Giống tốt

Bàn giao cho nông dân giống lúa Nếp Tài của người Dao đã được phục tráng

Diệu Anh - 07:42 20/06/2024 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Giống lúa Nếp Tài đạt OCOP 4 sao của người Dao huyện Ba Bể (Bắc Kạn) đã phục tráng và ngày 14/6 vừa qua được Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ba Bể bàn giao cho HTX Yến Dương quản lý sử dụng, duy trì và phát triển giống lúa đặc sản bản địa này.
TIN LIÊN QUAN
Bà Bùi Thị Thơm, Phó Chủ tịch BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam tặng Bằng khen cho chị Ma Thị Ninh (bên phải)  - Giám đốc HTX Yến Dương đã có đóng góp trong việc bảo tồn và phát triển giống lúa Nếp Tài - tại Lễ tôn vinh 63 HTX tiêu biểu năm 2023 do T.Ư Hội NDVN tổ chức.

Bảo tồn và phục tráng nguồn gen giống Nếp Tài

Nếp Tài là giống lúa bản địa, trồng chủ yếu trên các bản người Dao Phiêng Phàng của huyện Ba Bể, Bắc Kạn. Từ năm 2021, HTX Yến Dương phối hợp với Viện Khoa học Kỹ thuật nông lâm nghiệp miền núi phía Bắc thực hiện Đề tài: “Phục tráng và phát triển một số giống lúa nếp đặc sản, có giá trị cao tại tỉnh Bắc Kạn” trong đó có giống lúa Nếp Tài.

Thực hiện Chương trình hỗ trợ Rừng và Trang trại giai đoạn II (Chương trình FFF ) do Trung ương Hội Nông dân Việt Nam phối hợp với Tổ chức Nông Lương Liên Hợp quốc (FAO) đã tài trợ mô hình sản xuất lúa Nếp Tài, khuyến khích phụ nữ dân tộc thiểu số tại 2 thôn Phiêng Phàng và Nà Pài tham gia quản lý, qua đó tạo cơ hội việc làm, nâng cao thu nhập, từng bước giảm nghèo… đã đem lại hiệu quả kinh tế. Hiện nay, HTX Yến Dương liên kết sản xuất và hỗ trợ tiêu thụ sản phẩm gạo Nếp Tài. Trung bình năng suất đạt 25-30 tạ/ha, thu nhập bình quân gần 50 triệu đồng/ha. 

HTX Yến Dương đã xây dựng kế hoạch, phương án sản xuất cho từng giai đoạn cụ thể. Năm 2019 HTX Yến Dương phối hợp với Trung tâm dịch vụ nông nghiệp, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Ba Bể, chính quyền địa phương triển khai thực hiện 10ha, với 50 hộ tham gia. Năm 2020 HTX tiếp tục liên kết trồng 15ha với sự tham gia của 70 hộ dân.

Người Dao thôn Phiêng Phàng, xã Yến Dương, huyện Ba Bể thu hoạch lúa nếp Tài.

Được biết, Nếp Tài là giống lúa nếp truyền thống đã có từ rất lâu của đồng bào dân tộc Dao tại xã Yến Dương, được trồng kéo dài 6 tháng từ tháng 5 đến tháng 11 hàng năm. Theo tập quán canh tác truyền thống, người dân không sử dụng các chất hóa học tổng hợp, chủ yếu sử dụng phân gia súc, luân canh duy trì độ phì của đất.

Khi áp dụng phương thức canh tác nông nghiệp theo hướng hữu cơ, bà con tận dụng được các phụ phẩm trong quá trình sản xuất nông nghiệp như phân gia súc, rơm rạ... để ủ và bón cho cây trồng làm cho đất tơi xốp, cây trồng dễ hấp thụ, an toàn khi sử dụng, giảm thiểu ô nhiễm môi trường; hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, tiết kiệm chi phí sản xuất.

Chị Ma Thị Ninh, Giám đốc HTX Yến Dương giới thiệu mô hình trồng lúa Nếp Tài.

Chị Ma Thị Ninh- Giám đốc HTX Yến Dương cho biết: “Giống là yếu tố tiên quyết trong canh tác lúa, việc sử dụng giống chuẩn, chất lượng sẽ đảm bảo cho nông dân gieo cấy với lượng giống ít hơn nhưng hiệu quả cao hơn. Bởi vậy, việc tìm loại giống chuẩn mất rất nhiều thời gian, chúng tôi đến từng nhà và phải nhờ đến sự chia sẻ của những gia đình canh tác lâu năm”.

Phát triển giống lúa Nếp Tài - “Hạt ngọc của núi rừng”

Để kịp thời vụ sản xuất hạt nguyên chủng năm 2024 và tiếp tục duy trì nâng cao thương hiệu, chất lượng sản phẩm gạo Nếp Tài. Ngày 14/6/2024 vừa qua, HTX Yến Dương đã được Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trung tâm dịch vụ Nông nghiệp huyện Ba Bể bàn giao “Tiếp nhận, quản lý sử dụng giống lúa Nếp Tài đã được phục tráng” để tổ chức sản xuất hạt giống siêu nguyên chủng năm 2024.

Đây là một kết quả đáng ghi nhận từ sự nỗ lực của bà con nông dân, chính quyền địa phương, cơ quan chuyên môn QLNN, đơn vị chủ trì, HTX, … đã góp phần nâng cao tầm giá trị thương hiệu, chất lượng của sản phẩm Nếp Tài và đã được nhiều khách hàng trong nước tin tưởng sử dụng, đồng thời đây cũng là điều kiện cần thiết để đưa sản phẩm ra thị trường quốc tế.

Ngày 14/6, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Ba Bể bàn giao giống lúa Nếp Tài cho HTX Yến Dương.

Từ 200 dòng cá thể ban đầu chọn ra được 90 cá thể vào năm thứ nhất 2021. Đến năm thứ 2 (2022), 62 dòng được giữ lại. Đến thời điểm vụ mùa năm 2023 có 30 dòng đạt tiêu chuẩn xuất kho và gieo cấy. Sau kiểm định giai đoạn trước thu hoạch đã chọn được 12 dòng đạt yêu cầu. Kết quả phục tráng cá thể năm 2023 thu được 160 kg siêu nguyên chủng, trong đó, đơn vị Chủ trì đề tài bàn giao 99kg cho cơ quan quản lý.

Khi chưa tham gia chuỗi liên kết sản xuất vùng trồng lúa Nếp Tài với Hợp tác xã, thì bà con đồng bào vùng cao Phiêng Phàng canh tác chủ yếu theo cách truyền thống, trước đó bà con cho biết, sản xuất lúa Nếp Tài trên đồng ruộng đã có sự không đồng đều trong quần thể, xuất hiện nhiều cây cao, cây thấp.

Để đảm bảo chất lượng sản phẩm, việc bảo tồn và phục tráng nguồn gen giống Nếp Tài là điều rất cần thiết. Thực hiện quy trình canh tác hữu cơ từ năm 2018, đến nay vùng trồng Nếp Tài đạt nhiều chứng nhận tiêu biểu: OCOP 4 sao. Hữu cơ PGS, TCVN và JAS chuyển đổi.

HTX Yến Dương đã không ngừng tuyên truyền sâu rộng đến người dân sản xuất lúa để nâng cao nhận thức của bà con trong kỹ thuật chăm sóc và bảo vệ cây lúa, tham gia trực tiếp cùng bà con và phối kết hợp với các chuyên gia về lĩnh vực nông nghiệp hỗ trợ tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, nâng cao nhận thức canh tác cho bà con.

Các thành viên HTX Yến Dương phấn khởi nhận giống lúa Nếp Tài đã phục tráng.

Khi chất lượng giống lúa được đảm bảo, bà con nâng cao nhận thức canh tác, giảm lượng giống gieo cấy và tăng năng suất, sản phẩm Nếp Tài trở thành hàng hóa đưa ra thị trường được rất nhiều người ưa chuộng và được xem như “Hạt ngọc của núi rừng”. Bởi thóc nếp được phơi khô, bảo quản và chế biến thủ công nên lưu giữ được hương vị tự nhiên.

Gạo nếp Tài có màu trắng đặc trưng riêng, hạt gạo tròn đều, là  sản phẩm rất được ưa chuộng trên thị trường hiện nay. Hiện tại sản phẩm gạo Nếp Tài đã có mã vạch, tem truy xuất nguồn gốc, mẫu mã bao bì đẹp (được Sở Công thương hỗ trợ thiết kế mẫu mã bao bì), đạt VSATTP, chuỗi cung ứng.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác