Góc nhìn

Phát triển hệ thống Logistic, nâng cao chất lượng, sức cạnh tranh nông sản Việt Nam

15:17 25/06/2023 GMT+7
(Tapchinongthonmoi.vn) - Đó là nội dung của hội thảo trực tuyến được tổ chức tại thành phố Hồ Chí Minh sáng 24/6 do Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Trần Thanh Nam chủ trì.

Tại hội thảo, các đại biểu tập trung đánh giá về thực trạng phát triển logistics tại các vùng, hạn chế của dịch vụ hạ tầng Logistics nông nghiệp Việt Nam. Từ đó đặt ra vai trò, sự cần thiết phát triển hệ thống Logistics về xuất khẩu hàng hóa nông sản của Việt Nam cũng như các chính sách liên quan.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và phát triển nông thôn Trần Thanh Nam cho biết: Hiện nay kim ngạch xuất khẩu nông sản của Việt Nam đạt khoảng 40 tỷ USD. Tuy nhiên, tỷ lệ hao hụt nông sản chiếm rất cao từ 25-30%, trong đó có vấn đề thiếu hụt kho vận để đóng gói. “Chi phí logistics đối với nông sản của Việt Nam hiện nay cao hơn các nước trong khu vực. Tùy theo mặt hàng, logistics chiếm từ 12-38% giá thành sản phẩm. Do vậy, cần phải có hệ thống logistics hoàn chỉnh cho nông sản trong phạm vi cả nước. Cái này không làm giống hệ thống logistics của ngành giao thông hay ngành thương mại, mà phải có tính đặc thù của nông sản”. Thứ trưởng Trần Thanh Nam cho biết.

Thực tế hạ tầng logistics của Việt Nam phát triển chưa tương xứng với tốc độ phát triển của hoạt động xuất nhập khẩu, trong đó các cơ sở cần thiết như hệ thống kho lạnh, bến bãi, hệ thống đường kết nối và khả năng tiếp nhận xử lý của các cửa khẩu trong thời gian qua đã bộc lộ nhiều hạn chế, không đáp ứng được nhu cầu vận chuyển và xử lý hàng hóa một cách nhanh chóng với chi phí cạnh tranh. Trong khi đó, các chi phí phát sinh trong hoạt động logistics chiếm phần không nhỏ trong lợi nhuận của doanh nghiệp, đồng thời chi phí này cũng tác động trực tiếp đến giá thu mua nông sản nguyên liệu đầu vào của nông dân.

Các đại biểu dự buổi Hôi thảo. Ảnh: Phú Khuynh

Các đại biểu cũng đã chỉ ra sự cấp thiết của việc xây dựng Đề án “Phát triển hệ thống logistic nâng cao chất lượng sức cạnh tranh nông sản Việt Nam đến 2030, tầm nhìn 2050” trong đó phải đẩy mạnh liên kết, hợp tác giữa các doanh nghiệp sản xuất- xuất khẩu nông sản và doanh nghiệp logistics.

Ông Trần Công Thắng - Viện trưởng Viện Chính sách và Chiến lược phát triển nông nghiệp nông thôn cho biết, quan điểm của đề án này nhằm phát triển hệ thống logistics gắn với vùng sản xuất kinh doanh nông sản. Từ đó giúp nâng cao chất lượng và sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam.

“Phát triển hoàn thiện hệ thống logistics gắn với vùng sản xuất và kinh doanh nông nghiệp nhằm nâng cao năng lực sản xuất, chất lượng, tăng giá trị và sức cạnh tranh của nông sản Việt Nam. Góp phần xây dựng chuỗi cung ứng nông sản hiệu quả bền vững, phục vụ thị trường trong nước và xuất khẩu”, ông Thắng cho biết mục tiêu chung của đề án.

Đặc biệt, trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập, hệ thống logistics của Việt Nam cần xây dựng hệ thống logistics đạt những tiêu chuẩn quốc tế như ISO, HACCP (hệ thống các tiêu chuẩn nhằm đảm bảo an toàn vệ sinh và chất lượng thực phẩm), BRC (tiêu chuẩn toàn cầu về an toàn thực phẩm), Global G.A.P (tiêu chuẩn về thực hành nông nghiệp tốt) nhằm đáp ứng hàng rào kỹ thuật ngày càng nghiêm ngặt của thị trường quốc tế, đặc biệt là các thị trường đã có các hiệp định thương mại tự do (FTA). Để làm được những điều này cần có sự triển khai đồng bộ ở nhiều lĩnh vực liên quan đến vai trò của rất nhiều ban, ngành và địa phương, đặc biệt là những nơi đang có lợi thế lớn về kết nối giao thương và hệ thống giao dịch đầu mối tập trung như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh.

Theo ông Đinh Minh Hiệp - Giám đốc Sở Nông nghiệp và phát triển nông thôn TP. Hồ Chí Minh cho biết. Hiện TP. Hồ Chí Minh có nhiều chợ đầu mối lớn, tại đây các thương lái, các đầu mối, mạng lưới đã có sẵn. Do đó, có thể tận dụng những khu chợ này để phát triển thành trung tâm logistics, từ đó đưa vào quy hoạch chung trong đề án.

Dự thảo đề án Đề án “Phát triển hệ thống Logictics nâng cao chất lượng sức cạnh tranh nông sản Việt Nam đến 2030 tầm nhìn 2050 đặt ra nhiệm vụ rà soát lại hệ thống logistics tại các vùng sản xuất trọng điểm, các địa điểm đang dự kiến xây dựng hệ thống trung tâm logistics nông nghiệp 3 cấp, gồm:

-        Trung tâm logistics nông nghiệp cấp vùng mang tính động lực, quy mô lớn kết nối thị trường trong nước và xuất khẩu.

-        Trung tâm logistics nông nghiệp tại các vùng sản xuất tập trung hỗ trợ sản xuất hiệu quả, đảm bảo chất lượng, gia tăng giá trị nông sản, kết nối với trung tâm logistics cấp vùng và trung tâm logistics phục vụ xuất khẩu.

-        Trung tâm logistics nông nghiệp phục vụ xuất khẩu tại các tỉnh có cửa khẩu và các cảng xuất khẩu nông sản.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác