Giữ lửa cho làng nghề bánh tráng truyền thống ở Cù lao Mây
Hơn 100 năm tồn tại với bao thăng trầm, giờ đây, bánh tráng Cù lao Mây, xã Lục Sĩ Thành (huyện Trà Ôn, tỉnh Vĩnh Long) được nhiều người biết đến. Bằng tình yêu nghề, nhiều gia đình vẫn đang nỗ lực giữ lửa cho làng nghề.
Làng nghề rộn rã
Làng nghề bánh tráng Cù lao Mây hình thành cách đây hơn 100 năm và được xem là một trong những đặc sản làng nghề của tỉnh Vĩnh Long. Bánh tráng Cù lao Mây được khách hàng ưa chuộng bởi cách làm thủ công, với vị ngon truyền thống, mang đậm hương vị quê hương.
Làng nghề bánh tráng nơi đây hoạt động quanh năm nhưng nhộn nhịp nhất vào dịp Tết. Tháng Chạp về, làng nghề như thay áo mới chuẩn bị đón Xuân. Các con đường rợp giàn phơi với những chiếc bánh tráng to và tròn.
Gắn bó với nghề hơn 30 năm, bà Nguyễn Thị Lệ Hằng (xã Lục Sĩ Thành, huyện Trà Ôn) cho biết, hàng năm, cứ vào giữa tháng 11 âm lịch, không khí làm việc tại làng nghề bắt đầu nhộn nhịp. Trung bình, mỗi hộ làm từ vài trăm bánh tráng/ngày.
Dịp Tết, số đơn hàng tăng gấp đôi so với ngày thường, có ngày bà phải tráng gần 1.000 cái bánh. Để kịp cung cấp cho khách, từ 3 – 4 giờ, mọi người trong gia đình bà đã phải thức dậy xay bột, nhóm lửa… chuẩn bị tráng bánh để kịp phơi nắng trưa. Nhà nào cũng nhộn nhịp làm từ sáng tới tối. Khách quen mỗi người đặt từ 300-500 cái bánh nên nhà nào cũng tranh thủ làm cho kịp đơn hàng.
Gắn bó với nghề tráng bánh hàng chục năm qua, bà Trần Thị Tuyết Mai (xã Lục Sĩ Thành, huyện Trà Ôn) cho biết, công việc tráng bánh đòi hỏi tay nghề và sự khéo léo, chỉ người thợ lành nghề mới có thể làm ra những chiếc bánh to và tròn. Mỗi ngày, bà làm hơn 800 cái bánh tráng để bán cho khách.
Nắm bắt nhu cầu, thị hiếu của khách hàng, người dân làng nghề đã mạnh dạn cải tiến sản phẩm, cho ra đời nhiều loại bánh tráng mới, không chỉ để khách hàng mua dùng mà còn làm quà biếu như: bánh tráng nem, bánh tráng ngọt, bánh tráng nướng, bánh tráng ớt, bánh tráng sữa, bánh tráng mặn, bánh tráng thanh long…
Giám đốc Hợp tác xã bánh tráng Cù lao Mây Lương Văn Thông cho biết, làng nghề hiện có 71 hộ sản xuất, trong đó 14 hộ tham gia Hợp tác xã và sản xuất quanh năm. Số hộ còn lại sản xuất theo thời vụ trong dịp Tết.
Năm 2009, làng nghề bánh tráng Cù lao Mây được Ủy ban nhân dân tỉnh Vĩnh Long công nhận là làng nghề truyền thống. Từ đó đến nay, sản phẩm bánh tráng của người dân sản xuất ngày càng được khách hàng ưa chuộng, thương hiệu và thị trường tiêu thụ cũng mở rộng, mang lại thu nhập ổn định cho người dân.
Đặc biệt, dịp Tết hàng năm, làng nghề đều cung cấp lượng lớn bánh cho thị trường. Ông Lương Văn Thông cho biết dịp Tết, khách đặt đơn hàng nhiều, nhất là hai loại bánh tráng truyền thống (bánh tráng nem và bánh tráng nhúng).
Bánh tráng được xem là một trong những món ăn đặc sản của người dân Nam Bộ bởi vị ngon dân dã, đặc trưng.
Giữ lửa nghề truyền thống
Không ai còn nhớ chính xác làng nghề bánh tráng Cù lao Mây ra đời khi nào nhưng hơn một trăm năm qua, nhiều thế hệ người dân nơi đây đã lớn lên cùng nghề.
Những người con của làng nghề đã chung tay giữ gìn và đưa thương hiệu bánh tráng Cù lao Mây ngày càng vươn xa hơn. Nghề cha truyền con nối này đã nuôi sống nhiều gia đình. Người dân làng nghề cho biết, tuy lợi nhuận không cao nhưng bánh làm ra ngày nào bán hết ngày đó nên ai cũng nặng lòng với nghề truyền thống này.
Bà Trần Thị Thúy Liễu, xã Lục Sĩ Thành, huyện Trà Ôn cho biết, nghề làm bánh tráng đã gắn bó với gia đình bà nhiều đời. Yêu cái nghề này, hơn 30 năm qua, bà đã mày mò để bánh tráng làm ra ngon hơn, đẹp hơn.
Nhờ được đi tập huấn, bà học hỏi và áp dụng nhiều điều mới vào sản xuất, đóng gói và bán sản phẩm. Từ đó, bánh tránh của bà được nhiều người biết đến, tiêu thụ rộng rãi qua nhiều kênh: mạng xã hội facebook, zalo.
“Bánh vẫn làm từ những nguyên liệu quen thuộc là gạo, mè, nước cốt dừa… nhưng mình kết hợp thêm thanh long để có màu sắc bắt mắt hơn, hương vị cũng khác hơn,” bà Trần Thị Thúy Liễu chia sẻ.
Giám đốc Hợp tác xã bánh tráng Cù lao Mây Lương Văn Thông cho biết, trước đây, trên địa bàn có hơn 100 hộ làm nghề bánh tráng. Tuy nhiên, theo thời gian, sự cạnh tranh trên thị trường ngày càng gay gắt, cùng với giá thành sản xuất tăng cao nên nhiều hộ đã phải bỏ nghề, làng nghề ngày càng thu hẹp.
Những năm gần đây, nhờ sự quan tâm của các cấp, ngành về hỗ trợ máy cắt bánh, máy hút chân không, xây dựng thương hiệu… làng nghề có điều kiện phát triển các sản phẩm.
Nhờ cải tiến sản phẩm từ mẫu mã đến chất lượng và tích cực tham gia xúc tiến tiêu thụ sản phẩm, bánh tráng Cù lao Mây hiện tiêu thụ ở nhiều tỉnh, thành, thậm chí được khách mua làm quà tặng cho bạn bè ở nước ngoài.
Mới đây, hợp tác xã sản xuất bánh tráng Cù lao Mây được công nhận là sản phẩm OCOP của tỉnh, tạo điều kiện để trao đổi, giới thiệu sản phẩm đến đơn vị chuyên phân phối, tiêu thụ. Từ đó tìm kiếm cơ hội mở rộng thị trường, đem lại niềm vui và hy vọng cho những người gắn bó với nghề.
Ông Lương Văn Thông chia sẻ hiện nay, các sản phẩm của làng nghề đã có bao bì, nhãn, được nhiều người biết và tìm đến để đặt mua. Nhờ đó, số sản phẩm bán ra nhiều hơn, thu nhập của người dân ổn định hơn.
Tuy có nhiều tín hiệu vui nhưng chính người làm nghề đang cảm nhận rõ khó khăn bởi sự cạnh tranh từ thị trường, giá nguyên liệu ngày càng tăng trong khi họ không thể tăng giá sản phẩm để giữ chân khách. Điều trăn trở lớn nhất đối với những người đang làm nghề đó là thiếu sự kế thừa.
Ông Lương Văn Thông cho biết, học nghề đã khó, giữ nghề càng khó hơn. Có những gia đình, cả ba thế hệ làm nghề và bánh tráng cũng là nguồn thu nhập chính của gia đình họ. Thế nhưng trên thực tế, nhiều người cố gắng nuôi con ăn học để tìm nghề mới, có tương lai rộng mở hơn bởi nghề này thời gian qua chủ yếu chỉ lấy công làm lãi.
Hơn 100 năm tồn tại với bao thăng trầm, giờ đây, bánh tráng Cù lao Mây được nhiều người biết đến. Bằng tình yêu nghề, nhiều gia đình vẫn đang nỗ lực giữ lửa cho làng nghề.
Với những chính sách và giải pháp hỗ trợ thiết thực từ chính quyền, hy vọng sẽ tạo nên bước đi mới để thế hệ trẻ của làng nghề có đủ niềm tin và quyết tâm, mạnh dạn cải tiến, phát triển nghề mà ông cha đã giữ gìn./.
Lê Thúy Hằng (TTXVN/Vietnam+)