Học hỏi làm giàu

Phàn A Páo làm giàu từ nuôi cá hồi nước lạnh

14:32 24/01/2024 GMT+7
Người dân địa phương rất cảm phục về ý chí vượt khó của chàng thanh niên với mô hình trang trại nuôi cá hồi nước lạnh, cho doanh thu thu hàng tỉ đồng mỗi năm.

Làm giàu từ nuôi cá hồi nước lạnh là mô hình kinh tế hiệu quả của anh Phàn A Páo, 26 tuổi, ở xã Hồ Thầu, huyện Tam Đường, tỉnh Lai Châu. Cha mẹ mất sớm, hoàn cảnh khó khăn, cuộc sống chỉ trông chờ vào đồng ruộng nên học hết lớp 9, Páo phải bỏ học giữa chừng ở nhà lao động bươn chải để kiếm sống.

Cũng giống như bao chàng trai khác, hàng ngày Phàn A Páo lên nương làm rẫy, kinh tế không có gì nổi trội. Vốn là người năng động, dám nghĩ, dám làm, cần cù, sáng tạo, chàng trai này luôn trăn trở tìm cách thoát khỏi sự đeo bám của nghèo khó. Nhận thấy tại địa phương mình có nguồn nước sạch, thuận lợi, phù hợp với nuôi cá nước lạnh nên Páo đã sang tìm hiểu mô hình này tại thị xã Sa Pa, Lào Cai.

Học được cách nuôi cá, thông qua các tổ chức xã hội, Phàn A Páo đã liên hệ với các ngân hàng vay vốn ưu đãi để thực hiện nuôi cá hồi. “Mình xác định tuổi còn trẻ nên đã mạnh dạn đưa con cá hồi này về nuôi. Từ khi nuôi cá hồi mình cũng thấy cuộc sống phát triển hơn, đỡ khó khăn hơn ngày xưa”, A Páo chia sẻ.

phan a pao lam giau tu nuoi ca hoi nuoc lanh hinh anh 1
Anh Phàn A Páo (ngoài cùng bên trái) đang cho cá ăn - Ảnh: tamduong.laichau.gov.vn

Năm 2018, thông qua Đoàn thanh niên xã, Phàn A Páo đã được tiếp cận với nguồn vốn vay dành cho thanh niên khởi nghiệp của ngân hàng, cộng với số tiền người nhà cho vay thêm, anh đã bắt tay vào nuôi cá. Tuy nhiên khi làm bể cá mới thấy khó khăn vì địa hình dốc, việc tạo các bể cá không đơn giản. Sau khi tính toán, Páo đã thuê máy xúc đào các bể thành ao nhỏ, sau đó mua bạt phủ lên mặt ao rồi mới thả cá để nuôi. 

Thời gian đầu, việc nắm bắt kỹ thuật nuôi cá chưa tốt dẫn đến việc cá thường xuyên bị bệnh và chết. Năm 2019 khi cá chuẩn bị cho thu lứa đầu tiên, không may nửa quả đồi phía trước sạt xuống khiến cho nguồn nước bị đục, không còn nước vào các ao và bể cá làm cho 2/3 số cá bị ngạt nước.

Không nản trí, Phàn A Páo tiếp tục thế chấp ngân hàng ngôi nhà mình đang ở để tiếp tục vay vốn. Với những kiến thức và kinh nghiệm có được trong nuôi thả, đồng thời sau khi dịch bệnh Covid-19 được kiểm soát, kinh tế bắt đầu phục hồi, nhu cầu thực phẩm tăng và cá hồi có giá thành ngày càng cao.

“Nhà mình gần suối nên học hỏi được nhiều tập tính của loài cá hồi, từ đó mở rộng thêm diện tích nuôi. Một năm tôi cũng thu về gần 1 tỉ đồng và giờ cũng đang đầu tư để mở rộng thêm diện tích nuôi cá”, anh Phàn A Páo chia sẻ.

Cùng với nuôi cá, còn diện tích 5.000m2 ruộng, nương mà cha mẹ để lại, Phàn A Páo đã chuyển đổi trồng chanh leo, dong giềng và thuê thêm 2 lao động địa phương, với mức lương gần 5 triệu đồng/tháng. Không chỉ chuyên tâm phát triển kinh tế gia đình, anh Páo còn tích cực tham gia các hoạt động xã hội của địa phương, sẵn sàng giúp đỡ những thanh niên, hộ gia đình khó khăn trong bản, trong xã về vốn, giống cá, trao đổi kinh nghiệm nuôi cá để cùng phát triển kinh tế.

Chị Phàn Mẩy Lảy, Bí thư Đoàn xã Hồ Thầu, huyện Tạm Đường, tỉnh Lai Châu cho biết, Phàn A Páo là đoàn viên mạnh dạn phát triển kinh tế tại địa phương. Đặc biệt trong 2 năm trở lại đây, Phàn A Páo đã mở rộng và phát triển mô hình nuôi cá nước lạnh, đem lại hiệu quả kinh tế gần 1 tỉ đồng mỗi năm, từ đó đã tạo công ăn việc làm cho người dân địa phương. Trong thời gian tới, chi đoàn xã sẽ tích cực nhân rộng mô hình này.

Nhờ phát triển sản xuất và chăn nuôi cá nước lạnh có hiệu quả, giờ đây Phàn A Páo đã trở thành hộ khá giàu của bản, trở thành tấm gương tiêu biểu về nghị lực của thanh niên dám nghĩ, dám làm, vượt lên số phận để làm giàu trên mảnh đất quê hương.

Theo VOV

Tin cùng chuyên mục
Tin khác