Chuyện nhà nông

Tự tin làm giàu từ nuôi lợn đen

Hoàng Tính - 13:02 16/05/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn). Sau 3 năm triển khai mô hình nuôi lợn đen, hội viên nông dân Lý Văn Chung ở xã Thạch Lâm (huyện Bảo Lâm, tỉnh Cao Bằng) đã vượt khó vươn lên, giờ đây kinh tế gia đình đã khá giả, không chỉ vậy anh còn hỗ trợ bà con về con giống, kỹ thuật…để cùng làm giàu từ nghề nuôi lợn đen.

Không như các bạn cùng trang lứa lựa chọn rời xa quê hương để lập nghiệp tại các thành phố lớn, các công ty, doanh nghiệp ở khu công nghiệp. Chàng trai trẻ Lý Văn Chung (sinh năm 1990) ở xã Thạch Lâm đã lựa chọn ở lại quê hương để phát triển kinh tế hộ gia đình.

Lựa chọn việc ở lại địa phương để phát triển kinh tế giờ đây anh Lý Văn Chung đã có kinh tế khá giả. (Ảnh Bảo Chung)

Nhưng khi bắt tay vào làm mọi thứ đều không như suy nghĩ trước đó, anh Chung đã gặp nhiều khó khăn từ vốn, kỹ thuật, tư liệu sản xuất… điều kiện tự nhiên ở địa phương đều khó khăn cho sản xuất nông nghiệp, chính vì vậy việc làm nương rẫy trồng lúa, trồng màu… đều chỉ đủ ăn. Nhiều lúc nản chí anh Chung cũng muốn rời xa quê hương để đi làm công ty như các bạn.

Được sự động viên của gia đình, sự hỗ trợ của Hội Nông dân các cấp về thông tin, thị trường… đầu năm 2020, anh Lý Văn Chung đã mạnh dạn vay 100 triệu đồng từ Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Bảo Lâm để làm vốn phát triển nghề chăn nuôi lợn đen (đây là giống lợn bản địa ở địa phương).

Anh Chung chia sẻ: Có được nguồn vốn hỗ trợ kịp thời, tôi đã mạnh dạn đầu tư xây dựng chuồng trại kiên cố để chăn nuôi, số vốn còn lại tôi đã mua 20 con lợn giống để thả chuồng. Rất may đây là giống lợn bản địa vì vậy tiền đầu tư thức ăn không phải tốn kém, do lợn chỉ ăn cây chuối, cây rau cùng với cám ngô, cám gạo... đều là thứ dễ kiếm quanh nhà.

Trong quá trình chăn nuôi lợn đen, tôi đã chủ động tham gia vào các lớp tập huấn kỹ thuật chăn nuôi do Hội Nông dân tổ chức, từ lớp học tôi đã đúc rút được nhiều những kinh nghiệm quý; nhiều thắc mắc về kỹ thuật trong quá trình chăn nuôi lợn tôi đã chủ động hỏi các giảng viên. Đặc biệt là tôi đã lên mạng Internet để tìm hiểu các mô hình, kỹ thuật… ở các địa phương khác nhau về nuôi lợn bản địa, chính vì vậy tôi đã đúc rút được nhiều kinh nghiệm hay để áp dụng vào mô hình của gia đình” anh Chung cho hay.

Được chăn nuôi theo phương pháp truyền thống đàn lợn đen phát triển rất khoẻ mạnh. (Ảnh Bảo Chung)

Lợn đen được gia đình anh Chung nuôi hoàn toàn theo kiểu truyền thống, lợn chỉ cho ăn cám ngô, cám gạo, sắn, rau, thân cây chuối… Tuy lợn chậm lớn nhưng bù lại chi phí chăn nuôi ít và đặc biệt là thịt lợn chắc, thơm, ngon, mỡ bóng… được thị trường ưa chuộng, giá bán cao.

Hiện nay tại xã Thạch Lâm, lợn đen giống được bán từ từ 1,5 - 2 triệu đồng/con; giá lợn thịt xuất chuồng có giá từ 65.000 - 70.000 đồng/kg. Lợn giống cũng như lợn thịt có đến đâu đều được thị trường tiêu thụ hết đến đó.

Điều quan trọng nhất trong nuôi lợn đen, theo như anh Chung chia sẻ đó là việc phòng trừ dịch bệnh từ xa (như: Chủ động tiêm phòng, cách ly nguồn lây bệnh từ ngoài môi trường). Chính từ việc tuân thủ chặt chẽ các biện pháp trong chăn nuôi lợn đen mà giờ đây trong gia đình anh Chung đã có tổng đàn lơn đen lên đến gần 200 con (lợn đực, lợn mẹ, lợn giống). Giờ đây mỗi năm từ việc bán lợn giống, lợn thịt gia đình anh Chung cũng thu về trên 150 triệu đồng.

Nhận thấy mô hình chăn nuôi lợn đen của gia đình anh Chung cho hiệu quả kinh tế cao, thời gian qua các cấp Hội Nông dân xã Thạch Lâm và huyện Bảo Lâm đã tổ chức nhiều đoàn đến thăm quan và học tập kinh nghiệm chăn nuôi của anh Lâm. Không “Giấu nghề” anh Lâm luôn nhiệt tình chia sẻ những kỹ thuật mà mình đúc rút được trong 3 năm qua trong việc nuôi lợn đen... Từ đó nhiều hội viên nông dân trên địa bàn sau khi thăm quan mô hình đã tự tin mua giống phát triển chăn nuôi lợn đen.

Với những tiềm năng từ lợn đen bản địa mang lại, huyện Bảo Lâm đã lựa chọn giống lợn đen địa phương là một trong hai vật nuôi chủ lực để bà con nông dân trên địa bàn huyện tập trung phát triển tạo thành sản phẩm hàng hóa. Đây thực sự là động lực rất lớn để anh Chung cùng như bà con nông dân xã Thạch Lâm, huyện Bảo Lâm tự tin phát triển kinh tế với con lợn đen trong thời gian tới.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác