Huyện Điện Biên: Xây dựng nông thôn mới góp phần nâng cao chất lượng giáo dục
Cùng chung tay giải quyết các tiêu chí khó
Ông Đặng Quang Huy – Trưởng phòng Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Điện Biên cho hay: Ngay từ những ngày đầu triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia XDNTM trên địa bàn huyện, ngành Giáo dục và Đào tạo đã chủ động, tích cực vào cuộc với quyết tâm cao để hoàn thành 2 tiêu chí số 5 (Trường học) và số 14 (Giáo dục và Đào tạo).
Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Điện Biên cùng với các trường học trên địa bàn đã chủ động rà soát tình thực tế để có được cái nhìn tổng quát nhất về 2 tiêu chí này. Kết quả rà soát cho thấy, khó khăn nhất chính là về cơ sở vật chất ở tiêu chí số 5 và tỷ lệ học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở tiếp tục học lên trung học (phổ thông, GDTX, trung cấp) ở tiêu chí số 14.
Để giải quyết những khó khăn đó, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Điện Biên đã chủ động mưu với UBND huyện Điện Biên để bố trí các nguồn vốn nhằm đầu tư xây dựng, nâng cấp, cải tạo cơ sở vật chất và bổ sung đồ dùng, trang thiết bị dạy học, đồ chơi… cho các trường, trong đó ưu tiên những trường trong kế hoạch xây dựng trường đạt chuẩn quốc gia.
Phòng cũng đã chủ động phối hợp với UBND các xã và các phòng, ban của huyện Điện Biên để tham mưu cho UBND huyện mở rộng diện tích đất ở các trường nhằm đảm bảo diện tích đất đạt chuẩn và có vị trí thuận lợi để xây dựng cơ sở vật chất (trong 15 năm qua đã mở dộng diện tích cho 40 nhà trường với tổng diện tích được mở rộng 35.000 m2).
Cùng với những hoạt động trên, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Điện Biên và các Nhà trường trên địa bàn đã thực hiện rất tốt công tác xã hội hóa giáo dục, huy động được nhiều nguồn lực để xây dựng cơ sở vật chất. Từ năm 2013 đến nay đã huy động được trên 80 tỷ đồng (trong đó các tổ chức, cá nhân, nhà hảo tâm, doanh nghiệp đã ủng hộ trên 50 tỷ đồng để xây dựng cơ sở vật chất, người dân đã đóng góp hàng chục nghìn ngày công, trên 600m3 cát, sỏi, đá. Một số doanh nghiệp, đơn vị tiêu biểu Tổng Công ty Đầu tư Phát triển nhà Hà Nội và Tổng Công ty Du lịch Hà Nội hỗ trợ xây dựng Trường Mầm non số 2 Sam Mứt; Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam hỗ trợ xây dựng phòng học, phòng công vụ cho Trường THCS Võ Nguyên Giáp; Bộ quốc phòng hỗ trợ xây dựng phòng ở bán trú cho Trường PTDTBT TH Pu Lau xã Mường Nhà…).
Từ đó,khuôn viên các trường học trên địa bàn huyện Điện Biên đã ngày càng xanh-sạch-đẹp; nhiều phòng học chức năng, phòng công vụ, phòng học, phòng ở bán trú cho học sinh đã được kiên cố, tạo điều kiện để các em học sinh yên tâm đến lớp, đến trường. Tính đến nay, đã có 20/21 xã trên địa bàn huyện Điện Biên đã đạt tiêu chí số 5 về "Trường học" và 21/21 xã đạt tiêu chí số 14 về "Giáo dục và Đào tạo".
Chất lượng giáo dục ngày một nâng cao
Để góp phần thực hiện Chương trình XDNTM trên địa bàn, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Điện Biên đã luôn tạo điều kiện cho các cán bộ, giáo viên, nhân viên của các nhà trường trên địa bàn tham gia các lớp bồi dưỡng nhằm đạt chuẩn, trên chuẩn để nâng cao hiệu quả trong công tác quản lý và dạy học. Phòng pố trí đủ giáo viên các bộ môn, xây dựng lực lượng giáo viên nòng cốt, củng cố bộ máy tổ chức trong nhà trường theo điều lệ của trường học.
Từ đó, các cán bộ, giáo viên ở các trường học trên địa bàn huyện Điện Biên đã hiểu rõ về chương trình XDNTM, có nhiều đóng góp tích cực cho chương trình; trong quá trình nên lớp các giáo viên đã chủ động tích cực thực hiện cải tiến phương pháp dạy học, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và dạy học...
Chương trình XDNTM ở huyện Điện Biên đã làm thay đổi toàn diện ngành Giáo dục và đào tạo tại địa phương: Các trường, lớp học trên địa bàn được đầu tư xây dựng khang trang, sạch đẹp, cán bộ, quản lý, giáo viên thì được đào tạo kịp thời đầy đủ… Chính vì vậy, chất lượng giáo dục của huyện Điện Biên ngày càng đạt kết quả tích cực: Số lượng học sinh giỏi, học sinh năng khiếu năm sau luôn cao hơn năm trước; 100% trẻ 5 tuổi hoàn thành chương trình giáo dục mầm non; tỷ lệ học sinh chuyển lớp hàng năm ở tiểu học và trung học đạt 99,2%; tỷ lệ hoàn thành chương trình tiểu học đạt 99,8%, tốt nghiệp THCS đạt 99,5%). Trong 10 năm trở lại đây, địa phương này có trên 4.000 học sinh đạt học sinh giỏi cấp huyện, tỉnh; có hàng nghìn học sinh đạt giải trong các cuộc thi cấp huyện, cấp tỉnh và huyện Điện Biên luôn là một trong hai đơn vị dẫn đầu về các hoạt động trong khối các huyện, thị trong tỉnh Điện Biên.
“Để đạt được tiêu chí về giáo dục và đào tạo đã khó, nhưng việc giữ vững được các tiêu chí lại càng khó, bởi huyện Điện Biên vẫn là huyện còn nhiều khó khăn, đời sống của người dân vẫn còn nghèo, việc huy động xã hội hóa còn hạn chế. Trong khi đó, yêu cầu về cơ sở vật chất trường đạt chuẩn quốc gia ngày càng cao, dẫn tới cơ sở vật chất của một số trường chưa đáp ứng được yêu cầu, một số cơ sở trường lớp đã đầu tư từ lâu, nay cũng xuống cấp nhiều. Chính vì vậy để giữ vững được những kết quả đã đạt được trong thời gian tới, Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Điện Biên rất mong nhận được sự quan tâm hơn nữa từ ngành Giáo dục tỉnh Điện Biên, UBND huyện Điện Biên cùng các ngành liên quan, các đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp…” - ông Huy chia sẻ.
Trên địa bàn huyện Điện Biên đã có 21/21 xã đạt chuẩn phổ cập giáo dục MN TNT, phổ cập GD TH mức độ 3, phổ cập GD THCS mức độ 3, xóa mù chữ mức độ 2; 59/65 trường đạt chuẩn quốc gia; 20/21 xã đạt tiêu chí số 5 về trường học; 21/21 xã đạt tiêu chí số 14 về Giáo dục và Đào tạo. |