Chuyện nhà nông

Người trồng vú sữa ở Cần Thơ “vượt bão”

Hồng Phương - 07:06 12/01/2022 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Vú sữa là cây trồng phổ biến và là nguồn thu quan trọng của nông dân ở Cần Thơ. Nhất là tại huyện Phong Điền được coi là “thủ phủ” vú sữa của thành phố với tổng diện tích 1.500ha. Vụ thu hoạch vú sữa năm nay, nhà vườn gặp rất nhiều khó khăn do Covid-19 ảnh hưởng đến việc thu hoạch và thị trường tiêu thụ. Tuy nhiên, trong khó khăn, người trồng vú sữa vẫn tìm ra giải pháp để thu lợi nhuận từ cây trồng này.
Vú sữa sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP nên vẫn được thị trường ưa chuộng.

Được mùa lo lắng ngóng thương lái

Cũng như nhiều nơi ở ĐBSCL, vú sữa là loại cây được trồng khá phổ biến ở Cần Thơ, đặc biệt ở huyện Phong Điền với khoảng 1.500ha chuyên canh. Năm nay, vú sữa trái to, đẹp hơn vụ trước. Tuy nhiên, do ảnh hưởng dịch bệnh Covid-19, giá đầu ra của vú sữa có giảm hơn, thương lái đến vườn cũng ít hơn, nhưng các nhà vườn vẫn cố gắng vượt khó khăn, thu lợi nhuận từ cây trồng đặc trưng này.

Tại ấp Trường Khương A (xã Trường Long, huyện Phong Điền, TP.Cần Thơ) vào thời điểm các nhà vườn đang thu hoạch vú sữa, không khí tuy ít nhộn nhịp hơn so với các năm trước, nhưng vẫn có người ra vào để thu mua. Ông Nguyễn Văn Thọ (72 tuổi), ở ấp Trường Khương A, cho biết nhà ông có gần 1,3ha đất trồng vú sữa. Với 130 gốc, 2 loại chính là Lò Rèn và Bơ Hồng, dự kiến năm nay ông thu hoạch khoảng 20 tấn.

Do ảnh hưởng của dịch Covid-19 nên các công ty không đến làm hợp đồng để xuất khẩu, giá thu mua lại giảm dần theo thời vụ, chẳng hạn đầu vụ 40.000 đồng/kg, giờ còn khoảng 17.000 - 26.000 đồng/kg. Giá cả không cao, trong khi giá phân bón tăng liên tục, khiến nhiều nhà vườn khó khăn chồng khó khăn.

Cần Thơ đang bước vào vụ thu hoạch vú sữa.

“Phân bón năm nay tăng gấp đôi, trước đó phân bón khoảng 400.000 - 500.000 đồng/bao, giờ phải hơn từ 1 triệu - 1,2 triệu đồng. Phân bón Trung Quốc từ 680 nghìn đồng, lên 1,3 triệu đồng; phân bón Hàn Quốc cũng lên 1,2 triệu đồng. Toàn bộ phân bón, thuốc trừ sâu đều lên giá”, ông Nguyễn Văn Thọ cho biết.

Từ khó khăn đó, các nhà vườn đã cùng nhau lên phương án thích nghi, chọn cách giữ chất lượng và chấp nhận giá thị trường đưa ra để vừa thu được lợi nhuận, vừa tránh tình trạng thua lỗ. Cũng như nhiều nhà vườn khác, thay vì thụ động chờ thương lái, ông Nguyễn Văn Thọ đã linh hoạt kết nối, tiếp cận thương lái. Bởi vậy, với giá vú sữa xuất ra thị trường hiện nay thì vườn nhà ông thu được khoảng 250 - 300 triệu đồng, trừ chi phí phân bón, thuốc, nhân công, còn khoảng trên dưới 100 triệu.

Anh Nguyễn Hoàng Sóng, thương lái ở huyện Phong Điền (TP Cần Thơ) chia sẻ, vụ vú sữa năm nay không xô bồ, đông đúc, chen lấn để mua nên anh cũng cảm thấy thoải mái. “Loại Bơ Hồng 16.000- 17.000 đồng/kg, loại Lò Rèn từ 25.000 - 26.000 đồng/kg là trái đẹp. Trái xấu thì giá tùy vườn, còn xấu quá thì không mua. Mua ở đây 25.000 đồng, về sẽ bán 27.000 đồng, thậm chí đến 30 ngàn đồng/kg”, anh Sóng cho biết.

Anh Phan Minh Nhật ở ấp Trường Phú B (xã Trường Long, huyện Phong Điền, Cần Thơ) chuyên hái vú sữa thuê cho các nhà vườn cho biết, năm nay số lượng trái có ít hơn, nhưng trái đạt chất lượng to tròn, da bóng láng. Tuy bà con không lời nhiều nhưng có lãi đã là nỗ lực rất lớn.

Vụ vú sữa năm nay, vườn nhà ông Nguyễn Văn Thọ thu được khoảng 250 - 300 triệu đồng.

Linh hoạt kết nối thị trường

Để có những vụ vú sữa thắng lợi, bà con Phong Điền đã tập trung chăm sóc vú sữa, đặc biệt là sản xuất theo tiêu chuẩn an toàn để đảm bảo đủ chuẩn xuất khẩu. Sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP và liên kết sản xuất là ưu tiên hàng đầu. Bà con bao trái để không phải sử dụng phân hóa học.

Ông Trần Văn Chiến - Giám đốc HTX vườn cây ăn trái Trường Khương A cho hay, bên cạnh sự chủ động thay đổi giá của nhà vườn, phía HTX cũng cố gắng duy trì các hợp đồng xuất khẩu nước ngoài cho xã viên. Mới đây, HTX cũng bán cho công ty hợp tác lâu năm 4,5 tấn vú sữa theo tiêu chuẩn VietGAP với giá 47.000 đồng/kg, giá cao hơn so với mặt bằng chung hiện tại. Ngoài ra, nhờ thực hiện tốt việc tiết giảm chi phí sản xuất (tưới tiêu nước tiết kiệm, sử dụng phân hữu cơ, sản xuất theo GAP…) nên nhà vườn vẫn đảm bảo có lời, đảm bảo thu nhập kinh tế gia đình.

“Trái vú sữa HTX cung cấp ra thị trường đến thời điểm này khoảng 170 tấn, còn khoảng 70 - 80 tấn nữa là hết vụ. HTX hàng năm xuất ra ngoài bán cho các nơi từ 4.000 - 5.000 nhánh vú sữa giống. Hiện nay, HTX đang được Chi cục Bảo vệ thực vật thành phố cấp cho 2 cây đầu dòng để nhân giống cho HTX và cung cấp cho các nơi có nhu cầu về giống” - ông Trần Văn Chiến cho biết.

Bằng sự kiên trì, yêu nghề, bà con trồng vú sữa ở huyện Phong Điền nói riêng và ở Cần Thơ nói chung đã từng bước tháo gỡ khó khăn đầu ra cho loại cây trồng này. Ngành Nông nghiệp thành phố Cần Thơ cũng luôn đồng hành với bà con để hướng dẫn sản xuất đúng theo quy trình, đảm bảo an toàn chất lượng sản phẩm nhằm đáp ứng mọi tiêu chuẩn phía đối tác đề ra. Sự phối hợp giữa chính quyền và người dân đã mang lại “mùa vú sữa ngọt”, tạo động lực để bà con tiếp tục kinh doanh trong thời điểm dịch bệnh còn lắm phức tạp. 

Thương lái đến tận vườn mua sẽ được nhà vườn hướng dẫn, hỗ trợ tận tình, còn đối với những thương lái không trực tiếp lại, chủ vườn thuê nhân công để hái trái giao tận nơi. Việc làm này vừa duy trì được hợp đồng thu mua, vừa tạo được nguồn thu nhập cho lao động địa phương trong tình hình dịch phức tạp.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác