Thời sự trong nước

Ngành y tế cần xác định những vấn đề ưu tiên, cấp bách, tập trung xử lý dứt điểm

08:00 31/01/2023 GMT+7
Đây là yêu cầu của Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà tại cuộc làm việc với Bộ Y tế dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, chiều 30/1.

Ngành y tế xác định những vấn đề ưu tiên, cấp bách, tập trung xử lý dứt điểm - Ảnh 1.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn yêu cầu Bộ Y tế có giải pháp hiệu quả để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thể chế trong mua sắm, đấu thầu, xã hội hóa… - Ảnh: VGP/Minh Khôi

Báo cáo với Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội và Đoàn công tác về công tác y tế năm 2022, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết, từ những kết quả đã đạt được, năm 2023, Bộ đặt mục tiêu phát triển hệ thống y tế công bằng, chất lượng, hiệu quả, bền vững, tập trung kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19 và các dịch bệnh mới phát sinh; tăng cường y tế cơ sở, y tế dự phòng, nâng cao năng lực điều trị ở tất cả các tuyến; giải quyết dứt điểm tình trạng thiếu nhân lực, thuốc, trang thiết bị, vật tư, sinh phẩm y tế.

Đáng chú ý, Bộ Y tế sẽ tập trung tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách. Cụ thể là xây dựng và triển khai hệ thống văn bản hướng dẫn Luật Khám bệnh, chữa bệnh (sửa đổi); tiếp tục sửa đổi Luật Dược, Luật Dân số, Luật Bảo hiểm y tế, Luật Phòng bệnh, Luật Trang thiết bị y tế…; phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch và Đầu tư sửa đổi Luật Giá, Luật Đấu thầu, nhất là đối với các nội dung liên quan đến lĩnh vực y tế.

Bộ trưởng Bộ Y tế kiến nghị, đối với Quốc hội, tiếp tục tăng chi ngân sách cho y tế bảo đảm cao hơn tốc độ tăng chi bình quân chung, tập trung cho y tế dự phòng, y tế cơ sở, bệnh viện ở vùng khó khăn, biên giới, hải đảo, các lĩnh vực phong, lao, tâm thần...; hỗ trợ các địa phương có khó khăn đầu tư cho các trạm y tế xã,...

Chăm sóc sức khoẻ nhân dân "từ sớm, từ xa"

Phát biểu tại cuộc làm việc, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định và bày tỏ cảm ơn Quốc hội đã luôn quan tâm, tạo điều kiện về hành lang pháp lý để ngành y tế thực hiện tốt công tác chăm sức khoẻ cho người dân với phương châm "từ sớm, từ xa".

Theo Phó Thủ tướng, trước khi đại dịch COVID-19 xuất hiện, ngành y tế, đội ngũ y bác sĩ đã hết sức năng động, sáng tạo, trách nhiệm và đạt được những kết quả, thành tựu được đánh giá cao trong chăm sóc sức khoẻ cho người dân, phát triển khoa học công nghệ trong lĩnh vực sức khoẻ (sản xuất vaccine, ghép tạng, làm chủ nhiều kỹ thuật điều trị tiên tiến nhất…).

Trong thời gian đại dịch COVID-19 hoành hành, ngành y tế, từng y bác sĩ đã cống hiến hết sức mình, là lực lượng nòng cốt tham gia tuyến đầu chống dịch.

"Chúng ta cần nhìn nhận toàn diện những nỗ lực, cố gắng của ngành y tế và cả những bài học rút ra trong quá trình phòng, chống đại dịch COVID-19", Phó Thủ tướng nói và cho rằng việc Quốc hội khoá XV thông qua Luật Khám chữa bệnh tại Kỳ họp bất thường lần thứ hai (ngày 19/1/2023) đã cập nhật, đánh giá được tình hình, trong đó có những yếu kém, bất cập về cơ chế, chính sách nảy sinh từ quá trình phòng, chống đại dịch COVID-19; đồng thời dự báo tình huống dịch bệnh có thể xảy ra trong tương lai.

Ngành y tế xác định những vấn đề ưu tiên, cấp bách, tập trung xử lý dứt điểm - Ảnh 2.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà: Đối với những vấn đề cấp bách, Bộ Y tế phải tập trung giải quyết theo tuần, theo tháng - Ảnh: VGP/Minh Khôi

Nhấn mạnh vấn đề tính mạng, sức khoẻ của nhân dân luôn hết sức cấp bách, Phó Thủ tướng đề nghị ngành y tế tiếp tục làm rõ nguyên nhân làm ảnh hưởng đến công tác chăm sóc sức khoẻ của người dân (do đại dịch COVID-19, những tồn tại yếu kém, những điểm nghẽn về cơ chế, chính sách).

Bên cạnh thực hiện các nhiệm vụ lớn trong Nghị quyết 20/NQ-TW năm 2017 về tăng cường công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khỏe nhân dân trong tình hình mới, Luật Khám chữa bệnh, ngành y tế cần xác định những vấn đề ưu tiên để tập trung nguồn lực giải quyết dứt điểm, không làm dàn trải.

"Qua đại dịch COVID-9, những bất cập, yếu kém về cơ chế, chính sách của ngành y tế đã bộc lộ rõ như chưa tính đến tình huống xảy ra đại dịch, nhiều quy định đã lạc hậu, không còn phù hợp. Đây là bài toán, là yêu cầu của nhân dân đặt ra cho ngành y tế", Phó Thủ tướng nói và yêu cầu Bộ Y tế tập trung xem xét cơ chế, chính sách về đấu thầu thuốc, trang thiết bị y tế; khám chữa bệnh; bảo hiểm y tế, xã hội hoá y tế…

"Đối với những vấn đề cấp bách, Bộ Y tế phải tập trung giải quyết theo tuần, theo tháng, trên cơ sở lắng nghe, tiếp thu ý kiến của các cơ sở khám chữa bệnh, y tế dự phòng… từ Trung ương đến địa phương, chuyên gia, nhà khoa học; đồng thời chủ động phối hợp chặt chẽ với bộ, ngành liên quan", Phó Thủ tướng nhấn mạnh.

Ngành y tế xác định những vấn đề ưu tiên, cấp bách, tập trung xử lý dứt điểm - Ảnh 3.

Tại cuộc làm việc, các đại biểu cũng đã thảo luận về những nhiệm vụ trọng tâm mà ngành y tế cần tập trung thực hiện trong năm 2023 - Ảnh: VGP/Minh Khôi

Tập trung hoàn thiện hành lang pháp lý, thể chế

Kết luận cuộc làm việc, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn đánh giá năm 2022, mặc dù đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, song toàn ngành đã nỗ lực, quyết tâm hoàn thành các nhiệm vụ được giao. Công tác y tế dịp Tết vừa qua góp phần tích cực để nhân dân đón Tết cổ truyền đầm ấm, vui tươi và an toàn.

Bên cạnh những kết quả rất đáng ghi nhận, Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội cũng nêu một số vấn đề mà đại biểu Quốc hội, cử tri, nhân dân và dư luận xã hội quan tâm liên quan đến ngành y tế như: Thu nhập, chế độ, chính sách đãi ngộ đối với cán bộ y tế còn bất cập, đời sống của một bộ phận cán bộ y tế còn nhiều khó khăn, nhất là cán bộ y tế cơ sở. Tình trạng nghỉ việc, bỏ việc của nhân viên y tế, nhất là nhân lực có trình độ, kinh nghiệm tại các cơ sở y tế công lập. Tình hình thiếu thuốc, vật tư, thiết bị y tế tại một số cơ sở y tế chưa được giải quyết kịp thời, dứt điểm.

Hệ thống văn bản pháp luật vẫn còn nhiều vướng mắc, chưa đầy đủ, nhất là vấn đề mua sắm, đấu thầu, xã hội hoá, tự chủ, quản trị bệnh viện công; giá dịch vụ y tế chậm điều chỉnh.

Năng lực của hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng còn hạn chế. Chất lượng công tác quản trị, điều hành và phục vụ người bệnh tại một số cơ sở y tế còn chưa bảo đảm yêu cầu đặt ra. Công nghiệp dược, công nghiệp sản xuất trang thiết bị y tế trong nước còn hạn chế.

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội yêu cầu trong năm 2023, ngành y tế tiếp tục tập trung công tác xây dựng, hoàn thiện hành lang pháp lý, thể chế kịp thời, đầy đủ các quan điểm, chủ trương của Đảng về công tác y tế; có giải pháp hiệu quả để tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc về thể chế trong mua sắm, đấu thầu, xã hội hóa, cơ chế tự chủ, quản trị đơn vị sự nghiệp công trong lĩnh vực y tế.

Bộ Y tế cần sớm hoàn thành và triển khai Quy hoạch mạng lưới cơ sở y tế thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050. Kiện toàn, sắp xếp cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế, các đơn vị trực thuộc Bộ theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả. Đẩy mạnh cải cách hành chính, phân công, phân cấp, phân quyền, đi đôi với phân bổ nguồn lực, nâng cao năng lực cán bộ thực thi và tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm.

Theo Chinhphu.vn

Tin cùng chuyên mục
Tin khác