Học hỏi làm giàu

Lập nghiệp thành công nhờ mô hình nuôi thỏ

Tuệ Anh (thực hiện) - 10:57 23/01/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) Anh Nguyễn Ngọc Thạch ở xã Sao Mai, huyện Chi Lăng, tỉnh Lạng Sơn là một trong những nông dân trẻ tiêu biểu. Anh được Trung ương Hội NDVN chọn là 1 trong 63 “Nông dân xuất sắc” năm 2020; năm 2022, anh là một trong số đại biểu tham dự Hội nghị Nông dân sản xuất kinh doanh giỏi và được nhận Bằng khen của T.Ư Hội NDVN

Với quy mô trang trại hơn 700m2, nuôi hơn 6.000 con thỏ trong đó có 500 thỏ sinh sản, mô hình chăn nuôi khép kín, trung bình 1 tháng anh Thạch xuất bán hơn 1.200 con thỏ tương đương với gần 2.800kg thỏ thương phẩm thì mỗi năm gia đình anh Nguyễn Ngọc Thạch thu về khoảng 1 tỷ đồng tiền lãi. Không chỉ biết làm ăn, anh Thạch còn giúp nhiều hộ nông dân khác thoát nghèo và làm giàu.
Nhân dịp đầu Xuân năm 2023, phóng viên Tạp chí Nông thôn mới đã có cuộc trò chuyện ngắn với anh Nguyễn Ngọc Thạch, người cầm tinh con Mèo (sinh năm 1987 - tuổi Đinh Mão) về những kinh nghiệm làm giàu.

Kiểm tra thỏ bố mẹ thường xuyên để đảm bảo chất lượng con giống.

Lập nghiệp thành công nhờ mô hình nuôi thỏ khi tuổi đời còn khá trẻ, anh có thể chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình lựa chọn nuôi con vật này không?

Tôi quyết định chọn giống thỏ NewZealand để khởi nghiệp là vì tôi nhận thấy nó có nhiều ưu điểm hơn so với các giống thỏ thông thường như: Sinh trưởng và phát triển nhanh, sinh sản nhiều, thịt thơm ngon, đồng thời ít dịch bệnh, giá bán thỏ trên thị trường khá ổn định.

Trước khi lựa chọn con vật này, tôi cũng đã đi khắp nơi, làm nhiều nghề khác nhau nhưng thấy không hiệu quả, chính vì vậy tôi quyết định trở về quê hương lập nghiệp. Lúc đó, điều kiện kinh tế gia đình còn nhiều khó khăn, chủ yếu là trồng lúa và cây hoa màu, hiệu quả kinh tế thấp, vì vậy tôi cũng tìm hiểu, nhờ người thân, bạn bè tư vấn rồi mới làm. Quyết là làm, tôi đã lặn lội tới các trang trại nuôi thỏ ở các tỉnh, thành phố như: Hà Nội, Bắc Giang, Ninh Bình… để học cách làm,  kỹ thuật và mua giống về nuôi.

Với số tiền dành dụm được và vay mượn thêm, năm 2012, tôi quyết định xây dựng chuồng trại với diện tích hơn 100m2 và 350 con giống. Những ngày đầu chưa có kinh nghiệm, thỏ bị bệnh chết nhiều. Không nản lòng, tôi lại tiếp tục nuôi, tự tìm hiểu qua sách báo và các phương tiện thông tin đại chúng, lại lên đường đến các mô hình đã thành công trên địa bàn trong và ngoài tỉnh để tích lũy thêm kinh nghiệm.

Trong quá trình chăn nuôi tôi thấy giống thỏ là loại động vật gặm nhấm, thức ăn chủ yếu là cám công nghiệp và cỏ; dễ nuôi và phù hợp với khí hậu địa phương. Tuy nhiên, trong những tháng mùa Đông cũng gặp không ít khó khăn do nguồn cỏ của gia đình chưa chủ động được. Để khắc phục tình trạng này, tôi đã tận dụng diện tích đất có sẵn của gia đình để đầu tư trồng cỏ phục vụ chăn nuôi thỏ. Bên cạnh đó, việc xử lý chuồng trại để thỏ sạch sẽ, không bị mùi làm ảnh hưởng tới những hộ gia đình xung quanh cũng là một vấn đề cần giải quyết.

Vì vậy, năm 2014, tôi đã xây dựng chuồng trại khép kín, có hệ thống gom phân thỏ phía dưới để tận dụng phân thỏ rơi. Phân thỏ sẽ theo đường thoát xuống hố biogas, tận dụng làm chất đốt, đồng thời tận dụng nuôi giun quế làm thức ăn nuôi cá và gà.

Giống thỏ New Zealand ít bệnh tật, nhưng để nuôi thành công cần chăm sóc kỹ càng, dành nhiều thời gian để trông nom, theo dõi thường xuyên. Với điều kiện thời tiết  mùa Hè nhiệt độ cao thỏ phát triển chậm hơn nên chú ý đảm bảo nhiệt độ trong chuồng để chăn nuôi hiệu quả hơn. Qua một thời gian nuôi, tôi thấy mô hình này mang lại hiệu quả kinh tế cao, chi phí đầu tư không quá lớn, công chăm sóc và diện tích chuồng nuôi không nhiều. Hiện nay, bình quân mỗi con thỏ mẹ để 6-7 lứa/năm, thời gian nuôi để xuất chuồng là 3 tháng. 

Thỏ nuôi đạt trọng lượng quy định mới có thể xuất bán.

Được biết, anh còn nuôi thỏ để xuất khẩu sang Nhật, làm thế nào để giữ chân khách hàng, thưa anh?

Hiện nay, thỏ thịt của trang trại được tiêu thụ ở nhiều các tỉnh, thành ở phía Bắc. Bên cạnh bán lẻ cho các nhà hàng, tôi còn ký hợp đồng với Công ty Nippon Zoki của Nhật Bản trong việc bao tiêu sản phẩm. Còn thỏ giống cũng được nhiều hộ trong và ngoài tỉnh đặt mua.

Để giữ được chân của khách hàng, tôi cần đảm bảo tất cả quy trình từ chăm sóc, nuôi dưỡng, tiêm phòng đến thức ăn cho thỏ đều được theo dõi chặt chẽ. Thỏ nuôi trong khoảng thời gian từ 90-100 ngày và phải đạt trọng lượng từ 2,3 kg trở lên thì mới đủ điều kiện xuất bán.

Riêng với đối tác Nhật Bản, 2 tháng một lần người của Công ty sẽ kiểm tra định kỳ. Để đảm bảo chất lượng thịt, thỏ ở đây chủ yếu ăn cám công nghiệp, loại cám nhiều chất xơ để thỏ không quá nhiều mỡ. Thỏ được nuôi theo quy chuẩn mà Công ty đưa ra. Hệ thống chuồng trại được xây thoáng mát, có hệ thống quạt công suất lớn, lồng nuôi sắp xếp khoa học. Khi xuất bán lông thỏ phải bóng đẹp bởi khách hàng Nhật yêu cầu rất kĩ bởi họ sử dụng bộ lông để làm các sản phẩm thời trang.

Năm Quý Mão 2023, theo quan niệm dân gian được coi là năm tuổi của anh, anh có mong muốn, kỳ vọng về điều gì?

Từ những thành công đạt được, nhiều người dân trong vùng đã đến tìm hiểu về mô hình và kỹ thuật nuôi thỏ. Hàng năm tôi đã hướng dẫn và phổ biến kiến thức, kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh cho trên 30 hội viên, nông dân. Ngoài ra, tôi còn hỗ trợ cho 5 hộ gia đình khó khăn vay vốn để phát triển kinh tế. Trang trại của gia đình còn tạo việc làm cho 5-8 lao động ở địa phương với thu nhập ổn định từ 5- 7 triệu đồng/tháng.

Có thể nói, sau 10 năm vất vả cố gắng, giờ đây trang trại cũng đi vào hoạt động ổn định hơn. Tôi thấy may mắn vì có gia đình luôn ủng hộ, hỗ trợ những lúc tôi khó khăn, nản chí. 

Năm mới theo quan niệm là năm tuổi của tôi nhưng không nói lên điều gì, tôi dự kiến sẽ mở rộng quy mô tăng đàn lên 3.000 nái để đáp ứng nhu cầu của thị trường. Hy vọng mọi việc sẽ thuận lợi.

Xin cảm ơn anh!
 

Tin cùng chuyên mục
Tin khác