Nam Định: Tiên phong xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu
Xây dựng nông thôn mới từ nguồn lực nhân dân
Theo ông Trần Anh Dũng - Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nam Định, để trở thành "Tỉnh Nông thôn mới", Nam Định cũng trải qua nhiều khó khăn, lúng túng, nhất là vào những ngày đầu bắt tay vào xây dựng nông thôn mới. Do là tỉnh ven biển, Nam Định thường xuyên hứng chịu thiên tai, mưa, bão, cuộc sống người dân cũng như sản xuất nông nghiệp bị ảnh hưởng, thậm chí tổn thất nặng nề. Thu ngân sách của tỉnh thấp nên nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp, nông thôn còn rất hạn chế.
Lợi thế lớn nhất của Nam Định khi đó, theo ông Trần Anh Dũng, chính là nguồn lực từ nhân dân. Ngay từ những ngày đầu xây dựng nông thôn mới, tỉnh Nam Định đã bám sát quan điểm người dân là trọng tâm - vừa là chủ thể, vừa là nguồn lực, cũng như là đối tượng được thụ hưởng.
Năm 2009, khi huyện Hải Hậu được lựa chọn làm điểm thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, trung bình các xã trong huyện mới đạt 7/19 tiêu chí; thu nhập bình quân đầu người được hơn 10 triệu đồng/ người/năm, tỉ lệ hộ nghèo theo chuẩn cũ còn cao...
Để tạo đột phá, Huyện ủy, UBND huyện Hải Hậu đã huy động tất cả nguồn lực hỗ trợ xây dựng nông thôn mới, nhất là nguồn xã hội hóa, sự đóng góp của người dân và con em xa quê.
Chính từ sự đồng thuận, đóng góp của người dân, sau 6 năm, huyện Hải Hậu đã được công nhận huyện nông thôn mới, ghi mốc son huyện nông thôn mới đầu tiên cả nước. Tỉnh Nam Định được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Nhất trong phong trào "Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới".
Đường giao thông nông thôn tại xã Nam Hồng, Nam Trực, Nam Định. Ảnh Bảo Minh
Và chỉ 4 năm sau, năm 2019, Nam Định đã được Thủ tướng Chính phủ trao Huân chương Độc lập hạng Ba với thành tích là tỉnh đầu tiên trở thành "Tỉnh Nông thôn mới", về đích sớm hơn 1,5 năm so với mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX và sớm hơn 1,5 năm so với Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới.
Hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội của huyện, tỉnh được đầu tư đồng bộ theo quy hoạch bài bản, phát triển theo hướng hiện đại, sáng - xanh - sạch - đẹp; Kinh tế nông nghiệp, nông thôn phát triển mới với quy mô, trình độ, hiệu quả cao hơn; Cuộc sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên rõ rệt; Diện mạo nông thôn thay đổi toàn diện trở thành những miền quê ấm no, giàu có và hạnh phúc.
52% xã, thị trấn đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao
Ngay sau khi trở thành "Tỉnh Nông thôn mới", Nam Định đã tập trung xây dựng nông thôn mới nâng cao, nông thôn mới kiểu mẫu và Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP) bước đầu đạt kết quả tích cực, tạo tiền đề vững chắc.
Đến nay, tỉnh Nam Định đã có 106/204 (52%) xã, thị trấn đạt chuẩn nông thôn mới nâng cao (hoàn thành mục tiêu xã nông thôn mới nâng cao ngay trong năm đầu thực hiện Nghị quyết số 06-NQ/TU, vượt 4 năm so với mục tiêu đề ra). Trong đó, huyện Hải Hậu 34 xã, Nghĩa Hưng 17 xã, Nam Trực 11 xã, Trực Ninh 10 xã, Vụ Bản 10 xã, Ý Yên 9 xã, Xuân Trường 7 xã, Giao Thủy 6 xã và Mỹ Lộc 2 xã.
Đã có trên 600 thôn, xóm, tổ dân phố đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu; trong đó huyện Hải Hậu có 331 xóm, tổ dân phố đạt chuẩn nông thôn mới kiểu mẫu. Đã có 255 sản phẩm OCOP được công nhận đạt hạng từ 3 sao trở lên.
Tuy nhiên, theo ông Trần Anh Dũng, Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Nam Định thì, hiện nay phong trào xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu chưa đồng đều, tiến độ thực hiện ở một số xã còn chậm, huy động nguồn lực còn hạn chế; Công tác bảo vệ môi trường, cung cấp nước sạch tập trung chưa thực sự bền vững...
Từ thực tế đó, ngày 18/6/2021, Ban Chấp hành Đảng bộ Nam Định đã ban hành Nghị quyết số 06-NQ/TU về xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu giai đoạn 2021-2025.
Mục tiêu then chốt của Nghị quyết là xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu để đời sống vật chất và tinh thần của người dân giàu có và thịnh vượng, tiệm cận với đô thị; Tiếp tục xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội đồng bộ, hiện đại và kết nối chặt chẽ với đô thị hóa; Đưa kinh tế nông thôn phát triển mạnh mẽ, sản xuất tiên tiến, nông dân chuyên nghiệp, chú trọng nông nghiệp sạch, công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến, thương mại, dịch vụ, du lịch và ứng phó với biến đổi khí hậu; môi trường, cảnh quan sáng - xanh - sạch - đẹp; hệ thống chính trị được tăng cường; quốc phòng, an ninh trật tự được giữ vững; xã hội dân chủ, đoàn kết, văn minh, giàu bản sắc văn hóa.
Bảy giải pháp trọng tâm xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu
Để cụ thể hóa mục tiêu trên, Nghị quyết cũng đề ra 7 giải pháp trọng tâm, trong đó tập trung lãnh đạo, chỉ đạo triển khai toàn diện các nhiệm vụ xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu.
Đó là, phát triển kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, đảm bảo kết nối nông thôn - đô thị và liên vùng; Chú trọng đầu tư xây dựng mới kết cấu hạ tầng, ưu tiên hạ tầng giao thông, công nghiệp, thương mại, dịch vụ, khu "đô thị mới" ở nông thôn, khu xử lý rác thải tập trung liên huyện, liên vùng... khai thác tối đa các tiềm năng, lợi thế sẵn có.
Tập trung huy động, quản lý, sử dụng hiệu quả các nguồn lực, nhất là xã hội hóa để xây dựng nông thôn mới nâng cao, kiểu mẫu; khuyến khích các mô hình người dân tự chủ, tự làm, tự chịu trách nhiệm trong xây dựng, quản lý, khai thác các cơ sở hạ tầng, thiết chế văn hóa.
Đẩy mạnh phát triển sản xuất, nâng cao thu nhập của người dân, cơ cấu lại ngành Nông nghiệp nâng cao năng suất, giá trị gia tăng và phát triển bền vững; Chú trọng thu hút các doanh nghiệp lớn đầu tư, phát triển nông nghiệp sạch, hữu cơ, ứng dụng công nghệ cao gắn với công nghiệp chế biến; Tăng cường hợp tác quốc tế trong sản xuất nông nghiệp.
Sản phẩm OCOP tỉnh Nam Định. Ảnh tư liệu Chu Khôi
Triển khai hiệu quả Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP); Phát triển công nghiệp, dịch vụ, ngành nghề gắn với du lịch sinh thái, du lịch nông thôn khai thác tiềm năng và thành tựu của nông thôn mới; Tiếp tục thu hút đầu tư xây dựng hạ tầng cụm công nghiệp, tạo mặt bằng sạch thu hút các nhà đầu tư thứ cấp.
Quan tâm bảo vệ môi trường, cải tạo cảnh quan nông thôn; Phát triển toàn diện văn hóa - xã hội. Xây dựng hệ thống chính trị vững mạnh từ cơ sở; nâng cao năng lực bộ máy, đổi mới phương thức quản lý, đẩy mạnh cải cách hành chính; phát huy vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể; Đảm bảo an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội, xây dựng nông thôn đoàn kết, đồng thuận, kỷ cương, bình yên, hạnh phúc.
Theo Chinhphu.vn