Hội viên nghèo có việc làm sau học nghề trồng nấm
Anh Võ Vinh Hiển cho biết: Từ tháng 6.2023, anh Hiển tham gia lớp học nghề trồng nấm. Mặc dù thời gian học lý thuyết và thực hành chỉ khoảng 3 tháng, nhưng vốn ham học hỏi và có ý chí vươn lên, anh Hiển tích cực theo học ở lớp và tham quan học hỏi kinh nghiệm ở các trại chuyên canh nấm. Từ đó, anh nhanh chóng nắm bắt được các kỹ thuật, kỹ năng cơ bản trong cách trồng nấm. Quá trình vừa học lý thuyết vừa thực hành ở lớp nghề, anh Hiển còn quyết định trồng những lứa nấm đầu tiên tại nhà mình.
Anh Hiển thiết kế trại nấm, trồng nấm rơm trên diện tích 100m2, sau 1 tháng sản xuất thử, anh thu được 25 kg nấm rơm. Giá bán bình quân 100 nghìn đồng/kg, anh thu về 2,5 triệu đồng. Cùng với nấm rơm, anh Hiển còn trồng 300 bịch phôi nấm bào ngư, thu được 50kg thành phẩm.
Anh Hiển tâm sự: “Nghề trồng nấm giúp cho gia đình tôi có việc làm và thu nhập mới. Tới đây, tận dụng diện tích vườn nhà, tôi sẽ mở rộng trại nấm. Với xu hướng sử dụng loại thực phẩm này càng nhiều, tôi hy vọng nghề làm nấm sẽ giúp gia đình có cuộc sống khấm khá hơn”.
Dù bước đầu đến với nghề trồng nấm, nhưng với kiến thức, kỹ năng có được nhờ học nghề, anh Hiển đã tự tay làm tất cả các khâu trong sản xuất như những người trồng nấm chuyên nghiệp khác.
Ông Trần Văn Lượng - Chủ tịch Hội Nông dân huyện Tây Sơn, tỉnh Bình Định nhận xét: “Anh Hiển là một điển hình chứng minh hiệu quả tích cực của chương trình đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở địa phương. Thời gian tới, Hội Nông dân huyện tiếp tục phối hợp với các cơ sở đào tạo nghề trong tỉnh Bình Định chiêu sinh, mở các lớp đào tạo nghề phù hợp để hỗ trợ hội viên nông dân, nhất là các hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo ở địa phương có được “cần câu” để phát triển kinh tế, tăng thu nhập, vươn lên thoát nghèo bền vững, góp phần đạt các tiêu chí xây dựng nông thôn nâng cao ở cơ sở và huyện đạt tiêu chí huyện nông thôn mới ”.