Hộ sản xuất kinh doanh giỏi phải là hạt nhân dẫn dắt quá trình thực hiện mục tiêu tri thức hoá nông dân
Ông Lương Quốc Đoàn, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch BCH T.Ư Hội NDVN; ông Phạm Tiến Nam, Phó Chủ tịch Thường trực T.Ư Hội NDVN; Các Phó Chủ tịch Hội NDVN: Bùi Thị Thơm, Nguyễn Xuân Định, Cao Xuân Thu Vân cùng đồng chủ trì Hội nghị.
Phong trào Nông dân thi đua SXKDG đã phát huy vai trò “trung tâm, nòng cốt” của các cấp Hội
Trình bày tham luận tại hội nghị, ông Lường Trung Hiếu, Chủ tịch Hội ND tỉnh Sơn La cho biết, Hội ND tỉnh xác định Phong trào Nông dân thi đua SXKDG, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững là phong trào trọng tâm và nòng cốt trong công tác Hội và phong trào nông dân. Hội ND tỉnh đã chỉ đạo Hội ND các huyện, thành phố phát động triển khai sâu rộng tới các cơ sở Hội và chi hội, được đông đảo hội viên nông dân đăng ký tham gia. Qua sơ kết phong trào giai đoạn 2017 - 2022, hàng năm bình quân có trên 90.000 hộ đăng ký thi đua đạt danh hiệu hộ nông dân SXKDG các cấp, kết quả bình xét có 53.360 hộ đạt danh hiệu hộ nông dân SXKDG các cấp, trong đó: Hộ nông dân đạt danh hiệu hộ nông dân SXKDG cấp Cơ sở là 46.100 hộ (chiếm 86,4 %); cấp Huyện 5.840 hộ (chiếm 11%); cấp Tỉnh 1.232 hộ (chiếm 2,3%); cấp Trung ương 188 hộ (chiếm 0,4%).
Phát huy tiềm năng, lợi thế về phát triển nông nghiệp của tỉnh, đặc biệt là các loại cây công nghiệp, cây ăn quả, tỉnh Sơn La đã ban hành nhiều chủ trương, cơ chế, chính sách hỗ trợ nông dân phát triển. Đến nay, toàn tỉnh đã có 82.800ha cây ăn quả với các loại như: Xoài, nhãn, mận, chuối, chanh leo, dâu tây, na, bơ, bưởi, hồng giòn... với sản lượng trên 450.000 tấn/năm; có 24 sản phẩm nông sản được Cục Sở hữu trí tuệ cấp văn bằng bảo hộ; xây dựng, duy trì và phát triển 235 chuỗi cung ứng thực phẩm nông sản, thủy sản an toàn; có 241 mã số vùng trồng với diện tích hơn 3.860 ha cây ăn quả phục vụ xuất khẩu; hơn 5.000 ha cây trồng áp dụng quy trình sản xuất nông nghiệp tốt và các tiêu chuẩn tương đương; 83 sản phẩm OCOP. Các sản phẩm nông sản của tỉnh đã tham gia vào chuỗi cung ứng của các hệ thống phân phối lớn trong nước như: Big C, Winmart, Hapro Mart; tiêu thụ trên nhiều sàn giao dịch thương mại điện tử; đã có 17 sản phẩm nông sản xuất khẩu sang thị trường 21 nước, như: Mỹ, Úc, Anh, Pháp, Nhật Bản, Hàn Quốc, Trung Quốc, UAE…
Để hỗ trợ chương trình phát triển cây ăn quả phát triển bền vững, tỉnh Sơn La đã mời gọi các doanh nghiệp lớn đến đầu tư xây dựng nhà máy chế biến quả tại Sơn La,
Với lợi thế của tỉnh nhà, Hội ND tỉnh đã chỉ đạo các cấp Hội tích cực tuyên truyền, vận động, hướng dẫn hội viên, nông dân tham gia phát triển vùng nguyên liệu sạch cho các nhà máy theo hợp đồng để hướng tới phát triển sản xuất nông nghiệp bền vững.
Có thể khẳng định, Phong trào nông dân thi đua SXKDG tại Sơn La đã góp phần thúc đẩy chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, tổ chức lại sản xuất, góp phần thực hiện cơ cấu lại ngành Nông nghiệp; bước đầu đã thu được kết quả đáng phấn khởi, giúp cho đời sống của người nông dân được cải thiện và nâng cao, bộ mặt nông thôn Sơn La đang từng ngày khởi sắc.
Bà Mai Thủy, Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Hội ND tỉnh Hà Tĩnh khẳng định, phong trào Nông dân thi đua SXKDG, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững không chỉ tích cực góp phần thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, mà còn tích cực góp phần đổi mới nội dung, phương thức hoạt động và nâng cao chất lượng hoạt động cơ sở Hội.
Cũng từ kết quả phong trào này, các cấp uỷ Đảng và chính quyền đã ghi nhận, đánh giá cao vai trò của tổ chức Hội ND và giai cấp Nông dân đối với sự nghiệp phát triển kinh tế- xã hội, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
“Nhận thấy vào tổ chức Hội, được cán bộ Hội hướng dẫn, tư vấn, giúp đỡ nhiều mặt như được tập huấn, đào tạo nghề, phối hợp cho vay vốn… nên ngày càng có nhiều nông dân tự nguyện tham gia vào tổ chức Hội. 5 năm qua số hộ SXKDG ở Hà Tĩnh có thu nhập từ 1 tỷ đồng trở lên là 1069 hộ; hộ SXKDG có thu nhập từ 500 triệu đến dưới 01 tỷ đồng là 5889 hộ. Giai đoạn 2017-2022, bình quân hàng năm Hà Tĩnh có hơn 87.000 hộ đạt danh hiệu hộ SXKD giỏi các cấp, tăng hơn 6.563 hộ so với giai đoạn 2012 – 2016”, bà Thủy nhấn mạnh.
Ông Nguyễn Văn Nhiên, Chủ tịch Hội ND tỉnh An Giang bày tỏ, phong trào Nông dân thi đua SXKDG đã góp phần thay đổi nhận thức, tư duy của các hộ, từ làm ăn nhỏ lẻ sang liên kết, hình thành các vùng sản xuất chuyên canh, các cánh đồng mẫu lớn... để liên kết, thực hiện đồng bộ từ sản xuất, chế biến đến tiêu thụ. Một số hộ nông dân SXKDG đã đại diện cho người sản xuất bàn bạc và ký kết hợp đồng kinh tế với các doanh nghiệp để tạo vùng sản xuất lớn, phát huy thế mạnh của mỗi địa phương, từng bước xây dựng thương hiệu nông sản hàng hoá đặc trưng, mang lại hiệu quả kinh tế cao. Hội ND các cấp trong tỉnh luôn đồng hành hướng dẫn và tạo điều kiện cho hội viên nông dân tiếp cận khoa học kỹ thuật tiên tiến một cách đồng bộ, hiệu quả, rút ngắn khoảng cách chênh lệch về năng suất giữa các hộ nông dân, các thửa ruộng, các vùng sản xuất, nâng cao năng suất bình quân toàn vùng, gia tăng chất lượng sản phẩm và làm nền tảng cho việc sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP, OCOP. Trên cơ sở đó, nhiều hội viên nông dân định hướng được cách làm ăn theo mô hình tổ, nhóm dựa trên mô hình xây dựng chi, tổ hội Nông dân nghề nghiệp.
Theo điều tra của Hội ND tỉnh, trong 5 năm qua có 4.475 lượt hộ nông dân SXKDG có thu nhập từ 01 tỷ đồng trở lên; bình quân thu nhập của hộ nông dân SXKDG cấp xã đạt từ 44 - 60 triệu đồng/hộ; cấp huyện đạt từ 53 - 72 triệu đồng /hộ; cấp tỉnh đạt từ 105 - 144 triệu đồng/hộ; cấp Trung ương đạt từ 210 - 288 triệu đồng/hộ.
Nông dân phấn khởi được hưởng lợi từ phong trào thi đua SXKDG
Đại diện cho 300 nông dân SXKDG đến dự Hội nghị biểu dương nông dân thi đua SXKDG toàn quốc lần thứ VI, bà Hoàng Thị Chắp (dân tộc Giáy) – hội viên Hội ND xã Cốc San, thành phố Lào Cai, tỉnh Lào Cai phấn khởi chia sẻ thành công của mình và gia đình đã vươn lên làm giàu bằng mô hình sản xuất cá giống và nuôi cá theo hướng thâm canh, tổng thu nhập của gia đình là 1,6 tỷ đồng/năm (đã trừ chi phí).
Bà Chắp cho hay, từ khi trở thành hội viên nông dân, được tham gia nhiều lớp tập huấn chuyển đổi cây trồng, vật nuôi phù hợp với địa phương. Gia đình có 2,5ha mặt nước đã đi vay vốn quyết định đầu tư xây dựng trang trại nuôi trồng thủy sản. Sau gần 10 năm triển khai xây dựng, từ chỗ chỉ nuôi trồng nhỏ lẻ, đến nay gia đình đã sở hữu một trang trại quy mô lớn, cho lãi thuần khoảng trên 1 tỷ đồng mỗi năm. Tính đến năm 2022, gia đình đã liên kết với 03 hộ nuôi trong xã để sản xuất con cá giống. Hiện nay cá giống của Trang trại đã cung ứng hầu hết cho các hộ nuôi cá trong tỉnh và cung cấp cho 6 tỉnh lân cận. Với kết quả đó, trong thời gian tới gia đình dự định tiếp tục liên kết với các hộ trong thôn, xã thành lập Tổ hội nghề nghiệp để mở rộng diện tích sản xuất cá giống và cá thương phẩm.
Tỷ phú cam sành Hà Giang - ông Trần Trung Thuyết (xã Vĩnh Phúc, huyện Bắc Quang) đã kể câu chuyện làm giàu của mình và gia đình tại Hội nghị.
“Vào trước năm 2000, gia đình tôi là gia đình vẫn còn nhiều khó khăn, chỉ trồng cam nhỏ lẻ và chăn nuôi còn manh mún, nguồn vốn còn hạn hẹp. Đang loay hoay với những trăn trở đưa kinh tế gia đình đi lên thì vào năm 2001 được Hội ND cho tham gia các lớp hướng dẫn, tập huấn về khoa học kỹ thuật, lập kế hoạch sản xuất phát triển kinh tế, hỗ trợ vay vốn. Tận dụng lợi thế đất đai màu mỡ, khí hậu ôn hòa của địa phương phù hợp với phát triển trồng cây ăn quả có múi như cam, quýt nên gia đình tôi đã phát triển thêm diện tích cây cam và lựa chọn đưa những giống cam tốt vào trồng. Hiện nay, gia đình có khoảng 140ha và đang phát triển mở rộng thêm diện tích, năng suất bình quân đạt 15 tấn/ha, tổng sản lượng 2.100 tấn/năm.
Để việc quảng bá sản phẩm, thương hiệu cam sành của gia đình ra thị trường, năm 2017, bản thân tôi đã đứng ra tìm hiểu, vận động hội viên nông dân trong thôn Vĩnh Thành cùng thành lập Hợp tác xã (HTX) Nông dân trồng cam sạch, với 15 thành viên, vốn điều lệ ban đầu là 190 triệu đồng. Sau 5 năm hoạt động đến nay vốn điều lệ của HTX đã có trên 2 tỷ đồng. Diện tích cam của HTX là hơn 213ha, hàng năm thu về trên 30 tỷ đồng. Trong những năm gần đây sản phẩm Cam sành của gia đình tôi và các thành viên của HTX Nông dân trồng cam sạch không chỉ tiêu thụ trong tỉnh mà đã có mặt ở một số thị trường ngoài tỉnh như: Phú Thọ, Vĩnh Phúc, Hà Nội, Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang... Thông qua trồng cam, thu nhập của gia đình tôi từ năm 2017 đến 2021 luôn ở mức cao, cụ thể: năm 2020, tổng doanh thu 23,2 tỷ đồng, tổng chi phí 18,5 tỷ đồng, lợi nhuận là 4,7 tỷ đồng, thu nhập bình quân 78,3 triệu đồng/người/tháng; Năm 2021, tổng doanh thu 31,2 tỷ đồng, tổng chi 19,2 tỷ đồng, lợi nhuận 12 tỷ đồng, thu nhập bình quân 200 triệu đồng/người/tháng; Năm 2022, gia đình ước tính thu nhập khoảng 10 tỷ đồng”, ông Thuyết kể.
Qua câu chuyện chia sẻ về quá trình lập nghiệp của hai tấm gương điển hình nông dân SXKDG tại Hội nghị. Có thể thấy phong trào thi đua Nông dân SXKDG đã phát huy được tính chủ động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, vượt qua khó khăn, thử thách, tích cực tham gia “chuyển đổi số trong nông nghiệp”, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, công nghệ cao vào sản xuất, chế biến, tiêu thụ, nâng cao năng suất, chất lượng, giá trị nông sản đem lại hiệu quả kinh tế cao, trở thành những hộ sản xuất kinh doanh giỏi.
Tại Hội nghị đã có nhiều ý kiến kiến nghị T.Ư Hội NDVN cần tiếp tục duy trì và nâng phong trào này lên một tầm cao mới bằng các nội hàm của nó. Các cấp Hội chỉ đạo, triển khai thực hiện phong trào phải thiết thực, hiệu quả, tạo sức lan tỏa sâu rộng để thu hút hội viên, nông dân tích cực hưởng ứng tham gia; phong trào phải đem lại lợi ích thiết thân cho chính người nông dân. Bên cạnh đó, rất mong T.Ư Hội NDVN phối hợp với các bộ, ngành liên quan tham mưu cho Đảng và Nhà nước để có nhiều chủ trương, chính sách hỗ trợ, giúp đỡ người nông dân thực hiện mục tiêu phát triển nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh.
5 nhiệm vụ trọng tâm của phong trào Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi giai đoạn 2022-2027
Phát biểu bế mạc Hội nghị, Chủ tịch T.Ư Hội NDVN Lương Quốc Đoàn đánh giá cao và biểu dương 300 nông dân tiêu biểu toàn quốc đại diện cho hơn 3,6 triệu hộ trong phong trào giai đoạn 2017 – 2022. Đây chính là những bông hoa đẹp, tấm gương người thực, việc thực đầy sức thuyết phục, có sức lay động và là điển hình tiêu biểu của giai cấp Nông dân Việt Nam. Những kết quả đạt được trong Phong trào giai đoạn 2017- 2022 tiếp tục khẳng định sự đúng đắn của Phong trào; thể hiện tính sáng tạo trong lao động, tinh thần vượt khó vươn lên và sức mạnh tinh thần đoàn kết của cán bộ, hội viên, nông dân Việt Nam các cấp dưới sự lãnh đạo của Đảng.
Thay mặt Hội NDVN và cán bộ, hội viên nông dân cả nước, ông Lương Quốc Đoàn trân trọng cảm ơn những tình cảm, sự quan tâm sâu sắc của ông Trần Tuấn Anh, Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương Đảng đã tới dự động viên, phát biểu chỉ đạo Hội nghị Biểu dương nông dân SXKDG Toàn quốc lần thứ VI, giai đoạn 2017 - 2022; trân trọng cảm ơn ông Lê Văn Thành, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; các Ủy viên Trung ương Đảng, đại diện lãnh đạo các ban, bộ, ngành, đoàn thể Trung ương; các vị đại biểu, khách quý đã tới tham dự, động viên, góp phần vào thành công chung của Hội nghị.
Ông Lương Quốc Đoàn chỉ đạo, trong thời gian tới Việt Nam vẫn còn nhiều khó khăn thách thức do những tác động, ảnh hưởng bởi những diễn biến phức tạp, khó lường của tình hình thế giới, những tác động, ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu ngày càng nghiêm trọng. Trước bối cảnh đó, việc triển khai các hoạt động công tác Hội và phong trào nông dân nói chung, Phong trào Nông dân thi đua SXKDG, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững nói riêng có những thuận lợi cơ bản nhưng cũng sẽ gặp phải không ít khó khăn, thách thức. Vì vậy, để tiếp tục duy trì, phát triển, nâng cao chất lượng và hiệu quả Phong trào và phấn đấu thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ và giải pháp trong giai đoạn 2022 – 2027, Hội ND các cấp cần thực hiện tốt 5 nhiệm vụ sau:
Thứ nhất, các cấp Hội Nông dân cần tiếp tục đổi mới công tác tuyên truyền vận động, để các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, của Hội NDVN đến được với đông đảo hội viên nông dân một cách thiết thực, hiệu quả nhất; chủ động nêu cao cảnh giác trước âm mưu diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch, đặc biệt là lợi dụng vấn đề dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, dân chủ, nhân quyền; thu hồi đền bù, giải phóng mặt bằng để kích động, lôi kéo chia rẽ trong nội bộ nông dân, đồng bào dân tộc để chống phá Đảng, Nhà nước ta. Công tác tuyên truyền, vận động không chỉ thông qua các buổi họp, buổi tập huấn mà cần phải thông qua việc tổ chức các hoạt động thiết thực mang lại quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng cho hội viên, nông dân.
Thứ hai, Các cấp Hội ND cần nâng cao trách nhiệm trong việc hỗ trợ các hộ nông dân SXKDG tiếp tục duy trì, phát huy, phát triển mạnh hơn nữa thông qua các hoạt động tư vấn, hỗ trợ. Đó là tư vấn, trợ giúp pháp lý; hỗ trợ về vốn, dạy nghề, chuyển giao khoa học kỹ thuật, về kết nối, xây dựng thương hiệu và tiêu thụ nông sản… giúp người nông dân vững tin hơn trong quá trình phát triển. Trong phát triển kinh tế nông nghiệp, phong trào nông dân thi đua SXKDG phải là phong trào mũi nhọn, hàng đầu, cần thường xuyên tổ chức cho hội viên nông dân thăm quan học tập, trao đổi kinh nghiệm cách làm ăn, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Đẩy mạnh công tác truyền thông, nhất là truyền thông nhân rộng và lan toả các điển hình tiên tiến trong SXKDG. Phấn đấu để phong trào có bước phát triển mới về chất, lan toả sâu rộng trong nhân dân, thực hiện thắng lợi mục tiêu xây dựng nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh theo tinh thần Nghị quyết Đại hội XIII của Đảng.
Thứ ba, các hội viên nông dân SXKDG cần nhận thức sâu sắc lợi thế và bối cảnh của đất nước; các chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước để tích cực tham gia phát triển kinh tế gia đình, tạo ra những sản phẩm nông nghiệp an toàn, xây dựng, phát triển và gìn giữ thương hiệu sản phẩm, thị trường tiêu thụ; tập trung chế biến theo hướng chất lượng cao để đủ sức cạnh tranh trên thị trường trong nước và thế giới. Tổ chức Hội ND phải trở thành cầu nối, tạo dựng niềm tin giữa những người nông dân, các hộ nông dân SXKDG với doanh nghiệp, với HTX, với nhà khoa học để tạo nên một mối liên kết bền vững trong quá trình phát triển nông nghiệp và xây dựng nông thôn mới.
Thứ tư, Hội ND các cấp cần tập trung chỉ đạo đổi mới, nâng cao chất lượng phong trào nông dân thi đua SXKDG, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững. Thể hiện rõ hơn vai trò của tổ chức Hội trong hướng dẫn nông dân phát triển các hình thức kinh tế tập thể, hợp tác trong sản xuất kinh doanh, mà nòng cốt là các hộ nông dân SXKDG. Xây dựng được nhiều mô hình liên kết giữa doanh nghiệp với người dân để phát triển vùng nguyên liệu tạo ra những sản phẩm chủ lực có chất lượng cao phục vụ cho chế biến và xuất khẩu. Song song với phát triển kinh tế, Hội ND các cấp cần đẩy mạnh phong trào xây dựng gia đình văn hóa, tham gia xây dựng khóm, ấp văn hóa; thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới, việc tang, lễ hội, thực hiện kế hoạch hóa gia đình… tích cực tham gia phòng chống tham nhũng, lãng phí, phòng chống tội phạm và các tệ nạn xã hội.
Tổ chức Hội ND cần phải tập hợp để những hộ SXKDG trở thành hạt nhân nòng cốt trong tham gia phát triển kinh tế nông thôn; để họ trở thành những hạt nhân tham gia phát triển kinh tế tập thể, trở thành các Chủ tịch Hội đồng quản trị, Giám đốc HTX, hơn nữa là nông dân giỏi trở thành các doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn.
Thứ năm, qua 33 năm triển khai Phong trào Nông dân thi đua SXKDG, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững đã trở thành phong trào cách mạng sâu rộng trong thời kỳ đổi mới, thu hút hàng triệu nông dân tham gia, trở thành động lực quan trọng khai thác tiềm năng, thế mạnh của từng địa phương và nội lực của mỗi gia đình. Phong trào luôn được Hội ND các cấp hết sức coi trọng, không ngừng đổi mới, nâng cao chất lượng, hiệu quả; là phong trào duy nhất và trọng tâm, xuyên suốt của tổ chức Hội NDVN. Phong trào không chỉ có ý nghĩa chính trị, kinh tế, xã hội sâu sắc mà còn là cơ hội, điều kiện thuận lợi để giai cấp Công nhân, đội ngũ trí thức, nhà khoa học, các doanh nhân với tình cảm và trách nhiệm của mình, sát cánh cùng giai cấp Nông dân thực hiện sự nghiệp CNH, HÐH nông nghiệp, nông thôn, vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh. Các cấp Hội ND cần xác định các hộ SXKDG là nòng cốt để tập trung đào tạo bồi dưỡng, nâng cao năng lực, kỹ năng để họ trở thành những hạt nhân dẫn dắt quá trình thực hiện mục tiêu tri thức hoá nông dân.
Tại Hội nghị, ông Lương Quốc Đoàn, Chủ tịch Hội NDVN và các Phó Chủ tịch T.Ư Hội NDVN đã trao tặng Bằng khen của BCH T.Ư Hội NDVN cho 263 nông dân SXKDG giai đoạn 2017-2022.
Một số hình ảnh các lãnh đạo T.Ư Hội NDVN trao tặng Bằng khen cho các cá nhân tiêu tiển đạt danh hiệu gương nông dân SXKDG.
- Xây dựng 3 chương trình công tác, 6 đề án; nhiều văn bản, kế hoạch cụ thể hóa các Nghị quyết
- Đoàn công tác Trung ương Hội Nông dân Việt Nam làm việc tại Lai Châu
- Cán bộ Hội tiên phong thực nghiệm, hướng dẫn hội viên nông dân sản xuất phân vi sinh
- Hội Nông dân các địa phương chủ động, tích cực, sáng tạo hưởng ứng ngày Pháp luật Việt Nam