Diễn đàn

Nuôi chim trĩ – hiệu quả cho hộ chăn nuôi nhỏ

Bài, ảnh: Tiến Dũng - 07:11 08/12/2021 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Hiện nay tại nhiều địa phương, phong trào nuôi chim trĩ đang phát triển mạnh, mang lại hiệu quả kinh tế cao, thu nhập ổn định cho người nuôi. Hội viên Trịnh Thị Tuyết (xã Giao Tiến, Giao Thủy, Nam Định) đang sở hữu đàn chim trĩ quy mô lớn và hàng nghìn con chim trĩ giống, thịt được xuất bán hàng tháng. Thu nhập bình quân của gia đình chị sau khi trừ chi phí hơn 200 triệu đồng/năm.
Theo kinh nghiệm của chị Tuyết, yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến năng suất của chim trĩ là yếu tố ghép đôi, bảo quản và ấp trứng.

Mạnh dạn chuyển đổi chăn nuôi giống mới

Chị Trịnh Thị Tuyết (Chi hội 7 thôn Quyết Thắng, xã Giao Tiến) tâm sự: “Năm 2016, qua xem truyền hình, tôi đã biết về mô hình nuôi chim trĩ đạt hiệu quả kinh tế cao. Bản thân tôi thấy mô hình hay, khả năng có thể làm được nên tôi đã mạnh dạn tìm hiểu và quyết định nuôi thử nghiệm”. Với suy nghĩ đó chị đã bắt tay ngay vào việc, tận dụng chuồng gà và mảnh vườn rộng sẵn có, chị nhờ người thân tìm mua 10 đôi chim trĩ giống từ tỉnh Hải Dương về nuôi. 

Ban đầu do chưa hiểu về kĩ thuật chăm sóc chim trĩ nên chị Tuyết chăn nuôi dựa vào kinh nghiệm nuôi gà trước đó và học hỏi kiến thức nuôi chim trĩ qua mạng internet, sách báo, từ những người đã nuôi nhiều năm. Trong quá trình nuôi chị Tuyết nhận ra rằng nuôi chim trĩ không khó, chim ít bị dịch bệnh hơn gà, cách nuôi, chăm sóc và phòng bệnh cũng tương tự như nuôi gà. Thức ăn cho chim cũng dễ kiếm, chủ yếu là cám, thóc, rau xanh…

Trong quá trình nuôi chim trĩ, chị cũng nhận được rất nhiều sự hỗ trợ của chính quyền địa phương cũng như của Hội Nông dân xã. Do đó, chị đã mạnh dạn đầu tư mở rộng quy mô, Năm 2016, từ 10 đôi chim trĩ giống ban đầu, mỗi năm chị nuôi trên 1.000 con với tổng diện tích nuôi chim trĩ hơn 200m2 theo mô hình khép kín với đầy đủ thiết bị như máng ăn, nước uống, đèn sưởi ấm về mùa Đông, hệ thống quạt làm mát về mùa Hè… 

Theo kinh nghiệm của chị Tuyết, yếu tố quan trọng nhất ảnh hưởng đến năng suất của chim trĩ là yếu tố ghép đôi, bảo quản và ấp trứng. Tỷ lệ ghép đôi phù hợp là 1 trống ghép với 4 mái trong chuồng có diện tích 2m2, không nên ghép theo tỷ lệ 1 trống 1 mái, cũng không nên ghép nhiều mái sẽ dẫn đến tỷ lệ trứng nở kém. Chim trĩ sinh sản theo mùa, nhưng do kĩ thuật nuôi ngày càng cao nên hầu như chúng đẻ quanh năm, các tháng đầu năm năng suất sẽ cao hơn.

Chim trĩ sinh sản có chế độ thức ăn riêng, gồm 50% cám, 10% gạo lứt, 10% bắp, lúa, bổ sung thêm đậu nành, rau xanh... Vào mùa nắng nóng phải chống nắng cho chim và bổ sung thêm rau xanh, đồng thời hòa thêm chất điện giải vào nước cho chim uống. Thông thường mỗi con chim mái đẻ khoảng 100 quả/vụ và nghỉ đến vài tháng mới đẻ trứng tiếp. Nếu giữ lại nuôi thì sẽ không kinh tế, vì vậy chuyển sang bán chim thương phẩm, nuôi lứa chim mới gối vụ lứa chim này. Sau khi xuất bán chim thương phẩm, nền chuồng phải được vệ sinh, khử trùng sạch sẽ, trải lớp cát mới. Đây là khâu quan trọng giúp đàn chim sinh trưởng tốt.

Mô hình nuôi chim trĩ mang lại hiệu quả kinh tế cao của gia đình hội viên Trịnh Thị Tuyết.

Đầu ra ổn định, thu nhập khá từ sản phẩm độc, lạ

Ngoài nuôi chim thương phẩm, chị Tuyết còn nuôi chim giống. Khi chim được 3 tháng, chị tách chim mái nuôi riêng để lấy trứng, thức ăn của chim lúc này chủ yếu là ngô, thóc, cám, rau xanh. Chim sinh sản mỗi năm 2 đợt, đợt đầu từ tháng 3 đến tháng 4, đợt hai từ tháng 9 đến tháng 10. Bình quân, chim mái đẻ từ 60 -70 quả trứng/đợt. Do tập tính của chim trĩ sau khi đẻ rất lười ấp và nếu có ấp thì tỷ lệ nở không cao, chị đã mày mò, nghiên cứu ấp trứng bằng máy để đạt tỷ lệ nở cao nhất lên đến 80 - 85%. Khi nở thành chim non, nuôi từ 3 - 4 tháng có thể xuất bán chim thương phẩm và từ 6 - 7 tháng có thể cho sinh sản tùy theo chế độ chăm sóc. 

“Vì thường xuyên nuôi các lứa chim bố mẹ gối vụ nên hầu như quanh năm gia đình tôi đều có chim giống bán, chính vụ thì nhiều gấp đôi còn vào trái vụ cũng xuất được 1.000 chim giống/tháng. Năm nay tuy dịch Covid -19 diễn biến phức tạp nhưng chim giống vẫn tiêu thụ rất tốt” - chị Tuyết chia sẻ.

Theo chị, để đạt được hiệu quả kinh tế cao trong nuôi chim trĩ, điều kiện đầu tiên là phải cho đàn chim ăn sạch, ở sạch và phòng chống dịch bệnh, đặc biệt là giao thời giữa lứa cũ và lứa mới, thường xuyên phun khử khuẩn và rải men vi sinh xuống nền để phân hủy phân chim, giảm mùi hôi và khí độc giúp chim khỏe mạnh và ít mắc các bệnh về hô hấp. 

Hiện đầu ra của chim trĩ khá ổn định, các thương lái đến đặt mua tại nhà. Mỗi năm chị Tuyết xuất từ 600 - 1.000 con chim thương phẩm giá từ 200-230 nghìn đồng/kg; 3.000 - 4.000 con chim giống với giá từ 18 - 20 nghìn đồng/con. Ngoài ra, mỗi năm chị thu được trên 6.000 quả trứng. Thu nhập bình quân của gia đình chị sau khi trừ chi phí được khoảng 200 triệu đồng/năm.

 Không chỉ làm kinh tế giỏi, chị Trịnh Thị Tuyết còn là hội viên gương mẫu, tiêu biểu trong các phong trào thi đua của Hội Nông dân, của địa phương. Chị luôn tạo điều kiện giúp đỡ hộ nghèo và chia sẻ kinh nghiệm nuôi chim trĩ cho một số hộ dân trong thôn và các vùng lân cận bước đầu đã mang lại hiệu quả. Thời gian tới, chị mong muốn được tham gia các lớp tập huấn kỹ thuật mới trong nuôi chim trĩ cũng như hỗ trợ đầu ra tiêu thụ sản phẩm… để gia đình chị yên tâm tiếp tục mở rộng quy mô chăn nuôi, góp phần phát triển kinh tế tại địa phương trước những khó khăn do ảnh hưởng của dịch bệnh Covid -19. 

“Gia đình tôi có được thành công trong chăn nuôi chim trĩ, điều kiện kinh tế đỡ chật vật hơn trước một phần nhờ vào sự ủng hộ của chính quyền địa phương, cùng với sự giúp đỡ tận tình của Hội Nông dân xã trong những lúc khó khăn. Tôi mong muốn các cấp Hội và Ngân hàng NN&PTNT tạo điều kiện để gia đình được tiếp cận với nguồn vốn vay ưu đãi, được tham gia các lớp học về kỹ thuật chăn nuôi, phòng bệnh cho gia cầm, vật nuôi giúp các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ như chúng tôi duy trì và mở rộng quy mô, đa dạng mô hình chăn nuôi để tăng thêm thu nhập…”.  
Theo chị Trịnh Thị Tuyết.
 

Tin cùng chuyên mục
Tin khác