Nông nghiệp số Việt Nam - Ngày mai bắt đầu từ ngày hôm nay
Lịch sử ra đời internet
Nhớ lại mới hơn 25 về trước, trên đà tiến của Cuộc Cách mạng Công nghiệp 3.0, sự kiện đưa Internet vào Việt Nam từ năm 1997 đã nhanh chóng tạo ra 1 cuộc cách mạng ứng dụng công nghệ số vào thực tiễn. Người dân Việt Nam cũng không tưởng tượng được, ngay sau đó, email đã thay thế những phong bì dán tem thư, phát hành chậm chạp nay chỉ cần 1 vài giây đã đến người nhận, Zalo trở thành phương tiện giao lưu phổ thông, trao đổi ảnh, văn bản dung lượng lớn, bà con chị em ta tha hồ buôn chuyện, trao đổi tâm tình với người thân, bạn bè trên khắp thế giới, Zalo nhóm, SMS, Viber, Skype, Facebook... đã thay cho cái loa phường, xã truyền thông các chủ trương chính sách, lịch họp hành, sinh hoạt cộng đồng. Đi đâu xa hiện không lo lạc đường, đã có Hệ thống định vị toàn cầu GPS có trí tuệ thông minh AI dẫn đường đi mọi nơi mọi chốn vô cùng thuận tiện, rất chính xác. Từ người buôn bán nhỏ lẻ ngoài đường đã dùng Internet Banking (thanh toán chuyển tiền trực tuyến) bày cạnh mẹt hàng cái biển mã Ô vuông – Mã QR Code để thanh toán thay tiền mặt một cách vô cùng nhanh chóng, thuận lợi, an toàn… Và ngày nay, mạng internet 4G, 5G, trí tuệ nhân tạo AI đã làm nên Cuộc cách mạng nông nghiệp 4.0, việc dự báo, dự tính thời tiết toàn cầu, theo tọa độ khu vực, thiên tai, sâu bệnh hại, lịch thời vụ, điều hành sản xuất, quản trị nhân lực, hạch toán doanh nghiệp, báo cáo thuế, hóa đơn điện tử… đã trở nên phố biến, đem lại các lợi ích to lớn.
Internet xuất hiện đã mang lại một sự thay đổi to lớn cho cả nền kinh tế, khoa học, kỹ thuật trên thế giới, ngày nay internet là một công cụ không thể thiếu trong các hoạt động kinh tế, giáo dục, chính trị và quản lý nhà nước, doanh nghiệp tất cả các cấp độ.
Chuyển đổi số nông nghiệp - Nông nghiệp số
Chuyển đổi số (Digital Transformation): Là quá trình thay đổi từ mô hình truyền thống sang doanh nghiệp số, bằng cách áp dụng công nghệ mới như điện toán đám mây (Cloud), dữ liệu lớn (Bigdata), Internet vạn vật (IOT)… thay đổi phương thức điều hành, lãnh đạo, quy trình làm việc, văn hóa công ty…”. Chuyển đổi số Nông nghiệp: nâng cao năng suất làm việc, nâng cao lợi nhuận, tối ưu hóa sản xuất và đem lại cơ hội mở rộng cao hơn trong sản xuất, kinh doanh các sản phẩm nông nghiệp.
Mô hình trồng rau thủy canh ở xã Kim Phú (TP. Tuyên Quang, tỉnh Tuyên Quang). Ảnh T.Q
Nông nghiệp số là “việc tích hợp, áp dụng công nghệ số để nâng cao năng lực và sức cạnh tranh, nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, hiệu quả quản lý của kinh tế tập thể và tạo ra các giá trị mới trong nông nghiệp”. Mục tiêu của chuyển đổi số trong lĩnh vực nông nghiệp nhằm: (i) Tăng giá trị của chuỗi giá trị nông nghiệp Việt Nam, và (ii) Tăng liên kết theo chuỗi giá trị. Tuy nhiên, chuyển đổi số không đơn giản chỉ là áp dụng công nghệ vào sản xuất, kinh doanh. Yếu tố quan trọng để thành công trong bất kỳ chuyển đổi nào là chuyển đổi chiến lược và mô hình kinh doanh, hướng tới tăng hiệu quả kinh doanh và hiệu quả vận hành của HTX.
Mô hình phát triển kinh tế bền vững = (1) Kinh tế số + (2) Kinh Tế Xanh + (3) Kinh Tế tuần hoàn. Trong đó:
(1) Kinh tế kỹ thuật số (đôi khi được gọi là Kinh tế Internet, Kinh tế web, Kinh tế mới là nền kinh tế dựa trên các công nghệ kỹ thuật số. Kinh tế kỹ thuật số được đan xen với nền kinh tế truyền thống tạo ra một miêu tả rõ ràng hơn.
Kinh tế kỹ thuật số bao gồm các thị trường kinh tế dựa trên các công nghệ kỹ thuật số để tạo cho việc giao dịch, trao đổi hàng hóa và dịch vụ thông qua thương mại điện tử. Việc mở rộng các khu vực kỹ thuật số là một động lực quan trọng trong việc phát triển kinh tế những năm gần đầy, và việc chuyển hướng đến một số thế giới kỹ thuật số có nhiều tác động với xã hội được mở rộng hơn thay vì chỉ riêng công nghệ kỹ thuật số.
(2) Kinh tế Xanh: là sự kết hợp giữa 3 thành tố: Kinh tế + Xã hội + Môi trường, kinh tế xanh có tính chất bền vững, có nghĩa là đó là những hoạt động(trong nền kinh tế) tạo ra lợi nhuận hoặc giá trị có ích lợi, hướng đến phát triển cuộc sống của cộng đồng xã hội con người (đặc biệt là yếu tố văn hóa), đồng thời những hoạt động này thân thiện với môi trường (thành tố quan trọng), 3 yếu tố này đạt trạng thái cân bằng sẽ thỏa mãn tính bền vững. Như vậy Kinh tế xanh = Lợi Nhuận + Giá trị xã hội + Thân Thiện môi trường
(3) Kinh tế tuần hoàn: Mô hình kinh tế giảm thiểu khai thái nguyên liệu tự nhiên + giảm phát thải Carbon + kéo dài tuổi thọ của vật chất, hàng hóa sản phẩm (phế liệu của chuỗi (ngành) này biến thành nguyên liệu của chuỗi (ngành) khác, tân trang, sửa chữa, tiết kiệm, dùng chung, chia sẻ)
Điểm chung của tất cả các mô hình kinh tế này đều hướng tới giảm thiểu tối đa tác động tiêu cực vào môi trường thông qua cái gọi là “Chuyển đổi xanh” – yêu cầu nóng bỏng của Hội nhập quốc tế và ứng phó với biến đổi khí hậu toàn cầu.
Muốn thúc đẩy nhanh quá trình Chuyển đổi xanh thì phải áp dụng các công nghệ CĐS (thương mại điện tử trong kinh tế số, IOT (Internet vạn vật) để thu thập dữ liệu, dữ liệu lớn (Bigdata) đồng nhất các định dạng dữ liệu phân mảnh nhằm khai thác tối đa chất lượng thông tin (Deep Mining) thông qua các ứng dụng AI (Trí tuệ nhân tạo) để làm các dữ liệu này trở nên “sống động” thông qua các công nghệ Digital Twin (Bản sao số) để nắm bắt, được xử lý tức thời bằng phương pháp real time (Thời gian thực).
Gần đây, cụm từ “chuyển đổi số - chuyển đổi xanh” (CĐS - CĐX) xuất hiện một cách dày đặc trên các phương tiện truyền thông xã hội. Đi đâu người ta cũng nói về cụm từ này.
Mặc dù, chúng ta đã nói về CĐS từ lâu nhưng để thành một đường lối mang tính quốc gia thì tới năm 2016, Thủ tướng Chính phủ mới ký Quyết định số 749/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình Chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030, phấn đấu để Việt Nam trở thành quốc gia số. Từ đó tới nay, dẫu đã có nhiều thay đổi, nhưng nhìn chung, vẫn chưa làm được bao nhiêu.
Ứng dụng chuyển đổi số trong sản xuất và tiêu thụ chè của bà con nông dân ở Thái Nguyên. Ảnh T.B
Công nghệ số dựa vào dữ liệu để phân tích; để thực hiện CĐS, phải có Bigdata. Nhưng Việt Nam chưa có Bigdata về nông nghiệp. Ngay cả việc thống kê hiện còn chậm, thiếu, chưa đầy đủ. Việt Nam vẫn còn thống kê theo kiểu thủ công, chưa có một phương pháp thống kê theo công nghệ. Tôi nghĩ, muốn thực hiện CĐS, cần tiến hành ngay và gấp một kho dữ liệu. Nhà nước phải là người đứng ra làm việc này.
Trong khi đó, có 77% người dân nông thôn kết nối internet, 91% trong đó lên mạng hằng ngày; tuy nhiên, chủ yếu để giải trí hoặc xem những tin tức bề nổi, giật gân. Bà con mình vẫn chưa được tiếp cận những thông tin mới nhất về CĐS nông nghiệp. Để thay đổi nhận thức của người dân, ngoài những kênh truyền hình chuyên biệt đã có về nông nghiệp, nhà nước cũng phải cho ra một cổng thông tin chính chủ (lập ra từ các trạm dữ liệu cơ sở từng vùng). Ví dụ, nuôi heo cần gì, trồng ngô cần gì, vùng nào trồng cây nuôi con gì? Thị trường cây con hiện nay ra sao? Dự báo thế nào? Với bà con, phải chỉ ra thật cụ thể. Phải làm sao để bà con vào mạng là biết. Đồng thời, phải tạo ra diễn đàn, hỏi – đáp, giải quyết những thắc mắc của bà con. Có thế, người nông dân mới có tri thức, kĩ năng và làm chủ mảnh ruộng của mình, không chỉ làm chủ vùng sản xuất mà làm chủ thị trường.
CĐS là một chiến lược khó nhằn, đòi hỏi một chiến lược tổng thể, không có sự quan tâm đồng bộ của các cấp, các ngành lẫn người dân, thì rất khó đưa nông nghiệp Việt Nam chuyển về lượng và chất được.
Chuyển đổi số Nông nghiệp với các khó khăn thách thức
Sự thay đổi của khí hậu toàn cầu đang gây ra những ảnh hưởng tiêu cực dài hạn đến sản lượng nông nghiệp. Diện tích đất trồng trong nông nghiệp đang ngày càng bị thu hẹp. Mức độ suy thoái của đất trên toàn cầu cùng có xu hướng tăng theo thời gian với diện tích đất đang suy thoái trên toàn cầu đang vào khoảng 75%. Xu hướng tiêu dùng sản phẩm nông nghiệp đang thay đổi, chú trọng vào các sản phẩm nông nghiệp tốt cho sức khỏe và có nguồn gốc rõ ràng, không vi phạm quy định về Chứng chỉ Carbon (Carbon thấp) với phương thức mua hàng tiện lợi mọi lúc mọi nơi và tương tác với khách hàng trên đa kênh như mạng xã hội, website của doanh nghiệp, SMS, email…
Sự thay đổi trong xu hướng nông nghiệp toàn cầu tạo ra các thách thức cho doanh nghiệp trong việc quản lý hiệu quả sản xuất, kinh doanh và hiệu quả quản trị để vừa đảm bảo tăng doanh thu, tiết kiệm chi phí và phát triển bền vững.
Trạm quan trắc thời tiết thông minh phục vụ sản xuất chè của nông dân ở Thái Nguyên. Ảnh T.B
Nông nghiệp Việt Nam có nhiều tiềm năng để phát triển. Năng suất nhiều loại cây trồng, vật nuôi thuộc nhóm cao trên thế giới; nhiều nông sản chủ lực có tiềm năng xuất khẩu tốt. Người Việt chúng ta rất phù hợp với công nghệ số: Thông minh, chăm chỉ và thích ứng nhanh, hiện nay tỷ lệ người dùng điện thoại thông minh (Smartphone) khá cao trong khu vực. Việt Nam đã xuất hiện nhiều doanh nghiệp công nghệ số (hiện có khoảng 60.000 doanh nghiệp, chiến lược “Make in Vietnam” đặt mục tiêu đến năm 2025 là 100.000 doanh nghiệp công nghệ số).
Tuy nhiên, do thói quen ngàn đời, người nông dân ta còn rất khó thay đổi phương thức, tập quán sản xuất. Nông nghiệp Việt Nam với trên 8 triệu hộ sản xuất, hiện còn vướng rào cản do tình trạng sản xuất canh tác, chăn nuôi nhỏ lẻ, manh mún, nguồn nhân lực có chuyên môn cao còn hạn chế, hệ thống cơ sở hạ tầng nông nghiệp cho ứng dụng CNS còn lạc hậu và chưa đồng bộ, nhận thức và kỹ năng sử dụng thiết bị thông minh của nông dân còn hạn chế, áp dụng công nghệ còn gặp nhiều khó khăn, sự gắn kết giữa sản xuất và thị trường theo chuỗi giá trị gắn với nền tảng số còn yếu.
Các bên tham gia trong chuỗi cung ứng có yêu cầu về chuyển đổi số khác nhau phụ thuộc vào mục tiêu, quy mô sản xuất kinh doanh và các nguồn lực hiện có. Mức độ sẵn sàng áp dụng công nghệ có sự khác nhau rõ rệt giữa các khu vực.
Đối với đơn vị trong khâu thu mua phân phối bao gồm cả thương lái, tiểu thương ở chợ truyền thống, siêu thị, cửa hàng thực phẩm, mức độ áp dụng công nghệ cũng khác nhau tùy theo kênh phân phối.
Theo khảo sát năm 2021 của EU với hơn 30 doanh nghiệp, hợp tác xã trong phạm vi dự án “Áp dụng công nghệ vào truy xuất nguồn gốc ở Việt Nam”, 100% các hộ nông dân trồng trọt và bán hàng ra chợ truyền thống không áp dụng công nghệ trong truy xuất. Đối với các doanh nghiệp xuất khẩu và phân phối vào kênh hiện đại, tỷ lệ áp dụng công nghệ trong việc truy xuất lần lượt là 60% và 40%. Điều này cho thấy, việc áp dụng công nghệ trong khâu phân phối tới người tiêu dùng phụ thuộc lớn vào nhu cầu của người tiêu dùng cũng như mục tiêu sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.
Ngoài ra, bên cạnh những tích cực, internet cũng mang lại những tiêu cực, đặc biệt là tin giả. Giống không tốt mà nói tốt. Phân không tốt mà nói tốt. Sản phẩm còn nhiều dư lượng độc hại mà vẫn vin vào cái Mã QR để quảng cáo là hàng hữu cơ, sản phẩm sạch. Vì thế, ngoài cung cấp tri thức nông nghiệp đúng cho bà con, cổng thông tin chính chủ mà tôi nói còn có thể giải quyết câu chuyện tin giả, tin gây nhiễu loạn, làm ảnh hưởng đến an ninh nông nghiệp, an ninh kinh tế.
Nói riêng trong công nghệ, mà “hot” nhất hiện nay, ngành Nông nghiệp đang đưa vào tiến trình kế hoạch thực hiện là CĐS, nông nghiệp sinh thái, nông nghiệp hữu cơ, nông nghiệp tuần hoàn (3 phạm trù cuối này thực ra có nhiều cái giống nhau, khi áp dụng dễ nhầm lẫn, chồng chéo), cần phải xác định ta sử dụng công nghệ nào, không thể công nghệ nào cũng áp dụng được. Nhà nước phải ban hành tiêu chí, có yêu cầu cụ thể, đạt chuẩn thì mới cho đưa vào ứng dụng, đưa cho bà con dùng. Khi xác nhận công nghệ đó mang lại hiệu quả, có khả năng dễ ứng dụng, thân thiện với nông dân thì Nhà nước nên có chế tài nhân rộng để phát huy hiệu quả của sáng chế, đồng thời, yêu cầu những sản phẩm đưa ra thị trường, phải dán tem nhãn QR xác nhận, minh bạch chất lượng. Ý tôi là tem nhãn thật, chứ không phải kiểu dán tem lung tung như hiện nay. Lâu nay, chúng ta thiếu sự quyết liệt từ phía các hệ thống quản lý nhà nước. Nói phải đi đôi với làm. Làm thực chất. Không làm chung chung. Không làm kiểu phong trào, đề ra cho có, phải có chương trình hành động cụ thể.
Các cơ quan, bộ, ngành chức năng mới chỉ đạo nghiên cứu xây dựng các nền tảng chuyển đổi số nhà nước, còn lúng túng chưa tổ chức nghiên cứu các nội dung chuyển đối số ứng dụng, giải quyết các vấn đề CĐS trong canh tác, quản lý kinh doanh, quản lý sản phẩm, ứng phó biến đổi khí hậu, thương mại điện tử. Các địa phương gặp lúng túng khi cần có các chính sách, giải pháp CĐS hướng dẫn từ trung ương, một số mới chỉ dừng áp dụng ở quy mô thí điểm, rất ít có ứng dụng đại trà.
Các doanh nghiệp, các nhà cung cấp giải pháp chuyển đổi số phần đa số hiện nay thuộc khối tư nhân, tuy rất nhiệt tình, đầu tư, phát triển các giải pháp CĐS áp dụng trong nông nghiệp nhưng phần lớn chưa trúng mục tiêu, yêu cầu của CĐS ngành, nên phần lớn hoạt động cầm chừng hoặc sai hướng.
Các ứng dụng Nông nghiệp số - hiệu quả đã có từ ngày hôm nay
Nông nghiệp VN đứng trước các cơ hội to lớn, Đảng và Nhà nước, Chính phủ rất quan tâm sự nghiệp chuyển đổi số, đã ban hành rất nhiều các chủ trương, chính sách cho CĐS. Việt Nam chúng ta tuy đi sau ở các cuộc cách mạng công nghiệp nên có cái may ít phải chịu gánh nặng của quá khứ cơ sở vật chất, vì vậy có thể chấp nhận nhanh hơn mô hình và hạ tầng mới. Thị trường thế giới rộng mở, sự thay đổi nhanh chóng trong tiêu dùng quốc tế. Thứ hạng của Việt Nam tăng đáng kể về CĐS trong các bảng xếp hạng được công bố năm 2021 bởi Liên Hợp quốc, tăng trưởng kinh tế Internet gần 30%, cao nhất khu vực Đông Nam. Hợp tác quốc tế ngày càng sâu, rộng, hiện chúng ta đã có quan hệ kinh tế với 181 nước trên thế giới mở ra thị trường dư địa hàng hóa nông sản chất lượng cao của Việt Nam.
Chuyển đổi số trong nông nghiệp nhằm nâng cao năng suất,giá trị và sức cạnh tranh cho nông sản địa phương. Ảnh minh hoạ
Nhà Doanh nghiệp được hưởng lợi: Tăng doanh thu, giảm chi phí sản xuất và vận hành, tăng mức độ hài lòng của khách hàng, tăng thị phần khách hàng, tăng sự minh bạch thông tin
Người nông dân và hợp tác xã: Tăng thu nhập, giảm chi phí sản xuất, tăng kỹ năng điều hành sản xuất, tăng chất lượng sản phẩm.
Sau hơn 10 năm nghiên cứu ứng dụng các giải pháp triển đổi số, Liên danh Chuyển đổi số VDECA - Ngôi nhà chung của Liên hiệp HTX Kinh tế số Việt Nam đã đạt được một số kết quả ban đầu sau đây:
Giải pháp quản lý chất lượng nông sản eGAP và Cổng thông tin eGAP.vn: Phần mềm eGAP (Electronic Good Agricultural Practics – Thực hành điện tử Nông nghiệp Tốt) và eGAP.vn là Cổng thông tin có 4 chức năng Quản lý, Giám sát, Truy xuất minh bạch và Kết nối thị trường Nông sản Việt Nam với đầy đủ căn cứ pháp lý để đưa vào sử dụng vào mục đích công; được WB trao Giải thưởng Đổi mới sáng tạo năm 2017 và được Bộ KHCN nghiệm thu cho phép ứng dụng năm 2019, được Cục KTHT&PTNT (Bộ NN&PTNT) ký thỏa thuận ứng dụng ngày 21/8/2021;
eGAP.vn có 100 cổng phụ phân cấp cho 63 tỉnh, thành và trên 30 doanh nghiệp nông nghiệp quản lý nông sản theo phạm vi địa bàn phụ trách;
eGAP.vn có chức năng quản lý và giám sát, cấp Tem truy xuất minh bạch QR Code eGAP, eGMP, Ehaccp, tem chống giả… bằng công nghệ Blockchain cho sản phẩm của 5 ngành: Trồng trọt, chăn nuôi, thủy sản, chế biến và OCOP.
eGAP.vn có 3 cấp quản lý nông sản: Cấp I – cấp tổng (Bộ, VDECA), cấp II – cấp tỉnh, huyện (Sở NN&PTNT, Sở CT, Sở Thông tin truyền thông, Phòng Kinh tế hoặc Phòng Nông nghiệp, Trung tâm Dịch vụ Nông nghiệp cấp huyện); cấp III – cấp HTX, doanh nghiệp và huyện để quản lý, xác nhận chặt chẽ chất lượng nông sản khi đưa Tem xác nhận chất lượng eGAP và eGMP ra thị trường tiêu thụ trong nước và xuất khẩu.
Công ty CP Giải pháp Nông nghiệp WeatherPlus triển khai 2 Phần mềm và Cổng thông tin Cảnh báo, Dự báo thời tiết, thiên tai, sâu bệnh nông nghiệp: thoitietnhanong.vn, App ứng dụng trí tuệ nhân tạo cho canh tác thông minh: MobiAgri (nhận dạng tự động 35 loại bệnh cây trồng, 1.000 loài thực vật, khuyến cáo biện pháp bảo vệ thực vật, cảnh báo, dự báo thời tiết, cảnh báo giông lốc 30 – 60 phút theo tọa độ); Ứng dụng SOHA: Cảnh báo mưa lũ, quản lý, vận hành an toàn hồ, đập và phòng chống thiên tai ở nhiều tỉnh trong đó Lào Cai, Hà Giang đã có trên 50 trạm thời tiết tổng hợp iMetos và các Trạm đo mưa phục vụ hệ thống thủy điện, hệ thống thông tin phòng chống thiên tai.
Công ty CP Misa đã ứng dụng đại trà với 4 triệu thuê bao, hỗ trợ các HTX sử dụng thành công Phần mềm quản trị kinh doanh và thuế điện tử Misa – Amis, bước đầu khắc phục tình hình các HTX phải thuê kế toán, hạch toán, báo cáo thuế, thu nhập bằng phương thức tập huấn cán bộ chỉ cần trình độ PTTH sau một thời gian ngắn đào tạo 2 – 3 ngày có thể sử dụng thành thạo phần mềm và vận hành bộ máy kế toán HTX.
Nền tảng xã hội kinh doanh của Công ty ViBook: Đưa các HTX và doanh nghiệp tham gia bán hàng trực tiếp, kết nối thị trường, giới thiệu sản phẩm và đa lợi ích, nổi bật hiện nay là ứng dụng Chợ quê số như Sơn La và nhiều tỉnh, huyện đã thực hiện (ví dụ choquesosonla.com) cho các sản phẩm OCOP và hữu cơ có xác nhận chất lượng eGAP, eGMP, eHACCP.
Đã hoàn thiện và xây dựng nền tảng công nghệ tham gia bảo hiểm nông nghiệp, cung cấp căn cứ cho tín dụng của các cơ sở:
Cảnh báo, dự báo cho bảo hiểm rủi ro thiên tai đến cấp tọa độ bằng Công nghệ thời tiết thông minh iMetos và Cổng thông tin thoitietnhanong.vn và dulieu.tramthoitiet.vn, các Cổng phòng chống thiên tai cấp tỉnh;
Quản lý rủi ro bằng eGap.vn, các cổng phụ cấp tỉnh thành, Nhật ký điện tử eGAP: Ghi chép bằng hình ảnh, số liệu theo thời gian thực nhật ký canh tác, diễn biễn thời tiết, sâu bệnh theo thời gian thực theo từng lô, thửa, hộ nông dân.
Cung cấp căn cứ giúp cho các Ngân hàng tín dụng đầu tư vào vùng nguyên liệu khi thẩm định đầu tư, tín dụng, cho vay.
Với sự đồng lòng của hệ thống chính trị, ý trí thông minh, cần cù, chịu khó của người nông dân Việt, hy vọng chỉ sau vài năm tới, các ứng dụng CĐS thông minh thế hệ mới sẽ áp dụng rộng rãi trên đồng ruộng, trang trại, công xưởng chế biến, Việt Nam đưa ra thị trường trong nước và thế giới những sản phẩm của Nông nghiệp 4.0.. Tương lai của Nông nghiệp số Việt Nam ngày mai đang bắt đầu từ ngày hôm nay.
- Cà Mau: GRDP nông, lâm, ngư nghiệp tăng 3,3% so với cùng kỳ năm trước
- Bình Dương phấn đấu trở thành đô thị loại I và thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030
- Đến năm 2030, phấn đấu trên 90% diện tích lúa, rau màu, cây ăn trái áp dụng IPHM
- Vĩnh Long: Định hướng cơ cấu ngành Nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới