Huyện Điện Biên: Nông thôn mới tạo đà để huyện phát triển
Đổi thay từ chương trình XDNTM
Ngày mới bắt đầu thực hiện XDNTM, huyện Điện Biên mới chỉ đạt 2 tiêu chí/xã, đời sống của bà con chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp; cơ sở vật chất hạ tầng (đường giao thông, trường học, trạm y tế, nhà văn hoá) còn thiếu và yếu, không đáp ứng được nhu cầu cho sự phát triển.
Xác định rõ những khó khăn và thách thức đó, hàng năm huyện Điện Biện đã chủ động xây dựng kế hoạch chi tiết cho các phòng, cơ quan chuyên môn, UBND các xã để rà soát và đề xuất các phương án, huy động nguồn lực nhằm thực hiện hiệu quả chương trình. Với phương châm “Dễ làm trước, khó làm sau” thực hiện chương trình XDNTM không chạy theo thành tích.
Để quá trình XDNTM được thuận lợi, hiệu quả, theo phương châm “Khó vạn lần dân liệu cũng xong”, huyện Điện Biên xác định người dân là chủ thể, chính vì vậy việc tuyên truyền đã được đặt lên hàng đầu, bằng nhiều phương pháp tuyên truyền, vận động sâu rộng đến mọi tầng lớp nhân dân, tạo sự đồng thuận của toàn xã hội, gắn phong trào thi đua với tiếp tục đẩy mạnh việc “Học tập và làm việc theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”, cuộc vận động “Toàn dân đoàn kết XDNTM, đô thị văn minh” và các phong trào thi đua khác gắn với giảm nghèo bền vững.
Từ đó người dân trên địa bàn huyện Điện Biên đã nhận thức rõ vai trò và trách nhiệm của mình trong XDNTM; mọi người đã chủ động, tích cực tham gia phong trào, thực hiện nhiều công trình, phần việc trong XDNTM.
Công tác xây dựng cơ sở hạ tầng được coi là khâu đột phá, quan trọng trong XDNTM. Những năm qua, các cấp, các ngành trên địa bàn huyện Điện Biên đã tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, huy động và tổ chức lồng ghép có hiệu quả các nguồn vốn để đầu tư, xây dựng, nâng cấp cơ sở hạ tầng, tạo diện mạo mới cho khu vực nông thôn. Đến nay 100% đường trục chính từ huyện đến trung tâm 21 xã đều được nhựa hóa hoặc bê tông hóa đảm bảo ô tô đi lại quanh năm; 90% tuyến đường giao thông nội bản được cứng hoá; qua đó từng bước đã đáp ứng nhu cầu sản xuất và đời sống của cộng đồng dân cư.
Thúc đẩy sản xuất nông nghiệp, huyện Điện Biên đã tích cực thực hiện chương trình tái cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với XDNTM. Huyện đã thực hiện ngay việc quy hoạch các vùng sản xuất chính: Vùng sản xuất lúa gạo – với cánh đồng Mường Thanh; vùng trồng cây ăn quả (mít, bưởi, dứa, bơ, thanh long, nhãn…); vùng sản xuất rau màu; vùng chăn nuôi (gia súc lớn: trâu, bò, dê lợn; gia cầm: gà, vịt); vùng lâm nghiệp trồng cây mắc ca, sa nhân tím… Từ đó người dân huyện Điện Biên đã chủ động phát triển sản xuất kinh tế hộ gia đình.
Cùng với đó huyện Điện Biên cũng thúc đẩy kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào lĩnh vực sản xuất nông nghiệp; đến nay đã có 1 doanh nghiệp đầu tư trồng cây sa nhân tím, 2 doanh nghiệp trồng mắc ca; đặc biệt toàn huyện đã phát triển được 14 sản phẩm OCOP (Mật ong hoa ban; Gạo Sén Cù Điện Biên Tâm Sáng, Gạo nếp nương Tâm Thiện…) tạo điều kiện thuận lợi để phát triển cho sản xuất nông nghiệp.
Thời gian qua, huyện Điện Biên đã xác định đúng trọng tâm, trọng điểm trong phát triển kinh tế, nhất là kinh tế nông nghiệp gắn với đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng nông thôn, XDNTM gắn với giảm nghèo bền vững. Huyện cũng đã lồng ghép và sử dụng hiệu quả các chương trình mục tiêu quốc gia như nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn; việc làm và dạy nghề; giảm nghèo và phát triển bền vững; y tế, giáo dục, văn hóa…
Ông Bùi Hải Bình – Chủ tịch UBND huyện Điện Biên cho hay, giờ đây dấu ấn XDNTM không chỉ hiện hữu ở mỗi xã, mỗi bản mà mỗi gia đình, người dân cũng đều có sự thay đổi. Từng tiêu chí, từng nhiệm vụ của Chương trình XDNTM được hoàn thành đã thúc đẩy, tạo đà để huyện Điện Biên ngày một phát triển; đến hết năm 2023 thu nhập bình quân đầu người trên địa bàn đạt 41,74 triệu đồng/người/năm; số hộ nghèo toàn huyện chỉ còn 1.992 hộ; đã có 18/21 xã đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn NTM.
Huyện Anh hùng thời kỳ đổi mới
Hoàn thành các tiêu chí XDNTM huyện Điện Biên đang khoác trên mình một diện mạo mới. Hiện nay, huyện Điện Biên đang tích cực rà soát, đánh giá, xác định rõ những nội dung công việc còn lại để xây dựng huyện cơ bản đạt chuẩn NTM vào năm 2025 theo Nghị quyết Đảng bộ huyện lần thứ XX đã đề ra và trở thành huyện đầu tiên của tỉnh Điện Biên cơ bản hoàn thành chương trình XDNTM.
Để hoàn thành mục tiêu trên, thời gian tới huyện Điện Biên cần tập trung tăng cường công tác lãnh đạo, chỉ đạo và quyết tâm chính trị của các cấp ủy đảng, chính quyền trong tổ chức chức thực hiện nhiệm vụ XDNTM, xác định đây là nhiệm vụ chính trị trọng tâm, thường xuyên của các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các tổ chức chính trị-xã hội, các ngành, cơ quan, đơn vị.
Tiếp tục tập trung đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội theo quy hoạch XDNTM. Ưu tiên cho xây dựng hệ thống giao thông huyện, xã, thôn, bản, đường nội đồng đảm bảo theo quy định, đáp ứng nhu cầu đi lại và sản xuất, lưu thông hàng hóa của nhân dân.
Huy động các nguồn lực để đầu tư xây dựng các thiết chế văn hóa, thể thao cấp huyện, xã; đầu tư cải tạo, nâng cấp hệ thống thủy lợi, chợ nông thôn, trạm y tế, hệ thống lưới điện, cải tạo, xây dựng hệ thống cung cấp nước sạch, trụ sở làm việc UBND xã, trụ sở công an…
Phát triển sản xuất, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập người dân gắn với giải quyết các vấn đề văn hóa, xã hội, môi trường, giảm nghèo và an sinh xã hội bền vững, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cư dân nông thôn.
Thực hiện tốt các chính sách an sinh xã hội, các cơ chế hỗ trợ tạo sinh kế cho hộ nông dân, hộ nghèo, tập trung nguồn lực cho phát triển kinh tế - xã hội để giảm nghèo ở các xã có tỷ lệ hộ nghèo cao. Tập trung huy động tối đa các nguồn lực và thực hiện lồng ghép có hiệu quả các nguồn vốn của các chương trình, dự án hỗ trợ có mục tiêu trên địa bàn và các nguồn vốn khác để thực hiện Chương trình XDNTM.
Cùng với đó huyện Điện Biên rất mong muốn tiếp tục nhận được sự quan tâm của Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, hỗ trợ bổ sung thêm nguồn lực cho địa phương để đầu tư nâng cấp, phát triển, hoàn thiện hệ thống cơ sở hạ tầng của các xã, thôn, bản trên địa bàn trong thời gian tới.
Chia sẻ thêm về việc thúc đẩy XDNTM gắn với giảm nghèo bền vững trên địa bàn, ông Bùi Hải Bình, Chủ tịch UBND huyện Điện Biên cho biết thêm: Chính quyền và người dân huyện Điện Biên cần phải nắm bắt những cơ hội, phát huy được những giá trị to lớn của địa phương mình đang có với cánh đồng Mường Thanh rộng lớn và nhiều điểm di tích lịch sử trọng điểm; gắn phát triển kinh tế với nông nghiệp, du lịch, xây dựng các tour du lịch tâm linh mạo hiểm gắn với lịch sử; giữ vững diện tích cánh đồng Mường Thanh gắn với phát triển du lịch sinh thái; lấy du lịch bản sắc văn hoá của đồng bào các dân tộc huyện Điện Biên làm trọng tâm, trọng điểm để phát triển du lịch homestay… phát triển kinh tế gắn với du lịch - “ngành công nghiệp” không khói, đời sống của bà con nông dân chắc chắn sẽ phát triển bền vững.
Tin tưởng rằng với những kế hoạch và việc làm cụ thể, huyện Điện Biên sẽ sớm hoàn thành mục tiêu mà Nghị quyết Đảng bộ huyện Điện Biên lần thứ XX, nhiệm kỳ 2020-2025 đã đề ra, đến năm 2025 huyện sẽ cơ bản đạt đô thị loại 5 và hoàn thành cơ bản huyện NTM (21/21 xã đạt chuẩn và cơ bản đạt chuẩn NTM, 2 xã đạt chuẩn NTM kiểu mẫu; tại các xã đạt chuẩn NTM, mỗi xã có trên 50% số thôn bản đạt chuẩn NTM kiểu mẫu và các xã còn lại có trên 60% thôn, bản đạt chuẩn NTM) 100% đường liên xã, trục xã bê tông hóa, nhựa hóa; thu nhập bình quân đầu người từ 50 triệu đồng trở lên…