Thảo luận

Phát triển kinh tế tập thể góp phần tạo ra giá trị mới

(Tapchinongthonmoi.vn) - Kinh tế tập thể, mà nòng cốt là hợp tác xã là thành phần kinh tế quan trọng trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Trong thời gian qua, kinh tế tập thể đã có nhiều chuyển biến tích cực, đạt được nhiều thành tựu rất đáng được ghi nhận, đặc biệt là đã tạo ra những giá trị mới góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh, bền vững. Vì vậy, thời gian tới cần tiếp tục đẩy mạnh sự phát triển của kinh tế tập thể.

Sự phát triển của kinh tế tập thể trong thời gian qua 
Kinh tế tập thể mà nòng cốt là hợp tác xã với nhiều hình thức hợp tác đa dạng (hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác (THT), liên hiệp hợp tác xã (LHHTX)...) dựa trên sở hữu của các thành viên và sở hữu tập thể, liên kết và hợp tác rộng rãi những người lao động, hộ sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế. 
Ở Việt Nam, kinh tế tập thể có bề dày lịch sử hình thành và phát triển gần 70 năm, có nhiều đóng góp quan trọng cho sự nghiệp cách mạng của dân tộc, vì vậy, kinh tế tập thể có vị trí, vai trò quan trọng trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Đảng ta đã khẳng định: “Kinh tế tập thể là thành phần kinh tế quan trọng, phải được củng cố và phát triển, cùng kinh tế nhà nước trở thành nền tảng vững chắc của nền kinh tế quốc dân”(1). Thực tiễn phát triển kinh tế tập thể ở Việt Nam và các nước trên thế giới, có thể khẳng định phát triển kinh tế tập thể là tất yếu khách quan, có ý nghĩa chiến lược và lâu dài trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.

Tham gia THT, nhiều hội viên nông dân được hỗ trợ KHKT. Ảnh XH
Từ khi có Nghị quyết Trung ương 5 khóa IX và đặc biệt là Nghị quyết Trung ương 5 khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới, kinh tế tập thể đạt nhiều thành tựu rất đáng được ghi nhận:
Một là, nhận thức của hệ thống chính trị và người dân về bản chất, vị trí, vai trò và tầm quan trọng của kinh tế tập thể, mà trọng tâm là hợp tác xã được nâng lên, phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội và chủ trương phát triển nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. 
Hai là, hệ thống quy định pháp luật và cơ chế, chính sách hỗ trợ kinh tế tập thể phát triển theo chủ trương của Đảng về cơ bản đã được xây dựng và ban hành, đồng thời, tiếp tục được rà soát, bổ sung, hoàn thiện cho phù hợp với thực tế của từng giai đoạn phát triển. Vì vậy, việc xác lập môi trường thể chế và ban hành các cơ chế, chính sách hỗ trợ cho phát triển kinh tế tập thể từng bước được bổ sung, hoàn thiện. Công tác xây dựng thể chế, pháp luật, cụ thể hóa Nghị quyết cơ bản được hoàn thiện, đồng bộ tại các cấp.
Ba là, sự thay đổi rõ rệt từ mô hình hợp tác xã kém hiệu quả sang mô hình hợp tác xã tự chủ, tự chịu trách nhiệm. Hiện nay, 100% các tỉnh, thành phố ban hành đề án, chương trình hành động thực hiện Nghị quyết và Kế hoạch phát triển kinh tế tập thể theo từng giai đoạn.
Bốn là, kinh tế tập thể đã có bước phát triển mới về chất và lượng, bước đầu khẳng định kinh tế tập thể là nhân tố quan trọng góp phần bảo đảm an sinh xã hội và sự phát triển kinh tế của đất nước. Các tổ chức kinh tế hợp tác đã từng bước liên kết những người sản xuất - kinh doanh nhỏ lẻ, để hợp sức, góp vốn tạo điều kiện thuận lợi tương trợ lẫn nhau để cùng phát triển, nhằm chia sẻ nguồn lực, lợi ích, kinh nghiệm, tạo mối liên hệ hài hòa giữa các thành viên theo hướng liên kết cộng đồng, mở rộng hợp tác giữa thành phần kinh tế tập thể với các thành phần kinh tế khác. Tính đến hết năm 2023, các số liệu của kinh tế tập thể cho ta thấy sự phát triển rất đáng mừng cả về chất và lượng. Cụ thể, cả nước có 30.698 HTX, 137 LHHTX và 71.500 THT. So với năm 2022, số HTX tăng 1.261 HTX (tăng 4%); LHHTX tăng 7 LHHTX (tăng 5,4%); THT tăng 700 THT (tăng 1%). Số HTX thành lập mới năm 2023 là 2.986 HTX, bình quân 250 HTX thành lập mới/tháng (tăng 291 HTX, tăng 10,8% so với năm 2022). Tổng số thành viên HTX là 5.813.612 thành viên; số HTX thành viên của LHHTX là 911 HTX; tổng số thành viên THT là 940 nghìn thành viên. 
Trong tổng số HTX có 20.500 HTX nông nghiệp (HTXNN), chiếm khoảng 67%) với 13.655 HTXNN hoạt động đạt loại khá, tốt (chiếm khoảng 65%); 10.198 HTX phi nông nghiệp (HTXPNN) hoạt động hiệu quả đạt 56%. 
Doanh thu bình quân của các HTX đạt 3.536 triệu đồng/HTX/năm. Lãi bình quân một HTX năm 2023 đạt 324 triệu đồng/HTX/năm (tăng 13 triệu đồng/HTX/năm, tăng 4% so với năm 2022). Thu nhập bình quân của một lao động thường xuyên trong HTX năm 2023 là 59 triệu đồng/người/năm (tăng 4 triệu đồng, tăng 7% so với năm 2022).
Tổng số cán bộ quản lý HTX ước đạt gần 126 nghìn người, tăng gần 9.000 người, tăng 7,6% so với năm 2022. Trong đó, số cán bộ quản lý HTX đạt trình độ sơ, trung cấp chiếm gần 36% trong tổng số với hơn 45 nghìn người, số cán bộ quản lý HTX đạt trình độ cao đẳng, đại học hơn 29 nghìn người (tương đương 23% trong tổng số cán bộ quản lý HTX)(2).
Năm là, vai trò lãnh đạo của các cấp ủy Đảng, kết hợp với công tác phối hợp hiệu quả giữa Mặt trận Tổ quốc các cấp, các tổ chức chính trị, xã hội, đoàn thể, đặc biệt là Hội Nông dân Việt Nam ngày càng được nâng cao, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế tập thể.
Như vậy, trong thời gian qua, kinh tế tập thể với nòng cốt là mô hình hợp tác xã đã cơ bản phủ kín các lĩnh vực kinh tế, nhất là trong lĩnh vực nông nghiệp, góp phần thúc đẩy tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, tạo nên tư duy kinh tế hợp tác của những người nông dân, đặc biệt là tạo ra những giá trị mới góp phần thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển nhanh, bền vững, đồng thời bảo đảm tiến bộ và công bằng xã hội.
Những giá trị mới sẽ được tạo ra từ sự phát triển kinh tế tập thể 
Từ thực tiễn phát triển kinh tế tập thể ở nước ta cho thấy phát triển kinh tế tập thể là xu hướng tất yếu, khách quan trong bối cảnh hội nhập quốc tế, phù hợp với kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, đồng thời đáp ứng nhu cầu thiết thực, bảo vệ lợi ích và tạo điều kiện thuận lợi cho các thành viên, khẳng định sự ưu việt của kinh tế tập thể mà nòng cốt là mô hình hợp tác xã về khía cạnh xã hội và phát triển cộng đồng. Sự phát triển của kinh tế tập thể trong thời gian qua đã tạo ra những giá trị mới, cụ thể:
Phát triển kinh tế tập thể từng bước khắc phục mặt trái của kinh tế thị trường. Kinh tế tập thể là một tổ chức xã hội được thành lập để bảo vệ lợi ích của các thành viên trong nền kinh tế thị trường, tạo sự công bằng trong cạnh tranh. Tổ chức được thành lập dựa trên sở hữu riêng của thành viên và sở hữu chung của tập thể; tổ chức hoạt động theo nguyên tắc đối nhân, không phụ thuộc vào vốn góp; phân phối theo mức độ tham gia dịch vụ, theo hiệu quả lao động; không hạn chế số lượng thành viên tối đa tham gia. Thành viên kinh tế tập thể bao gồm các thể nhân và pháp nhân, thành viên chính thức và thành viên liên kết, cùng góp vốn, góp tài sản, góp sức trên cơ sở tôn trọng nguyên tắc tự nguyện, bình đẳng, cùng có lợi và quản lý dân chủ. Bản chất của kinh tế tập thể là hợp tác để cùng cạnh tranh. Mô hình hợp tác xã là mô hình để giúp các cá nhân nhỏ lẻ, yếu thế hợp tác lại với nhau cùng tạo sức mạnh cạnh tranh trong kinh tế thị trường và cùng nhau phát triển. Chính vì vậy, phát triển kinh tế tập thể sẽ khắc phục mặt trái của kinh tế thị trường, như: Cạnh tranh, phân bổ nguồn lực không bình đẳng, thao túng thị trường, cân bằng cung cầu thường xuyên bị đe dọa, chênh lệch giàu nghèo gia tăng, không bảo đảm công bằng xã hội, thất nghiệp và lạm phát, tăng nguy cơ gây bất ổn xã hội…

Các HTX, THT đẩy mạnh phát triển theo chuỗi giá trị để nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả sản phẩm nông sản. Ảnh: T. Tùng
Phát triển kinh tế tập thể tạo nền tảng quan trọng hiện thực hóa mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Thông qua phát triển kinh tế tập thể, những thành viên riêng lẻ với nguồn lực nhỏ bé được tập hợp lại để phát triển sản xuất với quy mô hiệu quả hơn. Nhờ đó, giá trị sản phẩm, lợi nhuận và hiệu quả sản xuất của những thành việc riêng lẻ được tăng lên, từng bước cải thiện thu nhập và đời sống, tạo điều kiện làm giàu chính đáng. Kinh tế tập thể phát triển tạo tiền đề tăng tích lũy vốn để mở rộng sản xuất, từng bước chuyển dịch cơ cấu kinh tế, thúc đẩy sự phát triển của lực lượng sản xuất cùng với quan hệ sản xuất tiến bộ, phù hợp tất yếu sẽ dẫn đến sự biến đổi, phát triển về mọi mặt của đời sống kinh tế, xã hội, làm cho đất nước ngày càng mạnh hơn, có đủ sức cạnh tranh và có vị trí trong nền kinh tế thế giới. Kinh tế tập thể tổ chức và hoạt động theo hình thức đối nhân, được quản lý một cách dân chủ bởi tất cả thành viên. Mỗi thành viên sẽ thực hiện quyền làm chủ của mình bằng hình thức mỗi người có một phiếu biểu quyết như nhau. Đây là động lực thúc đẩy mỗi thành viên phải không ngừng học hỏi, nâng cao trình độ của bản thân, từ đó góp phần nâng cao dân trí, ý thức tự chủ, tự chịu trách nhiệm của mỗi thành viên. Trong kinh tế tập thể, mọi thành viên đối xử với nhau một cách bình đẳng, không có sự phân biệt giới tính, địa vị, giàu nghèo... Ở đó, tiếng nói của mọi người đều được lắng nghe, tôn trọng, miễn là tiếng nói đó mang lại lợi ích cho số đông thành viên. Sự công bằng về lợi ích được bảo đảm bởi quyết định của đa số thành viên. Nguyên tắc hợp tác, tương trợ trong kinh tế tập thể sẽ tạo nên ý thức sẵn sàng đoàn kết, tương thân, tương ái, hỗ trợ lẫn nhau giữa các thành viên, có tác động tích cực đến đời sống văn hóa, xã hội trên địa bàn. Vì vậy, kinh tế tập thể là một nền tảng quan trọng để hiện thực hóa mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”.
Phát triển kinh tế tập thể tạo động lực khơi dậy và phát huy ý chí tự lực, tự cường, sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc và khát vọng phát triển đất nước phồn vinh, hạnh phúc. Kinh tế tập thể là tổ chức kinh tế hợp tác đa dạng, phát triển từ thấp đến cao (THT, HTX, LHHTX,...) với nguyên tắc hoạt động nhằm khuyến khích nâng cao khả năng huy động vốn, tăng tích lũy vốn và tài sản chung; nâng cao tính minh bạch trong quản lý, điều hành; kinh tế tập thể là chủ thể phù hợp để kết hợp giữa đầu tư của Nhà nước và đầu tư, quản lý của tập thể người dân (đầu tư công - quản trị cộng đồng), tạo điều kiện phát huy tinh thần dân chủ, tự nguyện, tự chủ, tự chịu trách nhiệm của thành viên; kết hợp động lực kinh tế với động lực tinh thần, khơi dậy phong trào quần chúng nhân dân tham gia phát triển các tổ chức kinh tế tập thể, từ đó phát huy sức mạnh tổng hợp của khối đại đoàn kết toàn dân tộc trong phát triển kinh tế xã hội; hướng đến mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ công bằng văn minh”. 
Phát triển kinh tế tập thể tạo điều kiện thực hiện các chính sách xã hội, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội tại cộng đồng dân cư. Giá trị này có được là do phát triển kinh tế tập thể góp phần thúc đẩy giáo dục đào tạo liên tục cho các thành viên về kiến thức cơ bản như tài chính, tín dụng, thị trường, đầu tư, marketing, phương thức tổ chức sản xuất tối ưu nhất…; kinh tế tập thể tạo môi trường về cuộc sống dân chủ bởi quá trình ra quyết định đều theo nguyên tắc dân chủ; kinh tế tập thể có vai trò hài hòa xã hội, giảm các căng thẳng trong đời sống hiện đại và giúp mọi người tìm thấy những nền tảng chung mà họ có thể cùng làm việc với nhau, không để ai bị bỏ lại phía sau.
Phát triển kinh tế tập thể tạo nền tảng hình thành và phát triển văn hóa hợp tác trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Kinh tế tập thể lấy các nguyên tắc tự nguyện, cùng nhau hợp tác, tự chịu trách nhiệm, dân chủ, bình đẳng, công bằng và đoàn kết, với các giá trị đầy tính nhân văn, như trung thực, cởi mở, trách nhiệm với xã hội và quan tâm đến mọi người, cộng đồng. Đã là thành viên hợp tác xã thì góp nhiều hay ít, vào trước hay vào sau đều bình đẳng. Mọi người cùng chung mục tiêu của hợp tác với nhau, tương trợ, giúp đỡ lẫn nhau, chung nhau góp sức cùng có lợi, hợp tác với nhau để cùng mạnh lên, cùng nhau xây dựng cộng đồng văn minh, tương thân tương ái, hạn chế mặt trái của kinh tế thị trường, cùng chia sẻ các giá trị xã hội chung, củng cố sự gắn kết giữa con người với nhau và giữa con người với xã hội. Kinh tế tập thể là cơ sở để đưa thói quen hợp tác trở thành văn hóa, là bản sắc trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam.
Như chúng ta đã biết, giá trị là cái cao cả, tốt đẹp, có ý nghĩa được chia sẻ trong cộng đồng xã hội; là cái mong muốn vươn tới của mỗi cá nhân và cộng đồng. Giá trị do hoạt động sống của con người tạo ra, đến lượt mình, giá trị định hướng suy nghĩ và hành vi của con người trong cuộc sống, thúc đẩy sự phát triển của con người. Tuy không phải là khu vực tạo ra nhiều lợi nhuận và tăng trưởng kinh tế, nhưng kinh tế tập thể lại có vai trò, vị trí quan trọng trong giải quyết việc làm, bảo đảm đời sống cho người lao động, tạo sự ổn định xã hội, góp phần cho tăng trưởng và phát triển của mỗi quốc gia. Đóng góp về mặt xã hội của kinh tế tập thể được thể hiện ở số lượng thành viên; số lượng việc làm, thu nhập bình quân của thành viên, lao động trong tổ chức... Đóng góp lớn nhất về mặt xã hội của kinh tế tập thể là tạo ra những giá trị mới nói trên.
Việc đẩy mạnh phát triển kinh tế tập thể, nhất là kinh tế tập thể trong nông nghiệp vừa có thêm xung lực mới. Đó là Quyết định số 182/QĐ-TTg ngày 20-02-2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp đến năm 2030”. Mục tiêu tổng quát của Đề án là nâng cao vai trò, hiệu quả tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp của Hội Nông dân; khơi dậy tinh thần hợp tác, khởi nghiệp, sáng tạo của hội viên, nông dân; thu hút ngày càng nhiều hội viên, nông dân, cá nhân và tổ chức tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp; góp phần nâng cao thu nhập và chất lượng cuộc sống của thành viên, hộ gia đình, thực hiện vai trò và trách nhiệm xã hội, phát triển bền vững.
Thời gian tới cần tiếp tục đẩy mạnh sự phát triển của kinh tế tập thể, nhất là kinh tế tập thể trong nông nghiệp, góp phần làm đầy thêm các giá trị đã có và tạo ra những giá trị mới (ví dụ: Tinh thần hợp tác, khởi nghiệp, sáng tạo của hội viên, nông dân). Với yêu cầu đó cần phải thực hiện đồng bộ, hiệu quả một số giải pháp chủ yếu sau đây:
Tiếp tục đổi mới, nâng cao nhận thức của các cấp ủy đảng, chính quyền, tổ chức đoàn thể và nhân dân về kinh tế tập thể. Trước hết cần nhận thức đúng, đầy đủ về bản chất, vị trí, vai trò và tầm quan trọng của kinh tế tập thể trong nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở nước ta. Trong thời gian tới, cần quan tâm đúng mức đến công tác phổ biến sâu rộng kiến thức về kinh tế tập thể tới các tầng lớp nhân dân. Đổi mới toàn diện về hình thức, phương pháp, nội dung, công cụ tuyên truyền về kinh tế tập thể; tránh tuyên truyền sơ lược, mang tính hình thức.
Tổ chức tuyên truyền sâu rộng đến toàn hệ thống chính trị, các tầng lớp nhân dân, đặc biệt khu vực kinh tế tập thể, hợp tác xã về tinh thần Nghị quyết Trung ương 5 khóa XIII về tiếp tục đổi mới, phát triển và nâng cao hiệu quả kinh tế tập thể trong giai đoạn mới; về ý nghĩa, tầm quan trọng của Luật hợp tác xã năm 2023; nắm chắc và hiểu rõ nội dung, phạm vi điều chỉnh các điều Luật, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật để vận dụng vào thực tiễn phát triển và hoạt động của mô hình kinh tế tập thể, hợp tác xã theo đúng chủ trương, đường lối của Đảng; Quyết định số 182/QĐ-TTg ngày 20-02-2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp đến năm 2030” với những mục tiêu cụ thể. Đồng thời, phối hợp với Liên minh Hợp tác xã Việt Nam thông tin, tuyên truyền đến Liên minh Hợp tác xã quốc tế (ICA), phong trào hợp tác xã các nước, các tổ chức quốc tế trong và ngoài nước về Luật hợp tác xã năm 2023 để hiểu rõ luật pháp của Việt Nam về kinh tế tập thể, hợp tác xã, qua đó thu hút, tạo sự quan tâm, giúp đỡ, hỗ trợ trong phát triển kinh tế tập thể, hợp tác xã ở nước ta.

Mô hinh trồng dưa lưới CNC Kim Long (An Bình, Phú Giáo, Bình Dương). Ảnh Tiến Hạnh
Nâng cao trình độ, năng lực đội ngũ cán bộ và các chủ thể tham gia kinh tế tập thể. Đưa ra chính sách cụ thể và bố trí nguồn lực thực hiện để dẫn dắt, huy động các nguồn lực khác, tập trung đào tạo, huy động nhân lực chất lượng cao cho kinh tế tập thể. Nâng cao tính minh bạch, hiệu quả trong quản lý, điều hành kinh tế tập thể nhằm tạo động lực cho khu vực kinh tế tập thể phát triển, trong đó chú ý tới các vấn đề về kế toán, kiểm toán; chuyển đổi số thích ứng với Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, thích ứng biến đổi khí hậu.
Tăng cường ứng dụng khoa học công nghệ, nhất là công nghệ cao, công nghệ số, phát triển kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế tri thức, nâng cao trình độ quản trị đáp ứng yêu cầu thị trường, từ đó, xây dựng các mô hình hợp tác xã kiểu mới phù hợp với bối cảnh cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, hội nhập kinh tế quốc tế và chuyển đổi số. Hỗ trợ người dân tiếp cận vốn tín dụng, xây dựng thương hiệu, các chính sách thuế, chính sách tín dụng. Tăng cường liên doanh, liên kết, xây dựng thương hiệu sản phẩm theo chuỗi và theo thế mạnh từng khu vực, vùng miền. Tăng cường hợp tác quốc tế về phát triển kinh tế tập thể; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho kinh tế tập thể để đóng góp nhiều hơn nữa cho nền kinh tế trong giai đoạn mới.
Phát huy vai trò của Hội Nông dân Việt Nam là trung tâm, nòng cốt cho các phong trào nông dân trong phát triển kinh tế nông nghiệp, xây dựng nông thôn mới và bảo vệ môi trường, đặc biệt vai trò của Hội trong việc tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp. Đẩy mạnh thông tin, tuyên truyền, tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nhận thức, vận động, thu hút hội viên, nông dân tích cực tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp. Củng cố, nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của các HTX nông nghiệp do Hội Nông dân vận động, hướng dẫn, hỗ trợ thành lập. Tư vấn, hướng dẫn, hỗ trợ hội viên, nông dân thành lập, phát triển các HTX nông nghiệp, mở rộng đối tượng tham gia. Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực của tổ chức kinh tế tập thể trong nông nghiệp; chất lượng công tác chỉ đạo, điều hành và tham gia hỗ trợ phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp của Hội Nông dân các cấp; Tăng cường hợp tác quốc tế về phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp.
Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phối hợp của chính quyền, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, các tổ chức chính trị - xã hội và các hội quần chúng với Hội Nông dân trong việc phát triển kinh tế tập thể. 
Tài liệu tham khảo:
(1) Đảng Cộng sản Việt Nam: Văn kiện Hội nghị lần thứ năm Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, Hà Nội, 2022, tr 126;
(2) Cổng thông tin điện tử Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Phát huy hơn nữa vai trò của kinh tế hợp tác, hợp tác xã trong nền kinh tế;.
Nghị quyết số 46-NQ/TW ngày 20-12-2023 của Bộ Chính trị về đổi mới, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới;
Thủ tướng Chính phủ: Quyết định số 182/QĐ-TTg ngày 20-02-2024 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Hội Nông dân Việt Nam tham gia phát triển kinh tế tập thể trong nông nghiệp đến năm 2030”.

Tin cùng chuyên mục
Tin khác