Những vấn đề mới nảy sinh trong “Tam nông” đòi hỏi tổ chức Hội phải thay đổi phương thức phù hợp
Tham dự hội nghị có đồng chí Lương Quốc Đoàn - Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Đảng đoàn, Chủ tịch BCH T.Ư Hội Nông dân Việt Nam (NDVN), đồng chí Phạm Tất Thắng – Phó Trưởng Ban Dân vận Trung ương; các đồng chí Phó Chủ tịch Trung ương Hội NDVN; các đồng chí lánh đạo các ban, đơn vị thuộc T.Ư Hội và một số vụ thuộc Ban Dân vận T.Ư.
Đạt được nhiều kết quả quan trọng trong công tác Hội và phong trào ND
Tại buổi làm việc, đồng chí Lương Quốc Đoàn đã nêu tóm tắt kết quả công tác Hội và phong trào nông dân từ năm 2018 đến nay; một số nhiệm vụ trọng tâm năm 2022; công tác triển khai các đề án theo sự phân công của Bộ Chính trị, Ban Bí thư.
Cụ thể: Ban Chấp hành T.Ư Hội đã ban hành, triển khai thực hiện 03 Nghị quyết số 04, 05, 06 của về xây dựng tổ chức Hội NDVN trong sạch, vững mạnh. Từ năm 2018 đến nay, các cấp Hội đã thành lập mới được 1.443 Chi hội Nông dân nghề nghiệp, 11.677 Tổ hội Nông dân nghề nghiệp. Các cấp Hội đã kết nạp được 668.470 hội viên mới.
Quỹ HTND các cấp bình quân mỗi năm tăng hơn 10,8%, nâng tổng nguồn Quỹ Hỗ trợ nông dân các cấp đạt 4.037,496 tỷ đồng; hỗ trợ trên 151.000 hộ hội viên nông dân vay vốn. Đã có trên 295 nghìn nông dân được tham gia các khóa đào tạo do các cấp Hội trực tiếp, phối hợp tổ chức. Sau học nghề các cấp Hội đã giới thiệu việc làm cho nông dân; đồng thời, tổ chức tư vấn, giới thiệu việc làm cho nông dân và đưa người lao động ra nước ngoài làm việc.
Các cấp Hội đã phối hợp tổ chức tập huấn, chuyển giao khoa học, kỹ thuật, công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, thông tin thị trường cho trên 6,5 triệu lượt hội viên. Các cấp Hội hỗ trợ, hướng dẫn nông dân xây dựng thành công 7.927 mô hình điểm về trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản an toàn theo tiêu chuẩn VietGAP, hữu cơ, ứng dụng chế phẩm sinh học... Hội Nông dân các tỉnh, thành phố đã xây dựng, duy trì, phát triển hệ thống 726 “Cửa hàng Nông sản an toàn”.
Hội ND các cấp đã tích cực tuyên truyền, vận động, hướng dẫn hội viên, nông dân tham gia củng cố, phát triển kinh tế tập thể. Đến nay đã thành lập trên 3.500 HTX, trên 11.200 Tổ hợp tác. Phối hợp tổ chức đào tạo tập huấn cho trên 18.000 cán bộ, thành viên HTX, THT và hội viên nông dân; tư vấn, hướng dẫn thành lập được 10.770 mô hình kinh tế tập thể.
Các cấp Hội đã vận động nông dân tích cực tham gia phong trào Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi; hàng năm bình quân có trên 6,2 triệu hộ đăng ký, trong đó có trên 3,7 triệu hộ đạt danh hiệu nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi các cấp. Hội ND một số tỉnh, thành phố đã thành lập, ra mắt 877 Câu lạc bộ nông dân sản xuất kinh doanh giỏi...
Chia sẻ về những kết quả đã đạt được của Hội NDVN, đồng chí Đinh Hồng Thái - Chủ tịch Hội ND tỉnh Ninh Bình khẳng định: Được sự quan tâm của Đảng, chính quyền các cấp, các ngành, giai cấp Nông dân và các cấp Hội Nông dân ngày càng được nhìn nhận rõ vai trò của Hội. Đối với tỉnh Ninh Bình, mặc dù khó khăn nhưng từ đầu năm 2022 đến nay UBND tỉnh đã chuyển sang Quỹ Hỗ trợ nông dân 7 tỷ đồng trích từ ngân sách. Đối với chuỗi của hàng an toàn do Hội Nông dân phát động, đến thời điểm này 22 cửa hàng trên địa bàn tỉnh duy trì tốt sau 6 năm đi vào hoạt động. Ngoài ra còn có 1 cửa hàng ở Hà Nội và 1 cửa hàng ở Hòa Bình. Đây là hướng đi rất thiết thực, không chỉ cung cấp thực phẩm an toàn chất lượng đến người tiêu dùng mà còn là kênh tiêu thụ nông sản cho nông dân.
Về hoạt động của Trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân, đồng chí Nguyễn Thị Phương Hạnh - Chủ tịch Hội ND tỉnh Phú Thọ báo cáo thêm: Hiện nay, các hoạt động của Trung tâm dạy nghề và hỗ trợ nông dân đã có những yêu cầu ở mức cao hơn. Hàng năm thực hiện trực tiếp từ ngân sách, đào tạo 20-30 lớp sơ cấp và ngắn hạn. Ngoài ra Hội ND tỉnh phối hợp với các huyện, thành thị đào tạo khoảng 40 - 50 lớp tập huấn cho nông dân. Hoạt động hỗ trợ nông dân được đẩy mạnh, nổi bật là hỗ trợ cung ứng phân bón cho nông dân với gần 10.000 tấn phân bón mỗi năm. Đối với dịch vụ kết nối tiêu thụ nông sản, từ năm 2020 đến nay, Hội đã liên kết với các hợp tác xã để tiêu thụ nông sản cho nông dân. Đây là hoạt động rất thiết thực, hiệu quả.
“Những kết quả đạt được tiếp tục khẳng định vị thế, vai trò của Hội NDVN ngày càng thể hiện rõ là trung tâm, nòng cốt cho phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới. Đoàn kết trong nông dân và tổ chức Hội ND ngày càng củng cố vững mạnh, là cầu nối giữa Đảng, chính quyền với nông dân; các chủ trương, đường lối của Đảng, cơ chế, chính sách của Nhà nước về nông nghiệp, nông dân, nông thôn được nông dân đồng tình hưởng ứng, thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội, nhất là phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới, đảm bảo an sinh xã hội, xóa đói, giảm nghèo, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho hội viên, nông dân” - đồng chí Lương Quốc Đoàn khẳng định.
Qua sơ kết giữa nhiệm kỳ, T.Ư Hội NDVN đã tập hợp lại những vấn đề nổi lên, những vấn đề mới nảy sinh trong quá trình công nghiệp hoá, hiện đại hoá nông nghiệp, nông thôn. Trong đó có những vấn đề nổi bật như:
- Cùng với xu hướng giảm tỷ lệ lao động trong giảm tỷ lệ lao động trong nông nghiệp, sự phân tầng trong nội bộ giai cấp Nông dân với những nhu cầu khác nhau, các chỉ số thu nhập và mức độ thụ hưởng khác nhau diễn ra ngày càng rõ rệt nhưng chưa có một nghiên cứu định lượng tổng thể quy mô quốc gia. Trong đó, đáng chú ý là sự xuất hiện của đội ngũ công nhân nông nghiệp và nông dân trí thức.
- Vai trò “chủ thể” của nông dân trong xây dựng nông thôn mới nói riêng và trong các hoạt động kinh tế xã hội ở nông thôn đã được Đảng và Nhà nước khẳng định trong nhiều nghị quyết, kết luận, nhưng nhìn chung trên thực tế chưa được đề cao.
- Số hoá nông nghiệp đang trở thành xu hướng mạnh mẽ trên thế giới, mang lại nhiều giá trị thực tiễn, nhưng đa số hội viên nông dân Việt Nam chưa tiếp cận lĩnh vực này.
- Liên kết, hợp tác sản xuất theo chuỗi giá trị là xu thế tất yếu, liên kết “6 nhà” dù đạt nhiều kết quả, nhưng vẫn chưa phát huy hết tiềm năng; quyền lợi, nghĩa vụ các bên chưa được quy định chặt chẽ. Trong đó, liên kết trung tâm “Nhà nông – Doanh nghiệp” nhiều nơi gặp thử thách, thậm chí đứt gãy do thiếu niềm tin và sự chia sẻ, một trong hai bên “bẻ kèo” vì lợi ích của mỗi bên.
- Hiện nay dịch bệnh Covid-19 đang diễn tiến phức tạp trên cả nước, hội viên nông dân cũng như các doanh nghiệp đối tác của nhà nông nhiều nơi bị ảnh hưởng nặng nề. Hội viên, nông dân cần được hỗ trợ tiêu thụ nông sản, tháo gỡ khó khăn và được tiêm chủng vắc xin đầy đủ để phòng chống dịch bệnh, yên tâm đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh.
- Nông dân tham gia cổ phần hoá bằng đất chưa trở thành một xu hướng hợp tác lớn như kỳ vọng của nông dân lẫn doanh nghiệp.
- Chính sách pháp luật về đất đai trong lĩnh vực nông nghiệp chậm được đổi mới, chưa đủ động lực thúc đẩy mạnh mẽ cho việc tập trung đất đai hình thành nên sản xuất lớn trên diện rộng, chưa đáp ứng đầy đủ mong muốn của nông dân khi bị thu hồi đất.…
Tập trung thực hiện những nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2022
Để thực hiện tốt các hoạt động công tác Hội và phong trào nông dân năm 2022, Ban Chấp hành T.Ư Hội NDVN đề ra 15 nhiệm vụ trọng tâm. Trong đó, tập trung xây dựng Đề án “Xây dựng Hội NDVN giai cấp nông dân Việt Nam trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá và hội nhập quốc tế đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045” theo sự phân công, chỉ đạo của Bộ Chính trị. Hội NDVN tập trung tuyên truyền, phổ biến đến cán bộ, hội viên, nông dân về nội dung các văn kiện Đại hội XIII của Đảng; chủ trương, chính sách, pháp luật về phát triển nông nghiệp sinh thái, nông thôn hiện đại, nông dân văn minh.
Một nhiệm vụ trọng tâm khác là Hội NDVN tập trung triển khai chương trình hành động số 08 của BCH T.Ư Hội NDVN khoá VII thực hiện Nghị quyết Đại hội toàn quốc lần thứ XIII của Đảng; với 32 nhóm giải pháp cụ thể, sát với thực tiễn nhiệm vụ chính trị của Hội.
Bên cạnh đó, tổ chức Hội tiếp tục đẩy mạnh các hoạt động dịch vụ, tư vấn, đào tạo nghề, hỗ trợ nông dân cũng như tìm giải pháp hỗ trợ nông dân khởi nghiệp, tham gia nền kinh tế số nông nghiệp…
Để tiếp tục phát huy vai trò trung tâm, nòng cốt của Hội NDVN trong phong trào nông dân và công cuộc xây dựng nông thôn mới, tại buổi làm việc, đồng chí Lương Quốc Đoàn - Chủ tịch BCH Trung ương Hội NDVN nêu một số đề xuất, kiến nghị với Bộ Chính trị, Ban Bí thư:
Trong các Chỉ thị, nghị quyết và kết luận của Đảng về nông nghiệp, nông dân, nông thôn, quan tâm đánh giá đúng vai trò, vị trí của nông dân và Hội Nông dân Việt Nam. Thể hiện từ quan điểm, mục tiêu, đến việc giao nhiệm vụ cho Hội ND, từ đó có cơ chế nguồn lực cho Hội NDVN tham gia các Chương trình, Đề án phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
Trong Nghị quyết T.Ư 7 (khóa X) và nhiều văn bản, nghị quyết của Đảng có đề cập tới mục tiêu: “Xây dựng giai cấp nông dân, củng cố lien minh công nhân – nông dân – trí thức vững mạnh, tạo nền tảng kinh tế - xã hội và chính trị vững chắc cho sự nghiệp CNH – HĐH…”. Tuy nhiên, đến nay chưa có văn bản, quy chế nào định hướng, dẫn dắt, quy định cụ thể về cơ chế vận hành, phối hợp của liên minh này. Do vậy, kiến nghị Ban Bí thư có chủ trương, định hướng về hành lang pháp lý, nội dung, giải pháp xây dựng và củng cố liên minh công nhân – nông dân – trí thức.
Xu hướng dịch chuyển lao động từ nông thôn ra thành thị tăng mạnh, một bộ phận nông dân sẽ chuyển thành công nhân. Tuy nhiên, họ không đủ điều kiện để trở thành cư dân đô thị do thu nhập thấp, không có nhà ở… khi có biến động như thiên tai, dịch bệnh hoặc khủng hoảng kinh tế… thì lực lượng lao động này và lao động tự do khác lại dồn dập hồi hương, tạo nên áp lực lớn cho nông thôn. Vì vậy, đề nghị Chính phủ cần có chính sách phát triển đô thị ngay tại nông thôn, để người nông dân có cơ hội phát triển kinh tế nông nghiệp, “ly nông không ly hương”.
Đến nay có nhiều doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, làm xuất hiện hình thức “gia công trong nông nghiệp”. Điều này đem đến lợi ích lớn cho doanh nghiệp nhưng nông dân ít hưởng lợi. Vì vậy đề nghị Chính phủ cần có chính sách, quy định hoặc các rào cản kỹ thuật theo hướng tăng lợi ích cho nông dân trực tiếp sản xuất và không khuyến khích, thúc đẩy xu hướng gia công trong nông nghiệp.
Những năm qua, Việt Nam xuất khẩu nông sản trên 42 tỷ USD mỗi năm (năm 2021 đạt 48,6 tỷ USD), tuy nhiên 70-80% là xuất khẩu tiểu ngạch, trong số đó trên 70% xuất khẩu lệ thuộc một thị trường lớn, rủi ro cao. Vì vậy trong thời gian tới, đề nghị Chính phủ có các giải pháp, chính sách tăng tỷ lệ xuất khẩu nông sản chính ngạch, mở rộng thị trường xuất khẩu và hạn chế lệ thuộc vào một thị trường.
Về vấn đề đất đai, theo kiến nghị của Chủ tịch TƯ Hội NDVN, Chính phủ cần có cơ chế, chính sách thu hồi đất sử dụng không đúng mục đích, lãng phí; thu hồi đất, bồi thường theo giá thị trường và đảm bảo sinh kế, việc làm, an sinh xã hội cho nông dân; tăng thời gian giao đất, mở rộng hạn điền sử dụng đất nông nghiệp; khuyến khích tập trung, góp vốn bằng quyền sử dụng đất để nông dân liên kết, hợp tác, sản xuất, sống dựa vào đất.
Chính phủ thực hiện quy hoạch và phân bổ nguồn lực phục vụ sản xuất theo vùng kinh tế, không dựa vào địa giới hành chính của tỉnh để tránh trùng lắp hoặc phân tán nguồn lực. Liên kết phát triển hạ tầng giao thông nông thôn với các khu công nghiệp để khắc phục điểm yếu về logictis trong nông nghiệp...
Hiện nay, số người tham gia BHXH tự nguyện so với lực lượng lao động trong độ tuổi là nông dân và lao động khu vực phi chính thức chiếm tỉ lệ rất thấp (khoảng trên 2%). Ngoài ra, khi chuẩn nghèo được nâng lên, việc tham gia BHXH của nông dân sẽ khó khăn hơn. Vì vậy, đề nghị Chính phủ nghiên cứu có chính sách hỗ trợ nông dân tham gia BHYT, BHXH tự nguyện.
Người đứng đầu Trung ương Hội NDVN cũng đề nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị định về thành lập, tổ chức và hoạt động của Quỹ HTND thuộc Hội NDVN, tạo khuôn khổ pháp lý phù hợp với mô hình tổ chức và hoạt động do Hội ND quản lý, nhằm tiếp tục phát huy các kết quả tích cực đã đạt được.
Kết luận tại buổi làm việc, đồng chí Bùi Thị Minh Hoài biểu dương và đánh giá cao những kết quả trong công tác Hội và phong trào nông dân của các cấp Hội đã đạt được trong thời gian qua. Vị thế, vai trò của các cấp Hội từ Trung ương tới cơ sở được nâng lên, được Đảng, Nhà nước và hệ thống chính trị cũng như toàn nhân dân đánh giá cao.
Hội NDVN đã lãnh đạo, chỉ đạo công tác Hội và phong trào nông dân thực hiện đầy đủ, toàn diện 5 chức năng, nhiệm vụ. Có hai điểm sáng quan trọng nhất đó là Quỹ HTND và TT Hỗ trợ ND. Ví dụ như Quỹ Hỗ trợ ND ngày càng lớn mạnh, mức tăng trưởng cao từ con số ban đầu là 38 tỷ đồng đến nay lên đến hơn 4.000 tỷ đồng. Điều này đã khẳng định Quỹ HTND là một phương thức đổi mới của Hội, có thể coi là bước đột phá, sáng tạo và bền bỉ phấn đấu của các cấp Hội... Ngoài ra còn ghi nhận những kết quả từ những việc cũ nhưng đã được Hội làm mới, đặc biệt là công tác đào tạo, dạy nghề cho nông dân; Từ phong trào nông dân thi đua sản xuất giỏi đã xuất hiện nhiều triệu phú, tỷ phú nông dân.
Khi nghe Hội NDVN báo cáo về những vấn đề mới nảy sinh được tổng kết từ thực tiễn công tác Hội và phong trào nông dân trong tình hình mới, với trách nhiệm của Trưởng ban Dân vận T.Ư, đồng chí Bùi Thị Minh Hoài giao cho đồng chí Phạm Tất Thắng - Phó Trưởng ban Dân vận T.Ư tổ chức nghiên cứu toàn bộ những vấn đề này - đây là những vấn đề rất đáng lưu tâm, phát sinh từ thực tiễn - để tới đây phối hợp T.Ư Hội NDVN cùng tham gia xây dựng Đề án trình Bộ Chính trị.
Đối với những nhiệm vụ trọng tâm năm 2022, Hội NDVN đã nêu ra đầy đủ những đầu việc cần thực hiện. Tuy nhiên, những vấn đề nảy sinh từ thực tiễn trong công tác Hội và phong trào nông dân trong tình hình mới cần phải được đánh giá từ cơ sở. Những vấn đề mới hiện nay như tích tụ ruộng đất để nông dân có thể thực hiện được mô hình sản xuất lớn; giao quyền sử dụng đất lâu dài cho nông dân; góp quyền sử dụng đất của nông dân vào doanh nghiệp, công ty để hưởng lợi nhưng do thiếu hiểu biết nên chịu thiệt thòi... Đồng chí Trưởng ban Dân vận Trung ương đề nghị Hội quan tâm, vào cuộc nghiên cứu, góp tiếng nói và đề xuất với Quốc hội ban hành Luật hoặc Nghị định, nhằm bảo vệ quyền lợi của nông dân.
Đồng chí Bùi Thị Minh Hoài cũng đề nghị Hội NDVN quan tâm lãnh đạo và thực hiện tốt việc vận động, hỗ trợ nông dân tham gia bảo hiểm nông nghiêp, bảo hiểm tự nguyện.
Về Đề án do Bộ Chính trị giao, đây là Đề án lớn, quan trọng cần xem kỹ, bài bản, những vấn đề mới nảy sinh thì tổ chức Hội cũng cần phải thay đổi phương thức hoạt động phù hợp. Để xây dựng đề án, ngoài việc tổ chức Hội thảo, báo cáo chuyên đề, có kế hoạch khảo sát, phối hợp với các viện nghiên cứu, nhà khoa học để thực hiện. "Những phần việc nào của Ban Dân vận Trung ương, sẽ có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ cùng Hội NDVN thực hiện" – đồng chí Bùi Thị Minh Hoài nhấn mạnh.
Thay mặt Ban Thường vụ T.Ư Hội NDVN, đồng chí Lương Quốc Đoàn trân trọng cảm ơn và tiếp thu ý kiến của các đồng chí lãnh đạo Ban Dân vận Trung ương, tiếp tục hoàn thiện trong thời gian tới để thực hiện tốt hơn các nhiệm vụ, hoạt động công tác Hội và phong trào nông dân. Nhiệm vụ trọng tâm trước mắt năm 2022 của Hội NDVN là xây dựng xong Đề án do Bộ Chính trị đã giao.
- Xây dựng 3 chương trình công tác, 6 đề án; nhiều văn bản, kế hoạch cụ thể hóa các Nghị quyết
- Đoàn công tác Trung ương Hội Nông dân Việt Nam làm việc tại Lai Châu
- Cán bộ Hội tiên phong thực nghiệm, hướng dẫn hội viên nông dân sản xuất phân vi sinh
- Hội Nông dân các địa phương chủ động, tích cực, sáng tạo hưởng ứng ngày Pháp luật Việt Nam