Kết quả và ý nghĩa lịch sử của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước (1954-1975)
Xe tăng của Quân Giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập trưa ngày 30/04/1975. Ảnh tư liệu.
Kết quả 21 năm kháng chiến chống đế quốc Mỹ và tay sai
Đây là một trong những thắng lợi vĩ đại nhất, vẻ vang nhất trong lịch sử chống giặc ngoại xâm của dân tộc Việt Nam. Thắng lợi này đã chấm dứt 117 năm chủ nghĩa thực dân phương Tây xâm lược và đặt ách thống trị lên đất nước ta. Từ đây, Việt Nam đã sạch bóng quân xâm lược, đất nước thống nhất, nối liền một dải từ địa đầu Lũng Cú (tỉnh Hà Giang) đến Mũi Cà Mau (tỉnh Cà Mau), vùng trời và chủ quyền biển đảo được giữ vững (trừ quần đảo Hoàng Sa và một số đảo thuộc quần đảo Trường Sa vẫn bị nước ngoài chiếm giữ trái phép).
Âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta, biến miền Nam Việt Nam thành thuộc địa kiểu mới và căn cứ quân sự của Mỹ đã thất bại. Trong 21 năm (1954-1975), đế quốc Mỹ đã xây dựng ở miền Nam Việt Nam một bộ máy chiến tranh hoàn chỉnh nhằm thử nghiệm các loại hình chiến lược chiến tranh phản cách mạng toàn cầu của Mỹ. Bộ máy chiến tranh đó bao gồm, hệ thống chính quyền tay sai từ trung ương đến cơ sở, cùng với đó là lực lượng cảnh sát, quân đội khổng lồ với vũ khí trang bị hiện đại, bao gồm hàng nghìn máy bay, xe tăng, pháo binh, chiến hạm… Trong đó, riêng lực lượng quân đội của chính quyền tay sai lúc đông nhất lên tới hơn 1,3 triệu người với đầy đủ trang bị vũ khí hiện đại, cùng với khoảng 1,5 triệu người thuộc lực lượng bán vũ trang. Đặc biệt, trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, Mỹ đã huy động hơn 550 nghìn quân Mỹ và quân đồng minh của Mỹ cùng với phương tiện chiến tranh hiện đại nhất, trong đó có pháo đài bay B-52 trực tiếp tham chiến.
Trong cuộc chiến tranh xâm lược xâm lược Việt Nam, số quân Mỹ chết, bị thương và bị bắt hơn 360.000 người. Đây là cuộc chiến tranh kéo dài và tổn thất nhiều nhất về người và tiền của của đế quốc Mỹ. Tổng chi phí của Mỹ trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam lên tới 676 tỉ đô la .
Tuy nhiên, những hành động nêu trên của Mỹ và tay sai đã bị quân và dân Việt Nam trên cả hai miền Nam – Bắc đánh bại hoàn toàn. Trong đó, Việt Nam đã đánh bại âm mưu và hành động của Mỹ giúp sức chính quyền tay sai thực hiện chiến tranh trong những năm 1954-1960 và các chiến lược chiến tranh của Mỹ trong những năm tiếp theo, đó là: chiến tranh đặc biệt (1961-1965), chiến tranh cục bộ (1965-1968) và Việt Nam hóa chiến tranh (1969-1975). Trong 21 năm kháng chiến, quân và dân miền Nam đã lập nên vô vàn những chiến công nối tiếp chiến công, trong đó nổi bật nhất là phong trào Đồng khởi (1960), Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 và Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân 1975, giành thắng lợi hoàn toàn, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trong quá trình giành được những thắng lợi đó, nhân dân miền Nam đã thành lập được các tổ chức chính trị của mình nhằm tập hợp đông đảo các tầng lớp nhân dân tham gia chống Mỹ và chính quyền tay sai, đó là: Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam (1960), Liên minh các lực lượng dân tộc, dân chủ và hòa bình Việt Nam (1968); đến năm 1969, thành lập Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam.
Tại miền Bắc, quân và dân ta đã đánh bại hai cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân của Mỹ (lần thứ nhất (1965-1968), lần thứ hai năm 1972), bắn rơi hơn 4 nghìn máy bay các loại và hơn 130 tàu chiến, đồng thời đập tan kế hoạch đưa biệt kích, gián điệp ra phá hoại miền Bắc, bảo vệ vững chắc hậu phương lớn miền Bắc xã hội chủ nghĩa.
Bên cạnh đó, trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, quân và dân Việt Nam không chỉ thắng Mỹ trên chiến trường mà còn thắng Mỹ trên mặt trận ngoại giao. Mặc dù trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, ban đầu Mỹ đã lôi kéo được nhiều nước tham gia chống Việt Nam, thậm chí có một số nước gửi quân trực tiếp tham chiến, song bằng các biện pháp ngoại giao khôn khéo, linh hoạt, nhân dân Việt Nam đã nhận được sự đồng tình ủng hộ ngày càng rộng rãi của nhiều nước trên thế giới, nhất là Liên Xô, Trung Quốc, Lào, Campuchia, các nước xã hội chủ nghĩa anh em, các nước dân chủ nhân dân và và nhân yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới, trong đó có cả nhân dân Mỹ. Trên mặt trận ngoại giao, Việt Nam còn giành thắng lợi trên bàn đàm phán với Mỹ tại Hội nghị Paris. Buộc Mỹ phải rút hết quân Mỹ và quân đồng minh của Mỹ ra khỏi Việt Nam, tạo điều kiện cho cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam nhanh chóng tiến tới thắng lợi hoàn toàn.
Nhận định về thắng lợi của cuộc kháng chiến chống mỹ cứu nước, Báo cáo Chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IV (12-1976) của Đảng nêu rõ: “Năm tháng sẽ trôi qua, nhưng thắng lợi của nhân dân ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước mãi mãi được ghi vào lịch sử dân tộc ta như một trong những trang chói lọi nhất, một biểu tượng sáng ngời về sự toàn thắng của chủ nghĩa anh hùng cách mạng và trí tuệ con người, và đi vào lịch sử thế giới như một chiến công vĩ đại của thế kỷ XX, một sự kiện có tầm quan trọng quốc tế to lớn và có tính thời đại sâu sắc” .
Thắng lợi vĩ đại của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước bắt nguồn từ những nguyên nhân chủ yếu:
Một là, sự lãnh đạo đúng đắn sáng tạo của Đảng Lao động Việt Nam. Đảng đã đề ra đường lối chiến tranh cách mạng đúng đắn, kết hợp nhuần lí luận chủ Chủ nghĩa Mác-Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh với tinh thần chiến đấu kiên cường, bất khuất, thông minh, sáng tạo của toàn thể dân tộc Việt Nam.
Hai là, thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là do sự chiến đấu bền bỉ, dẻo dai, anh dũng của quân và dân cả nước Việt Nam, đặc biệt là các tổ chức đảng, đồng bào chiến sĩ miền Nam đã đoàn kết một lòng, phát huy chủ nghĩa anh hùng cách mạng, sẵn sàng hy sinh tính mạng và tài sản, quyết tâm “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”.
Ba là, vai trò to lớn của hậu phương lớn miền Bắc với chế độ xã hội ưu việt và những phong trào thi đua yêu nước sôi nổi của tất cả các giai tầng, các lực lượng xã hội của miền Bắc với tinh thần tất cả vì miền Nam ruột thịt.
Bốn là, trên cơ sở đường lối chiến tranh cách mạng đúng đắn, Đảng đã đề ra được phương pháp cách mạng phù hợp với mỗi giai đoạn của cuộc kháng chiến, trong đó bao trùm lên là kết hợp giữa đấu tranh chính trị với đấu tranh vũ trang; giữa đấu tranh vũ tranh với chính trị và binh vận; tiến hành từ Đồng khởi đến tổng tiến công và nổi dậy để kết thúc chiến tranh.
Năm là, sự ủng hộ và giúp đỡ to lớn và có hiệu quả của Liên Xô, Trung Quốc và các nước xã hội chủ nghĩa anh em, của liên minh chiến đấu giữa ba nước Việt Nam, Lào, Campuchia, sự ủng hộ của nhân dân và các lực lượng hoà bình, tiến bộ trên thế giới, trong đó có nhân dân Mỹ.
Ý nghĩa thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước
Thắng lợi của của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước là thắng lợi vĩ đại của dân tộc Việt Nam trong thế kỷ XX. Thắng lợi này đã kết thúc 30 năm (1945-1975) tiến hành chiến tranh giải phóng dân tộc và bảo vệ Tổ quốc, mang lại nền độc lập, thống nhất trọn vẹn cho dân tộc, mở ra bước ngoặt vĩ đại, thiết lập quyền làm chủ thật sự của nhân dân, đưa cả nước ta quá độ lên chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi này đã nâng truyền thống yêu nước, ý chí độc lập, tự chủ, tự cường của dân tộc Việt Nam lên tầm cao mới.
Độc lập, tự do là khát vọng to lớn của toàn thể dân tộc Việt Nam trong suốt quá trình lịch sử. Trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước, để giành độc lập, tự do, thực hiện thống nhất đất nước, nhân dân cả nước ta đã anh dũng chiến đấu theo khẩu hiệu trong Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến (1946) của Chủ tịch Hồ Chí Minh: “Chúng ta thà hy sinh tất cả, chứ nhất định không chịu mất nước, nhất định không chịu làm nô lệ”! và khẩu hiệu chiến đấu trong Lời kêu gọi ngày 17-7-1966 của Người: “Chiến tranh có thể kéo dài 5 năm, 10 năm, 20 năm hoặc lâu hơn nữa. Hà Nội, Hải Phòng và một số thành phố, xí nghiệp có thể bị tàn phá, song nhân dân Việt Nam quyết không sợ! Không có gì quý hơn độc lập, tự do. Đến ngày thắng lợi, nhân dân ta sẽ xây dựng lại đất nước ta đàng hoàng hơn, to đẹp hơn!”
Với quyết tâm sắt đá đó, nhân dân cả nước ta sẵn sàng chấp nhận sự hy sinh, anh dũng chiến đấu kiên cường, dũng cảm để giành lại nền độc lập, tự do và thống nhất. Để xây dựng lại đất nước giàu đẹp hơn, nhân dân có cuộc sống ấm no, hạnh phúc. Với một dân tộc có quyết tâm cao, có Đảng sáng suốt dẫn đường như vậy, không một thế lực xâm lược cường bạo nào có thể khuất phục được.
Thắng lợi của nhân dân Việt Nam làm thức tỉnh lương tri của loài người, góp phần tăng thêm sức mạnh và thế tiến công của cách mạng trên thế giới, đem lại lòng tin và niềm phấn khởi cho hàng trăm triệu người trên trái đất đang đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội. Thắng lợi này, cùng với thắng lợi của cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp, hai tiếng “Việt Nam” đã trở thành biểu tượng chiến thắng đối với phong trào giải phóng dân tộc, chống chủ nghĩa thực dân trên phạm vi toàn thế giới, đặc biệt là đối với các nước châu Á, Phi và Mỹ la tinh. Ngay trong thời gian cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam vẫn chưa thắng lợi hoàn toàn, đã có nhiều nước đặt quan hệ ngoại giao với Chính phủ Việt Nam dân chủ cộng hòa và Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam. Năm 1973, Sau khi Hiệp định Paris được ký kết, Chủ tịch Cuba Fidel Castro đã đến thăm vùng “đất lửa” Quảng Trị để biểu thị sự ủng hộ đối với cuộc kháng chiến chống đế quốc Mỹ và tay sai của nhân dân Việt Nam. Tại đây, Chủ tịch Fidel Castro đã tuyên bố: “Vì Việt Nam, Cuba sẵn sàng hiến dâng cả máu của mình”.
Thắng lợi của cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của nhân dân Việt Nam đã giáng một đòn mạnh mẽ, báo hiệu sự sụp đổ hoàn toàn của chủ nghĩa thực dân mới trên phạm vi toàn thế giới. Thắng lợi này của nhân dân Việt Nam đã phá vỡ một phòng tuyến quan trọng của đế quốc Mỹ hòng ngăn chặn làn sóng cách mạng tràn xuống Đông Nam Á, làm đảo lộn chiến lược toàn cầu phản cách mạng của đế quốc Mỹ. Quân đội Việt Nam Cộng hòa - đội quân tay sai mạnh nhất của Mỹ bị tiêu diệt hoàn toàn, đã làm cho đồng minh Mỹ ở khắp nơi trên thế giới bắt đầu mất lòng tin vào khả năng của Mỹ, làm phá sản tâm lý thần tượng Mỹ, phục Mỹ và sợ Mỹ. Sau thất bại này ở Việt Nam, đế quốc Mỹ đã điều chỉnh chiến lược toàn cầu phản cách mạng, chuyển mạnh sang thực hiện chiến lược “diễn biến hòa bình”, phá hoại các nước xã hội chủ nghĩa xã hội và phong trào cộng sản quốc tế từ chính trong lòng các nước, các phong trào ấy.
Nhận định về ý nghĩa thắng lợi của 30 năm kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ xâm lược, Báo cáo Chính trị tại Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ IX của Đảng (2001) nhấn mạnh: “Thắng lợi của các cuộc kháng chiến oanh liệt để giải phóng dân tộc, bảo vệ Tổ quốc, đánh thắng chủ nghĩa thực dân cũ và mới, hoàn thành cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân, thực hiện thống nhất Tổ quốc, đưa cả nước đi lên chủ nghĩa xã hội, góp phần quan trọng vào cuộc đấu tranh của nhân dân thế giới vì hoà bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội”.
TS. Nguyễn Danh Lợi - Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh
- Cà Mau: GRDP nông, lâm, ngư nghiệp tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước
- Bình Dương phấn đấu trở thành đô thị loại I và thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030
- Đến năm 2030, phấn đấu trên 90% diện tích lúa, rau màu, cây ăn trái áp dụng IPHM
- Vĩnh Long: Định hướng cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới