Phong trào nông dân

Măng tây xanh – Cây làm giàu trên vùng khô hạn

07:11 12/08/2021 GMT+7
Ninh Thuận được coi là vùng đất khô hạn nhất cả nước nên việc chọn lựa cây trồng, vật nuôi thích nghi luôn là nỗi trăn trở. Hiểu được nỗi lo của bà con, ông Hùng Ky – hội viên nông dân (ND) thôn Tuấn Tú đã tìm tòi và đưa cây măng tây xanh

Ninh Thuận được coi là vùng đất khô hạn nhất cả nước nên việc chọn lựa cây trồng, vật nuôi thích nghi luôn là nỗi trăn trở. Hiểu được nỗi lo của bà con, ông Hùng Ky – hội viên nông dân (ND) thôn Tuấn Tú đã tìm tòi và đưa cây măng tây xanh về vùng đất này. Ông còn nuôi bò, làm tổ yến và thành lập Hợp tác xã để liên kết làm ăn hiệu quả. Học từ ông, nhiều nông dân đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu.

Ông Hùng Ky chia sẻ về mô hình trồng măng tây xanh.

Kiếm tiền tỷ trên vùng khô hạn

Ông Hùng Ky (dân tộc Chăm, thôn Tuấn Tú, xã An Hải, huyện Ninh Phước, tỉnh Ninh Thuận) đã có công biến vùng đất cát, khô cằn trở nên trù phú. Với trên 2ha măng tây xanh gia đình ông có thu nhập tiền tỷ mỗi năm. Ông kể rằng: Năm 1989, sau sau khi tốt nghiệp lớp 12 tại trường THPT Dân tộc nội trú Phan Rang, do điều kiện kinh tế eo hẹp nên ông không học lên đại học và trở về quê hương làm thuê kiếm sống rồi lập gia đình.

Thời gian đầu, chỉ có hai bàn tay trắng, vợ chồng ông phải lặn lội đi chăn bò thuê ở Tân Mỹ (Ninh Sơn) để kiếm sống. Gần 11 năm chăn bò tích góp được ít vốn liếng, ông quay về làng mua hơn 2ha đất để trồng hoa màu. Bước đầu, vợ chồng ông trồng củ cải trắng, cà rốt, cây lạc. Nhờ thời tiết thuận lợi và được giá nên ông có chút vốn đầu tư khoan giếng làm hệ thống tưới nước tiết kiệm.

Thấy người dân ở nhiều nơi có thu nhập cao từ cây măng tây xanh, năm 2012 gia đình ông đã chuyển một phần đất sang trồng loại cây này. “Những ngày đầu mới đưa giống măng tây về đây trồng, một số người địa phương nói tôi khùng hay sao mà lại trồng cây gì lạ vậy. Bỏ chuyện ngoài tai, tôi vẫn quyết tâm làm cho bằng được. Sản phẩm măng tây xanh lúc đầu chỉ bán quanh quẩn ở địa phương và dần dần mở rộng ra thị trường các tỉnh khu vực lân cận”, ông Hùng Ky nhớ lại.

Giai đoạn đầu, sản xuất bằng phương pháp tưới tràn vừa tốn công lao động, vừa tăng chi phí sản xuất thu nhập đạt lợi nhuận thấp. Từ năm 2015, khi nhà nước có chủ trương chuyển đổi cây trồng theo quy hoạch chung của địa phương. Lúc này, Hội ND tỉnh triển khai dự án chuyển giao khoa học công nghệ và ứng dụng mô hình tưới nước tiết kiệm trên vùng đất cát sản xuất rau an toàn xã An Hải. Tiếp đó là tổ chức Phát triển quốc tế tại Việt Nam (IDE Việt Nam) tài trợ chương trình tưới nước tiết kiệm trên vùng đất cát.

Được sự hỗ trợ của Hội ND, ông Hùng Ky đã đăng ký trình diễn mô hình tưới nước tiết kiệm trên diện tích 2.000m2. Hội ND xã và huyện tạo điều kiện cho ông tham gia các lớp học chuyển giao khoa học kỹ thuật trong sản xuất, các lớp hội thảo đầu bờ, kỹ thuật trồng rau, chăn nuôi, khuyến nông, dư lượng bảo vệ thực vật, mô hình tưới nước tiết kiệm…. Nhờ đó, ông đã ứng dụng mô hình tưới nước tiết kiệm, khai thác diện tích đất hoang chưa sản xuất, đến nay diện tích đất sản xuất nông nghiệp tăng lên 2,5ha.

Trên diện tích đó, ông dành 2,1ha trồng măng tây xanh sử dụng hệ thống tưới nước thông minh. Với năng suất 2,4 tấn/ha/năm, sau khi trừ chi phí, đem lại cho ông lợi nhuận gần 3 tỷ đồng/năm. Gia đình ông còn trồng 0,4ha cỏ để nuôi 20 con bò sinh sản. Mỗi năm có thêm nguồn lợi nhuận khoảng 160 triệu đồng. Ngoài ra, ông còn đầu tư hơn 700 triệu đồng để làm nhà sơ chế sản xuất tổ yến. Hiện đem lại nguồn lợi nhuận khoảng 500 triệu đồng/năm. Cơ sở sản xuất của ông đang tạo việc làm cho 21 lao động với mức thu nhập từ 4,5 đến 5 triệu đồng/tháng.

Trang trại nuôi bò sinh sản của gia đình ông Hùng Ky.

Thành lập hợp tác xã để “vươn khơi”

Để chia sẻ kinh nghiệm, giúp ND thoát nghèo, ông Hùng Ky đã quyết định thành lập Hợp tác xã Tuấn Tú (HTX). Ban đầu, chỉ có 13 thành viên đến nay, HTX phát triển lên 64 thành viên, hoạt động chính là chuyên trồng măng tây xanh, với diện tích trên 35ha theo mô hình cánh đồng lớn.

Là Giám đốc HTX, ông Hùng Ky luôn nỗ lực và hỗ trợ các thành viên chia sẻ, trao đổi kinh nghiệm trong sản xuất, nâng cao năng suất và sản lượng cây trồng theo hướng an toàn làm cơ sở để đánh giá chất lượng sản phẩm, đảm bảo số lượng hàng hóa cung cấp thị trường. Để nâng cao giá trị sản phẩm măng tây xanh, hiện nay HTX Tuấn Tú đẩy mạnh sản xuất măng tây theo tiêu chuẩn VietGAP. Đồng thời, có kế hoạch mở rộng diện tích trồng măng tây xanh theo tiêu chuẩn hữu cơ.

“HTX trồng măng tây xanh không sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, đảm bảo các tiêu chí về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm để đưa các sản phẩm măng tây xanh vào hệ thống các siêu thị, nhà hàng, nâng cao hiệu quả kinh tế cho thành viên HTX” – ông Hùng Ky nói.

HTX còn được Hội ND và UBND xã tổ chức nhiều lớp tập huấn chuyển giao khoa học công nghệ; tập huấn quy trình sản xuất, mở 02 lớp học nghề ngắn hạn cho hội viên ND. Nhờ đó, HTX đã hình thành chuỗi liên kết từ cung ứng vật tư đầu vào đến sản phẩm đầu ra. Bà con ND ứng dụng khoa học công nghệ, chuyển dần canh tác nông nghiệp thuần túy sang nông nghiệp công nghệ, nhiều hộ đã có thu nhập ổn định.

Đánh giá về hiệu quả của việc liên kết, ứng dụng công nghệ trồng măng tây xanh của HTX, ông Hùng Ky cho biết: Cây măng tây xanh cho hiệu quả cao hơn hẳn các cây trồng thuộc họ rau, hiệu quả đạt từ 1,7 đến 2,7 lần so với chi phí đầu tư ban đầu. Đồng thời, góp phần giải quyết việc làm trong nông thôn, nâng cao năng suất lao động, tăng thêm thu nhập bình quân, khai thác hiệu quả nguồn tài nguyên đất.

Ông Phạm Hữu Luận – Phó Chủ tịch Hội ND huyện Ninh Phước cho biết, mô hình trồng măng tây xanh hữu cơ áp dụng công nghệ tưới nước tiết kiệm của ông Hùng Ky đang cho thu nhập cao và sản phẩm đầu ra luôn ổn định.

“Mô hình trồng măng tây xanh của ông Hùng Ky đã tạo điều kiện cho hàng chục lao động của địa phương có thu nhập ổn định và giúp nhiều người thoát nghèo vươn lên làm giàu ngay tại quê hương. Cách nghĩ, cách làm của ông đang được nhiều bà con học tập kinh nghiệm…”, ông Phạm Hữu Luận khẳng định.
Ông Hùng Ky cũng luôn gương mẫu đi đầu trong các hoạt động xã hội tại địa phương. Mỗi năm, gia đình ông tạo điều kiện giúp đỡ cho 20 hộ ND nghèo với hình thức hỗ trợ vay vốn không tính lãi để đầu tư sản xuất. Mỗi năm, ông còn tặng hơn 10 phần quà cho học sinh nghèo, mỗi phần trị giá 200 nghìn đồng.

“Mong muốn của tôi là mỗi năm vận động được khoảng 20 hộ nghèo và cận nghèo trong thôn vào HTX. Để giúp họ ứng dụng công nghệ, khai thác những diện tích đất bỏ hoang do khô hạn nhằm mở rộng diện tích trồng măng tây xanh. Đây là giải pháp hiệu quả nhất giúp người nghèo vươn lên làm giàu”.
Ông Hùng Ky.

Việt Quang

Tin cùng chuyên mục
Tin khác