạm dừng công việc du hóa hoằng pháp, chú tâm trao dồi Giới – Tịnh – Tuệ. Các Chùa trên cả nước bên cạnh việc thúc liễm thân tâm, trau dồi tam vô lậu học Giới -Định - Tuệ, tấn tu đạo nghiệp thì cũng sẽ giành thời gian tụng kinh, cầu siêu cho Ngài Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sớm vãng sanh cõi Cực Lạc. Đây cũng là tâm nguyện của nhân dân và Phật tử giành cho ngài Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Giáo hội Phật giáo Việt Nam nguyện song hành cùng nhân dân cả nước, biến đau thương thành sức mạnh đại đoàn kết của toàn dân tộc.
Phóng viên:
Xin cảm ơn Hòa thượng về cuộc phỏng vấn này!
- Xuất khẩu thủy sản lập kỷ lục tự tin cán mốc 10 tỷ USD
- Lễ hội “Đặc sản Việt cho Tết Việt”: Nơi lưu giữ nét đẹp truyền thống xưa
- Nghiên cứu đề xuất giảm 4 cơ quan Đảng thuộc Trung ương, 5 bộ và 2 cơ quan thuộc Chính phủ, 4 uỷ ban của Quốc hội
- Hội nghị toàn quốc quán triệt, triển khai tổng kết thực hiện Nghị quyết số 18-NQ/TW