Nông thôn mới

Nhà nông Điện Biên trồng nho hạ đen bằng chế phẩm sinh học

Thu Hường - 16:50 06/09/2024 GMT+7
Với mục tiêu giảm chi phí đầu tư, nâng cao hiệu quả kinh tế, tạo ra các sản phẩm nông nghiệp an toàn, hướng tới nền nông nghiệp bền vững, Hội Nông dân Việt Nam đã triển khai mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học trong canh tác cây nho hạ đen theo hướng an toàn sinh học tại xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên (Điện Biên).
Văn phòng Phát triển bền vững và Hội Nông dân tỉnh Điện Biên trực tiếp bàn giao cây giống, vật tư cho các hộ dân tham gia mô hình. 

Hỗ trợ cây giống, vật tư và chuyển giao kỹ thuật

Dự án ứng dụng chế phẩm sinh học trong canh tác cây nho hạ đen theo hướng an toàn sinh học tại xã Thanh Hưng triển khai trên quy mô 1ha với sự tham gia của 8 hộ gia đình. Các hộ này được hỗ trợ toàn bộ về giống, phân bón, chế phẩm sinh học, trụ cột bê tông theo đúng tiêu chuẩn kỹ thuật.

Chia sẻ với phóng viên, ông Lù Văn Thanh - Phó Chủ tịch Hội Nông dân Điện Biên cho biết: Thực hiện dự án, các hộ tham gia được cấp cây giống ghép 1 năm tuổi, cao 40 - 50cm, chiều dài mầm ghép 30cm, đường kính gốc 1-1,5cm. Cùng với đó là cột bê tông cốt thép, phân bón hữu cơ sinh học, vôi, thuốc bảo vệ thực vật sinh học, nấm đối kháng…

Theo ông Lù Văn Thanh, Văn phòng Phát triển bền vững (Trung ương Hội Nông dân Việt Nam) đã phối hợp với Trung tâm hỗ trợ nông dân – Hội Nông dân tỉnh Điện Biên tập huấn trực tiếp và chuyển giao kỹ thuật trồng, chăm sóc giống nho hạ đen đến 8 hộ tham gia dự án qua nhóm Zalo. Toàn bộ quá trình canh tác bắt đầu từ khâu làm đất, chuẩn bị giàn neo, xuống giống, chăm bón… đến tận khi thu hoạch đều sẽ có kỹ thuật viên bám sát, theo dõi và hướng dẫn cụ thể. Để cây nho hạ đen sinh trưởng và phát triển tốt, cán bộ kỹ thuật đã hướng dẫn cụ thể cách bón phân, dùng chế phẩm sinh học theo từng giai đoạn phát triển của cây, kịp thời xử lý khi có dấu hiệu nấm bệnh…

Cán bộ kỹ thuật hướng dẫn cách thức canh tác trồng nho hạ đen.

Kỳ vọng ở hướng sản xuất mới

Theo bà Hoàng Thị Quỳnh Hoa – chuyên viên Văn phòng Phát triển bền vững, Trung ương Hội Nông dân Việt Nam -  sử dụng chế phẩm sinh học trong sản xuất thực tế đã chứng minh được hiệu quả, cây trồng có nhiều ưu điểm vượt trội, đem lại lợi ích cho người dân, góp phần phát triển nông nghiệp và bảo vệ môi trường sinh thái.

Chế phẩm sinh học là những sản phẩm sinh học được sản xuất hoặc điều chế từ các thành phần có sẵn trong tự nhiên như: rong, rêu, tảo, hữu cơ, vi sinh … Sản phẩm tiêu biểu nhất là chế phấm vi sinh, sản phẩm được phân lập, tuyển chọn các chủng vi sinh vật hữu hiệu từ tự nhiên, sử dụng công nghệ sinh học hiện đại – công nghệ vi sinh để nghiên cứu và phát triển. Thành phần chính của chế phẩm sinh học bao gồm các nhóm vi sinh vật hữu hiệu, các enzym và các chất dinh dưỡng để kích hoạt các vi khuẩn có ích sống và hoạt động. Chế phẩm sinh học giúp ngăn chặn, hạn chế mầm bệnh, tăng cường hệ đề kháng; khống chế mầm bệnh phát triển giúp người chăn nuôi không phải sử dụng quá nhiều thuốc kháng sinh. Những tính năng vượt trội của loại dinh dưỡng này đã giúp nông dân tiết kiệm được lượng phân hóa học, giảm lượng thuốc bảo vệ thực vật, tăng năng suất các loại cây trồng, chất lượng nông sản cũng tăng lên đáng kể.

Nhiều năm trở lại đây, việc nghiên cứu, sản xuất chế phẩm sinh học đã được đẩy mạnh để giảm dần phân bón hóa học, thuốc trừ sâu hóa học. Việc sử dụng chế phẩm sinh học cho cây trồng đem lại rất nhiều lợi ích thiết thực như: Không gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người cũng như cây trồng, môi trường sinh thái. Giúp cân bằng dinh dưỡng vi sinh vật của hệ sinh thái trong môi trường đất, có tác dụng cải tạo, tăng độ phì nhiêu cho đất. Đặc biệt chế phẩm sinh học giúp đồng hóa các chất dinh dưỡng trong đất, giúp cây trồng tăng năng suất, chất lượng sản phẩm, tăng sức đề kháng và giảm thiểu sâu bệnh. Việc tiêu diệt côn trùng gây hại bằng chế phẩm sinh học cũng không gây hại đến môi trường như các thuốc bảo vệ thực vật có nguồn gốc từ hóa học. Do vậy, chế phẩm sinh học còn có khả năng phân hủy, chuyển hóa các chất hữu cơ khó tiêu, phế phẩm nông nghiệp, góp phần làm sạch môi trường.

Trên thực tế, việc sử dụng phân bón hóa học không đúng cách trong một thời gian dài đã khiến nguồn đất sản xuất nông nghiệp bị mất đi phần lớn lượng hữu cơ vốn có của đất. Đó cũng là nguyên nhân đất sản xuất đã và đang ngày càng bạc màu, thoái hóa nghiêm trọng. Bởi vậy, khi sử dụng chế phẩm vi sinh cho đất và cây trồng có thể chủ động giảm lượng phân bón sử dụng từ 10-15%, tăng sức kháng bệnh cho cây, giảm được chi phí thuốc bảo vệ thực vật, tăng cường sức sống, khả năng chống rét cho cây, tỉ lệ cây sống cao hơn. Nhờ vậy, cây trồng cho năng suất tăng lên từ 5-10%, chất lượng sản phẩm tốt, màu sắc tươi, chi phí đầu vào giảm do lượng phân bón, thuốc bảo vệ thực vật giảm, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm.

Theo bà Hoàng Thị Quỳnh Hoa, sau khi triển khai dự án thành công, sẽ nhân rộng mô hình ra cho nông dân Điện Biên và các tỉnh khác.

Ông Hoàng Giang, xã viên HTX rau công nghệ cao Bản Mé (xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên), một hộ tham gia mô hình, chia sẻ, ông đã có nhiều năm kinh nghiệm sử dụng chế phẩm sinh học vào sản xuất rau củ quả chất lượng cao. Ông tham gia mô hình ứng dụng chế phẩm sinh học trong canh tác cây nho hạ đen theo hướng an toàn sinh học với 1.250m2 nhà màng, có hệ thống tưới nước, tưới phân tự động. Các hộ tham gia mô hình và được hỗ trợ về nguồn giống đảm bảo, chế phẩm sinh học, được chuyển giao kỹ thuật cũng như có kỹ thuật viên theo sát suốt quá trình canh tác. Họ hi vọng rằng đây là hướng sản xuất mới hiệu quả, làm ra sản phẩm an toàn, chất lượng đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường.

“Tôi tin mô hình sẽ thành công, giúp tôi và các hộ tham gia có hướng sản xuất mới hiệu quả, làm ra sản phẩm an toàn, chất lượng đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường”.

Ông Hoàng Giang (xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên)

Tin cùng chuyên mục
Tin khác